Được coi là tay làm tranh giả xuất sắc nhất thế giới từ trước tới nay, Wolfgang Beltracchi đã gặt hái thành công đến độ hàng loạt nhà sưu tập và những chuyên gia hội họa hàng đầu trở thành nạn nhân của ông ta trong suốt nhiều năm. Chỉ mãi đến khi “ông vua tranh giả” bị tóm cổ thì nhiều người mới biết mình đã mua nhầm tranh của Beltracchi vẽ thay vì tác phẩm của các bậc thầy hội họa hiện đại!
Tính từ thập niên 1990 cho tới ngày Wolfgang Beltracchi sa lưới pháp luật vào năm 2011, ông ta và bà vợ đã thao túng thế giới nghệ thuật và được ví von là bộ đôi Bonnie và Clyde(*) trong lĩnh vực hái ra tiền này: họ đã kiếm được gần 46 triệu USD nhờ làm tranh giả cũng như bịa đặt những câu chuyện hết sức tinh vi, phức tạp về những hàng dỏm ấy! Thậm chí, đã có lúc bảo tàng danh giá bậc nhất thế giới là Metropolitan ở New York cũng treo một bức tranh giả của Beltracchi.
Không vẽ giống hệt tác phẩm của các bậc thầy
Tuy nhiên, điều khiến Beltracchi khác hẳn với những tay làm tranh giả trong lịch sử hội họa thế giới là ông ta không đơn giản vẽ lại “y chang” tác phẩm của các bậc thầy vốn đang được thị trường ưa chuộng. Thay vào đó, Beltracchi – từng là một họa sĩ người Đức thứ thiệt trước khi trở thành kẻ gian tà bậc nhất trong lịch sử mỹ thuật – đã học thành thạo kỹ thuật và thủ pháp nghề nghiệp của những tên tuổi lớn như Max Ernst, Heinrich Campendonk, Fernand Léger và Kees van Dongen để từ đó vẽ nên những bức tranh mà ông ta đã tưởng tượng họ từng vẽ hoặc họ đã bị thất lạc chúng qua bao tháng năm vì nhiều nguyên nhân (qua những câu chuyện được Beltracchi và vợ ông ta dàn dựng hết sức khéo léo).
Sau này, khi đã bị bắt và ra tòa với mức án sáu năm tù giam, chính Beltracchi đã mô tả lại cách thức ông đã vẽ những bức tranh ấy bằng kỹ thuật hệt như những bậc thầy đã làm trong một buổi ghi hình dài 60 phút của hãng tin CBS và được phát rộng rãi vào ngày 23-2-2014 (tên gọi của chương trình phát hình ấy là “Họa sĩ lừa đảo” – The Con Artist). Qua chương trình “Họa sĩ lừa đảo”, người xem mới biết được kỹ thuật làm giả tranh tới mức “thượng thừa” của Beltracchi mà hiếm người làm nổi. Có như thế Beltracchi mới qua mặt được những chuyên gia mỹ thuật sành sỏi bậc nhất và kiếm được hàng chục triệu USD trong suốt “sự nghiệp” kéo dài gần 40 năm của ông ta.
“Tôi có thể vẽ giả tranh của bất kỳ họa sĩ nào”
Đây là một đoạn trích trong chương trình “Họa sĩ lừa đảo”, phóng viên Bob Simon phỏng vấn Beltracchi:
Hỏi: Ông có phải là người làm tranh giả xuất sắc nhất thế giới?
Đáp: Vâng, có lẽ thế. Vào lúc này.
Hỏi: Theo ông thì bức Max Ernst này có giá bao nhiêu? (Buổi ghi hình diễn ra ngay trong xưởng vẽ của Beltracchi, với một bức tranh Beltracchi vẽ giả tranh Max Ernst – NV).
Đáp: 5 triệu USD, tôi nghĩ vậy.
Hỏi: 5 triệu USD. Và ông có thể vẽ nó trong ba ngày?
Đáp: Vâng, đúng là như thế, chắc chắn như thế, hoặc nhanh hơn.
(Beltracchi nhẩm tính ông ta đã vẽ tới 25 bức Max Ernst giả mạo, tất nhiên không hoàn toàn sao chép bậc thầy người Đức – người tiên phong trong trào lưu Siêu thực và Dada. Beltracchi cho biết ông chỉ vẽ những gì theo ông thì Max Ernst có thể đã vẽ nếu như có thời gian hoặc cảm thấy thích vẽ như thế!).
Hỏi: Giả sử ông làm giả một bức tranh Cézanne mà bức tranh ấy Cézanne chưa từng vẽ, ông có nghĩ rằng Cézanne cũng muốn vẽ bức tranh như thế?
Đáp: Chính xác như vậy.
Hỏi: Ông có thể vẽ giả Rembrandt?
Đáp: Có thể chứ, chắc chắn rồi.
Hỏi: Còn vẽ giả Leonardo da Vinci thì sao?
