Dù tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là khoảng 8% theo như ước tính của Chính phủ hay dưới 5% theo báo cáo từ các ngân hàng thương mại, thì cũng là con số rất lớn, lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời vào nửa cuối năm 2013 và đã mua được khoảng 35 ngàn tỉ đồng nợ xấu. Đã có những đánh giá bước đầu, công nhận sự tích cực của VAMC là công cụ đắc lực góp phần giải quyết nợ xấu, song song với những lo ngại liệu VAMC có đủ năng lực để xử lý được tận gốc khối nợ xấu khổng lồ ấy không hay chỉ là “chuyển nợ từ các ngân hàng thương mại qua VAMC cho đẹp sổ sách”. Có lẽ cần có thêm thời gian mới có thể đánh giá được đây có phải là giải pháp hợp lý nhất hay không và có cần phải tìm giải pháp khác để thay thế hoặc hỗ trợ hay không.
Mối quan tâm thứ hai của dư luận liên quan đến hệ thống ngân hàng là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong mối tương quan với tốc độ tăng GDP. Nếu như năm 2012 tăng trưởng GDP ở mức 5,02% và tín dụng tăng 8,91%, thì năm 2013 GDP tăng 5,4%, tín dụng tăng trên 10% là khá hợp lý. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng trước đây muốn GDP tăng 1% thì tín dụng phải tăng 5 – 6%, nay tín dụng chỉ cần tăng khoảng 2%, chứng tỏ hiệu quả và chất lượng của tăng trưởng tín dụng ngày càng cao.
Thành công bước đầu của chính sách tiền tệ năm qua là có và cần được duy trì, tuy nhiên chính sách tài khóa lại không được như vậy. Vào cuối năm 2013 Quốc hội đã phải thông qua đề xuất của Chính phủ tăng tỷ lệ bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% so với GDP và đồng ý việc phát hành thêm trái phiếu chính phủ trị giá 170 ngàn tỉ đồng. Điều này đã gây ra những mối lo ngại. Tăng trưởng dù cao hơn năm 2012 nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP còn lớn, lần lượt là 55,79% và 17,12%, trong khi đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp của nước ta lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu như tại Hàn Quốc, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp là 51,32%, Malaysia là 36,18%, Thái Lan: 36,14%, Trung Quốc: 35,19%, Ấn Độ: 31,01%… thì ở Việt Nam, yếu tố này chỉ chiếm 19,59%. Năng suất lao động của nước ta cũng rất thấp, chỉ bằng 1/10 của Indonesia, 1/20 của Malaysia, 1/135 của Nhật Bản và tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Đáng ngại hơn, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP tiếp tục giảm, năm 2013 chỉ còn 30,4% (tỷ lệ này của năm 2012 là 33,5% và của năm 2011 là 34,6%). Sức mua nội địa cũng rất yếu khi tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6% so với năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây, thậm chí nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,6% trong năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,5% của năm 2012. Chính tổng cầu và sức mua yếu đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh. Trong năm 2013, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737, tăng 11,9% so với năm 2012.
Có thể nói chính sách tài khóa trong năm qua là chưa đạt yêu cầu. Một sự thay đổi trong điều hành, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hướng đến một sự phát triển bền vững là điều cần làm trong năm 2014 này.
Minh Hằng