Tác giả Deborah Perry Piscione
Doanh nhân của Thung lũng Silicon
Nếu bạn muốn hiểu Thung lũng Silicon là gì, nó hình thành từ những dòng suối nào, hệ sinh thái của nó là gì, các ý tưởng, giá trị, động lực nào chiếm ngự tâm tư cư dân của nó, ngay cả lối sống của họ ra sao, thì quyển sách này không thể thiếu. Đó có phải là vùng đất của chủ nghĩa tư bản “cùi chỏ” và bóc lột cổ điển? Nó hình thành theo một kế hoạch đã định trước, với một ý chí của ai đó? Nó có một trung tâm điều khiển, chỉ đạo, lèo lái? Vì sao nó thu hút được một lượng tài năng lớn chưa từng có tương tác nhau như Florence thời Phục Hưng? Networking là sức mạnh của họ. Văn hóa của họ đối lập với văn hóa truyền thống, không chạy theo lề thói (non-conformist). Họ muốn có độc lập, tự do, tự quản lý đời mình và kết nối xã hội với những người cùng quan điểm, và tạo ra một thế giới trong đó con người sống được như thế – bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo, innovation, trở thành tên gọi của thời đại mới. Thung lũng Silicon rất khác với những gì bạn nghĩ. Nó là một Utopia có thật. Nói tóm lại, bạn không thể thiếu quyển sách này để hiểu nó và rút ra những kinh nghiệm cho tương lai.
Bí mật Thung lũng Silicon sẽ được bày bán đầu tiên, theo chỗ chúng tôi biết, tại Phố sách Xuân đường Nguyễn Huệ, và Đường sách Nguyễn Văn Bình, cạnh nhà thờ Đức Bà từ ngày 29 Tháng Chạp để phục vụ bạn đọc trong dịp Tết nguyên đán.
Là những người phụ trách việc chuyển ngữ và hiệu đính, chúng tôi rất vui mừng trước sự kiện chờ đợi từ lâu này, và cảm ơn quý Nhà xuất bản, biên tập viên, nhà thiết kế, và các nhân viên đã tổng nổ lực để có quyển sách ra mắt ngày hôm nay.
Xin chân thành giới thiệu đến quý anh chị và bạn đọc.
Xin xem tiếp Văn hóa Thung lũng Silicon, Tân Trúc và cuộc hóa rồng của Đài Loan, và Con đường Hàn Quốc của Park Chung Hee sắp tới.
Cũng xin đón xem bài viết tới: Khoa học & Cách mạng công nghiệp và Hai mô hình tư duy kinh tế ảnh hưởng lớn lên thế giới
Thân mến
Nguyễn Xuân Xanh
Dẫn nhập
Việt Nam đang trên đường phát triển những “Thung lũng Silicon” nhằm tạo cú hích cho nền kinh tế của mình. Nhưng Thung lũng Silicon là gì? Những yếu tố nào đã tương tác với nhau ra sao để hình thành lên nó, giữ nó sống như một hệ sinh thái, để cùng phát triển? Thung lũng Silicon không phải chỉ có mảnh đất, hay một đại học gần đấy, và các công ty công nghệ theo nghĩa truyền thống. Cái gì đã làm cho sức mạnh của nó bỗng chốc tăng trưởng theo tốc độ hàm mũ, gây tác động lên cả nước Mỹ và thế giới như một trung tâm kinh tế đổi mới sáng tạo ngoạn mục nhất chưa từng thấy trong lịch sử? Câu trả lời tổng quát: tinh thần doanh nhân sáng tạo mới – new entrepreneurship – và công nghệ cao. Sự ra đời của nó diễn ra khá nhanh chóng, không phải là một sự phát triển tuyến tính từ từ, mà bằng một sự thay đổi đột ngột, một cuộc “khai thiên lập địa” mới.
Cuốn sách Bí mật Thung lũng Silicon sẽ vén lên bức màn bao trùm bí mật để giải đáp những câu hỏi đó. Ngòi bút phân tích và tổng hợp sắc sảo của tác giả Daborah Perry Piscione đã vẻ lên bức tranh thật sinh động vừa chi li vừa tổng hợp của Thung lũng Silicon, cung cấp cho chúng ta những điều cần biết.
