Các doanh nghiệp thường quan niệm rằng nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn và thông minh hơn nhằm mục đích kiếm nhiều tiền hơn. Thế nhưng theo Dan Pink, một tác giả của những đầu sách về các đề tài kinh doanh, công việc, động viên và quản lý nhân viên được các tờ Wall Street Journal, New York Times và Washington Post xếp vào hàng bán chạy nhất (best-seller), quan niệm trên chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn chứ không thúc đẩy được nhân viên làm việc hiệu quả.
Pink cho rằng thật ra tiền bạc không phải là động cơ hàng đầu đối với nhiều người lao động. Theo nghiên cứu của Pink, bốn yếu tố chính thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả hơn bao gồm.
- Sự công bằng (Fairness). Khi nhân viên cảm thấy họ được đền bù tương xứng hay hợp lý với khối lượng công việc của mình thì tiền lương không còn là một vấn đề lớn đối với họ.
- Sự độc lập (Autonomy). Nhân viên muốn có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, được làm những gì mà họ muốn và vào những thời gian mà họ thấy thích hợp.
- Làm chủ công việc (Mastery). Sự thỏa mãn mà nhân viên có được khi cảm nhận rằng mình thật sự làm chủ công việc mà họ đang làm, được mọi người công nhận, đánh giá cao và tôn trọng là một động lực rất lớn khiến họ gắn bó lâu dài với công việc.
- Công việc có mục đích, ý nghĩa. Cảm nhận rằng công việc của mình đang giúp những người khác và làm thay đổi thế giới theo hướng tích cực cũng tạo ra động cơ làm việc rất lớn đối với nhân viên.
Geoffrey James, một chuyên gia về đề tài bán hàng trên tạp chí Inc. cũng rất đồng quan điểm với Pink. James cho rằng, hơn ai hết, những nhân viên làm việc trong các công ty thiên về kỹ thuật hay sáng tạo sẽ cảm nhận được sự đúng đắn của kết luận trên đây.
- Xem thêm: Động viên nhân viên không chỉ bằng tiền
Ở những môi trường làm việc này, nhân viên thường chỉ phát huy tốt nhất năng lực của mình và đem đến những kết quả có giá trị cao hay những ý tưởng mới mẻ nếu họ được làm việc độc lập, không bị giám sát chặt chẽ bởi các nhà quản lý.
Theo James, điều tương tự cũng diễn ra trong các môi trường kinh doanh. Những nhân viên có thành tích bán hàng tốt nhất và đem về nhiều doanh thu, lợi nhuận cho công ty nhất cũng là những nhân viên cảm nhận được sự thỏa mãn khi họ thắng cuộc trong cạnh tranh và đem đến cho khách hàng những giá trị vượt trội thật sự. Nhưng điều quan trọng hơn là họ phải làm được điều này một cách độc lập chứ không phải bị trói buộc trong nhiều chính sách, quy định cứng nhắc của công ty.
Thế nhưng, James cho rằng, điều nghịch lý trong thực tế là nhiều nhà điều hành doanh nghiệp vẫn tin rằng để đạt hiệu quả cao trong quản lý thì cần phải: (1) giảm thiểu chi phí tiền lương, (2) kiểm soát hành vi của nhân viên, (3) khuyến khích sự đồng nhất/những tình huống có thể tiên đoán trước và (4) tuyên truyền những câu “tuyên bố sứ mệnh” mang nặng tính hình thức.
Những nhà điều hành doanh nghiệp ấy thường cố gắng sử dụng tiền thưởng và quyền mua cổ phiếu để động viên một số nhân sự chủ chốt (trong đó có bản thân họ). Tình trạng này trở thành phổ biến ở nhiều doanh nghiệp lớn cũng như nhỏ.
Theo James, đã đến lúc các doanh nghiệp cần từ bỏ quan niệm lấy tiền bạc làm một yếu tố hàng đầu để động viên nhân viên. Thay vào đó, cần trang bị cho nhân viên những thứ mà họ thật sự cần: một mức lương hợp lý, các công cụ để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất và một mô hình kinh doanh có tác dụng cao nhất. Sau đó, giúp nhân viên bù đắp những khoảng cách về kỹ năng, kiến thức, ra các quyết định quan trọng và hỗ trợ, huấn luyện cho nhân viên, giúp họ hoàn thành các mục tiêu đặt ra.