Chợ thịt rừng bất hợp pháp lớn nhất châu Phi
Trong một thùng nhựa màu xanh là cái đầu của con linh dương với đôi mắt còn mở trao tráo trong khi một phụ nữ đang chặt nhỏ thân mình của con vật để bày bán. Người Angola ăn thịt thú rừng hàng ngày và nước này là nơi tồn tại khu chợ thịt thú rừng gọi là Benfica lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Angola đang bắt đầu những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp mặt hàng thực phẩm này. Đồng thời các nhà khoa học cũng đang theo dõi điều tra thị trường thịt thú rừng ở Angola. Steve Boyes, nhà khoa học phụ trách Dự án Hoang dã Okavango (OWP) và lãnh đạo nhóm thám hiểm Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) đặt trụ sở tại Washington, tiết lộ ông chỉ cần bỏ ra 6 USD để mua một con khỉ nhưng phải nộp phạt đến 60 USD khi chặt đầu một con rắn.
Thói quen tiêu thụ thịt thú rừng ở Angola bắt nguồn từ sự đau khổ do cuộc nội chiến kéo dài gần 25 năm giết chết khoảng 500.000 người và khiến cho khoảng 4 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa – tức một phần ba dân số Angola. Cuộc nội chiến đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở châu Phi. Do đó, thói quen ăn thịt thú rừng của châu Phi không dễ chấm dứt. Trong suốt cuộc nội chiến kéo dài, các cộng đồng Angola không có sự lựa chọn nào ngoài việc ăn thịt thú rừng để sống và cũng từ đó mà một khu chợ lớn cung cấp loại thực phẩm này hình thành ở thủ đô Luanda của Angola để phục vụ nhu cầu người dân. Thậm chí, người Angola còn ăn cả thịt voi.
Hiện nay, Angola đã trở thành trung tâm buôn lậu thịt thú rừng – được gán tên là “tội phạm môi trường” – phát triển mạnh trong khu vực, với lợi nhuận hàng tỷ USD. Các băng nhóm buôn lậu hoạt động rầm rộ đến mức Liên Hiệp Quốc (LHQ) và cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo nó vượt hơn cả buôn lậu vũ khí. Do luật pháp Angola lỏng lẻo cho nên không dễ chấm dứt ngành kinh doanh béo bở này.
Mới đây nhất, báo cáo về Tội phạm Môi trường – sáng kiến phối hợp giữa chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Interpol – cũng phát đi cảnh báo nghiêm trọng. Sự thất bại trong nỗ lực chống tội phạm đời sống hoang dã hiện nay có nghĩa là những mục tiêu bền vững có lẽ không đạt đến được. Đó là lý do buộc chính quyền Angola phải cố gắng hết sức để chống lại bọn săn bắt trộm động vật hoang dã, tuyển mộ thêm hàng trăm cựu binh sĩ để tái huấn luyện thành lực lượng gọi là “đặc nhiệm đời sống hoang dã” đồng thời mở rộng những chiến lược quảng bá bảo tồn môi trường tự nhiên. Abias Huongo, giám đốc Viện Đa dạng Sinh học và Các khu vực Bảo tồn Quốc gia Angola (INBAC), nhận định: “Chúng ta có động cơ lớn để quản lý các khu bảo tồn đồng thời tạo ra thêm những khu bảo tồn khác vì lợi ích của nhân dân chúng ta. Vì sự sống còn của chúng ta, các loài khác cần được sống còn”.
Theo đánh giá của LHQ, giá trị của tội phạm môi trường tăng 26% trong 2 năm và hiện nay ở mức 258 tỷ USD – chỉ đứng sau buôn lậu ma túy, hàng hóa và con người. Angola cũng là thị trường ngà voi lớn nhất châu Phi và là nơi buôn lậu mặt hàng quý này qua biên giới vào Cộng hòa Congo. Vụ bắt giữ số lượng lớn ngà voi ở sân bay Angola mới đây cho thấy loại tội phạm đời sống hoang dã vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Theo luật pháp Angola, tội phạm buôn lậu ngà voi đối diện với mức án 3 năm tù giam và tiền phạt nặng.
Mới đây, chính quyền Angola đe dọa đóng cửa khu chợ thịt thú rừng Benfica ở thủ đô Luanda nước này trước cảnh báo từ báo cáo Tội phạm Môi trường và Ngày Môi trường LHQ. Song, đó là nhiệm vụ to lớn và cực kỳ khó khăn cho chính quyền Angola – một trong những vùng đất nguyên sơ còn sót lại trên hành tinh và được đánh giá là mặt trận mới chống các băng nhóm tội phạm đời sống hoang dã. Dưới sức ép từ quốc tế, chính quyền Angola tiến hành những chiến dịch giáo dục và cung cấp việc làm cho những đối tượng từ bỏ hoạt động săn bắt trộm.
