Chính quyền Maharashtra ở miền Tây Ấn Độ đã chính thức tuyên bố sẽ theo đuổi việc xây dựng hệ thống giao thông tốc độ cao hyperloop giữa hai thành phố Mumbai – Pune và chính thức đưa công nghệ xe siêu tốc hyperloop ra khỏi phạm vi khoa học viễn tưởng, bước vào thế giới thực.
Virgin Hyperloop One và Công ty vận chuyển DP World đang hợp tác để đưa dự án trở thành hiện thực ở Ấn Độ.
Theo thông cáo báo chí từ Hyperloop One, mặc dù đây là dự án công trình công cộng, nhưng nó sẽ được rót vốn hoàn toàn thông qua đầu tư tư nhân.
DP World, một nhà điều hành cảng có trụ sở tại Dubai, sẽ ứng trước 500 triệu đôla để hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án và phần còn lại cần thiết để hoàn thành dự án – với tổng số tiền lên tới hàng tỉ đôla – sẽ đến từ các nhà đầu tư khác.
Maharashtra sẽ chính thức mời chào thầu từ các công ty để xây dựng dự án hạ tầng công cộng này. Virgin Hyperloop One vẫn sẽ phải tham gia đấu thầu để bảo đảm có được hợp đồng, nhưng công ty này khá tự tin rằng họ sẽ là người chiến thắng.
Virgin Hyperloop One đã ký hợp đồng với Maharashtra vào năm 2017 để nghiên cứu tác động của việc đưa công nghệ hyperloop đến khu vực này.
Hyperloop là hệ thống giao thông tốc độ cao, lần đầu được giới thiệu bởi tỉ phú Elon Musk. Bên trong đường ống áp suất thấp, phương tiện phóng đi nhờ đệm không khí tạo ra bởi máy nén khí giúp giảm ma sát đến mức tối đa. Tàu được đẩy đi nhờ cảm ứng điện từ.
Thử nghiệm của Virgin Hyperloop One ở Las Vegas đã chứng kiến các khoang di chuyển lên đến 240 dặm một giờ, nhưng ước tính với một đường đi dài hơn, nó có thể đạt đến tốc độ 700 dặm một giờ.
Tuy nhiên, Virgin Hyperloop One vẫn chưa thử nghiệm công nghệ này với hành khách là con người. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm này thành công, ước tính rằng người dân ở Ấn Độ sẽ có thể thực hiện chuyến đi 3,5 giờ giữa Mumbai và Pune chỉ trong khoảng 30 phút.