Nổi tiếng nhờ kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, tài tình và với các thủ pháp sáng tạo trong “nghề” vẽ tranh nhái, Elmyr de Hory đã vẽ và bán được hàng trăm bức tranh nhái các bậc thầy hội họa cho các nhà sưu tập có uy tín ở khắp thế giới và lạ lùng là chưa từng bị trừng phạt cho tới ngày qua đời. Trong làng tranh giả, tranh nhái toàn cầu còn có nhiều “sư phụ” khác.
Dù Elmyr de Hory từng có ý định tự tử nhưng cuộc đời ly kỳ của ông đã được dựng thành phim, được viết thành sách, tranh giả của ông được tổ chức triển lãm hẳn hoi! Dù đã vẽ nhái những tên tuổi như Matisse, Modigliani, Picasso, Derain, Dufy… nhưng Elmyr de Hory chưa hề bị truy tố trước pháp luật.
Vẽ nhái bằng tất cả “trí tuệ và tâm hồn” các họa sĩ nổi tiếng
Elmyr de Hory từng tuyên bố rằng khi vẽ nhái bất kỳ họa sĩ nào thì ông cũng “đi vào trí tuệ và tâm hồn” của họa sĩ ấy, trở thành chính Matisse khi vẽ nhái Matisse. “Bạn có thể viết một truyện ngắn giống như Hemingway viết bằng cách đặt mình vào tâm hồn và trí tuệ của Hemingway? Liệu bạn có thể trở thành Hemingway? Không, đó là sự thô tục kinh khủng và là cách giải thích lãng mạn thôi… Những gì tôi đã làm là nghiên cứu – hết sức và hết sức cẩn trọng – tác phẩm của họa sĩ tôi muốn vẽ… Với Matisse chẳng hạn, tôi phải đặc biệt cẩn trọng. Khởi đầu, tôi đi những đường nét tuôn chảy và rất dễ vẽ từ các phác thảo của Matisse. Vì, theo tôi nghĩ, Matisse có những đường nét rất đơn giản. Rồi sau đó tôi đột nhiên nhận ra bàn tay ông ấy không chắc là bàn tay tôi. Hẳn là khi Matisse ngừng vẽ để lướt nhìn người mẫu, những nét vẽ phác thảo của ông cũng dừng lại với một thoáng không chắc chắn. Ở chỗ tôi rất chắc chắn để tiếp tục vẽ thì Matisse lại lưỡng lự, không chắc chắn. Tôi phải chỉnh sửa chỗấy và tôi cũng đã học được cách lưỡng lự (của Matisse)” – Elmyr de Hory nói như thế về cách ông vẽ nhái tranh Matisse. Tuy nhiên, ông “chưa bao giờ kính nể Matisse” bởi bậc thầy hội họa Lập thể người Pháp là người dễ vẽ nhái nhất trong số những tác giả mà ông vẽ nhái. Và ông biện bạch cho việc làm của mình: “Tôi vẽ tranh theo phong cách của các họa sĩ nhất định. Tôi không bao giờ sao chép tranh của họ. Thứ giả mạo duy nhất trong các bức tranh của tôi là chữ ký tên tác giả…”.
Trong số những tác giả lớn mà Elmyr de Hory đã vẽ nhái thì Amadeo Modigliani mang lại thành công nhiều nhất cho ông, đơn giản bởi rất dễ vẽ nhái tranh Modigliani và tác phẩm của họa sĩ người Ý luôn tìm được sự đồng cảm của số đông người thưởng ngoạn. Hai bức tranh vẽ nhái Modigliani của Elmyr de Hory từng được triển lãm trang trọng tại Bảo tàng mỹ thuật Minneapolis mà người tổ chức là chuyên gia Samuel Sachs II, lúc đó là giám tuyển chính và hiện là chủ tịch của Quỹ Pollock-Krasner danh giá. Sau đó chúng được bán cho hai nhà buôn tranh có máu mặt ở Chicago và ở Minneapolis. Chúng được vẽ tài tình tới mức dù sau này khi bị phát hiện là hàng nhái thì nhà buôn tranh ở Chicago vẫn chấp nhận: “Dẫu đó chẳng phải là tác phẩm của Modigliani nhưng tôi vẫn giữ nó vì tôi vẫn yêu thích nó”.