Bộ phận phụ trách OWP đề nghị xây dựng một khu bảo tồn có diện tích 178.000km2 để bảo vệ voi cũng như những loài hoang dã khác trước bọn tội phạm săn bắt trộm. Khu bảo tồn cũng hứa hẹn tạo ra những việc làm mới trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Đây được coi là viễn cảnh đầy hấp dẫn cho Angola – đất nước đang cố gắng thoát khỏi lệ thuộc vào khai thác dầu mỏ. Tuy nhiên, mọi dự án đều buộc số tiền tài trợ phải tăng lên “800 USD cho mỗi km vuông khu đất bảo tồn một năm” – theo Paul Funston, giám đốc chương trình bảo vệ sư tử và báo cheetah của tổ chức bảo tồn đời sống hoang dã Panthera.
Những khu chợ kinh dị ở Indonesia
Xác con chó bị thiêu cháy xém nằm cứng đờ – mõm ngóc lên cao và mở toang hoác, cả 4 chân chổng lên trời. Trong khu chợ, một đồ tể chặt đầu một con chó khác và phân thành khúc để bán lẻ. Bên dưới chiếc bàn bày thịt chó là những con mèo sống đang lượn lờ đi lại với tiếng kêu meo meo, trong khi đó vài con chó gầy trơ xương do suy dinh dưỡng nằm co tròn lại trong giấc ngủ lơ mơ vô vọng.
Đó là buổi sáng thứ Bảy tiêu biểu trong khu hàng thịt của người Minahasa tại ngôi chợ Tomohon náo nhiệt nhất ở Indonesia, nằm trong vùng cao nguyên núi lửa đảo Bắc Sulawesi. Những con dơi bị chặt cánh, một con trăn bị móc ruột và vài con chuột bị xiên que. Thứ mùi hăng hắc được ngửi thấy trong không khí. Phần đông khách đi chợ Tomohon là tộc người Minahasa, vốn nổi tiếng với những món ăn hết sức kỳ dị.
Mặc dù ngày nay người Minahasa đã từ bỏ cuộc sống trong rừng cách đây nhiều thế kỷ, song họ vẫn còn thưởng thức những món ăn như tổ tiên vào 6.000 năm trước đây của họ – bao gồm thịt lợn, rắn và dơi. Michael Leitzinger, người điều hành khu nghỉ dưỡng Highland Resort & Spa gần đó, cho biết: “Vào mùa lễ Phục sinh, chợ Tomohon còn bán thêm thịt khỉ và rùa.
Giống như người phương Tây ăn thịt gà tây vào dịp lễ Giáng sinh”. Hiện nay, phần đông người Minahasa ở Indonesia theo đạo Công giáo. Vào thế kỷ 19, chính quyền thực dân Hà Lan hủy bỏ mọi thứ lễ nghi truyền thống kinh dị của người Minahasa, trong đó bao gồm việc thu thập đầu kẻ thù làm chiến tích. Tuy nhiên, ngày nay các “pháp sư đen” vẫn còn tiến hành những nghi lễ hiến sinh động vật trong một hang bí mật vào mỗi độ trăng tròn.
Veronica, một nữ pháp sư, giải thích: “Con vật hiến tế thường là con gà trắng đối với pháp thuật trắng. Nhưng cũng có thể là con gà đen hay trắng đối với các loại pháp thuật khác”. Mặc dù đã theo đạo Công giáo, song Veronica vẫn không nhìn thấy sự mâu thuẫn giữa lòng tin của chị và nghi lễ pháp thuật của mình. Theo Veronica, “nền văn hóa Minahasa là nền văn hóa rất mạnh” và mặc dù sống trong xã hội hiện đại, người Minahasa vẫn ăn những thực phẩm động vật rừng truyền thống.
Tuy nhiên, thực đơn của người Minahasa vẫn phải tuân thủ những quy tắc chặt chẽ. Adam Pongoh, hướng dẫn viên du lịch người Minahasa, nói: “Chúng tôi không ăn thịt chó từ quê nhà của mình”. Do đó, những người bắt chó thường hành động về đêm tại các địa phương khác. Khi Junus, cha của Pongoh, bắt đầu bán gia vị tại chợ Tomohon cách đây hơn 35 năm, cả 2 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng tarsier (loài linh trưởng nhỏ thó có mắt lồi) và kuskus (loài thú túi sống về đêm và chỉ có trong vùng Sulawesi) vẫn được bày bán công khai.
