Ngày 15-4 vừa qua, danh sách 57 nước thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xướng đã được thông qua, với tham vọng khi hoạt động vào cuối năm nay ngân hàng này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những định chế đang tồn tại như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vốn được xem là chịu sự chi phối của Mỹ. Tại châu Á, AIIB cũng có thể thách thức Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản tác động.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích lại nhận định rằng, AIIB thể hiện nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình đối với kinh tế thế giới, kiểm soát và thay đổi trật tự tài chính toàn cầu.
Tuy tên gọi mang tính khu vực nhưng rõ ràng mục tiêu của AIIB là mở rộng ra phạm vi toàn cầu với các nước thành viên sáng lập đến cả từ châu Âu và châu Phi.
Trong nhóm bảy cường quốc công nghiệp thế giới (G7), chỉ có ba nước Mỹ, Nhật và Canada chưa gia nhập AIIB.
Các thành viên sáng lập AIIB có quyền tham gia đề ra các quy định hoạt động của ngân hàng này, trong khi các nước nộp đơn xin gia nhập sau ngày 31-3 sẽ là các thành viên bình thường và chỉ có quyền bỏ phiếu chứ không có nhiều tiếng nói trong quá trình đề ra quy định.
Ngay từ tháng 10-2014, thỏa thuận về việc thành lập AIIB được ký kết bởi 21 quốc gia châu Á nói rõ mục đích của ngân hàng này nhằm thúc đẩy hợp tác tài chính trong khu vực, đầu tư tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, từ việc xây dựng đường sá, sân bay cho đến các công trình phục vụ thông tin liên lạc, nhà ở xã hội…
Nguồn vốn AIIB từ đâu?
Theo bản ghi nhớ được ký kết tháng 10-2014, vốn điều lệ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á được xác định là 100 tỉ USD, một nửa trong số đó được Trung Quốc đảm bảo.
Mặc dù nhiều người cho rằng, với tỷ lệ góp vốn lớn như vậy, Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát định chế tài chính mới này, song Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố, đóng góp 50% vốn không có nghĩa là Trung Quốc hướng đến việc chiếm 50% tiếng nói trong các quyết định của AIIB mà là đểủng hộ dự án phát triển. Tỷ lệ kiểm soát của Trung Quốc sẽ được giảm xuống cùng với sự gia nhập thêm của các thành viên mới.
Đến thời điểm hiện tại, AIIB vẫn chưa chỉ rõ trong tương lai tổ chức này sẽ thu hút nguồn tài chính như thế nào. Tuy nhiên, theo báo cáo của tạp chí tài chính quốc gia Trung Quốc Economy & Nation Weekly, các khoản vay liên ngân hàng và phát hành trái phiếu của các quốc gia thành viên có thể sẽ là những phương án huy động tài chính của AIIB trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu cho rằng trong tương lai không xa AIIB sẽ được kết nối với dự án Ngân hàng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và với “con đường tơ lụa mới” được triển khai sang Trung Á cũng như “con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI” trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Với việc nắm giữ vị trí chủ chốt trong quyết định cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư tại các nước, Bắc Kinh muốn nhắm đến việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế tài chính của mình trong chính các nước thành viên, đó cũng là bước đệm tạo thuận lợi cho các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập vào các nước này thông qua các dự án được AIIB tài trợ.
Chính vì thế một số nhà phân tích cho rằng thái độ của các nước châu Âu tham gia vào ngân hàng này là “ngây thơ”, nghĩ rằng họ có khả năng ngăn cản các lạm dụng một khi trở thành cổ đông. Kinh nghiệm tại Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy các nước nắm phần vốn lớn nhất, như Mỹ, Nhật luôn có tiếng nói quyết định trong hoạt động của các ngân hàng.
Mặt khác, có lý do để lo ngại ngân hàng mới sẽ sa vào cách điều hành kiểu Trung Quốc, chẳng hạn nước này sẽ chiếm hết các dự án mà không đáp ứng bất cứ điều kiện nào về tác động môi trường, xã hội…
Thực ra, việc AIIB có trụ sở tại Bắc Kinh rất giống với ADB vào thuở mới thành lập trong những năm 1970. Định chế này do Hoa Kỳ và Nhật Bản chi phối thoạt tiên cũng chỉ quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, bất chấp các tác động đến dân cư và môi trường.
Về sau, ADB đã buộc phải chú ý nhiều hơn đến các tác động, vì vậy các dự án bị lâm vào tình trạng chậm trễ. Một ngân hàng do Trung Quốc kiểm soát rất có thể sẽ bất chấp các đòi hỏi môi trường và tác động đến đời sống dân cư tại nhiều quốc gia nơi nền dân chủ còn rất mong manh và các cuộc đấu thầu thường không minh bạch.