Không những chỉ có các diễn viên trên sân khấu, gồm những nhà công nghệ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, chuyên gia luật, quản lý, tiếp thị, mà còn các định chế khoa học, phòng nghiên cứu, đại học nghiên cứu, văn hóa khởi nghiệp sáng tạo – thay vì làm công cho các công ty Fortune 500 đang có mặt trong vùng ngay từ đầu -, những đặc thù lịch sử của vùng vịnh San Francisco, triết lý sẵn sàng chấp nhận thất bại để vươn lên thành công trở lại, tinh thần chia sẻ thông tin, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, sự phân phối lợi nhuận theo phương thức “cổ phần mồ hôi” hoàn toàn mới mẻ, văn hóa đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, khác với chế độ cho vai truyền thống của ngân hàng, lòng tin lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tương tác vừa trong đổi mới sáng tạo, vừa trong những lúc vui chơi.
Óc sáng tạo thôi chưa đủ, vì Đường 128 vùng Boston xung quanh Đại học M.I.T. nổi tiếng cũng có nhiều sáng tạo không thua kém. Để cho một ý tưởng mới nhanh chóng trở thành sản phẩm, cần cả một văn hóa ươm tạo như mảnh đất màu mở và những người kiến tạo chuyên nghiệp giúp những hạt giống phát triển nhanh nhất.
Vùng đất này đã biến những người rách rưới chỉ có óc sáng tạo, đam mê công nghệ, khám phá, và quyết tâm bền chí đạp bằng mọi gian khổ để tiến lên thành tựu có giá trị cao mà họ tin tưởng. Họ là “hiện thân” mới của những người từng đi tìm vàng khiến cho vùng đất này từng lên cơn sốt. Nhưng mảnh đất là một việc, những ý tường sáng tạo mang sức sống mãnh liệt là một việc khác. Cả hai đều không thể thiếu trong cuộc chơi. Mãnh đất không đủ phì nhiêu hoặc thiếu những nhà kiến tạo thì không thể phát triển hàng loạt hạt giống tốt thành rừng đại thụ. Ngược lại, hạt giống sáng tạo nếu không mang trong mình đủ sức mạnh vạn năng thì khó ngoi lên được tầm cao.
Thung lũng của Thiên tài
Steve Jobs: Mọi người bắt đầu tách ra và thành lập các công ty cạnh tranh, giống như những bông hoa hay cỏ dại phát tán hạt theo hàng trăm hướng khi bạn thổi vào chúng.
Lee Felsenstein: Thung lũng Silicon là câu chuyện của các mạng lưới (network). Không bao giờ có một trung tâm nào cả. […] Vì vậy, đó là một tập hợp các mạng phi tập trung với tính linh động giữa chúng.
Marc Porat: Mọi người thất bại một lần, nhưng họ học đủ để thành công trong lần khác. Và thành công tạo ra thành công.
Dan Kottke: Thung lũng Silicon là một nền văn hóa điều khiển bởi các mọt sách (nerd), trong khi các kỹ sư là giới tu sĩ.
Steve Jobs: Vào những thập niên 70 và 80, những người giỏi nhất về máy tính thường là nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ. Hầu như tất cả họ đều là nhạc sĩ. Rất nhiều người trong số họ đã còn là nhà thơ nghiệp dư. Và họ đi vào máy tính, bởi vì nó quá hấp dẫn, bởi vì nó tươi mát và mới mẻ. Đó là một phương tiện biểu đạt mới.
Ev Williams: Hàng tấn công việc kinh doanh khác được thúc đẩy bởi những người thích giao dịch, để “kinh doanh” hoặc “kiếm tiền” — Ý tôi là bạn có thể ở Phố Wall và chỉ cần giao dịch. Điều khác biệt ở Thung lũng Silicon là có những con người được thúc đẩy bởi sự sáng tạo.
Steve Jobs: Đây là nơi duy nhất ở Mỹ mà nhạc rock and roll thực sự phát triển, đúng không? Hầu hết các ban nhạc ở đất nước này ngoài Bob Dylan trong những năm sáu mươi đều xuất phát từ đây: từ Joan Baez cho đến Jefferson Airplane cho đến Grateful Dead. Mọi thứ đều phát xuất từ đây: Janis Joplin, Jimi Hendrix, và tất cả mọi người. Tại sao vậy? Điều đó hơi lạ khi bạn nghĩ về nó. Bạn cũng đã có Stanford và Berkeley, hai trường đại học tuyệt vời thu hút những người thông minh từ khắp nơi trên thế giới và đặt họ vào một nơi sạch, đẹp và đầy nắng ấm này, nơi có rất nhiều người thông minh khác, và thức ăn ngon. Và đôi khi rất nhiều LSD và rất nhiều điều thú vị để làm, vì vậy họ đã ở lại.
