Trong tiến trình cuộc đời, tình trạng dinh dưỡng của chúng ta thay đổi. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi chế độ ăn uống theo độ tuổi của mình và thoát khỏi những định kiến về chủ đề này.
Vai trò của chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa thừa cân, béo phì và nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường và một số bệnh ung thư là không còn nghi ngờ gì nữa. Trong những năm qua, các thông điệp về sức khỏe cộng đồng đã nhân lên để giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Tuy nhiên, cho đến nay, có một điểm vẫn còn ít được công chúng biết đến: tầm quan trọng của việc điều chỉnh thức ăn để thích nghi với tuổi tác ngày càng chồng chất. Thật vậy, tiến trình lão hóa đòi hỏi phải thay đổi trạng thái dinh dưỡng của chúng ta. Khi nói đến dinh dưỡng, các khuyến nghị dành cho người có tuổi đôi khi khác với những khuyến nghị dành cho những người trẻ tuổi.
“Nghịch lý báo phì”
Từ tuổi trưởng thành, chỉ số cân nặng so với khối cơ thể (indice de masse corporelle -IMC), yếu tố thiết lập mối quan hệ giữa cân nặng và chiều cao, tăng đều đặn. Ở Pháp, tỷ lệ người béo phì tăng lên đến năm 65 tuổi.
Có nhiều cơ chế khác nhau liên quan đến tăng trọng lượng. Những cơ chế này thay đổi theo lứa tuổi. Sự thay đổi thành phần cơ thể đóng một vai trò quan trọng đặc biệt: các yếu tố nội tiết tố và lối sống ít vận động, bên cạnh những yếu tố khác, dẫn đến giảm khối lượng cơ bắp và tăng khối lượng mỡ. Do đó, theo tuổi tác, sự tiêu thụ năng lượng có xu hướng giảm đi. Ngoài ra, sự xuất hiện rối loạn chức năng điều tiết sự thèm ăn đe dọa sự ổn định của trọng lượng cơ thể. Người cao tuổi ít cảm nhận khát nước và cũng thiếu nhận thức không chỉ về cảm giác đói mà cả về cảm giác no và chán ăn. Thông thường, tình trạng này dẫn đến tăng cân từ từ.
Sự tăng cân này có thể được chấp nhận khi nó diễn ra ở mức vừa phải, không ảnh hưởng đến khả năng vận động và cân bằng trao đổi chất. Để ngăn ngừa tăng cân quá mức, nên theo một chế độ ăn uống đa dạng, vui vẻ với nhịp độ ăn uống đều đặn, không bỏ bữa ăn cũng không ăn vặt quá mức, kết hợp với hoạt động thể chất thường xuyên. Không có thực phẩm nào bị cấm, nhưng nên hạn chế một số thức ăn ẩn chứa nhiều chất béo, đặc biệt là các thức ăn chế biến công nghiệp, các thức ăn giàu đường như nước ngọt, bánh kẹo, và rượu.
- Xem thêm: Những dưỡng chất không thể thiếu
Điều quan trọng cần lưu ý là dù sự gia tăng chỉ số cân nặng so với khối cơ thể (IMC) gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe như thúc đẩy sự khởi phát bệnh tiểu đường, huyết áp cao…, mối liên quan giữa chỉ số cân nặng so với khối cơ thể (IMC) cao và tỷ lệ tử vong nơi người cao tuổi dường như thấp hơn nơi đối tượng trẻ tuổi. Thậm chí còn có “nghịch lý béo phì”: ở những người cao tuổi và trong một số bệnh lý mãn tính như suy tim, suy hô hấp hay suy thận, béo phì có thể liên quan đến kéo dài sự sống. Thật vậy, nhiều bệnh mãn tính, khi trở nặng hay biến chứng thành bệnh lý cấp tính đi kèm với chán ăn làm giảm nguồn cung dinh dưỡng và tăng tiêu hao năng lượng, tức tăng nhu cầu năng lượng và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Thừa cân và béo phì có thể tạo thành một nguồn dự trữ năng lượng hạn chế sự xuất hiện tình trạng suy dinh dưỡng.
Từ 65 tuổi trở đi, tỷ lệ béo phì có xu hướng giảm dần. Hiện tượng này có thể được giải thích là do tỷ lệ tử vong sớm của người béo phì có liên quan đến các biến chứng của bệnh béo phì. Nhưng một yếu tố khác cũng có liên quan: giảm cân liên quan đến các tình trạng mãn tính, trở nên thường xuyên hơn và nhiều hơn theo tuổi tác.