Không rõ chính xác số lượng nhưng Mạng lưới Trợ giúp Jakarta cho biết mỗi năm có hơn 200.000 chó mèo bị giết thịt ở quốc gia vạn đảo Indonesia. Đa số công dân Indonesia là người Hồi giáo cho nên người chó bị cho là “không sạch sẽ”. Tuy nhiên, nhiều dân tộc thiểu số vẫn ăn thịt chó và coi đó là món ngon trong những sự kiện lễ hội. Vào dịp sinh nhật hay các sự kiện đặc biệt, các gia đình thường ra chợ mua thịt chó.
Người dân thuộc đủ lứa tuổi chọn ngay tại chợ những con chó còn sống trước khi đem giết thịt. Những người buôn thịt thường bán chó nguyên con với giá khoảng 250.000 rupiah Indonesia (tương đương 18 USD). Tuy nhiên, khách hàng có thể hỏi mua riêng một bộ phận của chó. Trong chợ Indonesia còn có một khu lớn chuyên bán rau quả và gia vị dùng để chế biến thịt chó.
Món thịt chó phổ biến thường được bán cho những người đi du lịch ở đảo Bali – gồm có hạt tiêu, hẹ tây, tỏi, gừng, muối và đường nấu bằng dầu dừa. Nhiều người coi hành vi giết thịt chó ở Indonesia là một trong những hành động “bạo lực nhất” mà con người đối xử với con vật rất thân thiện với con người. Tục ăn thịt chó gắn liền với văn hóa Minahasa ở bắc Sulawesi và người Batak ở bắc Sumatra. Ở hai vùng này, thịt chó thường được chế biến trong các dịp như cưới hỏi hay Giáng sinh.
Loài khỉ quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng ở Indonesia do văn hóa ẩm thực bản địa
Tại ngôi chợ ở thành phố Tomohon trên đảo Sulawesi của Indonesia, những con khỉ Macaca bị thui cháy đen được bày bán nguyên con hoặc chặt theo yêu cầu của khách hàng. Sulawesi là một trong những đảo núi lửa hẻo lánh nhất của Indonesia và cũng là nơi sinh sống của loài khỉ Macaca quý hiếm. Dù có vai trò đặt biệt quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học trên đảo, song loài linh trưởng này đang đứng bên bờ tuyệt chủng do tình trạng săn bắn trái phép phục vụ nhu cầu “ẩm thực” của người dân địa phương.
Khác với phần lớn dân số theo đạo Hồi tại Indonesia, tộc người Minahasan sinh sống trên đảo Sulawesi quy theo Thiên chúa giáo và coi thịt khỉ Macaca như một đặc sản địa phương. Nita, 32 tuổi, cho biết: “Tôi thích hương vị cay nồng của thịt khỉ, giống như đang được ăn thịt lợn rừng hoặc thị chó vậy”. Mặc dù chính phủ Indonesia đã ban hành luật và thực thi nhiều biện pháp cứng rắn để bảo vệ loài động vật quý hiếm, nhưng hoạt động săn bắt và buôn bán khỉ Macaca vẫn diễn ra khá rầm rộ tại quốc gia này.
Một phần nguyên nhân là do ngày càng có nhiều công ty mở tour du lịch khám phá dành cho du khách quốc tế đến Sulawesi. Nhu cầu tăng cao thúc đẩy thợ săn địa phương đổ xô lùng sục số lượng khỉ Macaca ít ỏi còn lại trên đảo. Theo nhiều nhà nghiên cứu, mật độ của loài linh trưởng này đã giảm 80% trong vòng 40 năm qua, từ 300 con/km2 năm 1980 xuống còn 45 con/km2 năm 2011. Liên minh bảo vệ tự nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá khỉ Macaca là một trong những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở mức “Nguy cấp”.
Yunita Siwi, thành viên chiến dịch bảo vệ các loài linh trưởng tại Indonesia, cho biết sự sinh tồn của loài khỉ Macaca đang bị đe doạ do môi trường sống ngày càng bị thu hẹp trong khi “người dân thì cứ tiếp tục ăn thịt chúng”. Do số lượng loài khỉ Macaca suy giảm nhanh chóng, nhiều tổ chức và các nhà hoạt động xã hội mở các chiến dịch nhằm cứu loài động vật quý hiếm này như đặt trạm thông tin tại khu chợ địa phương để kêu gọi người dân bảo vệ loài khỉ Macaca. Những tấm bảng cũng được dựng bên đường cảnh báo mức án 5 năm tù giam dành cho các thợ săn khỉ Macaca. Song song, chính phủ đưa việc bảo tồn loài linh trưởng này vào chương trình học bắt buộc dành cho học sinh.