Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid đã qua đời năm 2013. Trong số các di sản vị lãnh tụ Nam Phi để lại cho đời còn có những bức tranh, hầu hết được ông vẽ trong những năm tháng bị cầm tù.
Tháng 3-2010, nhà đấu giá Bonhams’ ở New York đưa lên sàn tác phẩm của các họa sĩ ở lục địa Đen trong cuộc đấu giá “Châu Phi ngày nay: Nghệ thuật của các họa sĩ châu Phi đương đại”, với tranh của các tên tuổi như Ben Enwonwu, Yusuf Adebayo Grillo và Bruce Onobrakpeya (Nigeria), Owusu-Ankomah (Ghana), Viyé Diba (Senegal)…, tuy nhiên cái đinh của cuộc đấu giá lại là loạt tranh có tên Đảo Robben mà tác giả không ai khác hơn cựu tổng thống Nam Phi: Nelson Mandela. Đó là những bức tranh in đá được ông Mandela vẽ vào năm 2002, hồi nhớ lại cảnh sống ngục tù tại nhà tù trên đảo Robben và được định giá từ 32.000 USD đến 48.000 USD. Tác giả đã vẽ khung cửa sổ nhà tù, ngọn hải đăng, bến cảng và nhà thờ trên đảo. Đi kèm là một lá thư (in) do Mandela viết giải thích vì sao ông lại vẽ những hình ảnh ấy.
Trước đó nhiều năm (1994), cũng tại nhà Bonhams’ một lá cờ Nam Phi với ba chữ ký của Nelson Mandela, Thabo Mbeki (vị tổng thống sau này kế nhiệm ông Mandela) và Frederik Willem de Klerk (tổng thống cuối cùng của nước Nam Phi dưới chế độ apartheid) đã được bán với giá khoảng 20.000 USD nhưng sau đó người mua đã tặng lại cho Chính phủ Nam Phi. Đây chính là lá cờ mà viên phi công trực thăng Louis de Waal đã thả xuống vào ngày lễ đăng quang tổng thống của Nelson Mandela (5-10-1994).
Các bản gốc của loạt tranh 21 bức có tựa chung Đảo Robben của tôi – I được lưu giữ tại bảo tàng mang tên Nelson Mandela ở Cape Town, còn những bản in đá (mỗi bức tranh được in 500 bản, mỗi bản đều có chữ ký của tác giả) mới được đem đấu giá hay bán tại nhiều gallery ở các nước. Bản chính được tác giả vẽ bằng than và phấn tiên, đường nét đơn giản nhưng cho thấy ông làm chủ được kỹ thuật dựng hình, cách bố cục tác phẩm và sử dụng chất liệu. Màu sắc được dùng đều mang giá trị biểu tượng của văn hóa truyền thống Nam Phi. Các đường nét dù thật giản dị nhưng có vai trò quyết định về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Cho tới nay hầu như những bản in của loạt tranh này cũng đã được bán hết.
Nelson còn vẽ loạt tranh Đảo Robben của tôi – II, qua đó ông vẽ ngọn tháp trên đảo, lối đi ông vẫn thường đi mỗi ngày, khu vườn và cả sân tennis của những cai tù… Ở loạt tranh này, mỗi bức được in 350 bản cũng với chữ ký tác giả. Để đảm bảo việc in ấn các bức tranh thật minh bạch, chỉ in đúng số lượng, quá trình thực hiện bản khắc trên đá, quá trình in tranh đều được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Michaelis ở Cape Town, Trường Đại học Cape Town và Công ty in Tamarind Master Printer Ernestine White. Sau khi công việc in ấn hoàn tất, các bản khắc và những gì liên quan đều được tiêu hủy. Dù vậy, vẫn có kẻ làm giả những tranh in đó và đưa ra bán tại các gallery. Ngay khi còn sống, vào năm 2009, chính ông Mandela đã khẳng định các tranh in có chữ ký của ông được bày bán tại gallery Belgravia ở London đều là đồ dỏm!
Và nay, khi tác giả hai loạt tranh về nhà tù Robben đã mãi mãi ra đi thì tất cả những tranh in có chữ ký của ông đều trở thành quý hiếm, có giá cao trên thị trường.
- Y Chiêu