Thầy giáo Hoàng đứng trước cửa lớp, giận sôi cả ruột. Thằng nhóc tì mới tí tuổi đầu đã hỗn hào quá đỗi. Mà nào phải nó học dở cho cam. Trái lại, thằng bé tên Huy ấy rất thông minh, môn học bài vào lớp nó chỉ lướt qua là có thể trả bài đủ điểm trung bình, còn các môn tự nhiên thì nó rất nhanh nhạy.
Các thầy dạy Toán, Lý thường nói “thằng Huy mà siêng hơn một chút, chắc sẽ không thua đứa nào trong lớp này”. Nhưng cái thằng Huy ấy lại chẳng siêng chút nào! Chỉ có những trò quậy phá là nó “siêng” thôi. Hết nói chuyện, nó lại kéo tóc bạn gái, đứng lên chào thầy cô ngồi xuống là có bạn la oai oái vì có “vật lạ” dưới chỗ ngồi, ra sân chào cờ hôm nào lớp nó cũng bị Cờ đỏ trừ điểm thi đua vì “có bạn ngồi không đúng vị trí, cứ chạy qua lớp khác”…
Hôm qua nó lại gây ra chuyện. Thầy ngoại ngữ vừa trả bài kiểm tra, bạn vừa phát bài qua tay là nó đã vò nhàu bài lại, thảy vào hộc tủ, ngay trước mặt thầy và các bạn, thử hỏi thầy giáo làm sao chịu nổi! Xâu lại với những vi phạm của Huy suốt từ đầu năm đến nay thì việc đưa ra hội đồng kỷ luật với nó là đáng tội rồi, nó chẳng phải làm kiểm điểm hàng chục lần, bị phê bình, cảnh cáo trước lớp mấy lần rồi sao, giờ thì còn hình phạt nào tương xứng nữa đâu!
Nhưng mà… trước mắt thầy chủ nhiệm, hình ảnh người mẹ còm cõi, vất vả suốt ngày ở xí nghiệp bao bì kia với nước mắt ngắn nước mắt dài cứ rõ mồn một, muốn vứt bỏ cũng không yên.
– Xin thầy cho thằng Huy một cơ hội nữa. Tôi sẽ dẫn cháu đến lạy lục, xin lỗi thầy ngoại ngữ. Ra hội đồng kỷ luật, bị đuổi học chắc chắn thằng nhỏ sẽ đi bụi, sẽ hư thêm thôi. Xin thầy thương tôi, tha thứ cho Huy một lần nữa đi…
– Dì ơi, lần nào dì cũng nói vậy mà không biết đến lần thứ mấy rồi.
– Hoàn cảnh nó khổ quá thầy ơi, thầy cũng biết mà, phải không?
Đúng là hoàn cảnh thằng nhỏ “khổ” thật. Cha nó có vợ bé, về đánh đập vợ con như cơm bữa, rồi mới đây lại bỏ nhà theo cô vợ bé luôn, không hề chu cấp gì cho mấy mẹ con. Đứa em út mới năm tuổi phải gởi nhờ nhà hàng xóm, đi học về hai anh em tự nấu cơm ăn, có bữa hết gạo, Huy ra đầu hẻm mua ngàn bạc cơm rồi nhịn cho em ăn. Thầy Hoàng đến nhà, thằng bé chỉ lầm lầm lì lì lảng đi, hỏi gì cũng không nói.
Khổ cái là mình biết nó đáng thương chứ các thầy cô khác đâu biết. Mà có biết đi nữa thì ai lại chấp nhận thái độ buông thùa kia… Thầy Hoàng nghĩ mãi đến nhức cả đầu mà không biết phải “biện hộ” cách gì cho thằng nhỏ lần này. Chắc đành phải đưa nó ra hội đồng kỷ luật thôi, vấn đề còn là ở bản thân nó nữa…
Ra hội đồng kỷ luật khối, thầy giáo chủ nhiệm trình bày hết hoàn cảnh em Nguyễn Hữu Huy, xin các thầy cô “chiếu cố cho em một lần nữa” nhưng ý kiến chung vẫn là “đưa ra hội đồng kỷ luật trường”. Cô giáo dạy Lý của lớp dứt khoát:
– Chúng ta không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”. Em Huy thuộc loại vi phạm có hệ thống, không nên nhân nhượng nữa.
