Tân Tổng giám đốc (CEO) của Burger King, Daniel Schwartz, chỉ mới 32 tuổi và là người xuất thân từ lĩnh vực tài chính. Schwartz chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng trước khi gia nhập công ty này. Tuy nhiên, những kết quả mà anh đem về cho Burger King rất là ấn tượng.
Theo tờ Bloomberg BusinessWeek, trong quý I năm nay, nhãn hiệu vốn gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây đã tăng doanh thu được 2%, trong khi thu nhập thuần tăng gần gấp đôi, đạt con số 60,4 triệu USD.
Các doanh nghiệp và các nhà quản lý có thể học được điều gì từ câu chuyện thành công của Schwartz? Laura Garnett, một chuyên gia tư vấn chuyên giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ và các CEO phát triển kỹ năng lãnh đạo mang tính cá biệt và chiến lược kinh doanh hiệu quả bằng cách nhận diện tài năng thật sự của mình, cho rằng bài học được rút ra từ câu chuyện trên là “tài năng đôi khi quan trọng hơn cả kinh nghiệm” trong chuyện giải quyết các thách thức trong kinh doanh. Trong 13 tháng đảm nhiệm chức vụ CEO, Schwartz đã mạnh dạn tái cấu trúc toàn bộ hoạt động của Burger King để đem về những kết quảấn tượng cho công ty này.
“Tôi không chú trọng lắm vào những kinh nghiệm của họ. Schwartz và đội ngũ giám đốc điều hành của anh ấy cực kỳ thông minh và họ có khả năng học hỏi rất nhanh”, Tom Garret, CEO của GPS Hospitality, công ty đã mua lại 61 nhà hàng Burger King theo hình thức nhượng quyền sử dụng thương hiệu (franchising) từ năm 2012, chia sẻ quan điểm đầu tư của mình và nhận xét về đội ngũ quản lý của Schwartz với Bloomberg BusinessWeek.
Một bài báo khác trên tạp chí Business Insider cũng viết về Schwartz như sau: “Trong vài tháng đầu gia nhập Burger King, Schwartz đã không ngại học hỏi từ những việc nhỏ nhặt ở các nhà hàng như lau dọn nhà vệ sinh, làm bánh burger và giao tiếp với khách hàng”. Chiến lược của Schwartz là bán bớt số cửa hàng mà Burger King đang sở hữu theo hình thức nhượng quyền, làm giảm con số này từ 1.399 vào năm 2010 xuống chỉ còn 52 hiện nay.
Mặt khác, Schwartz cũng đẩy mạnh việc mở rộng sang một số thị trường quốc tế. “Schwartz thương lượng với một số nhà kinh doanh nhà hàng và giới tài chính ở Brazil, Chile và Nga – những thị trường mà hamburger theo kiểu Mỹ vẫn còn là một món ăn tương đối mới.
Họ không chỉ mua lại các nhà hàng hiện tại của Burger King mà còn xây dựng thêm nhiều cửa hàng mới mang thương hiệu này. Kết quả là trong năm 2013, số cửa hàng của Burger King trên toàn cầu đã tăng thêm 1.493, đạt con số 13.667”, bài báo trên Bloomberg BusinessWeek viết.
Theo Garnett, đôi khi trong kinh doanh, đưa ra một cách làm mới để giải quyết những vấn đề quen thuộc có thể tạo ra những kết quả đột phá. Quyết định tuyển một nhân tài trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm có thể là một rủi ro đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ, kinh nghiệm đang trở nên kém quan trọng hơn. Những giải pháp cần thiết cho sự thành công là kết quả của sự sáng tạo và đổi mới chứ không phải dựa trên những quy trình đã từng có tác dụng trong quá khứ.
Ở một góc độ nào đó, kinh nghiệm còn có thể trở thành một yếu tố tiêu cực vì nó ngăn cản sự sáng tạo và đổi mới để tìm ra những giải pháp mới. Khi một doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên để đáp ứng cho các nhu cầu phát triển mới hay nắm bắt các cơ hội mới, một điều cần nhớ là những điểm mạnh, tài năng và động cơ làm việc của nhân viên đó nên được xem trọng hơn những tiêu chuẩn tuyển dụng.
Schwartz đã chứng minh được rằng một cách làm khác với những lối mòn trước đây hoàn toàn có tác dụng. “Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng một cách nhiệt tình với những thay đổi mà Schwartz đã tạo ra cho Burger King. Công ty này đã phát hành lại cổ phiếu cho công chúng vào tháng 6-2012 và tạo ra một giá trị 4,6 tỉ USD vào thời điểm ấy.
Tính đến đầu tháng 7 năm nay, giá trị thị trường của Burger đã tăng lên hơn 9 tỉ USD. Những người hoài nghi vào sự điều hành của Schwartz chỉ còn là một bộ phận thiểu số, trong khi nhiều nhà đầu tư khác mong muốn những công ty khác trong lĩnh vực thức ăn nhanh như McDonald’s cũng sẽ có những bước chuyển mình tương tự như Burger King”. Garnett cho rằng, các nhà quản lý có thể rút ra ba bài học sau đây từ thành công gần đây của Schwartz
- Để lãnh đạo hiệu quả không nhất thiết phải có kinh nghiệm. Thay vào đó, sếp phải là một người cởi mở và không ngại học hỏi những cái mới. Schwartz đã dành nhiều thời gian ở các nhà hàng của Burger King trong thời gian đầu để tìm hiểu nhiều khía cạnh khác nhau trong cách vận hành của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này. Một cái nhìn mới đối với những vấn đề cũ sẽ giúp nhà quản lý đưa ra những giải pháp sáng tạo hơn.
- Tuổi tác không phải là vấn đề quan trọng. Garnett cho rằng, con người có thể đạt được thành công ở bất cứ độ tuổi nào.
- Chú trọng đến điểm mạnh chứ không phải những thành tích trong quá khứ. Schwartz từng làm việc ở “Phố Wall” và chưa từng có kinh nghiệm về lĩnh vực nhà hàng trước đây. Trên thực tế, nhân viên thường hay bị hạn chế sự sáng tạo vì nhà quản lý chỉ nhìn vào bằng cấp hay các thành tích trong quá khứ để giao việc hay đề bạt thăng tiến cho họ. Trong khi đó, điều quan trọng là tài năng, điểm mạnh của nhân viên có phù hợp với vị trí được bổ nhiệm hay công việc được giao phó hay không và họ có triển vọng ở những vị trí này hay không. Nói cách khác, nếu nhân viên có điểm mạnh ở những kỹ năng cần thiết để giải quyết một công việc nào đó thì họ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn khi được giao phó công việc ấy.