Giáo sư Martin Seligman dạy về tâm lý học ở Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) là tác giả của hai quyển sách mang tên Learned Optimism và The Optimistic Child (tạm dịch: Học chủ nghĩa lạc quan và Cậu bé lạc quan). Trong hai tài liệu trên, ông đã chia sẻ một ý tưởng quan trọng rằng khi công việc đòi hỏi ở đội ngũ nhân viên sức sáng tạo cao, nếu nhà quản trị doanh nghiệp biết mở cho họ cách suy nghĩ lạc quan thì thành công sẽ trong tầm tay. Xin mời độc giả tham khảo hai điều mà ông rất tâm đắc.
Khi quyết tâm thay đổi lối suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua mọi trở ngại
Mọi sự kiện buồn vui trong cuộc sống đều là cơ hội làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về những vấn đề thường ngày. Trong môi trường làm việc cần tinh thần sáng tạo cao thì nhà quản trị càng nhận thấy điều ấy rõ hơn ở ngay các nhân viên của mình.
- Xem thêm: Thay đổi thái độ tiêu cực của nhân viên
Điều đáng nói là thông thường, sau khi một sự cố xảy ra đối với ai đó thì hầu hết xu hướng nhìn nhận vấn đề lại nghiêng về phía bi quan hơn là lạc quan. Ai cũng cần lạc quan để nuôi dưỡng ước vọng, nỗ lực đạt cho được những thành công trong nghề nghiệp và còn để thoát ra khỏi những mối bận tâm không cần thiết. Vì vậy, nhà quản trị nên trao đổi với các nhân viên của mình để họ thấy được:
- Mỗi lần thất bại là một cơ hội học hỏi.
- Mỗi chúng ta đều có thể thay đổi.
- Thành công phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của từng người.
Nhà quản trị nên giúp các nhân viên chuyển đổi tâm trạng từ bi quan sang lạc quan bằng câu hỏi “Chẳng lẽ mình lại vô dụng trong tình huống khó khăn này ư?” để khơi gợi trong họ nỗ lực vươn tới ngày mai tươi sáng hơn.
Đối với bản thân, chúng ta có thể vận dụng cách giáo sư Martin Seligman: “Bạn hãy xem lại những gì mình mới viết ra để thấy tỷ lệ giữa từ ngữ tích cực và từ ngữ tiêu cực là bao nhiêu. Sau đó hãy loại bỏ bớt các từ tiêu cực, dùng nhiều từ tích cực hơn để chỉnh sửa lại văn bản đó. Suy nghĩ tích cực hơn sẽ dẫn đến thành công trong công việc”.
Hãy cười lên!
Nhà quản trị nên khuyến khích các nhân viên tự tạo ra hưng phấn làm việc bằng những câu nói vui nhộn, nhưng không được biến mình thành trò hề. Nếu không biết tự thưởng cho mình nụ cười khi làm việc căng thẳng thì nguồn cảm hứng sáng tạo trong chúng ta sẽ bị tàn lụi dần.
Khi cần tập trung nhiều nhân viên để cùng bàn luận về một vấn đề nào đó đòi hỏi tính sáng tạo thì nhà quản trị phải tạo ra được bầu không khí phấn khích, thách thức, kèm chút hài hước.
Các nhà nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng khi làm việc chung, người ta có cơ hội cười vui với nhau nhiều gấp 30 lần so với khi làm việc một mình. Do vậy, điều tối kỵ đối với nhà quản trị trong khi làm việc nhóm là dập tắt cơ hội mọi người cùng cười, dù chủ ý hay vô tình.
- Xem thêm: Vì sao nhân viên chán việc?
Tất nhiên, gây cười cũng cần có nghệ thuật và người giỏi gây cười thường biết tận dụng các tình huống thích hợp, phát hiện ra các yếu tố gây cười để lồng vào những điểm nhấn khi thảo luận. Nên nhớ rằng hài hước luôn là cách tốt nhất để thoát ra khỏi tình huống bế tắc, nặng nề mà những người tham gia thảo luận có thể gặp phải.
Nhiều nhà quản trị biết vận dụng nghệ thuật khôi hài như một phương tiện làm giảm bớt áp lực công việc. Khi môi trường làm việc đòi hỏi tính sáng tạo càng cao thì càng cần nhiều nụ cười đồng hành. Martin Seligman cũng tỏ ra tâm đắc với một câu được cho là châm ngôn của người Á Đông mang ý nghĩa tương tự: “Khi nào trong bạn xuất hiện ý tưởng mới, hãy nở ngay nụ cười với nó!”.