Phụ nữ bận rộn với gia đình và công việc hay bỏ quên sức khỏe của mình. Vì vậy, họ dễ bỏ qua một số triệu chứng thường gặp vì cho đó là những biểu hiện vô hại.
BS Nguyễn Thị Ngọc Ánh, chuyên khoa Phụ sản, Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ cảnh báo rằng những dấu hiệu sức khỏe có thể là triệu chứng của bệnh nguy hiểm, không nên xem thường.
Dấu hiệu hay gặp cần cảnh giác
Khi xuất hiện những cơn đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực, có thể có thêm những cơn đau ở phần trên cơ thể (vai, cánh tay, lưng, cổ hoặc hàm), đau vùng thượng vị, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau đầu thì đó có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch.
Các triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, tay chân bủn rủn và mắt mờ hẳn đi có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.
Các vấn đề về phụ khoa (như cảm giác nóng, đau ở bộ phận sinh dục, đau lúc quan hệ tình dục, đau nhức ở vùng bụng dưới và đau vùng thắt lưng), vấn đề về tiêu hóa và dạ dày (như: xuất huyết trực tràng, máu và chất nhầy trong phân, thay đổi thói quen đi tiêu, táo bón, tiêu chảy, hoặc cả hai, ợ nóng thường xuyên cảm thấy đau hoặc đầy hơi).
Đau bụng dưới (vùng hạ vị) ở phụ nữ, không phải lúc nào cũng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Ngoài việc chú ý đến tính chất của cơn đau như: vị trí, hướng bị đau, đau nhiều hay ít…, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến thời điểm xuất hiện cơn đau.
Nếu cơn đau xuất hiện giữa chu kỳ, đó là hiện tượng sinh lý thông thường (do rụng trứng), chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau. Nếu nghỉ ngơi mà không đỡ thì có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, đau bụng dưới có thể là tín hiệu báo động của các bệnh như viêm ruột thừa.
Đối với phụ nữ cao tuổi, ruột thừa thường có thể ở rất thấp trong khi khung chậu có các cơn đau giống như đau cơ quan sinh dục. Khi thấy các triệu chứng đau, dù đau nhiều hay ít, dù có gây sốt hay không, chúng ta cũng nên đi khám ngay.
Không nên dùng kháng sinh hay bất kỳ thuốc giảm đau nào khác một cách tùy tiện, vì việc đó sẽ làm giảm khả năng phát hiện triệu chứng bệnh viêm ruột thừa.
Ngoài ra, có một bệnh khá nguy hiểm với phụ nữ là viêm vòi trứng, do các mầm bệnh gây ra và lây truyền theo đường sinh dục. Bệnh thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa các vòng kinh, sốt và có khí hư.
Việc chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng cẩn thận, lấy bệnh phẩm âm đạo, xét nghiệm máu, khi đã xác định được vi khuẩn gây bệnh thì dùng kháng sinh trong hai, ba tuần sẽ khỏi mà không để lại di chứng, bên cạnh đó người chồng cũng được điều trị như vậy. Nếu không điều trị tận gốc, các tổn thương có thể gây ra vô sinh hoặc có thai ngoài tử cung.
Khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết
Sức khỏe của phụ nữ sẽ sụt giảm đáng kể từ sau khi sinh con, nhất là giai đoạn mãn kinh. Vì vậy, chúng ta nên chú ý phòng tránh bệnh bằng cách thực hiện các xét nghiệm định kỳ như sau:
- (1) Kiểm tra tuyến giáp năm năm một lần từ 35 tuổi trở lên.
- (2) Kiểm tra huyết áp hai năm một lần từ 18 tuổi trở lên.
- (3) Kiểm tra mỡ trong máu định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ từ 20 tuổi trở lên.
- (4) Kiểm tra loãng xương theo yêu cầu của bác sĩ từ 40 tuổi trở lên.
- (5) Kiểm tra đường trong máu ba năm một lần từ 45 tuổi trở lên, chụp nhũ ảnh một, hai năm một lần từ 40 tuổi trở lên.
- (6) Tầm soát ung thư cổ tử cung từ một đến ba năm một lần cho đến 65 tuổi nếu có sinh hoạt tình dục.
- (7) Nội soi đại tràng mười năm một lần từ 50 tuổi trở lên..
Thuốc ngừa thai được sử dụng hiện nay khá an toàn rất nhiều so với trước đây, chủ yếu là vì chúng chứa các hormon với hàm lượng thấp hơn. Nhiều kiểm nghiệm thực tế cho thấy thuốc ngừa thai có thể giúp phụ nữ ngừa các bệnh ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung.
Tuy nhiên, với những người hút thuốc lá thì thuốc ngừa thai có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh huyết áp, xuất hiện cục máu đông gây thuyên tắc mạch. Vì vậy, phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, hay hút thuốc hoặc có tiền sử bệnh lý về vú, gan, cục máu đông hay các bệnh ung thư phụ khoa thì không nên sử dụng thuốc ngừa thai.
Phụ nữ nói chung nên xét nghiệm Chlamydia mỗi năm cho tới năm 25 tuổi, nhất là người có sinh hoạt tình dục thường xuyên. Ở tuổi từ 26-39, việc kiểm tra phải dựa trên yếu tố nguy cơ.
Nhu cầu dinh dưỡng hay bị bỏ quên
Nguồn dinh dưỡng cần thiết cho phụ nữ tốt nhất có từ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là trái cây, rau và các loại ngũ cốc. Hầu hết các phụ nữ bận rộn đều không ăn các thức ăn đủ dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe nên việc uống bổ sung vitamin hằng ngày là điều cần thiết.
Theo một nghiên cứu do Nhật báo về dinh dưỡng (Journal of Nutrition) đưa ra thì dùng một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ bị cơn đau tim lần đầu tiên và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở phụ nữ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý rằng vitamin không thể thay thế cho thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Chúng ta nên uống bổ sung vitamin đúng theo liều chỉ định nhưng vẫn phải đảm bảo ăn uống đầy đủ chất đồng thời phải tập thể dục.
Để chống lại các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, và một số bệnh ung thư như ung thư vú, phụ nữ nên tham gia các hoạt động có mức vận động vừa phải như đi bộ, khiêu vũ, đạp xe ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên còn giúp hạ huyết áp, giúp xương và khớp khỏe hơn, giảm lo lắng và trầm cảm, giúp bạn ngủ ngon hơn và giảm đau do viêm khớp.
Nhiều phụ nữ chưa nhận đủ lượng folate (một loại vitamin B) hay canxi cần thiết cho cơ thể. Folate hỗ trợ sự hình thành và phát triển, ngăn ngừa dị tật của thai nhi và tình trạng thiếu máu trong thai kỳ, giảm nguy cơ mắc bệnh về tim và một số bệnh ung thư. Canxi không những quan trọng cho sức khỏe của xương mà còn cho sức khỏe của toàn cơ thể.
Việc ăn uống thiếu canxi ở tuổi mới lớn có thể gia tăng nguy cơ loãng xương về sau. Theo các chuyên gia thì lượng folate cần thiết cho một phụ nữ mỗi ngày là 400 microgam. Nhu cầu canxi của phụ nữ ở độ tuổi từ 11-24 là 1.200 – 1.500mg, ở độ tuổi từ 24-50 cần 1.000mg, trên 50 tuổi là khoảng 1000mg đồng thời cũng cần một lượng vitamin D tương ứng để giúp cơ thể sử dụng lượng canxi đó.