(Trích từ Adam Fisher, Valley of Genius)
Cuộc chơi này cần nhiều người chơi: những vị giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, những nhà công nghiệp trẻ sáng tạo và quyết dấn thân cho một niềm tin mới để biến ý tưởng, đam mê thành hiện thực những sản phẩm và giá trị mới cho bằng được; cần những nhà đầu tư mạo hiểm “có máu mặt”, điều rất xa lạ đối với hệ thống ngân hàng truyền thống quen ăn chắc mặc bền.
Nhưng cái gì làm cho người ta có niềm tin rằng các khởi nghiệp trẻ sẽ rất có tương lai để có thể cùng mạo hiểm? Đó là chiếc bóng bán dẫn transistor, sau đó được hóa thân vào các mạch tích hợp IC, những con chip công nghệ, và đã nhanh chóng thâm nhập vào tất cả các thiết bị từ dân sự đến quốc phòng. Chính sự thành công tuyệt vời ban đầu của con chip ảnh hưởng lên lên ngành máy tính đang trong giai đoạn non trẻ và lãnh vực quốc phòng đang cần phát triển trong giai đoạn chiến tranh lạnh, đã tạo ra một sự cuốn hút của vùng. Transistor là khám phá khoa học của ba nhà khoa học tại Bell Laboratories ở Bờ Đông, nhưng rồi một cách ngẫu nhiên được một trong ba nhà khoa học đó, William Shockley, lại đưa nó về vùng thung lũng để sản xuất công nghiệp, đi theo ông là tám nhà khoa học trẻ sáng giá. Không có cuộc cách mạng công nghiệp nào mà không có những công nghệ nền tảng của nó. Định luật Moore cho thấy sức phát triển theo hàm mũ của nó là dữ dội hơn cả mọi tốc độ tuyến tính có thể có. Nó tạo điều kiện cho ngành máy tính cá nhân, một công cụ quan trọng của nền văn hóa đối lập của vùng, phát triển mạnh mẽ. Tại sao thanh niên dám lao vào khởi nghiệp mặc cho những thất bại, và các nhà đầu tư mạo hiểm cũng như thế? Họ không phải khùng. Họ biết rằng, họ có thể thua năm bảy keo, nhưng chỉ cần thắng một keo là thắng lớn, những thất bại kia sẽ trở thành chuyện nhỏ. Đó là bản chất của công nghệ mới mà các nhà công nghệ và doanh nhân mới đang lao vào.
Tinh thần doanh nhân mới hình thành từ ý tưởng suối nguồn của vị Giáo sư, Kỹ sư đáng ngưỡng mộ Frederick Terman của Đại học Stanford đã lan tỏa như ngọn lửa sáng tạo hữu dụng. Ông được xem là cha đẻ của Thung lũng Silicon. Theo ông, không nhất thiết phải học để có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, mà cần có tinh thần khởi nghiệp sớm để triển khai óc sáng tạo tuổi thanh niên thành những sản phẩm hữu dụng. Tác phẩm công nghiệp của các bạn có thể có giá trị vạn lần hơn những mảnh bằng các bạn. Sự nghiệp kia cũng có thể thu hút hàng vạn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ sau đó. Hewlett và Packard là hai học trò cưng của ông đầu tiên khởi nghiệp trong tinh thần đó – tại một ga-ra ô tô. Mặt khác, văn hóa đối lập muốn làm một sự khác biệt với các công ty lớn, các “anh cả” mà giới trẻ vốn căm ghét nên đã thúc đẩy con đường mạo hiểm của họ tới những thành công rực rỡ không ngờ.
Quyển sách của bà Deborah Perry Piscione được viết rất công phu. Bà làm nghiên cứu sâu, phỏng vấn nhiều người, cho nên tư liệu rất phong phú. Nhất là khi bà đã tự trải nghiệm Thung lũng Silicon. Bản thân bà có nhiều công ty khởi nghiệp thành công. Bà là một người đã chuyển vùng từ Bờ Đông chính trị, sống theo đảng phái, làm theo “phong trào”, không cần chân thật với chính mình, miễn sao “chiến thắng”, để về Bờ Tây, vùng đất của đổi mới sáng tạo, của chia sẻ, của một văn hóa mới cuốn hút bà, không chỉ với những con người độc đáo đã đành, mà còn với những mô hình kinh doanh độc đáo, với văn hóa chấp nhận thất bại một cách khoan dung; với hệ thống dịch vụ từ đầu tư mạo hiểm đến tư vấn luật pháp nhằm giúp cho những ý tưởng mới phát triển thành sản phẩm tiến đến IPO; với mạng lưới quán cà phê, nhà hàng tuyệt diệu làm những nơi gặp gỡ hạng nhất cho các ý tưởng mới; với những phong cách sống lành mạnh ngoài trời từ biển đến nông thôn, rừng núi; với thời tiết tuyệt vời quanh năm như thiên đường. Vùng đất mới không những thay đổi suy nghĩ, mà cả cuộc đời bà. Bà sống thật với chính mình – authentic – và phát huy mọi tài năng trọn vẹn, ngược với tính giả tạo thường thấy trong giới chính trị ở Bờ Đông.
