Ngày càng nhiều người được chẩn đoán là cột sống bị thoái hóa dù tuổi mới ngoài 30. Cơn đau tại các vùng cổ, lưng xuất hiện thường xuyên và dai dẳng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mất ăn mất ngủ. Làm thế nào để làm giảm các cơn đau khó chịu này?
Có nên phẫu thuật ngay khi phát hiện tình trạng thoái hóa cột sống? Buổi trò chuyện với BS CKII Nguyễn Văn Khoan, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Hồng Đức hy vọng sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của mọi người xung quanh bệnh lý hay gặp này. BS Nguyễn Văn Khoan cho biết:
Nói đến thoái hóa cột sống, nhiều người thường nghĩ rằng tình trạng này chỉ gặp ở người lớn tuổi vì đây là một quá trình biến đổi của cột sống do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị thoái hóa cột sống, nhất là người ở độ tuổi trung niên. Nguyên nhân chủ yếu là do làm việc nặng, đứng ngồi sai tư thế, cúi gập quá mức và ít luyện tập thể dục thể thao.
Những người thường xuyên phải làm việc nặng hoặc làm việc sai tư thế lặp đi lặp lại nhiều lần, người béo phì… sẽ làm quá trình thoái hóa cột sống dễ xảy ra và xảy ra sớm hơn những người khác.
Các biểu hiện của thoái hóa cột sống thường gặp là gai đốt sống, thoái hóa đĩa đệm, phì đại các dây chằng và sự mất vững cột sống do thoái hóa. Trong đó, gai đốt sống hay gặp hơn, xuất hiện sớm hơn và là một phản ứng tự bảo vệ của cơ thể chúng ta trước tác động của sự chịu lực quá mức hoặc sai tư thế kéo dài.
Vì sao gai cột sống lại là một phản ứng tự bảo vệ, xin bác sĩ giải thích rõ hơn…
Nói một cách đơn giản nhất, cột sống của chúng ta gồm nhiều đốt sống, kết nối với nhau bằng đĩa đệm và hệ thống dây chằng, phía sau cột sống là ống sống, bên trong ống sống chứa tủy, các dây thần kinh và mạch máu.
Đoạn cột sống hay bị thoái hóa nhất là cột sống thắt lưng – là vùng chịu tải trọng nặng nhất của cơ thể, kế đến là cột sống cổ. Khi chúng ta phải hoạt động nhiều, làm việc nặng, cúi gập quá mức thì các đĩa đệm có khuynh hướng bị nén xẹp xuống và phình ra, tăng đường kính ngang.
Hệ thống dây chằng ngày càng phì đại dày lên và vôi hóa tạo gai xương nối các đốt sống lại với nhau. Đây chính là quá trình phản ứng tự vệ nhằm làm vững thêm cho cột sống vốn đang phải chịu tải quá sức của nó, còn gọi là quá trình tái tạo vững của cột sống.
Vì vậy, gai cột sống không phải là yếu tố gây đau, mà nó chính là yếu tố gia cố, làm vững chắc thêm cho cột sống vốn đang bị thoái hóa do tác động của sự chịu lực quá mức hoặc sai tư thế kéo dài.
Tuy nhiên, nếu gai cột sống làm hẹp lỗ liên hợp (lỗ đi ra của rễ thần kinh), chèn ép rễ thần kinh này thì sẽ gây đau dọc theo đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép, hiện tượng này thường xuất hiện ở cột sống cổ.
Sự phì đại và cốt hóa của các dây chằng cũng là yếu tố làm vững. Tuy nhiên nếu phì đại quá mức, làm hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh cũng sẽ gây đau theo rễ thần kinh đó. Ngoài ra, gai cột sống cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị loãng xương.
Như vậy, cột sống có gai là một hiện tượng phản ứng của cơ thể…
Có thể nói như vậy. Hầu hết những người đứng tuổi đều xuất hiện chồi gai ở cột sống.
Vì vậy, tôi lưu ý với mọi người là khi thấy trên phim chụp cột sống có các chồi gai thì cũng không nên quá lo lắng, vì đó không phải là biểu hiện bệnh lý nguy hiểm về cột sống như mọi người vẫn nghĩ.
Chỉ khi gai to và sự biến đổi của đĩa đệm gây hẹp ống sống, chèn ép dây thần kinh gây những cơn đau dai dẳng, nghỉ ngơi và dùng những thuốc giảm đau thông thường vẫn không đỡ đau thì mới đáng lưu ý và cần khám bác sĩ chuyên khoa.
Đối với gai cột sống lớn thì chúng ta có nên mài bỏ gai không?
Như tôi đã nói, gai là phản ứng của cơ thể chúng ta, nó là dấu hiệu của thoái hóa chứ không phải nguyên nhân. Vì vậy không nên dùng bất cứ biện pháp nào để mài, cắt gai mà chúng ta phải điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Tình trạng thoái hóa cột sống còn gây nên sự mất vững cột sống. Khi phải lao động nặng quá sức hoặc sai tư thế lâu ngày sẽ làm cho hệ thống các dây chằng, bao khớp của cột sống bị căng giãn, lỏng lẻo quá mức. Khi đó, đốt sống trên sẽ di lệch (trượt) ra trước hoặc ra sau quá giới hạn cho phép trên đốt sống dưới, gây đau tại chỗ, đau lan xuống chân theo rễ thần kinh tọa, đi cách hồi. Một số trường hợp nặng có thể gây teo cơ, hoặc thậm chí yếu liệt chi.
