Tháng 6-2014, Google công bố một bức thư cô bé là con gái một nhân viên gửi cho ông chủ Google và thư trả lời của ông chủ đã khiến xôn xao cộng đồng mạng trên toàn thế giới. Bằng nét chữ to nhỏ không đều và đến hai ghi chú bên dưới bức thư, cô bé xin ông chủ cho bố mình được nghỉ ngày thứ Tư trong tuần vì là sinh nhật bố và “Lại là mùa hè, ngài biết đấy”.
Thôi thì lắm kiểu bàn tán, người nghi ngờ cho rằng đây là một độc chiêu quảng cáo của Google, người dễ tính thì thích thú bảo rằng, bức thư cô bé quá dễ thương, thú vị và còn là một bài học cho người lớn. Bởi, nhu cầu được đi chơi với bố mẹ trong mùa hè là nhu cầu có thật với bất cứ đứa trẻ nào. Google đánh vào tâm lý ấy: Không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con cái đi nghỉ hè; nghèo không nói gì, thậm chí với nhà giàu có, chưa chắc cha mẹ có điều kiện đưa con đi chơi!
Cùng thời điểm, bài thơ của nhạc sĩ Thuận Yến viết cho con gái, ca sĩ Thanh Lam cũng khiến cộng đồng mạng rơi lệ: “Ngôi nhà bé xinh giàn hoa trước cửa/Bước chân con về sau buổi diễn mỗi đêm/Bây giờ vẫn những bước chân con/Cha lặng lẽ theo sau chứ không phải ngóng chờ con nữa… Con vẫn là con bé bỏng của cha!/Dù cho con sắp thành bà ngoại…” – Một kỷ niệm về cha tuyệt đẹp mà không phải ai trong đời cũng có được.
- Xem thêm: Để hiểu con hơn…
Mỗi người đều có kỷ niệm bé thơ với cha mẹ, kỷ niệm có thể khác nhau nhưng hoài niệm về đấng sinh thành luôn giống nhau. Đó là tâm trạng một buổi chiều đi ngang qua một cái giếng nước, chợt nhớ tiếng cười đùa hồn nhiên thời bé mỗi chiều xuống cha lùa đàn con ra giếng tắm gội; cũng có thể là một chiếc nón lá tả tơi gợi nhớ dáng tảo tần của mẹ…
Những ngày cũ kỹ ấy, có thể mâm cơm chỉ có chén mắm, tô canh, một con cá chiên với cả chục đôi đũa hau háu và có khi mẹ phải đứng dậy với cái bụng trống, nhưng vui và khó quên. Đổ lỗi cho guồng quay cuộc sống, những cạnh tranh khốc liệt trong thương trường? Hay vì cha/mẹ còn phải đuổi theo cái vòng danh vọng?
Một bà mẹ kể chuyện, cách đây khoảng mười năm, một hôm vào phòng cô con gái mười ba tuổi bà phát hiện trong một tách trà có bốn mẩu tàn thuốc lá và có cả tro thuốc, loại thuốc lá bạc hà dành cho phụ nữ. Bà gọi con gái lên phòng, yêu cầu con nói thật.
Ban đầu cô bé chối không biết, sau đó thú nhận một bạn trong lớp cho, nên đem về nhà hút thử: “Bạn ấy mua cả gói và phát cho nhiều bạn trong lớp”. Bà mẹ hỏi: “Khi hút, con thấy thế nào?”. Cô bé trả lời: “The the. Việc này đã xảy ra lâu rồi và bây giờ không còn nữa, bạn đó đã bị đuổi khỏi trường vì đánh nhau với bạn”.
Bà mẹ thật hoảng sợ vì thấy con khờ dại quá. Bà hỏi con có biết gì về ma túy không, có biết người ta sa vào con đường ấy vì bị dụ dỗ không. Cô bé trả lời biết, nhưng khi bà hỏi “sao làm vậy” thì cô bé trả lời không biết! Sau khi nói chuyện nhiều với con, bà mẹ tự kiểm điểm và hiểu ra rằng, con bà đang ở tuổi nhận thức đúng sai, phải trái chưa chuẩn xác như người lớn, nhưng không còn quá nhỏ để không phân biệt được thế nào là đúng, sai.
Bà nhận ra thời gian chú ý đến con quá ít. Bà nhớ lại, ngày xưa nhà chật, bà ngủ với đứa sau, con gái lớn ngủ riêng một giường. Cô bé thích ngủ chung với mẹ và em, nhưng lúc nào cũng bị mẹ đuổi vì sợ quấy rầy em. Thời gian trôi đi, không chỉ ít quan tâm đến con gái mà bà còn giao cho con nhiều việc khác như: thỉnh thoảng đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
- Xem thêm: Giúp con trải lòng
Bà mẹ chợt hiểu, lâu nay bà đã vô tình không chú ý rằng con gái đang lớn, ở tuổi cần người tâm sự, hướng dẫn, trả lời những điều thắc mắc, dễ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Hôm ấy bà ngủ với con để hai mẹ con nói chuyện với nhau.
Chuyện ở thập niên trước, khi mà internet vẫn chưa chi phối lắm đến cuộc sống của bọn trẻ như bây giờ. Khi mà đến một lúc nhu cầu gần gũi cha mẹ bỗng nhiên mất đi vì con cái đã có người bạn thân bên cạnh: máy tính, iPad, smartphone, tivi…
Mới thấy, nhu cầu mong được gần gũi với bố mẹ của con cái là có thật. Gần gũi như bạn bè chứ không phải với vai trò ra mệnh lệnh buộc phải thực hiện. Và cái hiện thực cuộc sống đẩy con cái xa dần cha mẹ cũng có thật. Vậy thì, chần chừ gì nữa, tranh thủ tháng hè cho con đi chơi, chơi với con, bởi, nhanh lắm, vèo một cái, con cái đến tuổi không cần bố mẹ nữa, tiếc cũng hết cơ hội!