Sau “Sự sống mong manh” tại gallery Eight năm 2016, nữ họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan có triển lãm cá nhân thứ hai tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 1-11 đến 11-11-2018) với tên gọi “Dải hẹp của bầu trời”. Triển lãm tập hợp các tác phẩm của cô sau bảy năm làm việc tại quê nhà.
Mùa hè hai năm trước, lần đầu tiên tranh Nguyễn Ngọc Đan được giới thiệu với khách thưởng ngoạn tại Sài Gòn. Những bức tĩnh vật, hầu hết là tĩnh vật hoa, của phòng tranh “Sự sống mong manh” đã đem đến cảm giác về sự bình yên, dễ chịu, khởi đầu từ thị giác rồi lan tỏa đến não bộ.
Bảng màu ở các bức tĩnh vật của Nguyễn Ngọc Đan hầu như chưa thấy ở các họa sĩ khác: những mảng màu riêng biệt và những hòa sắc nhuần nhị trong tranh không cố tìm cách gây ấn tượng tức thì nơi người xem mà cứ thong thả chạm vào phần hồn của họ, tựa như những giai điệu một khúc nhạc nào đó thật thân quen chợt ngân lên rộn rã…
Hóa ra Nguyễn Ngọc Đan không hẳn là một tên tuổi mới và lạ. Thuộc thế hệ 8X, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, cô sang Nga học tiếp và có bằng thạc sĩ mỹ thuật hạng xuất sắc tại Học viện Hàn lâm Mỹ thuật quốc gia Surikov ở Moscow. Sau chín năm sống và làm việc ở nước Nga, cô trở về nước, chuyên tâm hoạt động nghệ thuật.
Trước khi ra mắt công chúng tại quê nhà, Nguyễn Ngọc Đan từng có triển lãm cá nhân tại một gallery ở Borobudur (Indonesia). Nên dễ hiểu vì sao cô có được sự chắc tay về kỹ thuật và thủ pháp hội họa như vậy khi diễn đạt những cảm xúc sâu lắng qua tranh tĩnh vật.
- Xem thêm: Thế giới tĩnh vật của Ngọc Đan
Đầu tháng 8 vừa qua, tại Triển lãm mỹ thuật khu vực 6 cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Đan tham dự với bức Dải hẹp của bầu trời. Đó là một bầu khí quyển hoàn toàn khác với “Sự sống mong manh” của những tranh tĩnh vật kể trên. Những khung cửa khép – mở hờ hững trên mảng tường xanh vert, chân tường lục đậm. Phía đối diện là mảng tường tím violet với chiếc lồng chim treo cao.
Sắc tía của lối đi giữa hai bức tường nhà. Xa hơn là màu cam chín của tường nhà khác và sắc cam nhạt của nền trời. Những sắc màu thật “khó chịu” ấy đặt kề bên nhau trong tranh mà không gây khó chịu cho thị giác, trái lại chúng làm thành một tổng thể hài hòa.
Không khí trong Dải hẹp của bầu trời nhuốm màu siêu thực, ít nhiều gợi nhớ những tác phẩm của Giorgio de Chirico khi họa sĩ người Ý vẽ những thành phố bí ẩn và hoang vắng, những con đường sầu muộn và u tịch không hiện hữu trong đời thực.
Bức tranh đó nằm trong loạt tranh mới nhất của Nguyễn Ngọc Đan với tên gọi chung “Dải hẹp của bầu trời” – cũng là tên triển lãm đang diễn ra của cô, giới thiệu ba xê-ri tác phẩm khác nhau, được sáng tác vào những giai đoạn khác nhau.
Trước hết là loạt tranh “Nỗi u hoài” được cô vẽ trong ba năm (2011-2014) với phong cách biểu hiện, như một “lời tự sự của những thân phận phụ nữ cô độc và u sầu, lạc lõng trong thế giới hiện đại” (tự bạch của tác giả), kế đến là loạt tranh tĩnh vật “Sự sống mong manh” được vẽ trong hai năm (2015-2016).
Nhưng điểm nhấn và cũng là chủ đề xuyên suốt của triển lãm chính là loạt tranh “Dải hẹp của bầu trời” được vẽ gần đây nhất (2017-2018), với phong cách tạo hình hiện đại. Loạt tranh có chung hình ảnh những chiếc lồng chim xa gần cao thấp lớn nhỏ – nhưng tất thảy đều đem đến cảm giác về sự tù túng, đơn côi – trong khung cảnh phố và nhà chật chội, cũ càng, phi thực “như mộng, huyễn, bào, ảnh”(*).
Có thể xem đó là ẩn dụ của tác giả về một cõi tồn sinh chật hẹp, người sống thì đông đúc nhưng là những cá thể cô đơn, không khác thân phận con chim bị nhốt trong lồng kia hay như thân phận chàng Samsa trong Hóa thân của Kafka – kẻ mãi mãi cô đơn, phải sống lưu đày ngay trong ngôi nhà thân yêu của chính mình. Với “Dải hẹp của bầu trời” có lẽ Nguyễn Ngọc Đan mơ ước chỉ có sáng tạo nghệ thuật mới giúp con người thoát khỏi cô đơn.
Bên cạnh sáng tác hội họa, Nguyễn Ngọc Đan còn sáng lập và điều hành không gian D.A.N Studio (tháp V3, tòa nhà Sunrise City, 23 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2016 với “mong muốn xây dựng một sân chơi nghệ thuật cho mọi lứa tuổi, nơi khơi dậy tiềm năng sáng tạo và định hướng tư duy thẩm mỹ thông qua nghệ thuật thị giác”, nơi cô và các đồng sự mở các lớp dạy vẽ cho thiếu nhi và cả người lớn, tổ chức các workshop như VAS workshop (2016) với sự tham dự của nhiều họa sĩ đến từ mọi miền đất nước…
(*) câu kệ trong bài kệ kết thúc Kinh Kim Cang