Không giống phương Tây, quan niệm làm đẹp của người Á Đông đã sớm hình thành từ rất lâu và họ luôn có một quan niệm rất khác về cái đẹp thực thụ của người phụ nữ.
Quan điểm về cái đẹp của người Trung Hoa ngày xưa là cái đẹp của khuôn phép và sự thanh cao, họ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Đạo giáo và Nho giáo. Đối với Đạo giáo, họ quan niệm con người là một phần của thiên nhiên, nên cái đẹp của họ cũng chỉ mang tính tương đối, vẻ đẹp bên ngoài không thể so sánh với vẻ đẹp bên trong, cái đẹp thực thụ lúc đó của người phụ nữ thiên về hình thể thanh mảnh, tâm hồn thanh cao hơn là thân hình đầy đặn. Trong khi đó với quan niệm của Nho giáo thì người phụ nữ đẹp trước tiên phải hội đủ bốn yếu tố Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Hình ảnh nổi tiếng về chuẩn mực về cái đẹp của người phụ nữ phong kiến Trung Hoa là gót sen ba tấc.
Trong khi đó một cô gái da trắng, tóc đen luôn là chuẩn mực hàng đầu về cái đẹp của người Nhật Bản. Quan điểm này đã xuất hiện rất lâu từ thời Nara (710-793), lúc bấy giờ trong giới quý tộc nữ nổi lên một phong trào nhổ lông mày và nhuộm răng đen để thể hiện đẳng cấp quý tộc của mình. Tuy nhiên, tới thời Munomachi (1388-1573) họ lại xem trọng mái tóc ngắn, một người phụ nữ lý tưởng là phải có khuôn mặt tròn, thân hình đầy đặn, trán rộng, đôi mắt chỉa ngược xuống và quan trọng hơn cả vẫn là da trắng tóc đen.
- Xem thêm: Cái đẹp…
Để có được da trắng, họ thường xuyên bôi lên mặt rất nhiều phấn trắng giống như hình tượng những Geisha. Quan niệm làm đẹp của người Nhật tiếp tục thay đổi vào thời Genroku (1688-1703) hình ảnh một cô gái có đôi gò má tròn và lông mày rậm trở thành mốt. Dù sau này khi bị Âu hóa, quan điểm của họ về cái đẹp có sự thay đổi ít nhiều, tuy nhiên với người Nhật Bản vẻ đẹp truyền thống luôn được đặt lên hàng đầu.
Với người Việt Nam thì không gì đẹp hơn một người phụ nữ giản dị, hiền lành, chịu thương chịu khó. Đấy là cái đẹp thực thụ, cái đẹp được đề cao và lưu truyền nhiều thế hệ. Ở Việt Nam ta cũng bịảnh hưởng rất nhiều của tư tưởng Nho giáo, cái đẹp có một phần quan trọng là tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Và chính vì tư tưởng đó nên quan niệm về một người phụ nữ đẹp là phải dịu dàng, hiền thục, giản dị, có một thân hình đầy đặn, một vóc dáng nhỏ nhắn, da trắng hồng và mái tóc đen dài.
Hơn nữa do bịảnh hưởng của tư tưởng phong kiến nên người con gái Việt ngày xưa thường hướng đến sự niềm nở, ăn mặc kín đáo trong tà áo dài duyên dáng. Phụ nữ Việt ngày xưa rất ít làm đẹp, họưa chuộng vẻ đẹp trời ban. Họ không sử dụng hoặc sử dụng rất ít mỹ phẩm, và dù có dùng cũng chỉ dùng trong các dịp lễ hội quan trọng. Đến những năm đầu thế kỷ XX, quan điểm làm đẹp lúc này thay đổi, hình ảnh hàm răng đen nhánh là thước đo của cái đẹp. Việc nhuộm răng được chú trọng, nó quan trọng với phụ nữ lúc đó như việc ngày nay phụ nữ thường trang điểm hay đơn giản là thoa son trước khi ra đường.
Ngày nay xã hội phát triển, có rất nhiều quan niệm về cái đẹp xuất hiện và thay đổi liên tục, cái đẹp trong mắt người phụ nữ Việt đã thoáng hơn, nhưng dù ở thời kỳ nào đi nữa thì quan niệm về một vẻ đẹp hoàn hảo thì phải đẹp trên cả hai phương diện: ngoại hình và tâm hồn, trong đó vẻ đẹp tâm hồn luôn quan trọng hơn tất cả.