Đáp: Xong ngay, chắc chắn thế.
Hỏi: Thế ông thích vẽ giả họa sĩ nào?
Đáp: Có lẽ là Giovanni Bellini. Vẽ giả Bellini quả thực rất khó (Giovanni Bellini (1430-1516) là họa sĩ Ý thời Phục hưng, người mở đường cho trường phái Venice trong hội họa Ý, là thầy của các họa sĩ xuất sắc như Giorgione và Titian – NV).
Hỏi: Ông đã từng xem tranh giả của mình được treo trong các bảo tàng?
Đáp: Có chứ. Trong tất cả các bảo tàng như anh biết đấy. Tôi nghĩ mình là một trong những họa sĩ được trưng bày tranh nhiều nhất trong các bảo tàng khắp thế giới.
Ngoài nhiều bảo tàng và các gallery trên thế giới đã mắc lỡm, một trong những nhà sưu tập nổi tiếng ở Mỹ là diễn viên nổi tiếng Steve Martin cũng “đắng lòng” vì đã mua một bức Beltracchi vẽ giả nhà danh họa Hà Lan Heinrich Campendonk, có tên Phong cảnh với bầy ngựa với giá lên đến 700.000 euro.
Bonnie và Clyde không mang súng
Thật ra, “ông vua” tranh giả không có được “sự nghiệp huy hoàng” nếu không có khối óc và miệng lưỡi cũng “phi thường” không kém của bà vợ Helene. Wolfgang cũng đã làm vài bức tranh giả khi còn tuổi thanh niên nhưng chỉ đến khi gặp nàng Helene vào năm 1993 thì họ mới trở thành một “bộ đôi hoàn hảo” trong thế giới nghệ thuật. Trong cuộc phỏng vấn của Bob Simon, Wolfgang Beltracchi tự hào cho biết: “Chúng tôi là bộ đôi Bonnie và Clyde nhưng không mang súng, chỉ mang bút vẽ”.
Trong những màn kịch đóng giỏi thượng thừa của đôi vợ chồng này, Helene thường nói với các nạn nhân của họ rằng cha của bà ta là một nhà sưu tập nghệ thuật tầm cỡở nước Đức trước Thế chiến II và ông đã gìn giữ được gia tài tranh của mình thoát khỏi sự nhòm ngó của bọn phát xít. Khi người cha qua đời, lẽ tất nhiên Helene thừa hưởng gia tài ấy. Điều lạ lùng như Helene cho biết, không một ai tỏ ra hoài nghi những gì được bà ta tưởng tượng ra. Để bảo chứng cho câu chuyện hoang đường của họ, “Bonnie và Clyde không mang súng” còn thực hiện một bức ảnh chụp Helene thời trẻ trong y phục giống như bà nội của nàng thuởấy, phía sau nàng là một số bức tranh của các danh họa nhưng do… Beltracchi vẽ.
Câu chuyện và những hình ảnh như thật của cô vợ được khẳng định bằng chất lượng của những bức tranh giả mà anh chồng giỏi nghề thực hiện, khiến chúng qua mắt được bao chuyên gia có uy tín. Mặt khác, bộ đôi còn cẩn trọng trong cách làm tranh giả khi đi tìm ở các chợ trời những bức tranh cũ kỹ của các họa sĩ vô danh, được vẽ vào những năm đầu thế kỷ XX, sau đó đem mẫu sơn đi phân tích để tìm cách pha trộn chất liệu sơn dầu sao cho thật giống với chất liệu được vẽ thời ấy. Và còn nhiều thủ đoạn tài tình khác… Jamie Martin, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phân tích pháp y trong nghệ thuật tạo hình cũng phải thừa nhận rằng: “Những gì Beltracchi giả mạo là hoàn hảo nhất trong số những tranh giả mà tôi từng thấy trong đời mình. Hết sức thuyết phục. Vô cùng tinh xảo”.
Trong phiên tòa năm 2011, các công tố viên đã buộc tội Beltracchi làm giả 36 bức tranh ký tên các nhà danh họa và bán số tranh ấy với giá 46 triệu USD. Tuy nhiên, các nhà sử học nghệ thuật tin rằng (và chính Beltracchi đã thú nhận với Bob Simon) ông ta đã làm giả tới hơn 300 bức. Bị kết án sáu năm tù và bồi thường cho các bị hại 27 triệu USD, “ông vua” tranh giả chỉ ngồi tù một năm rưỡi và sau đó được thụ án tại ngoại. Beltracchi đã và đang bắt đầu làm lại cuộc đời bằng những bức tranh ký tên mình.
(*) Bonnie Parker và Clyde Barrow là băng cướp huyền thoại thời đại khủng hoảng ở Mỹ, cuộc đời của bộ đôi găng-xtơ này đã được đạo diễn Arthur Penn dựng thành phim năm 1967 với Warren Beatty vai Clyde Barrow và Faye Dunaway vai Bonnie Parker
- Đông Hà