Thời gian qua, phân khúc nhà ở xã hội được hưởng khá nhiều ưu đãi từ chính sách, nhưng do thiếu sự quản lý chặt chẽ, khiến cho sản phẩm này vẫn còn nhiều bất cập. Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng nhiều sản phẩm nhà ở xã hội có giá bán đắt hơn sản phẩm của một số dự án nhà ở thương mại cùng vị trí và đòi Bộ Xây dựng phải can thiệp buộc doanh nghiệp phải hạ giá xuống. Đại diện Bộ Xây dựng thì cho rằng dù dự án nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ nhưng đất đai là của doanh nghiệp nên họ không thể can thiệp được. Hơn nữa, tùy loại nhà xây dựng mà có giá thành khác nhau, dẫn đến giá bán khác nhau, nên không thể khống chế mức giá cố định mà chỉ có thể khống chế trên cơ sở lãi định mức của doanh nghiệp và Bộ này đã có quy định chỉ cho phép chủ đầu tư lãi 10%.
Để có thể mua được một căn nhà ở xã hội, người mua phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê như chứng minh đủ điều kiện được mua nhà, khả năng trả nợ nếu muốn vay vốn từ gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng, rồi sẽ chỉ được sang nhượng sau năm năm… Vì thế, nếu giá nhà ở xã hội không rẻ hơn nhà ở thương mại, đặc biệt là nhà thương mại giá rẻ đủ điều kiện vay gói ưu đãi lãi suất 30 ngàn tỉ đồng, thì người thu nhập thấp không chọn mua nhà ở xã hội nữa. Khi ấy, một chủ trương chính sách đúng của Nhà nước sẽ không còn phát huy tác dụng là nâng đỡ thị trường và tạo cơ hội cho người thu nhập thấp có khả năng sở hữu nhà ở.
Theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã xây dựng được 98 dự án nhà ở xã hội và tiếp tục triển khai 129 dự án với quy mô xây dựng khoảng 82 ngàn căn hộ, trong đó có 90 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã được UBND các tỉnh, thành phố chấp thuận. Điều đáng nói là hai thành phố lớn nhất nước với rất đông người nghèo đô thị không phải là nơi tập trung các dự án nhà ở xã hội: Hà Nội có 14 dự án, quy mô xây dựng khoảng 11.900 căn, còn TP. Hồ Chí Minh chỉ có chín dự án, quy mô xây dựng khoảng 7.200 căn. Tính đến hết quý I-2014, cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng gần 40 ngàn căn hộ.
Phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bất cập
Nếu không có những bước đi đột phá nhằm tăng nguồn cung và trợ giúp cho những người muốn nhà ở xã hội thì nguy cơ gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng không thể giải ngân hết là rất dễ xảy ra. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, Bộ Xây dựng mới đây đã kiến nghị lên Chính phủ hàng loạt giải pháp, như cho phép điều chỉnh, sửa đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng theo hướng kéo dài thời hạn trả nợ, mở rộng đối tượng vay vốn, dừng cấp mới dự án trong năm 2014… Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội cho thuê, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Nếu không triển khai được những dự án nhà ở xã hội cho thuê theo tiêu chí giá cả hợp lý, hạ tầng đầy đủ và thời hạn cho thuê lâu dài thì khó có thể giải được bài toán bảo đảm nguồn cung nhà ở cho người có nhu cầu thực sự. Về lâu dài, cần phải xây dựng một chính sách tín dụng riêng cho nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê, bởi nếu không thay đổi từ tư duy mua sang thuê nhà ở thì sẽ không giải quyết được những hạn chế của thị trường này.
Về tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng quá chậm chạp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng đó là do doanh nghiệp không đủ sản phẩm để bán, tốc độ cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ chậm, chậm thực hiện ban hành quy định người mua được thế chấp chính căn hộ mua để vay vốn… Vậy nên trong thời gian tới, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Cùng với đó, Bộ Xây dựng đang kiến nghị Chính phủ cho phép sửa đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng này.
Hồng Thuận