Liệu có cạnh tranh được không?
Trong khi một số nhà quan sát nhận định AIIB được thành lập nhằm cạnh tranh với IMF, WB và cả ADB thì không ít chuyên gia cho rằng đó là điều bất khả thi bởi AIIB không có khả năng cùng lúc cạnh tranh với ba định chế quốc tếở ba lĩnh vực khác nhau.
Trước tiên, với Quỹ tiền tệ quốc tế, ai cũng biết IMF là định chế cấp cứu các nước nhất thời thiếu thanh khoản và bị khủng hoảng tài chính. Điều kiện để được cứu trợ là các nước lâm nạn phải tiến hành cải cách tài chính và ngân sách theo các tiêu chuẩn khắt khe mà ai cũng biết. Quỹ này tuy do Hoa Kỳ chi phối nhưng không hoạt động trong các lĩnh vực tài trợ phát triển hay đầu tư như WB hay ADB.
Sáng kiến của Bắc Kinh lập ra Quỹ cấp cứu CRA với 100 tỉ USD mới trực tiếp cạnh tranh với IMF, nhưng thật ra cũng chưa đủ sức nếu so với khả năng huy động của IMF là hơn 800 tỉ USD. Nhiều người tiên liệu Trung Quốc có thể là một trong những nước bị khủng hoảng tài chính vài năm tới, khi đó không chừng sẽ phải nhờ đến IMF.
Với Ngân hàng Thế giới (WB) thì đây là ngân hàng phát triển có chức năng giúp đỡ về tín dụng nhẹ lãi và về kỹ thuật cho các nước đang phát triển, chủ yếu là thực hiện các dự án phát triển của nhà nước.
Ngân hàng này có thể huy động vốn trên thị trường tài chính tư nhân để tài trợ hoạt động nhưng không vì mục tiêu kiếm lời như các ngân hàng đầu tư. Cho nên AIIB không thể cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới về cả quy mô đồng vốn lẫn chức năng.
Trong nhiều thập niên, định chế này lại nâng đỡ Trung Quốc, kể cả việc thực hiện các dự án gây tai tiếng mang lại tai họa về môi sinh. Cho đến nay, WB tài trợ cho nhiều dự án của Trung Quốc cũng như thường đưa ra nhận định quá lạc quan về kinh tế của nước này.
Hơn nữa, với vốn điều lệ dự trù là 100 tỉ USD thì AIIB cũng chưa thể sánh với hơn 200 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới (WB) hay hơn 330 tỉ USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo dự kiến, cuối năm 2015 Ngân hàng AIIB mới bắt đầu hoạt động. Từ nay đến đó, các nước tham dự phải góp phần soạn thảo điều lệ, thể thức quyết định và tiêu chuẩn nghiệp vụ. Đến lúc bấy giờ người ta mới có cơ sở thẩm định về sự vận hành của ngân hàng này.
Theo một phúc trình của ADB trước đây thì trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020, các nước châu Á cần đến 8.000 tỉ USD để xây dựng hạ tầng, tức là mỗi năm cần tới 800 tỉ USD. Nếu AIIB chỉ có 100 tỉ thì liệu họ có khả năng đến đâu trong việc cấp vốn?
Thực tế cho thấy trong kế hoạch phát triển, nước nào huy động được tiền từ lĩnh vực công quyền hay tư nhân, từ tín dụng đầu tư hay phát triển của quốc tế, thì giải quyết được nhu cầu của mình. Đồng vốn của Ngân hàng AIIB chưa nhiều đến mức phải hô hoán lên về thế lực của Bắc Kinh, chưa nói đến núi nợ rất lớn của Trung Quốc, có thể đã lên tới 26 hay 28 ngàn tỉ USD.
Nhưng tại sao chính quyền Obama vẫn chống lại sự hình thành AIIB? Phải chăng AIIB xuất phát từ một sai lầm của phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ, không cho Trung Quốc tham gia rộng rãi vào Ngân hàng Thế giới?
Dù sao thì sự ra đời của AIIB vẫn là hồi chuông cảnh báo cho người Mỹ về uy tín và khả năng tác động không đáng tin cậy của Hoa Kỳ trên lĩnh vực tài chính. Các nhà chuyên môn nhận định rằng về kinh tế thì AIIB cũng giới hạn hoạt động khi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn nan giải khác.
Các nước thành viên sáng lập gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Kazakhstan, Arab Saudi, Jordan, Kuwait, Oman, Qatar, Brunei, Azerbaijan, Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Việt Nam, Mông Cổ, Uzbekistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan, Maldives, New Zealand, Jordan, Tajikistan, Luxembourg, Phần Lan, Thụy Sĩ, Anh, Úc, Áo, Brazil, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Israel, Ba Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha và một số nước khác.