Điều chế và sử dụng mỹ phẩm của người Việt xưa
Son môi: Được làm từ sáp ong ruồi loại tốt nhất, đem nấu chảy, trộn thêm dầu rồi lọc vài lần qua các lớp sa, sau đó đem hỗn hợp này trộn vào những màu yêu thích lúc bấy giờ như: hồng, cánh sen, hổ hoàng. Son này chỉ được sử dụng cho các cung tần, phi tử triều đình, các bà bôi lên môi tạo độ bóng tự nhiên, làm môi mềm, mịn.
Bột phấn tô lông mày và chì kẻ mắt: Được làm từ gỗ cây điên điển, người ta đốt cây rồi thổi thật nhẹ để lấy thứ bụi tro nhỏ, mịn làm chì kẻ mắt. Bút vẽ lông mày là cây điên điển phơi khô, giã giập mịn đầu rồi cắt xéo vạt, sau này mới được thay bằng cọ lông.
Phấn nụ: Đây là loại mỹ phẩm nổi tiếng của cung đình Huế và được lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ người phụ nữ Việt đến ngày nay. Phấn này có công dụng dưỡng cho da thật mịn màng, làm trắng da và một số công dụng khác. Quy trình sản xuất rất công phu, qua tới chín công đoạn, nguyên liệu chính là thạch cao và trên 10 loại thuốc bắc bí truyền.
Kem dưỡng da: Một loại mỹ phẩm được nhắc tới nhiều lúc này là hoa Cung nữ hay còn gọi là hoa Phấn, đây là loại hoa có màu hồng tím, mùi hương dịu nhẹ tinh khiết, trong ruột hoa có chứa một loại phấn màu trắng, các cung tần mỹ nữ thường dùng loại phấn này để thoa lên da nhằm làm trắng da và mịn da. Cánh hoa vắt ra thành nước bôi lên da giống như một loại kem dưỡng ẩm, làm đều màu da và làm mờ các vết nám.
Trong hoàng cung nhà Nguyễn còn có rất nhiều loại mỹ phẩm khác như nước trắng da, nước trắng trị mụn, mỗi loại có một công dụng khác nhau, nó giúp cho cung tần mỹ nữ xưa một làn da trắng tự nhiên và có tác dụng dưỡng da chống nắng lâu dài chứ không phải thời gian ngắn.
Một vài bí quyết làm đẹp của người phụ nữ Việt xưa
Để tóc điểm bạc thành tóc đen nhánh: Một phương pháp được nhiều người ưa chuộng dưới thời nhà Nguyễn là lấy nút chai rượu champagne đốt thành than. Sau đó lấy tăm hoặc vải bông chấm than, kẻ lên đầu xóa hết các vùng chân tóc thưa hoặc phủ lên vùng bị bạc.
Để có một mái tóc đẹp: Phụ nữ thời Nguyễn chỉ dùng bồ kết gội đầu cho tóc có màu đen nhánh và mượt mà. Đây là loại nguyên liệu phổ biến trong cung đình cũng như dân chúng, đã được sử dụng từ xa xưa đến nay.
Làm to vòng một tự nhiên: Người phụ nữ ngày xưa có rất nhiều bí quyết trong việc này, như việc ăn nhiều đu đủ và sắn dây sau mỗi lần “đèn đỏ”. Hay sử dụng loại thuốc cao có thành phần tự nhiên như trầm hương, cam thảo thoa lên khắp ngực. Nhân sâm thời đó cũng được xem là một thần dược giúp cho bộ ngực căng đầy.
Làm da đẹp từ bên trong: Các cung tần mỹ nữ hay dùng những món ăn như quả vải, canh sâm bồi bổ.
Làm da hồng hào tự nhiên: Một biện pháp đơn giản mà cung tần mỹ nữ hay dùng là khi tắm nước nóng thì dùng tay xoa nhẹ tấm thân mượt mà, vừa xối nước vừa dùng tay xoa nhẹ lên thân lên da để kích thích cho da hồng hào.