Ra Hà Nội đúng vào những ngày lạnh nhất tháng 1/2005, tôi được Hùng – người bạn thân, cũng là một nhà báo đưa đi chơi ở phố cổ Hàng Bạc. Anh bạn thấy ai đó đi ngược chiều, vui miệng khoe: “Ông này hay lắm, chuyên chơi ảnh cổ Hà Nội”.
Nghe thế, tôi liền bảo anh bạn quay xe lại. Vòng vèo tránh đường cấm giữa phố đông, tưởng đã trượt mất bóng dáng nhân vật cần tìm. May sao, chúng tôi “chớp” được người đàn ông đó, vai đeo chiếc túi đựng máy ảnh đang rảo bước trên đường. Giữa phố đông đúc và đẫm một gam màu xám lạnh của Hà Nội rét mướt, ông dường như vừa bước vừa suy tư. Chúng tôi tạt ngang vào một quán cà phê để trò chuyện về cái điều nóng sốt mới được nghe: thú chơi ảnh cổ Hà Nội.
• Trịnh Ðình Tiến – tên người phóng viên nhiếp ảnh hiện đang cộng tác với báo Xưa và Nay của Hội Khoa học lịch sử – được biết đến qua Triển lãm ống kính người Hà Nội với 50 năm giải phóng Thủ đô. Gia đình ông đã đóng góp 5 tấm ảnh cổng chào phố Hà Nội dựng lên ngày Thủ đô giải phóng rất độc đáo: Hàng Thiếc dựng cổng bằng tôn, Hàng Bông cổng chào bằng bông…
• Ảnh cổ nhất mà ông có là Hoàng thành Hà Nội, sưu tầm từ đầu thế kỷ XX với những đường hoàng đạo thành Thăng Long, đường đế vương muôn đời, cột cờ Ðoan Môn, điện Kính Thiên, lầu Công Chúa và thành Cửa Bắc. Ðó là những ảnh của người Pháp chụp, mà ông đã sưu tầm được trong các sách cổ. Riêng ảnh cổ, ông đã có ngót nghét ngàn tấm.
• Những góc phố đã bị phá đi, hình ảnh tàu điện, những đường phố biến thiên cùng thời đại, những con người, ngành nghề của phố, những ông chủ đã qua đời. Hình ảnh sinh hoạt xã hội, ma chay, cưới hỏi, lễ thần… Ðó là những tấm ảnh quý của nhiều người mà mỗi khi sử dụng, người ta phải đề tên tác giả một cách trân trọng, trả nhuận ảnh thích đáng.
• Có rất nhiều tác giả lớn, như cụ Nguyễn Duy Kiên, chụp rất nhiều ảnh đình chùa, kiến trúc Hà Nội. Hội Khoa học lịch sử đã làm cho cụ hai cuộc triển lãm. Nếu còn sống, cụ cũng gần trăm tuổi. Cụ rất có trách nhiệm đối với từng khung cảnh ảnh: mỗi đình, chùa, cụ chụp nhiều kiểu, nhưng chỉ lựa chọn những cái tâm đắc mới ký tên, đóng triện. Hội Khoa học lịch sử định đăng ký bản quyền cho cụ và làm một cuốn sách lớn. Cụ Ngô Hạc Tử, người đã góp công in giấy bạc Cụ Hồ, cũng có rất nhiều tư liệu ảnh quý. Cụ là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong số ảnh tư liệu của cụ, có những tấm rất quý như hình ảnh Quốc hội họp khóa đầu tiên, các sinh hoạt của Bác Hồ ở phố Ấu Triệu, ảnh chụp chính cụ Hạc đội nón, áo dài, kéo xe bò đi quyên gạo cứu đói.
• “Tôi chụp ảnh từ năm 14 tuổi. Tôi rất yêu Hà Nội, nơi mà ông tôi theo phong trào Văn Thân, chết trận ở Hưng Yên, bà tôi ra Hà Nội ở phố Mã Mây, buôn bán nuôi con. Bà mất, cha tôi học nghề làm thủy tinh và sau này dựng thành hãng thủy tinh Thanh Ðức, cùng thời với lớp tư sản dân tộc đầu tiên như Bạch Thái Bưởi, Sơn Hà… Khi Hà Nội bước vào kháng chiến, lập chiến lũy, những đồ sành sứ của gia đình cũng bị đập tan nát, chỉ hốt đổ mảnh vỡ cũng mất vài tháng. Hãng thủy tinh của cha tôi cung cấp cốc tách cho các khách sạn Ðông Dương, đồ thí nghiệm cho viện Pasteur. Trong cuốn sách của Pháp, cha tôi – Trịnh Ðình Kính là một trong số 300 người trong danh sách Vua chúa và những người nổi tiếng xứ Ðông Dương. Mới 12 tuổi, ông đã gánh đất đổ xỉ lấp được cả hồ Sao Sa. Người Hoa thấy cha mồ côi, chịu khó đã truyền nghề cho cha tôi. Cha tôi là một trong những người chơi đồ cổ Hà Nội. Hồi chiến tranh bom đạn, đi đâu ông cũng ôm cái hòm quý theo. Ông thà mất nhà mất cửa, chứ không để mất di sản”.
• Hà Nội có những làng trong phố, mà tôi nghĩ có thể đó là những “thổ dân” lâu đời như làng Yên Ninh, Yên Phụ, Bưởi xung quanh Hồ Tây. Dân bám đất ở đấy làm nghề giấy. Dù ngày nay đã quen sống lối sống đô thị, có nhà nhưng vẫn còn giữ cả chiếc cối đá to, cao tới 40cm, đáy đã bị giã đến thủng. Cả những bể xeo giấy vẫn được nằm đó, dù không còn tác dụng hành nghề.
• “Tôi theo nghề chơi này qua bao khó khăn, thăng trầm của cuộc sống là nhờ người thầy đã mất của tôi, thầy Trần Văn Lưu. Cụ là một nhà nhiếp ảnh kháng chiến. Cụ chụp các văn nghệ sĩ kháng chiến ở Việt Bắc như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Ðình Thi, cảnh thiếu sinh quân tập thể dục buổi sáng, cảnh “ông quản” Liên chỉ huy đội quân nhạc Việt Nam, cảnh quân y kháng chiến thực hiện ca mổ ngoài trời nắng chang chang. Lúc 86 tuổi, trước khi mất, cụ còn 500 tấm ảnh chưa công bố. Hiện nay chúng tôi triển lãm lớn cho cụ. Chính thầy đã dặn khi tôi nản chí rằng nếu ít tiền thì có máy gì chụp máy đó, không cầu kỳ, miễn là thành thạo. Thời gian đang trôi. Mình phải ghi lại, không thể chờ tới khi có tiền để trang bị tận răng. Ảnh để càng lâu càng giá trị”.
• “Người Hà Nội gốc ư? Hà Nội bây giờ đây không phải quê hương của riêng ai, là người tới từ tất cả miền quê, người đến trước, người tới sau. Cha ông tôi đã ở đây và tôi sinh ra ở đây nên tạm gọi mình là người Hà Nội. Người sau, tất cả, phải kế thừa sự thanh lịch, hiếu khách, nói năng nhẹ nhàng, ăn tiêu không xa hoa, giữ nếp sống gia đình, lễ phép với tổ tiên, hàng xóm, dạy dỗ con cái ngoan… Ðó là Hà Nội gốc”.