Thầy ngoại ngữ, “đương sự của vụ án” thì từ tốn hơn nhưng vẫn bảo lưu ý kiến:
– Nếu cứ phê bình hay khiển trách ở lớp thì với em Huy chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa” chẳng tác dụng gì. Phải có biện pháp tích cực hơn để giúp em xác định trách nhiệm học tập của mình. Còn như em không hề muốn học nữa thì đành vậy thôi!
Cuối cùng khi biểu quyết, chỉ có một cánh tay đưa lên của thầy chủ nhiệm xin được giữ em Huy lại để lớp giáo dục. Mười bốn người còn lại cùng thống nhất ý kiến. Vậy là với cương vị thầy chủ nhiệm lớp, thầy Hoàng phải hoàn thành hồ sơ, biên bản các thứ để hội đồng kỷ luật trường tiến hành xét xử.
Khi thầy Hoàng ra khỏi cuộc họp, trời vừa sụp tối. Mấy cây bàng tầng trên sân trường đã xếp lá thiêm thiếp ngủ. Ở góc sân, dưới lễ đài bóng cây bồ đề to lớn che tối cả một khoảng trời. Chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn góc bồ đề cổ thụ này, lòng thầy Hoàng cứ man mác, bâng khuâng. Kỷ niệm một thời cắp sách còn giữ lại nơi này đó chăng? Những bạn đồng môn cũ mỗi lần về hội trường cũng hay nói với nhau:
– Cứ nhìn thấy gốc bồ đề là tưởng như mọi thứ vẫn như xưa. Tuổi trẻ, bạn bè, tiếng cười đùa, những trò nghịch ngợm, những vui buồn thời đi học…
Và cậu bé học trò tên Hoàng, nay là thầy giáo Hoàng cũng thế. Biết bao buổi chiều, khi ngôi trường im ắng, khi đám học trò đã về hết, Hoàng vẫn hay đi từng bước qua các dãy hành lang lớp học mà cảm thấy ấm áp trong lòng. Tưởng như những bước chân hồn nhiên ngày nào vẫn còn ấm nồng trong từng viên gạch, tưởng như tiếng cười nói vẫn đọng lại đâu đó trong hàng hiên, trong từng góc lớp…
Đột nhiên, thầy Hoàng lại có cảm giác ngứa ngứa trên bả vai. Lại nữa rồi… Lại còn thế nữa sao… Người thầy giáo nghe như mình đang nói chuyện với chính mình. Ừ, mà mình còn chưa tính, trong ngôi trường này, đâu đó trên một khung cửa lớp, còn một vết khắc không thể xóa mờ. Một vết khắc rất sâu hình một trái tim nhỏ máu giống y như vết xăm vẫn còn nằm yên trên vai phải mình đây. Thầy Hoàng xoa nhẹ tay lên vai, cảm giác ngứa ngáy không còn, chỉ có vết xăm hằn lên dưới lớp vải áo.
Nhắm mắt lại, vẫn hình ảnh trái tim nhỏ máu và dòng chữ “hận đời đen bạc” rõ mồn một. Ôi, sao mà mình vẫn đau đớn, vẫn xấu hổ như chuyện mới hôm qua! Bao nhiêu năm rồi kìa, hơn mười năm rồi có phải, hơn mười năm của cậu học sinh lớp 11 hận đời quậy phá, muốn tung hê cả cuộc đời để trả thù số phận. Thằng bé Huy này có đau đớn, vật vã như mình năm xưa không? Ba mẹ bỏ nhau, ai có gia đình nấy, Hoàng sống với bà ngoại trong những lời oán trách của bà về ba mình, mẹ mình “Cái bọn vô lại tàn nhẫn, vô trách nhiệm, sanh con ra rồi bỏ”.
Cả trong giấc ngủ, những lời chì chiết của người bà nghèo khổ, tội nghiệp cũng không buông tha thằng bé. Bà cứ còm lưng làm thuê làm mướn, lượm bọc, nhặt rác nuôi cháu, tình thương cháu biểu hiện qua những câu chửi rủa của bà, thằng bé Hoàng biết vậy. Vì thế mà nó đau, nó hận tất cả mọi người, hận cả bà nữa dù vẫn thương bà đến quặn lòng. Nước mắt bà nó dường như không bao giờ cạn trước những lầm lỗi của nó, cũng như tình thương của bà vậy.
- Xem thêm: Chuyện đã qua lâu lắm rồi!
Muốn trốn những giọt nước mắt ấy, Hoàng theo bọn bụi đời, đàn đúm thâu đêm, sáng dậy đến trường lấy có, chỉ chờ thầy cô quay đi là ngủ gục. Để tỏ ra anh chị hơn, nó đã cắn răng chịu đau xăm hình, xăm chữ trên tay, coi cái hình xăm với dòng chữ theo “mốt” kia là “oai” lắm!
