Hạn hán làm giảm sút sản lượng lương thực ở nhiều nước
Các con số thống kê của WB cho thấy giá lương thực thế giới trong tháng 7 tăng 10% so với tháng 6 và tăng 6% so với thời điểm cao giá cùng kỳ năm trước. Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, cho rằng sự tăng giá lương thực, thực phẩm trong điều kiện kinh tế hiện nay sẽ đe dọa sức khỏe và đời sống của hàng triệu người. Châu Phi và Trung Đông là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất. Theo tổ chức Food Price Watch thuộc WB, giá bắp và lúa mì giữa tháng 6 và tháng 7-2012 đã tăng 25%, đậu nành tăng 17% so với tháng trước và cao hơn 1% so với giá cao nhất (2-2011). Ông Kim cho biết WB đã sẵn sàng hỗ trợ nông nghiệp ở mức cao nhất trong hai thập niên qua, nếu không, trẻ em tại nhiều nước nghèo sẽ không đủ chất dinh dưỡng do chất và lượng của bữa ăn bị giảm thiểu. Bên cạnh đó, WB cũng gửi đến chính phủ các nước thông điệp về tình hình giá cả lương thực sắp tới để họ kịp thời đề ra những biện pháp đối phó. Đáng lo ngại nhất là những nước nghèo phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ bên ngoài. Về phần mình, những ngày cuối tháng 8-2012, ông Jose Graziano Da Silva, Tổng giám đốc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), kêu gọi nhóm G20 cùng phối hợp hành động để đối phó hữu hiệu với tình hình giá cả lương thực hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm của G20 là phải chờ báo cáo mùa vụ tháng 9 của nước Mỹ rồi mới có thể định kế hoạch hành động cho thời gian tới. Chỉ riêng tình hình lương thực tại Mỹ cũng đủ ảnh hưởng đến khối lương thực dự trữ và giá lương thực toàn cầu, vì Mỹ là nhà cung cấp chính cả hai mặt hàng nông sản bắp và đậu nành trên thế giới. Trong khi đó vào giữa tháng 8 vừa qua, chính quyền Washington đã xếp gần 1.800 quận huyện trên cả nước vào danh sách những khu vực bị tổn hại, chủ yếu do hạn hán, hậu quả là gần ¾ mùa vụ bắp chỉ được đánh giá từ kém đến trung bình. Sự thất thu nông sản của Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối lượng nông sản tồn trữ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, yếu tố dân số gia tăng cùng với sự phồn vinh của một số nền kinh tế đã đẩy nhu cầu tiêu thụ lương thực từ mức 21 triệu tấn/năm của thập niên trước lên 41 triệu tấn/năm như bây giờ. Sự gia tăng bất ngờ này có sự góp sức của ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học còn non trẻ đã ngốn một khối lượng không nhỏ bắp trồng được tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới để chế tạo ra nhiên liệu sạch, chủ yếu là ethanol. Khó khăn chồng chất khó khăn, từ nhiều năm qua, đất khả canh ở những nước sản xuất lương thực hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ngày càng bị thu hẹp, trong khi các biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất hầu như đã đạt đến mức tối ưu của chúng rồi. Colin Roche, người phát ngôn Tổ chức viện trợ và phát triển Oxfam, cho rằng các nước G20 cần hành động kịp thời trước khi giá lương thực, thực phẩm vượt quá mức kiểm soát dẫn đến nguy cơ hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu đói. Roche cho rằng: “Thái độ “chờ xem” là không thể chấp nhận được, nhất là khi báo cáo của WB đã cảnh báo rằng giá cả (lương thực) sẽ tăng cao và nhiều biến động”.
Lê Nguyễn tổng hợp