Ai đến đó trải nghiệm một lần sẽ không hình dung mình có thể quay về chỗ cũ, lối sống cũ, như bà nói. Cách chia sẻ ở đó là nét hết sức đặc biệt. Các đối thủ có thể ngồi tại một quán bia, hay quán pizza – người Mỹ rất thích ăn món này – để trao đổi về công nghệ, kinh nghiệm một cách cởi mở. Luật pháp của California rất đặc biệt, không ngăn cấm nhân viên bỏ công ty này để thành lập công ty mới mang theo những kiến thức có thể cạnh tranh với công ty cũ. Hãy nghĩ đến “Tám kẻ phản bội” của công ty Bán dẫn Shockley tiên khởi đã cùng một lúc bỏ đi để thành lập Fairchild Semiconductor. Rồi từ đó một loạt những công ty spinoff tiếp theo ra đời – những Fairchildren – trong đó có gã khổng lồ Intel. Hiện nay có khoảng 100 công ty mà nguồn gốc có thể truy nguyên về Fairchild, và tổng doanh số của họ lên đến 2.1 trillion (nghìn tỷ) đô la Mỹ.
Luật pháp California đã kiến thức công nghệ cứ sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong vùng. Họ vẫn có thể là bạn với nhau, hợp tác cùng nhau. Các Fairchildren sẽ kéo theo một cuộc chơi mới: đầu tư mạo hiểm và một văn hóa mới trong kinh doanh. Những người đóng góp công sức ngay từ đầu cho một đề án khởi nghiệp sẽ được đền đáp không phải bằng lương, mà bằng “cổ phiếu mồ hôi” rất ư xứng đáng. Họ có thể làm việc cật lực trong điều kiện vật chất eo hẹp một cách tự nguyện trong một thời gian dài, chịu đựng gian khổ, cho đến ngày vinh quang khi ý tưởng biến thành sản phẩm và công ty được chào bán ra công chúng. Họ sẽ trở thành triệu phú qua đêm. Còn nhân viên thường của công ty được hưởng “phủ phê” các tiện ích đời sống chưa nơi nào có. Đó không phải là nơi chủ bóc lột tớ theo cách cổ điển. Các công ty đầu tư mạo hiểm cũng thế, họ cung cấp tài chính, dịch vụ cho nhà đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công ty phát triển trong giai đoạn đầu lúc còn ít vốn – để đổi lấy cổ phần. Chín lần thua một lần trúng cũng vẫn giàu to. Cuộc chơi rất công bằng và song phẳng với nhau. Và chỉ như thế mới tồn tại hệ sinh thái lâu dài. Tâm lý ăn xỗi ở thì sẽ triệt tiêu các quan hệ tương tác tốt đẹp và sáng kiến.
Sự sống (life) là mạng – web – như nhà tự nhiên học Alexander von Humboldt đã chứng minh. Đó là một hệ sinh thái, với tương tác tích cực thúc đẩy sự phát triển của tất cả thành phần một cách tốt nhất. Thung lũng Silicon là một mạng hay hệ sinh thái như thế. Cộng đồng và quốc gia cũng vậy. Mất đi hệ tương tác tích cực có tính nuôi dưỡng làm lợi cho nhau một cách công bằng, thì sự sống của hệ sinh thái sẽ yếu ớt hay suy tàn.
Giáo dục cho các nhà đổi mới sáng tạo thế kỷ 21 là gì? Piscione đưa ra nhiều mô hình của vùng nhằm giáo dục học sinh sáng tạo nhiều hơn là chỉ trả bài giỏi. Một số lối giáo dục mới được thử nghiệm cho trẻ em để chúng sáng tạo tự do, và đi thẳng đến sáng tạo và khởi nghiệp là dạy cho các em vừa chơi (play), vừa đam mê (passion), và vừa có mục đích (purpose), theo công thức 3P. Phương pháp này được dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn quan sát được trong đời sống các doanh nhân. Và bà cũng thảo luận làm sao để có thể nhân bản những Thung lũng Silicon khác trên thế giới.
