Ngày 10-4 vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức diễn đàn Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp hoạt động đầu tư – kinh doanh bất động sản. Đây là nỗ lực mới nhất của địa phương này trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng đại diện các sở, ngành đã tham gia đối thoại cởi mở cùng đại diện các doanh nghiệp bất động sản. Các ý kiến của doanh nghiệp tập trung vào tiền sử dụng đất, các hình thức miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, lãi suất vay… và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước quy định nộp tiền sử dụng đất một lần theo Nghị định 69 và để tháo gỡ, Hiệp hội đề xuất cho phép doanh nghiệp được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng và trong thời hạn tối đa 24 tháng. Ngoài ra, việc định giá theo thị trường khiến cho doanh nghiệp phải mua đất hai lần, là tiền sử dụng đất và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, khiến tăng giá thành sản phẩm địa ốc. Nhiều dự án đã định giá cách đây bốn năm năm, khi giá đất ở mức cao, nay không còn hợp lý, cần được định giá lại để phù hợp với thực tế. Về miễn giảm tiền sử dụng đất, Hiệp hội cũng đề nghị có cơ chế miễn giảm đối với các dự án làm nhà ở thương mại cho thuê giá bình dân trong suốt thời gian thực hiện dự án để khuyến khích phát triển loại hình nhà cho thuê. Mức giá cho thuê nhà để hưởng chính sách ưu đãi miễn giảm này do cấp tỉnh quy định, với TP.HCM là khoảng từ 2-3 triệu đồng/căn hộ/tháng. Bên cạnh đó cần có cơ chế giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2/căn hộ), có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để góp phần giảm giá bán nhà cho người thu nhập thấp. Các doanh nghiệp cũng than thở về mức lãi suất cho vay 15 – 19%/năm mà họ phải chịu và đề nghị được giảm lãi các khoản vay cũ xuống 12%/năm. Về thủ tục hành chính, còn nhiều thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn nhau khiến doanh nghiệp gặp khó. Thủ tục xin chia nhỏ căn hộ rất khó khăn. Có những thủ tục hay một văn bản cần hỏi cấp quận, huyện, sở ngành nhưng vài ba tháng sau vẫn chưa nhận được câu trả lời. Một dự án kéo dài từ 3-5 năm trong khi đa số các doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng, tiền lãi cao khiến giá thành bị đội lên. Hồ sơ một dự án khi đưa từ cấp dưới lên được tới Sở Xây dựng phải mất ba tháng do bị ách lại ở phòng tài nguyên, phòng quản lý đô thị.
Một dự án từ khi xin phép đến khi khởi công thường mất từ 21-27 tháng
Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến trên, những vụ việc nào liên quan đến sở ngành nào thì chính quyền thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết, còn những trường hợp thuộc thẩm quyền trung ương thì TP.HCM sẽ kiến nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Riêng việc chia nhỏ căn hộ, đại diện chính quyền cho rằng cần phải có sự điều tra kỹ, đánh giá đúng và mang tính lâu dài về thị trường từ phía Nhà nước lẫn chủ đầu tư. Ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận công tác điều tra, khảo sát thị trường thời gian qua chưa tốt, nhưng cũng cho rằng quy hoạch không thể chạy theo thị trường, việc chia nhỏ căn hộ phải xét đến quy hoạch chung và quy mô dân số. Hạ tầng của TP.HCM hiện đã quá tải, nếu nén dân thêm nữa thì hạ tầng không đáp ứng nổi, nên trước mắt chính quyền chỉ cho phép chia nhỏ căn hộ tại những khu vực ngoại thành. Về vấn đề thủ tục, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau khi rà soát tám bước từ lúc doanh nghiệp xin cấp phép đến khi khởi công dự án thì thấy thời gian doanh nghiệp chờ đợi mất khoảng 21-27 tháng, nên Sở này sẽ nghiên cứu và báo cáo chính quyền nhằm rút ngắn tối đa thời gian này.
Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của TP.HCM mong muốn những cuộc đối thoại như thế này sẽ thực sự giúp ích cho họ trong vấn đề giải quyết chính sách, nguồn vốn, thủ tục… để góp phần giúp họ vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.
Hồng Thuận