“Ăn trước trả sau” không phải là khái niệm gì xa lạ, ai trong chúng ta cũng đã biết hoặc vận dụng. Vào một hàng quán nào đó, bạn xem thực đơn rồi gọi món ăn, thức uống. Ăn uống xong, bạn gọi người tính tiền và trả tiền, vậy đó không phải ăn trước trả sau hay sao? Mặt khác, đối với một cá nhân hay hộ gia đình, “ăn trước trả sau” còn bao hàm ý vay nợ nhằm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trước mắt, sau đó lấy thu nhập của những ngày sau để trả lại.
Cách làm này rất phổ biến ở các nước phát triển, thể hiện thông qua hình thức dùng thẻ ghi nợ của ngân hàng để chi dùng sinh hoạt hằng ngày, để mua xe, mua nhà trả góp… Nếu được sử dụng một cách hợp lý, có tính toán, không lạm dụng việc “ăn trước” quá khả năng chi trả thì hình thức trả sau như vậy giúp tăng sức mua của nền kinh tế, qua đó kích thích sản xuất, xã hội phát triển. Ngược lại, nếu cứ “ăn trước” vô tội vạ, sau đó không thể trả lại tiền đúng hạn hay thậm chí không có khả năng chi trả thì nhiều hệ lụy sẽ xảy ra, cá nhân thì kiệt quệ tài chính, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng. Một khi người người, nhà nhà đều “ăn trước” như vậy, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính – ngân hàng của cả một nền kinh tế.
Trên bình diện quốc gia, “ăn trước trả sau” mang tầm vóc lớn hơn và vì vậy “ăn trước” quá khả năng chi trả có thể gây ra nhiều nguy hại khó lường. Cụ thể, khi bị thiếu hụt tiền trên thị trường, để có thêm tiền, Nhà nước có thể phải phát hành thêm tiền hay trái phiếu, nhưng cách làm như vậy thường kém hiệu quả vì thặng dư do tăng trưởng kinh tế không đủ sức bù đắp. Trạng thái xấu đó nếu kéo dài từ năm này qua năm khác sẽ làm lạm phát gia tăng, sức mua của đồng tiền giảm, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Hậu quả là niềm tin của người dân đối với giá trị của đồng tiền bị giảm, ngân hàng gặp khó trong việc huy động vốn, phải đẩy lãi suất vay cao lên, dẫn tới lãi suất cho vay cao theo. Ở mắt xích kế tiếp, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng và nếu vay được thì phải trả lãi vay cao, kết cục là giá thành sản phẩm của doanh nghiệp bị đội lên, hàng hóa trở nên đắt đỏ, người tiêu dùng không mua, xảy ra tình trạng hàng ứ đọng trong kho, sản xuất – kinh doanh bị đình đốn, nền kinh tế quốc gia bị trì trệ. Nếu nguồn tài chính quốc gia hằng năm chi cứ lớn hơn thu thì nền kinh tế bị trì trệ kéo dài và đó chính là tình hình của nhiều nước phát triển hiện nay như châu Âu, Mỹ, Nhật… Hậu quả nhãn tiền của thói ăn trước trả sau quá đà là vậy.
Một quốc gia dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế thì trước mắt có thể thu được lợi ích nhất định, nhưng rồi sau một thời gian, tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường càng ngày càng xấu đi thì các thế hệ kế tiếp sẽ không còn gì để khai thác, đồng thời phải sống trong môi trường bị hủy hoại, ẩn chứa biết bao nguy cơ, tương lai của đất nước sẽ vô cùng mờ mịt. Đó là kiểu “ăn trước trả sau” làm mất cả nguồn sống của con cháu.
Một xã hội nếu không giữ được nền tảng đạo đức, văn hóa tốt đẹp được tích lũy từ bao đời, để người dân sống theo bản năng và đua theo bầy đàn mua sắm, chạy theo nhu cầu vật chất bằng mọi giá thì lối “ăn trước trả sau” đó không chỉ nạo vét hết tài nguyên thiên nhiên, mà còn ăn cả vào vốn xã hội mà ông cha để lại. Không sớm thì muộn, xã hội sẽ bị rối loạn về giá trị. Mọi người sẽ mất niềm tin với mọi giá trị về tinh thần, mất niềm tin lẫn nhau, ngay cả những người thân trong một gia đình cũng sẽ không tin nhau nữa.
Trên bình diện toàn thế giới hiện nay, xu thế toàn cầu hóa khiến mọi nước đều không thể không hòa nhập vào dòng chảy chung. Do đó, các nước đã phát triển hay đang phát triển đều đua nhau tranh giành thị trường, đua nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên, đua nhau tạo ra hàng hóa tiêu dùng xa xỉ, gây lãng phí của cải vật chất. Mặt sau của cái gọi là “văn minh” thời hiện đại đang xóa dần đi màu xanh của Trái đất, biến rừng núi, sông ngòi, biển cả thành sa mạc và những kim tự tháp rác. Không những ăn hết tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất, con người hiện đại còn ăn cả ông Trời: khí thải công nghiệp và khí thải xe hơi khiến tầng ozon bảo vệ Trái đất đã bị thủng một lỗ lớn bằng diện tích cả nước Mỹ và sẽ còn rộng hơn nếu không có biện pháp ngăn chặn. Phải chăng đó là kiểu “ăn trước trả sau” mà kẻ nhanh chân ăn trước, nhưng người đi chậm lại phải chịu trả, mà trả ngay trong thời gian rất ngắn với giá rất đắt? Đây là nghịch lý lớn trên thế giới có từ thế kỷ XX xuyên sang thế kỷ này nhưng chưa thể xử lý được vì kẻ ăn trước là những nước công nghiệp hóa có thế mạnh trên bàn đàm phán, còn kẻ trả sau là những nước đang phát triển, chậm phát triển vốn luôn ở thế yếu khi đòi hỏi sự công bằng.
