Ngựa. Quá nhiều họa sĩ đã vẽ, với tất cả nét đẹp, sinh động của nó; kể từ lúc hội họa còn là sự mò mẫm của những ngón tay trên mặt đất sét – chẳng hạn hình vẽ ngựa tìm thấy ở hang Montespan (tỉnh Haute-Garonne, Pháp). Và nếu nghệ thuật hội họa của những hang động được coi như là nghệ thuật hội họa cổ nhất thì trong nền nghệ thuật này, hình tượng ngựa cũng đã có mặt rồi.
Trên những vách hang đá Lascaux (tỉnh Dordogne, Pháp) có khá nhiều hình vẽ ngựa xen lẫn với hình vẽ những con thú khác. Những hình vẽ đã rõ ràng có tính tạo hình, những con ngựa đầu nhỏ, thân hình vạm vỡ, tuy dáng của cẳng chân không được tỉa tót đúng mức, vẫn hiện ra vô cùng linh hoạt trên tường đá gồ ghề, tất cả cùng với bầy dã thú như đang ở trong một chuyển động chập chờn, nhịp nhàng và liên tục. Trong tạo hình ngựa, nghệ thuật hang đá thời tiền sử cũng đã cho thấy khả năng của nhiều phong cách khác nhau: từ cố gắng mô phỏng bằng đường vòng quanh theo sự ghi nhận của thị giác tới những nét phóng bút hay những hình vẽ đã trở thành ký hiệu, đã trở thành chữ tượng hình, đánh dấu một bước nhảy vọt của loài người trên bước đường sáng tạo phương tiện truyền thông, bước đường sáng tạo ngôn ngữ, sự sáng tạo cần thiết để hỗ trợ cho lao động sản xuất và chinh phục thế giới tự nhiên.
Ngựa là hình ảnh rất quen thuộc trong lịch sử hội họa Trung Quốc, biểu tượng của hanh thông thành đạt (mã đáo thành công)[1]. Hàn Cán (706-783) đời nhà Đường nổi tiếng với các họa phẩm về ngựa. Ông không chỉ miêu tả được hình thể của ngựa mà còn truyền đạt thành công cái “thần” của nó. Các họa sĩ thế hệ sau này khi vẽ về ngựa đều phải nghiên cứu và tham khảo các bức tranh của ông. Bức tranh ngựa nổi tiếng nhất của Hàn Cán là Chiếu dạ bạch đồ, thể hiện hình ảnh một con ngựa trắng tương truyền ngời sáng trong đêm – một trong những con ngựa quý nhất của vua Đường Huyền Tông. Bức tranh vẽ bằng mực trên giấy, với nghệ thuật sống động hơn hẳn nhiều tranh ngựa trước đó, diễn tả Chiếu dạ bạch bị xích vào cọc – và có vẻ là một cây cọc sơn son thếp vàng – đang đập vó nhảy múa và dũng mãnh ngẩng cao đầu, đôi mắt lửa giận dữ bừng cháy, thể hiện khí thế “thiên thần mã” trong huyền thoại Trung Quốc…
Một họa sĩ cũng nổi tiếng về tranh ngựa trong hội họa Trung Hoa là Từ Bi Hồng [2]. Tuy trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc có những họa gia vẽ ngựa danh tiếng như Hàn Cán (đời Đường), Lý Công Luân (đời Tống), Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên), nhưng tranh độc mã hay quần mã của Từ Bi Hồng mang sắc thái độc đáo và sống động. Đó là một sự kết hợp hài hòa giữa tính cổ điển phương Tây và tính ước lệ Trung Quốc. Ngựa trong tranh của Từ Bi Hồng luôn căng tràn sức sống, linh động và mạnh mẽ, phóng khoáng và tràn đầy thần thái, dường như lúc nào cũng như muốn bay ra khỏi tranh.
Những hình tượng ngựa cũng được thấy trong hội họa phương Tây từ thời phong kiến cho tới thời tư bản. Bức tranh Ngựa trong cơn bão của Delacroix đậm nét bi thảm. Hình tượng trung tâm của tác phẩm nổi tiếng Guernica của Picasso là con ngựa. Khi được hỏi về Guernica, Picasso đã nói rằng hình tượng ngựa tượng trưng cho loài người, và ông còn sử dụng hình tượng này trong nhiều tác phẩm khác, đặc biệt là những tranh vẽ ngựa và kim ngưu (taureau). Trong nhiều tranh đề tài này, hình tượng ngựa vùng vẫy, bị đè nén dưới bóng đen hăm dọa của taureau – được Picasso tạo hình bóp méo, ngoặt ngoẹo – cho thấy điều kiện xã hội thời ông đang sống và được ông phản ánh bằng ngôn ngữ nghệ thuật, trở thành một tiếng kêu thét, một sự vùng vẫy cố gắng thoát khỏi sự áp bức của bạo lực. Trước Picasso không lâu, Ngựa bạch của Gauguin mang dáng dấp một con ngựa bị bỏ rơi, cô đơn, trong khi những con ngựa của Degas là thú vui nhàn tản của những người trưởng giả, những con ngựa trong gánh xiếc của Toulouse-Lautrec đầy màu sắc trang trí… Sau này những hình tượng ngựa của Alexander Calder, nhà điêu khắc Mỹ nổi tiếng, cũng như nhà điêu khắc Ý Marino Marini với những tác phẩm mang tính hiện đại, vẫn cho ta thấy nỗi ưu tư về sự hỗn mang sau Thế chiến II ở châu Âu.