Và, cứ thế mà thằng bé Hoàng ngày ấy trượt dốc, trượt mãi, trượt mãi nếu không có một ngày…
Cái vết khắc trên cửa sổ lớp học làm cả lớp xôn xao lại khiến Hoàng tự hào. Có phải mình có hoa tay không nào, ông thầy dạy vẽ từng khen nó mà. Cái khuôn hình trái tim thật tinh xảo này, mấy giọt máu nhỏ giọt xuống như từng giọt nước mắt này, lại thêm dòng chữ như từ trên vai nó in xuống nữa. A, mình đã in dấu ấn của mình vào đây rồi nhé, bọn đàn em sau này tha hồ mà thán phục!
Chỉ có ông thầy chủ nhiệm già dạy Văn là vẫn giữ vẻ thản nhiên khi nhìn vết khắc:
– Cũng đẹp đó chứ. Trái tim hình như hơi quá khổ phải không mấy con?
Vậy là cả lớp cười ồ. Công trình của Hoàng chẳng ai để ý đến nữa.
Vậy mà chính vị thầy ấy đã thường xuyên đến nhà Hoàng, mua cho bà ngoại Hoàng thuốc uống khi bà bệnh, đi tìm Hoàng về khi nó ta bà cùng đám bạn. Thầy rủ rỉ bên tai Hoàng:
– Con người ta ai cũng có khó khăn nhưng ai cũng có phần tốt đẹp của mình. Việc gì mình phải cố làm cho nó xấu đi để gây sự chú ý cho mọi người. Phải sống sao cho thuận với tự nhiên con à.
Rồi khi Hoàng học yếu, phải thi lại mấy môn, cũng chính thầy gọi Hoàng vào trường ôn tập cho nó. Kỳ nghỉ hè ấy Hoàng không thể nào quên, bởi nó đã sưởi ấm con tim đầy thương tật của cậu học sinh. Mỗi lần gặp mặt thầy, nghe thầy nói chuyện là mỗi vết hằn trong lòng Hoàng như được xóa dần, liền thịt liền da. Tấm chân tình và sự kiên trì của thầy đã dần dần cảm hóa được trò, điều mà bản thân Hoàng cũng không tin là có thật. Để rồi có được thầy giáo Hoàng hôm nay…
Hoàng hôn tiếp tục phủ kín sân trường, trong mấy đám cỏ đã có tiếng sè sè của các loại côn trùng. Hồi ức lại dập dềnh, dập dềnh… Gương mặt đầy suy tư, thầy giáo Hoàng lầm lũi rời khỏi sân trường bước ra cổng. Rồi mình phải “cứu” thằng nhỏ bằng cách nào đây, cách nào đây? Tiếc thay thầy mình đã mất rồi, nếu không chắc chắn thầy sẽ chỉ được cho mình cách tốt nhất, phải, cách tốt nhất, mình tin như vậy!
***
Cuộc họp hội đồng kỷ luật diễn ra với nhiều ý kiến. Nhưng hầu như ai cũng ngao ngán về sự bất trị của cậu học sinh Nguyễn Hữu Huy, lớp 10A5. Từ giám thị phụ trách khối đến khối trưởng chủ nhiệm rồi cán bộ lớp đều kể ra hàng dọc dài những vi phạm của cậu học sinh. Mọi người đều nhất trí:
– Phải có biện pháp mạnh hơn để uốn nắn em Huy làm gương cho học sinh, nhất là trong tình hình đáng báo động về ý thức tổ chức kỷ luật như hiện nay.
Thầy Hoàng ngồi đó, những lời nói loáng thoáng bên tai, trước mặt là gương mặt xanh xao lo lắng của mẹ Huy, là vẻ lầm lì thụ động của “tên tội phạm” từ đầu cuộc họp đến giờ. Những lời biện hộ như tê cứng trên đầu lưỡi. Mình đã nói quá nhiều, vẫn là những thương cảm về hoàn cảnh, về lòng mẹ thương con, nhưng lý lẽấy làm sao đủ sức thuyết phục khi thằng nhỏ cứ “lỳ” ra thế kia. Mình ghét cái cảnh tượng này, Hoàng tự nghĩ. Cứ mỗi lần họp kỷ luật, càng nao lòng về phụ huynh bao nhiêu thì lại thấy giận bọn học trò bấy nhiêu, chúng có quan tâm, có thương xót gì đến cha mẹ đâu!
