Cuối năm có rất nhiều tiệc, nào là tất niên, Noel, tết Tây, tiệc cưới dồn dập! Đó là cơ hội một số bệnh xương khớp “rình rập” chúng ta trên con đường ẩm thực. Chuyện tưởng cũ, nhưng tuyệt cần đề phòng.
Tăng acid uric và gút
Công đầu phát hiện người bị gút thường thuộc về… các bạn nhậu. Chỉ cần một anh sưng giò đi cà nhắc sau vài chầu nhậu là chiến hữu phán liền “coi chừng bị gút, khám bác sĩ đi!”. Trúng phóc 99%. Hóa ra kiến thức về gút bây giờ đã được phổ biến đến từng góc… bàn, người bị gút trước truyền lại kinh nghiệm “đau đớn” cho người sau.
Thủ phạm “đồ lòng, đồ biển” lập tức tinh giản khỏi thực đơn nhậu. Chuyển sang thịt cầy tưởng êm, một thời gian sau cũng bị gút. Đổi qua dê, bò, thịt rừng chẳng thấy khá hơn bèn thay bằng rùa, rắn xem sao, ai dè đụng gút thuộc hàng “sư phụ” luôn. Hoảng!
Mồi nhậu “bén” đa số rất bổ, giàu đạm, đặc biệt là đạm purin, chặng cuối quá trình chuyển hóa tạo thành acid uric không tan, chờ thận xử lý thành chất tan theo nước tiểu thải ra ngoài. Vấn đề gay go ở chỗ nhậu là phải lai rai, “độ” là phải nhiều nơi, rốt cuộc ăn gấp ba bốn lần bình thường, thận “ngợp” không giải quyết kịp cho nên acid uric dồn lại làm tăng nồng độ trong máu, theo máu lang thang khắp cơ thể rồi lắng đọng trong các khớp. Khớp ngón chân cái thường bị nhất vì ở thấp nhất, đôi khi acic uric chơi ác đóng thành cục ở dưới… mông, ngồi đau hơn hoạn.
- Xem thêm: 4 thói quen xấu gây ra bệnh xương khớp
Tình trạng tăng acid uric máu là dạng tiềm ẩn, có thể không đau. Khi bị viêm khớp đau dữ dội do tinh thể acid uric lắng đọng gọi là cơn gút cấp. Lúc đầu lâu lâu mới bị gút cấp một lần, đau vừa phải, có thể tự hết. Về sau không chịu kiêng khem gút bị thường xuyên hơn trở thành mãn tính, lâu nữa sẽ được “thưởng” mấy cục tophy chứa đầy tinh thể acid uric tồn tại vĩnh viễn, dù có uống thuốc cũng không tan. Hãi!
Thực ra người bị gút riết cũng thích nghi một phần, chỉ còn thấy đau ê ê thôi. Bác sĩ mới là người sợ hãi khi nhìn qua ống kính nội soi, tinh thể acid uric đẹp óng ánh như xà cừ, đóng thành từng mảng lởm chởm giữa bề mặt sụn khớp như những rặng san hô dưới đáy biển. Sụn mềm hơn nên bị cào dập, bong tróc khi khớp vận động gây ra tình trạng sưng đau như chúng ta thường thấy. Trái thận mà bị đóng cục như thế là… bít cửa!
Các ông bị gút thường rủ nhau chơi tennis, chạy bộ để trị gút. Nhưng xin lưu ý tinh thể acid uric trong khớp như cát đá trong bạc đạn, vận động nhiều quá có thể mau chóng phá hỏng bề mặt khớp. Mặt khác vận động thể lực mạnh làm tăng chuyển hóa cũng sinh ra thêm acid uric, đồng thời các khớp từng bị gút dễ chấn thương quá tải hơn bình thường.
- Xem thêm: Gút, căn bệnh thời đại
Để phòng ngừa đơn giản nhất chúng ta chỉ ăn vừa phải thực phẩm giàu đạm, và giảm ít hơn nữa nếu đang bị gút. Thuốc uống cũng cần thiết để tránh các biến chứng trên thận và khớp. Một số ông nghĩ ra “mẹo” uống thuốc trước khi nhậu sẽ coi như “huề” không bị gút, thế nhưng đa số thuốc trị gút đạt nồng độ đỉnh trong máu chỉ hai giờ sau khi uống, mà ít có cuộc nhậu nào ngắn ngủi như thế, acid uric tạo ra cũng phải mất nhiều giờ sau đó, cho nên uống thuốc hiệu quả nhất vẫn là sau khi ăn.
Bia rượu
Một ít men nồng giúp ngày xuân thêm ấm áp. Nhấm tí rượu vang mỗi ngày giúp phòng ngừa bệnh tim mạch. Chút rượu thuốc giúp các cụ bớt đau nhức khớp. Một chai bia giúp lợi gan mật, tiêu hóa thức ăn, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. Cốc rượu “ngâm” có thể làm “ông uống, bà khen”. Dùng ít bia rượu mỗi ngày còn giúp phòng ngừa một số bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), sỏi mật, phì đại tuyến tiền liệt, tiểu đường…
Thức uống có cồn cũng như thuốc, dùng đúng liều, có giới hạn đem lại tác dụng trị bệnh, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên nếu dùng quá liều thì coi chừng trở thành… thuốc độc!
Đối với hệ vận động, cồn ảnh hưởng lên cả thần kinh trung ương và các cơ khớp. Người say thường đi lảo đảo rất dễ nhận ra, té lên té xuống, đi lòng vòng hết biết đường về. Kinh nhất là khi té xuống rồi nhiều anh “khò khò” luôn tại chỗ, bất kể đang ở giữa đường hay nắp cống! Đó là do lượng cồn tăng cao trong máu gây ức chế tiểu não, mất thăng bằng, mất định hướng lực, đồng thời cũng dễ… mất đồ luôn.
Khi uống nhiều cơ bắp bị nhão, không còn sức và trương lực cơ. Rượu vang, rượu chát vô địch về khoản này, ngấm từ từ rất êm mà dân nhậu gọi là “ru ngủ”, có thể bị “rớt” bất ngờ giữa đường hay tại cửa quán. Chưa hẳn đã say mòng mòng mà mi mắt cứ sụp xuống, tay chân bủn rủn không trụ vững, cho nên chạy xe thì còn cố được nhưng hễ thắng lại chống chân là té ngã. Vì vậy chúng ta cần tránh dùng rượu bia khi tham gia giao thông để thêm an toàn cho bản thân và mọi người.
- Xem thêm: Ăn uống cẩn thận để tránh bệnh gout
Nhiều bác chơi thể thao thích lai rai sau bữa tập cho tăng tinh thần đoàn kết mà không biết đã vô tình làm giảm rất nhiều sự hồi phục cần thiết cho cơ thể thông qua nước uống, dinh dưỡng và nghỉ ngơi. Nếu thường xuyên như thế cơ thể sẽ quá tải và đuối sức dần. Ngược lại, uống bia rượu vào rồi chơi thể thao là làm… mồi ngon cho chấn thương. Hãy kiên nhẫn đợi khoảng bốn giờ sau buổi tập mới được nâng ly.
Ngày cuối năm nói chuyện ăn uống còn nhiều, chỉ xin mọi người cùng nhau giữ gìn sức khỏe để đón một mùa xuân sắp sang.