Người bán hai bức tranh đó là Mark Forgy, hiện sống ở bang Minnesota. Từng là trợ lý cho Elmyr de Hory trong bảy năm và đã đến hòn đảo Ibiza sống với ông ta cho đến khi Elmyr de Hory qua đời năm 1976 ở tuổi bảy mươi, Mark Forgy hiện sở hữu một bộ sưu tập khoảng 300 bức tranh nhái của Elmyr de Hory. Tháng 3-2010, Mark Forgy đã tổ chức một buổi thuyết trình về “bậc thầy” tranh nhái cũng như tổ chức triển lãm tranh nhái của ông ta tại Bảo tàng mỹ thuật Hillstrom trong khuôn viên Đại học Gustavus Adolphus ở Minnesota. Qua đó, người ta được biết Elmyr de Hory có tên thật là Elemér Albert Hoffmann, sinh ở Budapest năm 1906, từng học về mỹ thuật tại Budapest, Munich, Paris. Đại đa số tranh ông ta vẽ nhái là theo phong cách hậu – Ấn tượng và hầu hết các bức tranh được ký tên “Elmyr” hoặc không ký tên. Năm 1967, sau khi bị phát hiện làm tranh giả mạo tên tuổi các họa sĩ lớn, Elmyr de Hory chỉ ký “Elmyr” vào mặt sau hoặc trước bức tranh. Có lẽ đó là lý do để ông thoát khỏi các vụ kiện tụng sau này.
Forgy cũng cho biết ông bán phác thảo và tranh của Elmyr de Hory với giá 2.500-8.000 USD. Cũng trong năm 2010, Mark Forgy đã xuất bản một cuốn sách về Elmyr de Hory do chính ông viết, có tựa Thợ học việc người làm hàng giả đồng thời đã cùng nhà văn Kevin Bowen viết một vở kịch cùng tên, đã được biểu diễn tại một liên hoan sân khấu ở Minneapolis vào tháng 8-2010.
Những hậu duệ của Elmyr de Hory
Một tên tuổi nổi tiếng trong giới làm tranh giả là David Stein. Ông ta từng vào tù ở Pháp và Mỹ vì đã làm giả hàng trăm bức tranh Matisse, Chagall, Picasso, Cézanne, Degas, Miró… Khi ra tù, trả lời phỏng vấn báo chí về nghệ thuật vẽ tranh giả, David Stein nói cũng chẳng khác gì Elmyr de Hory: “Điều đầu tiên bạn phải làm là biết cách mô phỏng họa sĩ mà bạn sẽ bắt chước, không chỉ biết rõ ông ta mà còn phải thích ông ta, yêu tác phẩm của ông ta. Bạn phải đi vào trí tuệ và tâm hồn của họa sĩ ấy. Bạn sẽ trở thành một kẻ khác. Khi tôi vẽ một bức tranh Matisse, tôi trở thành Matisse. Khi vẽ tranh Chagall, tôi là ông ấy. Khi vẽ tranh Picasso, tôi là Picasso”. Ông ta mất năm 1999.
Cũng được nói tới nhiều trong lĩnh vực làm tranh giả là Pei-Shen Qian, một họa sĩ đã trên bảy mươi tuổi nhập cư sang Mỹ từ Trung Quốc, hiện sống ở Queens, New York, người từng vẽ 63 phác thảo và tranh giả ký tên Jackson Pollock, Robert Motherwell, Barnett Newman, Franz Kline, Richard Diebenkorn và tất cả được bán cho một nhà buôn tranh ở Sands Point, hai người khác ở Manhattan, New York. Những tranh giảấy được mua đi bán lại suốt 15 năm, với khoản tiền nay đã lên đến 80 triệu USD! Hai trong số các nhà sưu tập từng mua tranh giả do Pei-Shen Qian vẽ cho biết họ đã nhờ một số chuyên gia thẩm định, tất cả đều xác nhận chúng là “thứ thiệt” cũng như khẳng định chất lượng nghệ thuật của chúng. Quá sức tài tình! Pei-Shen Qian đã bị trục xuất về Trung Quốc và sau đó đã tổ chức triển lãm tranh tại gallery Xiang Jiang ở Thượng Hải.
Trong danh sách các “sư phụ” làm tranh giả còn có Wolfgang Beltracchi, Han van Meegeren, Eric Hebborn, Leo Stevenson, Tom Keating… và nhiều người khác. Kỳ lạ là với sự tham vấn của nhiều chuyên gia mỹ thuật nhưng không ít nhà sưu tập, nhà buôn tranh và cả bảo tàng mỹ thuật vẫn trở thành nạn nhân của họ. Leo Stevenson chẳng hạn, ông từng vẽ và bán tới 150 bức tranh ký tên Monet!