Áp thấp về giữa tháng Ba đổ nắng. Trời tưởng dìu dịu, ui ui để mùa hè gắt gỏng tạm nghỉ ngơi đôi ba bữa trước khi kéo cơn nóng tiếp tục chạy băng băng qua. Dè đâu sau vài chập nắng ủ ê, vài đợt gió bấc trở ngược bồn chồn lành lạnh, thì thình lình mưa đến.
Lúc đầu chỉ là những hạt rây rây như phủ bụi qua mặt đường lỗ chỗ đám ổ gà. Rồi dần dần thành tấm màn nước đồm độp gõ trên mái tôn mỗi lúc một mau hơn. Cố kéo hẳn bao đậu xanh mới hái thấm nước nặng trịch lên bậc thềm đương đổ đống mớ trái xanh đen lẫn lộn, vỏ bê bết đất, chị loạng choạng, chút nữa trợt trên nền xi măng trơn nhẫy té nhào.
“Coi chừng chớ! Nhà trơn!” – Người đỡ chị vẫn còn để nguyên bàn tay trên vai áo ướt mèm, nhìn chị như cách chị nhìn con gái mỗi lần thấy nó cà nhắc về đưa mẹ coi cái đầu gối té trầy lởm chởm. Bối rối, chị nghe tiếng mình lí nhí trong cổ họng:
“Ủa, Nam mới qua chơi?”.
Người đàn ông không trả lời, lom khom trút hết bao đậu rồi đi tới đi lui gạt gạt chân để san đều ra các mặt thềm. Chừng ngó lên, thấy chị còn xớ rớ bên cánh cửa, giũ giũ ống quần dài mèm mẹp nước, anh nhăn mặt vẫy vẫy cái tay: “Nhím đi thay đồ đi! Nhiễm nước bệnh bây giờ. Để cho tôi…”.
Quay lưng vô trong mà tự dưng chị thấy run run người. Không phải vì cơn lạnh len lỏi qua từng lỗ chân lông sau cả buổi trời dầm mưa hái đậu. Cả đám đậu mênh mông, cây tiếp cây đầy đặc trái, lọt thỏm những màu xanh rợn ngợp, chị thấy mình như người đuối sức mà vẫn ráng bơi. Không ráng sao được. Tivi báo rồi, áp thấp đã mạnh dần lên thành bão. Những ngày mưa gió ắt hẳn còn dầm dề. Sinh ra, lớn lên rồi lấy chồng, đi gần nửa cuộc đời eo đất nắng đổ lửa, mưa thối cát này chị còn lạ gì những độ triền miên mưa bão.
Chỉ không ngờ trời lại đổ nước khi còn mới dạo tháng Ba. Đám đậu vào mùa cũng không ngờ ngày mưa gió, trái chín ngậm nước đầy, nhũn nhoẹt. Tiền hứa mua xe đạp cho Cà Na, tiền định gởi mẹ uống thuốc tháng này, vậy là không tự túc được. Tiếc công, tiếc của, đợi con gái đi học, chị phăm phăm ra hái được chút nào hay chút đó. Cà Na về, thấy thềm nhà ướt rượt đậu phơi, càm ràm mẹ, giọng hệt bà già: “Mẹ tiếc chi không biết nữa. Lỡ bệnh, uống thuốc tốn tiền cũng vậy à!”.
Anh chắc cũng nghĩ y như Cà Na nên hai bữa liền chị phơi đậu thấy anh cứ đứng bên kia hàng rào nhìn qua, khe khẽ lắc đầu. Bộ thấy chuyện chị làm gai mắt hết chịu nổi hay sao mà giờ bày đặt qua đây, đỡ được chị khỏi một lần suýt té. Dội ào ào ca nước lạnh ngắt lên cần cổ trắng ngần, chị ngạc nhiên nhận ra mình vẫn đang tiếp tục run lên. Không vì lạnh. Mà vì như lên cơn sốt. Chạm lên bên vai vừa được giữ chặt bởi một bàn tay, chị đắp nước lên bờ vai trần còn nguyên cảm giác hầm hập nóng rẫy. Làn nước không trôi đi mà đẩy dồn cơn nóng xuôi xuống.
Trong gương, chị xấu hổ nhận ra bầu ngực mình vồng lên, căng mẩy. Bên ngoài, chỉ cách một lần cửa mỏng manh, đôi mắt người đàn ông đang chăm chắm vào màn mưa xoa xóa trời hay những kẽ nứt chạy dọc trên thớ gỗ. Một lớp nước lại trôi xuống. Lâu lắm rồi chị mới nghe có người gọi tên mình. Mẹ một tiếng hai tiếng cũng con Út. Chồng mở miệng là mẹ Cà Na. Hàng xóm theo thứ bậc chồng, người kêu chị Ba rồi cô Ba. Riết rồi chị cũng không nhớ mình có cái tên nghe tua tủa đầy gai góc ra như thế.