Cần lưu ý rằng sau 65 hay 70 tuổi, việc giảm cân thường có hại hơn là có lợi. Về mặt thống kê, nó có liên quan đến tỷ lệ tử vong vượt mức.
Thiếu dinh dưỡng, yếu tố giết người dấu mặt
Thông thường, việc giảm cân được kích hoạt bởi một sự kiện y tế, tâm lý, xã hội hay do sự tích tụ của các yếu tố ảnh hưởng đến sự tự chủ. Vì vậy, các nguyên nhân có thể rất đa dạng, nhiều và phức tạp.
Ví dụ, một người mắc bệnh Alzheimer cũng có thể đi lại khó khăn do thoái hóa khớp gối. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi mua sắm và chuẩn bị bữa ăn, điều này làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Nếu phải nhập viện vì một cú vấp ngã làm gãy cổ xương đùi, bệnh nhân có nguy cơ ăn ít hơn làm cho tình trạng dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, khi lượng thức ăn tiêu thụ giảm dần dẫn đến giảm cân, chán ăn kéo dài. Tình trạng này đặc biệt liên quan đến rối loạn chức năng điều tiết thèm ăn, ngon miệng diễn ra trong quá trình lão hóa.
Trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe như trầm cảm, rối loạn nhận thức như bị bệnh Alzheimer hay căng thẳng cảm thúc liên quan đến việc mất người thân, mất tự chủ hay thậm chí trong trường hợp nhập viện do ảnh hưởng của bệnh tật, lo âu và thay đổi chế độ ăn uống, người cao tuổi đặc biệt có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng càng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý chồng chất: té ngã, gãy xương, nhiễm trùng bệnh viện, biến chứng sau phẫu thuật, hoại tử, mất tự chủ, tỷ lệ tử vong cao.
Tình trạng thiếu dinh dưỡng thường diễn ra thầm lặng vì nó ít được người biết đến, không chỉ đối với bệnh nhân mà cả trong ngành y tế. Do đó, nó không được quan tâm đúng mức. Tầng suất của nó tăng lên theo tuổi tác: nó liên quan đến từ 4 đến 10% những người trên 65 tuổi sống tại nhà, từ 15 đến 38% trong các nhà dưỡng lão và từ 30 đến 70% trong thời gian nằm viện.
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là sụt cân. Tác động của lão hóa, giảm cảm giác đói, giảm dần lượng thức ăn ăn vào, giảm hoạt động thể chất, kết hợp với hậu quả của các bệnh lý mà tần suất và số lượng tăng dần theo tuổi tác.
Điều quan trọng là phát hiện sớm tình trạng sụt cân bằng cách thường xuyên theo dõi trọng lượng cơ thể; nếu cần thì nên vẽ biểu đồ trọng lượng để nhanh chóng áp dụng các biện pháp đơn giản nhằm cải thiện chế độ ăn uống. Bạn cần cảnh giác ngay khi sụt 3 kg và báo cáo ngay cho bác sĩ chăm sóc, vì điều trị càng sớm càng hiệu quả. Cách điều trị gồm kết hợp lời khuyên dinh dưỡng như ăn 3 bữa ăn hợp với khẩu vị của bệnh nhân mỗi ngày, kèm theo bữa ăn nhẹ hay bữa ăn phụ, bổ sung thức ăn giàu protein và năng lượng của bữa ăn và tùy tình hình có thể dùng thực phẩm chức năng bổ sung chất bổ theo toa bác sĩ. Để làm phong phú bữa ăn, có thể sử dụng sữa bột, bơ, kem chua, pho mát hay trứng. Bạn cũng có thể sử dụng các loại gia vị và rau thơm để tăng hương vị cho các món ăn.
Chống lại sụt giảm khối lượng cơ: một vấn đề chính của dinh dưỡng
Tuổi càng cao, khối lượng cơ càng sụt giảm dần nhưng đáng kể. Chúng ta mất gần 40% lượng cơ trong độ tuổi từ 40 đến 90. Ngoài ra còn sụt giảm sức mạnh cơ bắp và giảm hiệu suất thể chất, ví dụ như giảm tốc độ đi bộ chẳng hạn.
