Làm thế nào để nhân viên làm việc một cách hứng thú và say mê hơn mà không cần phải tăng lương hay thưởng cho họ? Theo các chuyên gia quản trị nguồn nhân lực, vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nếu doanh nghiệp hiểu được vì sao tiền bạc lại là một động cơ thúc đẩy nhân viên làm việc. Các chuyên gia này cho rằng, trên thực tế, không có nhân viên nào làm việc chỉ vì tiền.
Mặt khác, khi đã đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu tối thiểu của cuộc sống bao gồm ăn, mặc, ở thì không ai muốn kiếm thêm tiền chỉ để có thêm những thứ này nữa. Nói cách khác, khi đã đạt đến một mức sống tối thiểu để tồn tại, người lao động chỉ xem tiền như một động lực để làm việc nếu họ xem đó là một phương tiện làm cho họ cảm thấy cuộc sống tốt hơn.
Đó cũng là lý do vì sao có thể dễ dàng động viên nhân viên bằng những cách phi tài chính. Tất cả những gì mà doanh nghiệp phải làm là tìm hiểu những cách khiến cho nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi họ làm việc. Về cơ bản, đó là tạo cơ hội để công nhận những nhân viên có thành tích làm việc tốt, giúp họ gắn bó với nhau và với mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp. Các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên dưới đây.
1. Tạo điều kiện để nhân viên khen nhau
Khi một nhân viên nào đó đạt được một mục tiêu lớn hay một thành tích cao trong công việc, hãy tạo điều kiện để nhân viên đó chính thức công nhận những nhân viên thuộc các nhóm hay phòng ban khác đã hỗ trợ, giúp đỡ anh (cô) đạt được thành tích này.
Chẳng hạn, khi một nhân viên kinh doanh nào đó trong công ty đạt được thành tích cao về doanh thu hay lợi nhuận trong tháng hoặc giành được một thương vụ lớn, nhân viên này có thể chọn một nhân viên hỗ trợ ở tuyến sau (back-office) để khen ngợi, đánh giá cao và cảm ơn nhân viên hỗ trợ này trước mặt các thành viên của cả hai nhóm – bộ phận kinh doanh và bộ phận hỗ trợ. Có thể kết hợp với việc tặng một món quà nhỏ cho người đạt thành tích cao lẫn người đã hỗ trợ người này đạt thành tích ấy.
2. Tổ chức các cuộc họp “Đảm bảo chất lượng” (Quality Assurance – QA) hằng tuần
Những cuộc họp như thế thường diễn ra vào chiều thứ Sáu, sau giờ làm việc, có thể tại một quán cà phê nào đó. Các nhân viên và sếp khi đến dự họp có thể tự chọn chỗ ngồi, gọi thức ăn, nước uống tùy thích và có thể tự trả tiền cho mình. Điều chắc chắn sẽ diễn ra là các đồng nghiệp có nói chuyện gì đi nữa với nhau thì cũng có khuynh hướng quay về với công việc và những khó khăn, bức xúc hiện đang gặp phải.
Không gian thân tình, cởi mở như thế sẽ giúp cho nhân viên và sếp hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn và cùng đưa ra những giải pháp có tính khả thi hơn cho các vấn đề chung của công ty. Tuy nhiên, nên lưu ý khéo léo bố trí để các nhân viên cùng phòng ban không ngồi quá gần nhau để tránh tình trạng “cục bộ” trong tổ chức.
3. Khen thưởng theo thành tích chứ không theo chức vụ
Một số công ty có những hình thức khen thưởng hay ưu đãi hữu hình, chẳng hạn như bố trí chỗ đậu xe thuận tiện và miễn phí, tổ chức các buổi họp bên ngoài ở những khu nghỉ mát cho các giám đốc cấp cao, trong khi nhân viên thì lại phải chấp nhận các điều kiện kém thuận lợi hơn. Các chuyên gia khuyên rằng, không nên khen thưởng cho nhân viên dựa trên chức vụ hay vị trí mà nên theo thành tích mà họ đạt được.
Lý do là nếu chỉ khen thưởng dựa trên chức vụ thì doanh nghiệp đã vô hình trung khuyến khích nhân viên chạy theo những nấc thang về cấp bậc trong tổ chức – một mục tiêu mà không phải ai cũng có thể đạt được. Trong khi đó, việc khen thưởng dựa trên thành tích sẽ giúp cho nhân viên phấn đấu tốt hơn trong những công việc thuộc sở trường của họ và từ đó thúc đẩy cải thiện năng suất làm việc của toàn công ty.
4. Tạo niềm vui trong công việc
Ý tưởng ở đây là biến công việc thành một… trò chơi hay một cuộc thi thố. Các chuyên gia gọi cách làm này là “gamification” (tạm dịch: trò chơi hóa công việc). Trước nay, đã có nhiều công ty áp dụng các hệ thống tính điểm cho nhân viên kinh doanh, hằng tháng thì công bố kết quả và trao giải thưởng cho các nhân viên có thành tích cao.
Hiện nay, mô hình này đang được nhiều công ty nhân rộng ra các bộ phận chức năng và phòng ban khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết thực tế cho thấy các mô hình “gamification” sẽ có tác dụng tốt hơn khi doanh nghiệp tổ chức cuộc đua tài giữa các nhóm thay vì giữa các cá nhân.
5. Gắn kết nhân viên với những khách hàng hài lòng
Nhân viên sẽ cảm thấy vui hơn nếu họ biết được những gì mà mình đang làm giúp khách hàng hài lòng hơn. Tuy nhiên, thông thường chỉ có các nhân viên kinh doanh và dịch vụ khách hàng, những người tương tác trực tiếp với khách hàng, mới cảm nhận rõ điều này.
Vì vậy, hãy tạo điều kiện để các nhân viên không làm việc trực tiếp với khách hàng cũng có thể thấy được những tác động, kết quả tích cực từ những nỗ lực gián tiếp của họ trong quá trình đem đến những giá trị, lợi ích cho khách hàng.
Chẳng hạn, có thể mời một số khách hàng thân thiết tham quan các bộ phận không làm việc trực tiếp với khách hàng và khen ngợi các nhân viên này trước khách hàng.
Cũng có thể làm một số đoạn phim video ghi lại lời cảm ơn của khách hàng đối với công ty, nhất là những bộ phận không làm việc trực tiếp với khách hàng, sau đó phát cho các nhân viên ở những bộ phận này xem để họ cảm nhận được ý nghĩa quan trọng trong những công việc mà họ đã đóng góp cho doanh nghiệp và sự hài lòng của khách hàng.