Mà cũng phải, có ai nhớ đến cô nhỏ Nhím tóc thắt con rít thả hai bên ở xóm trên, chiều chiều hay đạp xe qua bên này chở nước. Ai mà nhớ cô gái Nhím áo dài trắng bay bay, tha thướt cắp cặp ngược gió mỗi ngày đến trường. Có nhớ, người ta chỉ nhớ cô dâu Nhím ôm hoa lạy bàn thờ mà mắt sưng húp, phấn son lem nhoèn nhoẹt. Hay vợ Ba Cần, người đàn bà tướng nhỏ chút mà tay chân lúc nào cũng tất bật, túi bụi lo đủ thứ chuyện trong ngoài. Có ai được người khác gọi tên mình mà nghèn nghẹn vui mừng như chị thế này không. Xa lơ xa lắc rồi, ngày nào chị không nghe người ta gọi Nhím à, ơi Nhím.
- Xem thêm: Chiều mưa
Nhà hai đứa sát vách, hồi nhỏ làm biếng đi vòng ra cửa ngõ toàn vạch một cái lỗ dưới chân rào, chui qua chui lại rủ đi chơi. Lớn lên cũng quen cái nết đứa bên này đứa bên kia hàng rào dóng cổ nói qua, chỉ có điều đôi lúc vô tình chạm mắt nhau, không hẹn mà hai ánh nhìn đều lập tức giãy ra, giả đò lơ đãng. Phải hồi mẹ bắt chị lấy chồng anh đừng ngồi rịt bên bàn học, lảm nhảm đọc tới đọc lui cuốn sách luyện thi như nhà tu tụng bài kinh an trí tĩnh tâm. Cũng không trách được gì. Mười tám tuổi, có đứa con trai nào sẵn sàng đèo bòng thêm cái gánh gia đình. Trách là trách chị. Sao cứ điềm nhiên bước chân vào cái vòng tròn vạch sẵn mà không chút vẫy vùng, bứt thoát.
Người đàn ông vẫn hong mắt vào cơn mưa mờ mịt bên ngoài lúc chị đẩy cửa, lắc đám tóc dài sũng nước. Ngôi nhà nhỏ chật chội dồn nén mùi xà bông thơm thảng qua từng ngóc ngách. Người đàn ông dứt ánh nhìn ra khỏi màn mưa. Chị ngồi xuống. Chưa bao giờ gần anh đến vậy. Ngày thơ bé hồn nhiên, thời con gái hay mắc cỡ thẹn thùng, có bao giờ chị nhìn được anh lâu và sâu như lúc này. Những góc cạnh đàn ông trên khuôn mặt, sống mũi gồ lên sau cặp kính, bàn tay thon với những ngón dài. Một cái gì nao nao xắn vào chị rối rắm, xốn xang.
“Ai mà dè Nam dạy chung trường với chồng chị Nâu trên đó ha!” – Chị giả lả cười, cố lăng lắng bớt nhưng hai chữ “ai dè” vuột ra vẫn nghe như tranh trách, lẫy hờn. Cũng gọi là cùng quê, chẳng lẽ chồng chị Nâu chưa khi nào nhắc về nhà sát cạnh có cô con dâu người chung xóm với anh. Cũng đâu xa xôi gì mà đằng đẵng bằng ấy năm không một lần chị thấy anh tình cờ ngang qua trước ngõ. Mấy lần về thăm mẹ, nhìn vách tường xây cao ngất thay chỗ hàng rào lưa thưa bò hàng dâm bụt độ nào, chị chợt nghĩ lỡ anh có về bên kia nhà, ở bên đây chị cũng đâu thấy được dáng người.
Ai đời vòng vòng một rẻo đất gió hắt gió hiu mà chị với người ta đi hoài, đi mãi vẫn biền biệt tăm nhau. Để chừng tình cờ gặp lại, ngỡ ngàng lục trong trí nhớ bề bộn tự hỏi: phải trước mắt mình người bên nhà hàng xóm hồi xưa không. Phải vợ chồng chị Nâu không đưa bọn nhỏ về quê, nhờ anh sẵn nghỉ phép qua coi ngó giùm nhà cửa mấy ngày, chắc gì chị thấy lại nụ cười tưởng quên mất đâu rồi.
Thì ra với chồng chị Nâu, anh cũng chỗ thân thiết, vậy mà có bận nào thấy anh đến chơi nhà. Hay là anh sợ gặp chị, sợ cái cảnh chị lếch thếch lôi thôi tay bồng tay bế. Muốn hỏi anh ghê gớm nhưng chị chỉ lẳng lặng nụ cười, ngồi nghe anh kể chuyện gần chục năm bươn bả làm người thành phố. Gần chục năm những cuộc tình đến rồi đi, có lưu luyến, có chóng vánh vội vàng. Đàn ông qua ba mươi, đã bắt đầu cảm thấy lạnh lẽo thấm trong những chiều không nhậu nhẹt, lui cui tự nấu bữa ăn trong cái bếp lạnh tanh.
“Tại Nam kén. Chớ con gái bây giờ đâu thiếu gì người tốt…” – Chị dở chừng câu xuôi xuôi theo đà câu chuyện, vì giọng người đối diện một thoáng tha thiết, chùng chình:
“Tốt thì tốt thiệt, nhưng quen mà không có cảm giác thì phải làm sao. Trước giờ hình như tôi chỉ thương được mỗi một người. Nhím biết mà…”.