Chúng ta nói về bệnh giảm cơ bắp khi sức mạnh và khối lượng cơ sụt giảm và bệnh giảm cơ nghiêm trọng khi có sự giảm hoạt động thể chất. Bệnh giảm cơ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động, khả năng độc lập và nguy cơ té ngã, gãy xương. Nó làm tăng tốc tiến trình dẫn đến nguy cơ tử vong.
Yếu tố chính của bệnh giảm khả năng co thắt cơ bắp là do tuổi tác, nhưng các nguyên nhân khác có thể được xác định như các bệnh lý cấp tính hay mãn tính, ung thư, suy tim…, và suy giảm dinh dưỡng. Ngoài ra, “chế độ ăn kiêng giảm cân” cũng làm tăng nguy cơ ‘tan chảy’ cơ bắp. Cuối cùng, béo phì đại diện cho tình trạng khối lượng mỡ thừa kèm theo khả năng cơ bắp kém, dẫn đến mất khả năng vận động.
Để ngăn ngừa hay làm chậm sự khởi phát của bệnh giảm khả năng co thắt cơ bắp, trước hết phải duy trì đủ lượng protein trong chế độ ăn uống, vì protein được tạo thành từ các acid amin giúp xây dựng những ‘viên gạch’ cho phép cơ thể tạo ra cơ bắp. Chúng cũng sẽ kích thích tổng hợp cơ bắp.
Lượng protein khuyến nghị cho những người trên 65 tuổi tương ứng với việc tiêu thụ 2 khẩu phần thịt, trứng hay cá mỗi ngày và 3 hay 4 khẩu phần sữa. Khối lượng này cao hơn so với khuyến nghị cho các đối tượng trẻ tuổi hơn. Năm 2019, người trưởng thành được khuyên nên giảm tiêu thụ lượng thịt và ưu tiên ăn gia cầm, cá và protein thực vật và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 0,8 gram protein trên 1kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Đối với người cao tuổi, khuyến nghị tiêu thụ ít nhất là 1 gram protein /1kg trọng lượng/ngày, trong khi một số chuyên gia đề nghị tiêu thụ 1,2 gram protein/1kg trọng lượng/ngày.
Tăng khẩu phần ăn vẫn chưa đủ, hoạt động thể chất là cần thiết để kích thích tổng hợp cơ bắp và duy trì các khả năng của chức năng. Hoạt động thể chất phải phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân và kết hợp các hoạt động tăng sức bền như đi bộ, đạp xe, bơi lội, củng cố cơ bắp, giữ cân bằng và linh hoạt.
Cuối cùng, bổ sung vitamin D là cần thiết vì thiếu vitamin D sẽ thúc đẩy sự suy yếu cơ bắp. Những người cao tuổi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt vitamin D do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến giảm khả năng tổng hợp của da. Vì vậy, các hậu quả về sức khỏe cũng nặng nề hơn như loãng xương, giảm khối lượng cơ bắp.
Chống lại những định kiến
Mất sức mạnh và khối lượng cơ bắp, thiếu dinh dưỡng: tuổi cao làm suy yếu tình trạng dinh dưỡng. Điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vì lý do này, điều cốt yếu là phải chống lại những định kiến liên quan đến chế độ ăn uống của người cao tuổi rằng người cao tuổi cần ăn ít hơn, cần được giảm cân để cảm thấy khỏe hơn… Và để thúc đẩy những thói quen sống tốt, cần quan sát khi tuổi càng cao:
- Duy trì đủ lượng protein bằng cách tiêu thụ 2 khẩu phần thịt, trứng hay cá mỗi ngày và từ 3 đến 4 khẩu phần sữa.
- Tránh ăn kiêng để giảm cân ngoài một số tình huống cụ thể đặc biệt như khi béo phì là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy hô hấp…
- Thực hành một hoạt động thể chất thích hợp và đều đặn. Phải nắm bắt tất cả các cơ hội để di chuyến trong cuộc sống hàng ngày. Đi bộ có lẽ là hoạt động thể chất hợp lý nhất dành cho mọi người. Các hoạt động dưới nước như bơi lội, không gây đau nhức cơ khớp. Các cơ hội là vô hạn.
- Bổ sung vitamin D theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Thường xuyên theo dõi trọng lượng, đặc biệt trong các tình huống có nguy cơ thiếu dinh dưỡng như nhập viện, Alzheimer và các bệnh liên quan: trầm cảm, mất tự chủ…