Vụ mất tích đột ngột và bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370, hãng hàng không Malaysia hôm 8-3 là một trong những thảm họa hàng không hiếm thấy mà ba ngày sau vẫn chưa tìm ra tông tích và đang có nhiều dự đoán và tranh luận khác nhau.
Các thông tin ban đầu nói rằng có khả năng máy bay rơi trên vùng biển giáp ranh Malaysia – Việt Nam gần đảo Thổ Chu. Mấy ngày qua Việt Nam đã huy động nhiều lực lượng cứu hộ tham gia tìm kiếm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã phát đi thông báo khẩn, đề nghị tất cả ngư dân đang đánh bắt cá trên vùng biển Cà Mau, khi phát hiện máy bay rơi hoặc dấu hiệu bất thường, khả nghi, báo cáo ngay về các đồn biên phòng địa phương hoặc ngành chức năng Cà Mau.
Việt Nam đã tích cực tham gia tìm kiếm cứu hộ với nhiều phương tiện khác nhau
Thông tấn xã Việt Nam dẫn thông báo của Malaysia Airlines cho biết, trên chuyến bay có 239 hành khách, trong đó có 153 người Trung Quốc, 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, bảy người Australia, ba người Pháp, bốn người Mỹ, hai người từ mỗi nước Ukraina, New Zealand và Canada; một người từ mỗi nước và vùng lãnh thổ Nga, Đài Loan, Italia, Hà Lan và Áo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được tin báo đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nước liên quan, phối hợp với Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và các cơ quan liên quan của Việt Nam để khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Bộ Giao thông Vận tải gửi thông cáo về vụ mất tích máy bay, cho biết ngay sau khi mất tín hiệu liên lạc của chuyến bay, ACC (Trung tâm quản lý bay đường dài) HCM đã thông báo ngay với ACC Singapore và ACC Kuala Lumpur về việc không có tín hiệu liên lạc và tín hiệu radar của máy bay này; đồng thời Công ty Quản lý bay miền Nam đã liên lạc ngay với nhà khai thác máy bay của Malaysia và các cơ quan hàng không liên quan để xác định tình trạng của chuyến bay; đã thông báo ngay với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khẩn nguy Quốc gia báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để làm thủ tục báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Cùng với các nước, Việt Nam đã tham gia công tác tìm kiếm với nhiều máy bay và trực thăng của không quân và tàu cảnh sát biển. Một sở chỉ huy tiền phương đã được đặt tại Phú Quốc để điều phối các hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ cứu nạn.
Chiều tối 9-3 một thủy phi cơ của hải quân Việt Nam thông báo đã phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay ở khu vực cách đảo Thổ Chu 80km nhưng sau đó được xác nhận là nắp một cuộn cáp đã mọc rêu.
Liên quan đến vụ máy bay mất tích, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Phó thủ tướng khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Trung Quốc và các nước liên quan tham gia tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích, cũng như giải quyết các công việc liên quan tiếp theo.
Cho đến tối 10-3, Cảnh sát biển Vùng 4 đã mở rộng khu vực tìm kiếm nhưng chưa tìm được vật thể. “Chúng tôi đang tiếp tục bám trụ khu vực này, có thể điều động tàu tiếp thêm nhiên liệu cho các tàu cứu hộ”, Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 4, nói.
Chiều 10-3, một máy bay thương mại Hongkong báo tin phát hiện nhiều mảnh vỡ gần vùng biển Vũng Tàu. Sở chỉ huy Hải quân Vùng 2 và bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác minh nhưng chưa có thêm thông tin rõ ràng.
Hiện nay Cục Hàng không đã có phương án tiếp đón thân nhân của hành khách trên chiếc máy bay gặp nạn, quan chức các nước, báo chí quốc tế có thể đổ vào nước ta nếu tìm được máy bay gặp nạn.
Gia Minh