Hình tượng ngựa của Việt Nam cổ nhất có thể tìm thấy qua những nét vẽ còn để lại trong những viên gạch (vẽ để làm khuôn đúc) thuộc mỹ thuật Đại La được phát triển trong thời Bắc thuộc (từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ X). Trong mỹ thuật Đại La người ta cũng tìm thấy nhiều di tích vẽ ngựa khác hoặc in trên những mảnh gốm, hoặc đúc thành những mảnh trang trí nhỏ gắn vào các kiến trúc đời này. Các trang trí trên và dưới bằng những hình kỷ hà, ở giữa khắc hình ngựa và kỳ lân.
Nếu muốn dựng lại bộ mặt xác thực đã qua của đất nước và con người Việt Nam bằng chứng cứ nghệ thuật thì nền điêu khắc cổ là một bằng chứng tốt nhất, vì những tác phẩm hội họa cổ không còn lại bao nhiêu. Tượng đá ngựa và chạm gỗ ngựa xuất hiện nhiều trong các lăng mộ cổ và trên các trang trí đình làng. Tượng đồng ngựa xưa nhất lại tìm thấy trên các vật dụng thờở Huế từ thế kỷ thứ XI. Những bức phù điêu chạm gỗ thông trên các đình làng thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII thật đẹp và thể hiện độc đáo tâm hồn Việt Nam. Bởi vì nghệ sĩ đã thoát ra được một trật tự đẳng cấp, đã đưa ra ánh sáng những gì trước đây bị bưng bít, phô diễn ngợi ca những gì trước đây bị kềm tỏa; thời kỳ này nền điêu khắc cổ Việt Nam thật sự đã tìm được một ngôn ngữ mới. Có thể nói điêu khắc đình làng là mảng Việt Nam nhất trong toàn bộ nghệ thuật cổ Việt Nam.
Còn bao nhiêu hình ảnh ngựa nữa trong nghệ thuật cổ xưa. Mà thôi, tạm xếp lại để nhớ đến ngựa trong tranh của anh em bạn bè, một thời hội họa Mùa xuân Sài Gòn… Ngựa, như lao vút vào một mảng nâu nhẹ của Lâm Triết. Ngựa, thiếu nữ và lẵng hoa trên đồi xanh nhà thờ của Trịnh Cung. Ngựa đài các của Nguyên Khai, ngựa liêu trai của Nghiêu Đề, ngựa đạm bạc của Nguyễn Trung, ngựa khắc khoải của Nguyễn Đồng, ngựa mũm mĩm của Nguyễn Thị Hợp, ngựa quay cuồng của Hà Cẩm Tâm… và không quên được người đam mê vẽ ngựa nhất là Trần Quang Hiếu, từ Pháp về Sài Gòn những năm 1960, để rồi sau 1975 đã gục ngã mãi mãi bên hè đường vì rượu và kiệt lực. Ngựa và người. Những thân phận. Và nghệ thuật thăng hoa.
[1] Nguyên ý câu này là “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” (Cờ phất [làm hiệu thì] chiến thắng, ngựa quay về [báo tin] thành công)[2] Sinh tại Giang Tô năm 1895, một trong những họa sĩ tiên khởi Trung Hoa đã theo học Trường Mỹ thuật Paris từ 1921-1926, hòa nhập với phái Montparnasse. Năm 1949, sáng lập và hướng dẫn Hội Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc. Mất tại Bắc Kinh năm 1953 .
Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình
(Tô Thùy Yên)
Sách tham khảo
Imagerie Populaire Vietnamienne – Maurice Durand (École Française d’ Extrême – Orient, Paris – 1960); l’ Art du Viêt-Nam – Imre Patkó và Miklós Rév (Éditions Corvina – Budapest, 1967); Arts of China – Terukazu Akiyam (Kodansha International LTD, 1968); Điêu khắc cổ Việt Nam – Phan Cẩm Thượng (NXB Mỹ Thuật – 1997); Mỹ thuật của người Việt – Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (NXB Mỹ Thuật – 1989); Mỹ thuật thời Trần (NXB Văn Hóa – 1977), Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam – Huỳnh Hữu Ủy (NXB Hồng Lĩnh, California – 1994)
- Đinh Cường