Sau cặp kính trắng, đôi mắt đang nhìn chị chợt bùng lên ngọn lửa. Lửa tràn trên khuôn mặt với những góc cạnh rất đàn ông, dấy lại cơn run rẩy thẳm sâu trong từng ngóc ngách cơ thể và tâm hồn chị. Lửa truyền từ những ngón tay thanh mảnh thuôn dài, ấm áp trùm lên bàn tay nhỏ lạnh cóng chị để trên đùi. Trong ngật ngầy hơi ấm sực, chị không rút tay ra, ngước lên và lập tức chảy tan ra những mảnh lý trí cuối cùng.
- Xem thêm: Nước trắng xóa đồng…
Vòng tay người đàn ông siết chặt, chặt dần. Mùi cơ thể đẫm hơi mưa, mùi tóc, mùi thuốc lá ngây ngây trong vòm miệng ướt át trơn mềm. Chị thấy lại mình thời ngây ngô con nít, ỏn ẻn cười trước cây kẹo người bạn hàng xóm cho mút chung. Chị gặp lại mình cô gái tóc thắt rít mười bảy tuổi, nem nép sau tấm lưng rộng nồng mồ hôi một bữa tan trường trời mưa anh cho quá giang xe. Người đàn ông của nhiều năm trước, rồi nhiều năm trước nữa lẽ ra phải thuộc về chị, giờ đang quyện vào chị, tan ra cùng chị trong thứ lửa mê đắm đến điên cuồng.
“Mẹ ơi!”.
Tiếng gọi mỏng tang mà nhọn hoắt xuyên thủng màn mưa gió, rành rọt trỗi lên giữa những thanh âm dồn dập lào xào trên sóng mái tôn. Bàn tay người đàn ông trên người chị ngừng lại. Hai ánh mắt chạm nhau. Thảng thốt. Bàng hoàng. Ngọn lửa tắt lịm, không vết tích, dù chỉ một vệt đuôi ám khói. Sửa lại tấm áo xộc xệch, chị lao ra bậc thềm. Sân nhà vắng ngắt. Cửa ngõ vẫn còn nguyên chốt cài, nước lênh láng chảy dọc những ống sắt đen sì. Cà Na đâu? Con vừa gọi chị đó thôi.
Trong mưa gió, trong cơn mê muội trỗi lên vì bản năng đàn bà, chị đã nghe rõ ràng tiếng con gọi “Mẹ ơi!”. Nước mắt tự dưng túa ra, chị khóc ồ lên bên cánh cửa tuôn nước ròng ròng. Người đàn ông lặng phắt trên bậc thềm ngó ra, không dám gọi, không dám chạy đến một lần nữa giữ chặt bờ vai bé nhỏ. Dưới màn mưa, chị vẫn ngửa mặt khóc ròng như muốn mượn nước trời tẩy hết vết nhơ giữa cõi lòng dông bão. Ngoài hàng rào, mấy đứa trẻ nhà đối diện chạy tắm mưa trên khoảng sân loáng nước, chốc chốc lại ré lên khoan khoái: “Mát quá. Mát quá. Mẹ ơi!”.
Cà Na hớn hở: “Tivi mới kêu bão qua hết rồi. Đám đậu mẹ vậy là được cứu, mẹ mừng rồi ha!”.
Chị khẽ gõ đầu con: “Có cô mừng vì sắp được xe đạp mới đi học thì có”.
Con nhỏ tít mắt, nhanh tay phụ mẹ gom vạt đậu khô rơi mấy hạt tròn xanh ngắt, miệng liếng thoắng không ngừng: “Mẹ. Mai gọi ba nha! Con sẽ khoe ba mình có tiền mua xe đạp rồi, ba khỏi gởi. Để dành tiền mai mốt mua vé máy bay về nữa, mẹ ha! Bà ngoại nói tại vé mắc quá nên cả năm ba về được có một lần. Chán gì đâu. À, mà mẹ hối lộ con gì đi. Con mà méc ba là mẹ dầm mưa hái đậu thế nào mẹ cũng bị la. Ba nói rồi hễ mẹ mê làm, không lo giữ sức khỏe thì cứ gọi điện méc ba. Mẹ hối lộ con đi!”.
Sàng nhanh hơn cái nia lớn đầy những hạt tròn xanh lẫn lộn đám mảnh vỏ đen đen, chị nghĩ đến người chồng vắng nhà. Cuối năm là hết kỳ hạn xuất khẩu lao động rồi, biết anh có định bám trụ lại xứ người hay về hẳn với hai mẹ con. Có anh ở nhà dù sao chị cũng đỡ cực nhiều.
Cái nia lớn vẫn làm những lần lên, xuống, lắc ngang đều đặn nhịp nhàng. Đèn nhà bên còn chong sáng đến bao giờ. Đành thôi. Có con đường đã đi là không thể ngoái đầu. Đành thôi. Cứ coi như là vừa đi qua một đợt áp thấp giữa mùa khô.