Khi đã xong các bước như chọn ngành, chọn trường…, bước tiếp theo mà các phụ huynh và học sinh phải chú ý chính là tìm và chọn nhà trước khi đi du học. An cư thì lạc nghiệp, một chỗ ở phù hợp giúp các bạn trẻ ổn định cuộc sống xa nhà và ngược lại, vấn đề nhà ở nhiều trục trặc cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến việc học. Việc tìm nhà nhiều khi còn phụ thuộc vào cái “duyên” và từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên có một số điểm chung mà các vị phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu trước.
Các loại nhà ở khác nhau
Có rất nhiều lựa chọn về nhà ở cho các du học sinh, phù hợp với các yêu cầu, khả năng tài chính khác nhau. Đặc biệt, ở những thành phố có nhiều trường đại học, thị trường nhà ở dành cho sinh viên học sinh lại càng sôi động hơn. Nhưng cũng vì thế mà phụ huynh và học sinh cần phải sáng suốt hơn trong lựa chọn của mình. Có những loại nhà ở thông dụng như sau:
Gia đình nuôi (Host family): ở bậc đại học trở lên, sinh viên thường không còn ở với gia đình nuôi. Tuy nhiên, ở các chương trình trao đổi văn hóa dành cho lứa tuổi THPT, học sinh bắt buộc phải ở trong sự giám sát và chăm sóc của gia đình nuôi. Đã là trao đổi văn hóa, dĩ nhiên không thể lựa chọn tự do mình sẽở với gia đình nào. Ở với gia đình nuôi, học sinh có nhiều thuận lợi như an toàn và phần nào vẫn được bảo bọc như khi ở nhà. Tuy nhiên, có nhiều điểm cần phải lưu ý khi sống ở gia đình nuôi, đó là các bạn trẻ sẽ không được thoải mái như khi ở nhà hay ở riêng và phải cố gắng hòa nhập với nếp sống của từng gia đình. Không ít học sinh bị sốc khi sống cùng với gia đình nuôi, ngược lại các gia đình nuôi cũng bị sốc với những cậu ấm cô chiêu được bao bọc từ nhỏ và sống có phần ích kỷ. Phụ huynh có thể giúp đỡ con mình chuẩn bị tốt hơn cho thời gian ở với gia đình nuôi bằng cách khuyến khích con mình tự giữ gìn vệ sinh, biết cách làm một số việc nhà đơn giản và quan trọng nhất là tập ý thức chủ động, không ỷ lại.
Quãng thời gian ở cùng gia đình nuôi sẽ mang đến nhiều kỷ niệm
Ký túc xá: Khi lên đến bậc đại học và đã được quyền ở riêng, ký túc xá (KTX) luôn là một trong những lựa chọn được các sinh viên ưa chuộng nhất. An toàn, gần trường và giá cả phải chăng là một trong những điểm cộng của các KTX. Với nhiều trường đại học tại châu Âu, sinh viên còn được ở KTX miễn phí. Điểm trừ của KTX là nhiều nơi không có bếp riêng và chỗ giặt ủi riêng, ngoài ra vấn đề thời gian cũng được kiểm soát khá chặt chẽ, phần nào làm hạn chế bớt sự tự do của các bạn trẻ.
Khu giặt ủi chung của ký túc xá
Khu nhà sinh viên: ở các nước châu Âu, các khu nhà dành riêng cho sinh viên khá phổ biến. Hình thức tương tự như KTX, cũng là một tòa nhà lớn phân chia thành nhiều phòng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các khu nhà này không trực thuộc trường đại học mà là các đơn vị kinh doanh bên ngoài.