Cơn đau do mất vững cột sống thường biểu hiện như thế nào?
Đau do mất vững cột sống thắt lưng là đau tại chỗ vùng thắt lưng, đau lan xuống một hoặc hai chân. Đi bộ một đoạn khoảng vài chục mét thì đau tăng lên dần, cảm giác nặng trĩu ở chân không thể đi được nữa, bệnh nhân phải ngồi lại vài phút, sau đó mới có thể đứng lên đi tiếp và đoạn đường có thể đi được càng ngày càng ngắn lại (gọi là đi cách hồi).
Nói chung là đau khi cột sống phải chịu lực như khi đứng, đi bộ, làm việc, khi nằm nghỉ thì cơn đau giảm hẳn và dễ chịu. Tuy nhiên, khi bệnh đã nặng thì nghỉ ngơi cũng không hết đau.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng bị gai cột sống khi tình cờ chụp phim X-quang cột sống. Khi đó, cần phải biết tiết chế trong đi đứng, sinh hoạt, lao động cho điều độ, vừa sức và đúng tư thế chứ không nên quá lo lắng đi chạy chữa khắp nơi cho tốn tiền của và mất thời gian.
Xin bác sĩ hướng dẫn làm cách nào để phòng ngừa thoái hóa cột sống?
Trước hết, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để có một cột sống chắc khỏe. Khi đã có một cột sống chắc khỏe thì cần phải sử dụng nó một cách khoa học, vừa sức, điều độ và đúng tư thế hằng ngày.
Học sinh, sinh viên hoặc nhân viên văn phòng thì phải ngồi đúng tư thế: lưng thẳng (có tựa lưng hơi nghiêng phía sau càng tốt), hai vai cân. Ngồi tối đa khoảng 30-45 phút phải đứng lên, đi tới lui thay đổi thế rồi mới ngồi tiếp, tránh ngồi kéo dài cả buổi hoặc cả ngày.
Khi cần phải khiêng nặng thì phải khiêng trong tư thế thẳng lưng (giống như tư thế cử tạ của vận động viên). Đồng thời phải chăm tập thể dục thể thao hằng ngày, đặc biệt là tập các bài tập tăng cường sức mạnh khối cơ thân như hít xà đơn, hít đất, tập cơ bụng, đi bộ vào buổi sáng hằng ngày dưới ánh nắng mặt trời để tăng hấp thu tiền vitamin D… Tránh dùng kéo dài những thuốc gây tác dụng phụ làm loãng xương sớm như corticoide.
Có cách nào để làm dịu những cơn đau khó chịu của thoái hóa cột sống không?
Khi bị những cơn đau cột sống hành hạ nên nằm nghỉ, thả lỏng người trên giường nệm dày, uống thuốc giảm đau thông thường như paracetamol (acetaminophen). Khi đã giảm đau, có thể kết hợp tập vật lý trị liệu, xoa bóp mát xa, chườm nóng để làm giảm cơn đau.
Bệnh nhân thoái hóa cột sống khi nào thì cần phẫu thuật?
Thoái hóa cột sống có thể xem như một quá trình lão hóa của cơ thể, và gây những cơn đau khó chịu thường do quá sức. Phẫu thuật chỉ đặt ra đối với một bệnh nhân thoái hóa cột sống khi thoái hóa gây hẹp ống sống chèn ép thần kinh gây đau thắt lưng và đau theo rễ thần kinh bị chèn ép, đi cách hồi mà không thể điều trị được bằng các biện pháp khác như nghỉ ngơi, dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.
Thoái hóa cột sống gây mất vững cột sống, đau và đi cách hồi kéo dài, ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt hằng ngày. Hoặc khi có biến chứng nặng như liệt vận động, bí tiểu (cần mổ gấp để cứu vãn thần kinh). Với những chỉ định như trên thì chỉ có khoảng 5 – 10% bệnh nhân thoái hóa cột sống là cần phải mổ.
Hiện nay hình như đã có thuốc hạn chế quá trình lão hóa, phải không thưa bác sĩ?
Sinh – lão – bệnh – tử là tiến trình tự nhiên mà tạo hóa đã tạo ra cho chúng ta, mặc dù có những người chưa sanh đã tử, hoặc chưa lão đã bệnh hoặc thậm chí tử. Do đó, y học không thể cưỡng lại quá trình này, mà chỉ có thể giúp cột sống của chúng ta không bị lão hóa trước tuổi.
Ngoài những biện pháp như đã nói trong phần phòng ngừa ở trên thì thuốc men chỉ là biện pháp bổ sung dinh dưỡng cho cột sống nói riêng và hệ xương khớp nói chung. Đó là việc cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho xương (canxi, phospho, mangane…), vitamin D, các thuốc làm tăng hấp thu canxi qua đường ruột như vitamin C, calcitriol, các thuốc hỗ trợ làm tăng tiết dịch và bảo vệ khớp như các thuốc có chứa glucosamin, chondroitin, MSM… và dùng các thuốc chống loãng xương khi có chỉ định.
Các chế phẩm dinh dưỡng được quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay giúp cho xương chắc khỏe mỗi ngày như các loại sữa cũng bổ sung các thành phần này, đặc biệt là canxi.
Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích trên.