Vậy mà các vị phụ huynh thì vẫn là điệp khúc cũ: Xin các thầy cô thông cảm, tha thứ cho cháu một lần nữa. Chúng tôi bận rộn kiếm sống nên không có thì giờ theo sát con cái, nhờ thầy cô thương tình! Bây giờ bị đuổi khỏi trường, cháu biết làm gì, đi đâu, rồi lại hư thêm thôi, xin cho cháu một cơ hội để sửa mình, v.v…
Đúng là những lời nói làm mỏi mệt, có cảm giác như bị tra tấn, nhừ cả thân xác lẫn tinh thần, nhất là với một thầy giáo chủ nhiệm như thầy Hoàng. Thế mới biết thầy mình trước đây khổ sở vì mình biết bao!
- Xem thêm: Ngôi nhà hình tam giác
Cuối cùng, bỏ phiếu biểu quyết, kết quả trên đa số vẫn là “Đuổi học một tuần” để cảnh cáo trước toàn trường, ghi hạnh kiểm yếu học kỳ một vào học bạ. Thầy Hoàng nói với mẹ Huy:
– Vậy là các thầy cô còn “treo” em nó lại đó dì à. Sau một tuần Huy sẽ được vào học lại, miễn là từ đây đến cuối năm nó không vi phạm thêm gì…
Vậy mà, bất kể sự nhẹ tay của hội đồng kỷ luật, sáng thứ Hai đầu tuần, khi công bố hình thức kỷ luật, thằng nhỏ đã mất tăm, bảo sao không giận! Thầy chủ nhiệm hộc tốc đến nhà Huy, hỏi thăm lối xóm, mẹ nó đã đi làm, nghe nói mấy hôm nay không thấy nó về nhà, mẹ nó cũng chịu thua rồi.
Rời khỏi căn nhà lụp xụp của Huy, thầy Hoàng cảm thấy người rã rời, miệng đắng nghét. Lại một lần thất bại nữa của ông thầy chủ nhiệm trẻ. Ôi, giá mình được già dặn kinh nghiệm, hiểu biết như thầy mình năm xưa, có lẽ mình sẽ kéo được em Huy trở lại trường lớp chăng? Hay mình chưa đủ chân tình, chưa đủ kiên nhẫn để cảm hóa thằng bé? Rồi nó cũng sẽ “hận đời đen bạc” như mình vậy ư? Bỏ trường đi ra, nó cũng sẽ đàn đúm theo bọn bụi đời như mình ngày nào ư? Còn có ai để giúp đỡ, dìu dắt để nó không phải tuột dài theo con dốc đời ấy không? Mẹ nó rồi sẽ còn chảy bao nhiêu nước mắt vì nó, như bà mình năm xưa?
Nhớ đến bà, thầy giáo Hoàng thấy lòng êm ả lại. May mà bà vẫn đợi được đến ngày này. Phải ghé mua cái bánh pía cho bà uống trà tối nay nữa chứ. Rồi thế nào cũng phải tìm cho ra cái thằng nhỏ lỳ lợm kia, phải nói cho “thủng” lỗ tai nó, cho nó sống có trách nhiệm hơn, nhất định như vậy, dù nó có nghe ra hay không. Hơn ai hết, Hoàng biết mình không thể bỏ rơi thằng bé. Ít nhất Hoàng cũng phải đáp đền ân tình của thầy mình, người thầy yêu kính, tận tâm, tận lực để Hoàng có được ngày này.
Bả vai thầy Hoàng lại thấy ngứa ngáy, vết xăm thầy cố tình giữ lại để răn mình hình như lại cộm lên. Ừ, vết khắc trên khung cửa, vết hằn trong tim ấy mà. Mọi thứ đã đi qua nhưng vẫn còn lại một vết sẹo trong ký ức, trong tâm hồn. Thầy Hoàng rất muốn gặp đứa học trò lầm lỗi để nói với nó câu nói quen thuộc:
– Huy à, làm người ai mà không có khó khăn nhưng ai cũng có phần tốt đẹp của riêng mình. Sao em phải tự làm xấu mình để gây khổ cho mẹ, cho mọi người…
Một lần nữa, bóng dáng người thầy đã khuất lại hiện ra trong mắt. Thầy ơi, mong sao con sẽ “nắm” lại được đứa học trò lỡ bước ấy như ngày nào thầy đã đem tình thương tỏa bóng râm mát dịu xuống đời con, chữa lành vết thương hằn sâu trong tim con, cho con được theo gót chân thầy…