Những khu nhà ở cho sinh viên như thế này có thể khá đắt đỏ
Nhà riêng/Chung cư: Bắt đầu từ học kỳ thứ hai, nhiều sinh viên đã chọn rời khỏi KTX và tìm một căn hộ hay nhà riêng để thuê chung với bạn bè. So với nhiều KTX có thu phí, việc tìm nhà ở chung này nhiều khi tiết kiệm hơn hẳn, lại tự do và thoải mái. Chị Minh Thu, du học thạc sĩ tại Pháp chia sẻ: “Thời gian đầu lạ nước lạ cái nên tôi chọn ở luôn trong KTX của trường, tuy nhiên sau học kỳ đầu, tôi trả phòng luôn vì đã rủ rê được năm người bạn khác cùng thuê luôn một căn biệt thự. Nghe biệt thự ai cũng tưởng là “chơi sang”, nhưng thực tế là với sáu người cùng thuê, căn biệt thự lại rộng và có nhiều phòng, nên tính ra số tiền rất vừa túi mà không gian sống thì thoải mái, tiện nghi… Ban đầu chủ nhà có vẻ không vui vì có nhiều người cùng thuê nhưng chúng tôi đã thuyết phục và cam kết giữ gìn nhà cửa, không đưa người vềở lung tung nên cũng ổn. Một trong những vấn đề của việc thuê nhà chung là làm sao để có một “cam kết” mà tất cả mọi người phải đồng ý làm theo. Cũng có những lúc cãi nhau và không vui nhưng đó là một phần của việc ở chung”.
Học cách sống chung hòa thuận với bạn cùng phòng cũng là một kỹ năng quan trọng
Tìm chỗ ở như thế nào?
Chỗ ở là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng cuộc sống của bạn tại bất cứ đâu. Đối với nhiều bạn, giá cả có vẻ là điều đầu tiên cần quan tâm. Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà các du học sinh thường rỉ tai nhau, đó là “đừng quá so đo về giá cảở giai đoạn đầu, hãy đợi đến khi quen thuộc và hiểu nhiều hơn về nơi mình sống mới bắt đầu tìm nhà ở giá rẻ hơn”. Trên thực tế, sự an toàn của khu dân cư xung quanh mới là điều đầu tiên cần được ưu tiên. Những khu nhà rẻ một cách “đáng ngạc nhiên” so với mặt bằng chung không phải là một món “hời”, mà là một câu hỏi, đặc biệt là với các bạn chỉ mới tìm hiểu qua mạng tại Việt Nam.
Nên chọn những khu dân cư sạch sẽ, yên bình
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác cần phải cân nhắc liên quan đến vị trí nhà ở: nhà ở có gần trường, chợ, siêu thị hay các khu vực làm thêm, có nhiều phương tiện giao thông công cộng quanh khu vực đó hay không? Nếu thuê nhà ở khu vực hẻo lánh, rất có nhiều khả năng ngoài giờ học các du học sinh sẽ kém năng động hơn vì lười ra ngoài. Đó là chưa kể giữa các ca học và làm thêm, các bạn trẻ sẽ khó có thể về nhà để nghỉ ngơi, phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nên chọn nhà trọ ở gần các bến xe, tàu điện ngầm…
Nếu đã chọn ở KTX, các bạn sẽ giảm thiểu được bước tìm nhà, nhưng phải chú ý các thủ tục cần nộp cho nhà trường để đăng ký ở trong KTX. Nhiều khi do thiếu sót hồ sơ hay chậm trễ mà KTX hết chỗ, các bạn phải đến ở những nơi được nhà trường giới thiệu hoặc tự tìm kiếm. Với những bạn tháo vát, có thể chỉ cần vài ngày tìm hiểu trên mạng, lang thang trong các forum thảo luận là đã có thể tìm ra thông tin về những lựa chọn nhà ở an toàn và có giá cả phải chăng. Tuy nhiên, với những bạn ít kinh nghiệm hơn, vẫn luôn có những cách an toàn hơn như tìm kiếm người quen hoặc các anh chị du học sinh đã từng sinh sống và học tập tại thành phố mà mình sẽ đến. Bạn Minh Đức, du học sinh Hà Lan chia sẻ: “Trước khi đi du học, tôi không đăng ký được KTX của trường vì hết chỗ. Vì thời gian cũng còn khá ít, tôi định sẽ bấm bụng thuê một chỗ được trường giới thiệu tuy có giá hơi cao. Thế nhưng đến phút cuối, tình cờ quen được một chị du học sinh trên một diễn đàn du học, chịấy giới thiệu ngay cho tôi một người bạn khác đang chuẩn bị về nước. Thế là tôi lấy ngay chỗở vừa trống đó. Một chỗở rất phù hợp với du học sinh mà không phải mất công tìm hiểu”.
Nhật Hà