Xem ra, “ăn trước trả sau” cũng là một quy luật sinh tồn. Mọi sinh vật, từ cỏ cây đến muôn loài động vật và con người sinh ra và trưởng thành đều nhờ thừa hưởng cái có sẵn của trời đất và được nuôi dưỡng bởi đấng sinh thành, có nghĩa là được “ăn trước”. Riêng đối với con người, khi đã trưởng thành thì về mặt nguyên tắc, ai cũng phải có trách nhiệm làm việc để tạo ra của cải xã hội, đồng thời gìn giữ và tái tạo môi trường thiên nhiên, đền đáp công ơn cha mẹ, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Đó chính là hành vi “trả sau” theo đúng quy luật sinh tồn và quy luật phát triển xã hội. Nếu mọi người đều hiểu rằng ai cũng có nghĩa vụ “trả sau” thì việc “ăn trước” sẽ được giữở mức độ “liệu cơm gắp mắm” và xã hội cứ đều đặn tiến triển. Thế nhưng, ngay cảở những nước công nghiệp tiên tiến mà quan niệm này không được giáo dục đúng mức thì nói gì đến những nước chậm phát triển. Nhiều khi, vì lợi ích quốc gia cục bộ mà người ta bất chấp cả quy luật, bất chấp sự phản ứng gay gắt của các quốc gia khác. Số đời, mọi hành vi, mọi thứ có được đều phải trả một giá tương ứng, cho dù trả trước hay trả sau. Nếu châu Âu đang trả trước bằng khủng hoảng nặng nề vì nợ công thì hẳn sắp tới, một số nước khác cũng sẽ phải trả, dù trả chậm hơn bằng hình thức khủng hoảng khác.
Để khép lại bài viết này, xin được kể lại câu chuyện của cha con nhà lừa để tiếp tục suy ngẫm chuyện “ăn trước trả sau”. Lừa con hỏi lừa cha tại sao loài bò trong trang trại được ăn toàn thức ăn công nghiệp béo bổ, ngon lành và nghỉ ngơi thoải mái, còn họ nhà lừa chỉ ăn toàn cỏ già, cỏ khô mà suốt ngày phải thồ hàng cực nhọc. Vậy ai tạo ra sự bất công đó? Lừa cha trả lời rằng họ nhà bò đã tiến theo văn minh của loài người, không còn sống nhờ đôi chân, mà đã chuyển sang sống nhờ vào vú (tiết ra sữa) và mông (cho thịt) nên tất nhiên chế độ hưởng thụ có khác. Nhưng đến khi vú hết sữa, mông đủ lớn thì con bò nào cũng bị xẻ thịt ngay. Tuổi thọ nhà bò hiện giờ rất ngắn, có vài năm, còn chúng ta những vài chục năm. Vậy con thích sống theo kiểu nhà bò không? Lừa con lắc đầu, hỏi tiếp: “Thế nhưng loài người quá hưởng thụ và quá lãng phí mà sao họ sống lâu, thậm chí còn sống dai hơn trước?”. Lừa cha lại lý giải: “Xem này, loài người hiện nay toàn ăn thịt bò công nghiệp, thịt heo công nghiệp, thịt gà công nghiệp, uống toàn sữa bò công nghiệp. Nhưng để có những mặt hàng công nghiệp đó, họ đã phạm một tội lỗi lớn là phá hoạt môi trường thiên nhiên, vì vậy họ đang bị nhiễm chứng bệnh “bò điên”, sắp tới không biết còn những loại bệnh điên nào khác nữa sẽ xuất hiện”. Lừa con khoái chí gật đầu: “Thật kinh khủng! Nhưng họ luôn cho mình là loài thông minh nhất, lại còn thường lấy họ nhà ta ra mắng chửi nhau. Chẳng lẽ lừa là loài ngu nhất sao?”. Lừa cha từ tốn giảng giải: “Không phải, nhà lừa mình là động vật thông minh bậc nhất, còn được chọn là linh vật nữa. Bằng chứng là người Mỹ khi lập ra đảng Cộng hòa đã chọn đúng hình ảnh chúng ta làm biểu tượng. Nếu loài người không thay đổi phương thức sống hiện nay của họ, bệnh điên sẽ đưa họ đến diệt vong. Lúc đó, không chừng họ nhà lừa ta lại lên ngôi trị vì Trái đất này, chẳng cần phải học hành chi cho mệt!”. Lừa con khoái chí: “Ba nói đúng quá! Vậy nên họ nhà mình đã có câu thành ngữ thật tuyệt: Thất bại của kẻ khác là thành công của chúng ta”.