Quyển sách của Piscione trình bày chi tiết và hệ thống hầu hết những nhân tố hợp thành làm nên hệ sinh thái lịch sử có một không hai mà người đọc có thể rút ra những bài học quý giá. Nó rất đáng đọc và nghiên cứu. Chúng tôi tin tưởng quyển sách của Daborah Perry Piscione – và quyển sách nghiên cứu tiếp Thung lũng Silicon – Tân Trúc và Cuộc hòa rồng của Đài Loan (Trung Quốc)– của chúng tôi sẽ cung cấp cho đọc giả tò mò, nhà nghiên cứu và lập chính sách bức tranh sáng tỏ về Thung lũng Silicon, và mô hình anh em của nó là Tân Trúc, giúp hình dung cần phải làm những gì để tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả có những tính chất như thế.
Trong Thung lũng Silicon – Tân Trúc và Cuộc hòa rồng của Đài Loan, chúng tôi có dịp trình bày cái gọi là văn hóa đối lập – counterculture – như triết lý sống mới của vùng rất ảnh hưởng lên tinh thần sáng tạo và định hướng công nghệ của Thung lũng Silicon, một đặc thù rất Mỹ và rất địa phương của vùng vịnh San Francisco. Quyển sách cho thấy Tân Trúc là khu công nghệ cao đầu tiên đóng vai trò “người anh em” của Thung lũng Silicon trong một sự phân công lao động tuyệt vời để xốc cuộc cách mạng ICT lên, đồng thời giúp Đài Loan nhanh chóng hóa rồng. Quyển sách minh họa sách lược các bước đi của chính phủ Đài Loan và giới doanh nhân để nhanh chóng chiếm lĩnh một mảng công nghệ cực kỳ hiệu quả và có sức bật kinh tế cực kỳ cao này. Sự thành công của Tân Trúc chứa đựng nhiều bài học quý báu cho chúng ta.
Sự thành công của Thung lũng Silicon hay Tân Trúc là những câu chuyện rất khoa học. Chúng không phải là những câu chuyện siêu hình học hay mơ tưởng viễn vông nào. Hoa Kỳ đã không có một bản thiết kế hay lộ trình nào của hệ sinh thái đó. Mà đó là công việc của các thanh niên được công chúng gọi bằng những cái tên như hippie, hacker, nerd, geek, hoặc “những người văn hóa đối lập”, tức nói chung những người có đam mê cuồng nhiệt về công nghệ, máy tính, muốn luôn luôn khám phá cái mới, có ý tưởng mới, sống theo phong cách khác, độc lập và tự do, không theo lề thói. Nhưng chính tinh thần độc lập đó đã sản sinh ra một vùng “địa chính trị kinh tế hi-tech” chưa từng thấy. Về phía nhà nước, họ đã có trách nhiệm bỏ tiển đầu tư mạo hiểm vào những ngành công nghệ mới ở các phòng thí nghiệm hay viện nghiên cứu cho tương lai đất nước và dưới sức ép của cuộc chiến tranh lạnh cũng như của chạy đua không gian (moonshot). Đó là kiểu nhà nước khởi toại – entrepreneurial state. Chúng ta có thể hiểu được và tái hiện sức mạnh của chúng trên đất nước, không nhất thiết phải rập khuôn, điều chắc cũng bất khả thi và không thực tế, miễn là chúng ta không chủ quan và biết vận hành theo những quy luật và yêu cầu khách quan chính yếu của một hệ sinh thái.
Tập thể ba người chúng tôi đã đầu tư rất nhiều công sức vào quyển sách này và quyển sau, làm việc cật lực, để hiểu được và dịch được vô số những cụm từ chuyên môn trong đó, rất khó, và lĩnh hội được bản chất và lịch sử của Thung lũng Silicon, không phải với mong ước sẽ được đền bù bằng những “cổ phiếu mồ hôi” như các doannh nhân trẻ của Thung lũng Silicon, mà với tâm nguyện sẽ truyền đạt được tri thức sáng tỏ cho đông đảo đọc giả Việt Nam về mô hình kinh tế sáng tạo tiên phong này, đóng góp vào sự hình thành các Trung tâm Silicon mới ở Việt Nam một cách bài bản và đem lại giá trị kinh tế cao để đất nước vươn lên tầm cao hơn với bè bạn và thịnh vượng bền vững. Cụm từ Thung lũng Silicon là một “tiếng gọi” để hiểu biết, “khám phá”, và “giải mã” những bí ẩn làm nên lịch sử và trình bày trước cộng đồng. Chúng tôi mong mỏi sẽ có những tác phẩm công phu và nghiêm túc tiếp để làm giàu thêm văn hóa khởi nghiệp mà mọi người đang hết sức quan tâm. Chúng ta phải biết, và sẽ biết.