“Phân tâm học và thực hành sáng tạo” mở cánh cửa đến với một chiều kích đặc thù của phân tâm học, đó là sáng tạo…
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy là một trong những người vận dụng triệt để và thành công nhất phân tâm học vào nghiên cứu các hiện tượng văn học – văn hóa Việt. Ngoài những công trình nghiên cứu trường hợp cụ thể, kể đến như Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực và Bút pháp của ham muốn, ông còn có một đóng góp rất lớn khi biên soạn bộ sách Phân tâm học và … như một dẫn nhập sơ khởi quan trọng dành cho độc giả Việt Nam về chuyên ngành tưởng như rất trừu tượng này. Mới đây nhất, Phân tâm học và thực hành sáng tạo (Nxb Hà Nội, 2022), đã được xuất bản.
Bộ sách Phân tâm học và …
Cuốn sách là tác phẩm thứ năm trong bộ sách, nối tiếp Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật (Nxb Văn hóa Thông tin, 2000, 2004; Tri thức, 2018), Phân tâm học và văn hóa tâm linh (Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, 2005; Tri thức, 2018). Phân tâm học và tình yêu (Nxb Văn hóa Thông tin, 2003; Hội Nhà văn, 2018), Phân tâm học và tính cách dân tộc (Nxb Tri thức, 2007, 2018). Như tên gọi, mỗi một cuốn trong bộ sách bao gồm tập hợp các bài viết nổi tiếng, của các tác giả kinh điển, thể hiện mối liên hệ giữa phân tâm học và chủ điểm của mỗi cuốn.
Phân tâm học, với thủy tổ sáng lập là bác sĩ – nhà phân tâm học người Áo, Sigmund Freud (1856 – 1939), đã có tác động rất lớn tới đời sống tinh thần lẫn quan niệm của khoa học xã hội cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nó cũng góp phần mở ra những khả thể nghiên cứu mới về phần chìm của tăng băng tâm lý con người, tức cái vô thức.
Dấu ấn phân tâm học ở Việt Nam đã sớm xuất hiện trước 1954 với các thực hành nghiên cứu văn học Trung đại của Trương Tửu và Nguyễn Văn Hanh. Còn ở miền Nam sau 1954, do bối cảnh liên thông cởi mở với thế giới, phân tâm học được giới thiệu và tiếp nhận rộng rãi, với nhiều tác phẩm biên khảo lẫn dịch thuật về phân tâm học. Mặt khác, phân tâm học cũng trở thành một cách tiếp cận phổ biến được các nhà phê bình văn học chọn lựa và áp dụng.
Với bạn đọc phổ thông vốn dĩ không phải ai cũng có khả năng đọc sâu hay “tiêu hóa” trọn vẹn một chuyên luận phân tâm học nặng ký, bộ sách Phân tâm học và … là một nhập môn thú vị và vừa sức. Bởi lẽ, soạn giả Đỗ Lai Thúy đã hệ thống hóa theo các chủ đề sát sườn gần gũi như tâm linh, nghệ thuật, tình yêu, tâm lý tộc người (tính cách dân tộc),… cũng như tuyển chọn những tác giả, nhà phân tâm học quan trọng như Freud, Carl Jung, Erich Fromm, Gaston Bachelard, Roberto Assagioli, George Devereux…
Từ đó, người đọc có cơ sở căn cứ để tra cứu, tìm sâu và đọc thêm về vấn đề lẫn tác giả mà mình quan tâm. Không chỉ cung cấp tri thức về phân tâm học một cách phổ quát nhất, bộ sách cũng là “gối đầu giường” của nhiều sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh lấy phân tâm học làm phương pháp tiếp cận chính.
Con đường từ vô thức đến sáng tạo nghệ thuật
Phân tâm học và thực hành sáng tạo mở cánh cửa đến với một chiều kích đặc thù của phân tâm học, đó là sáng tạo. Sáng tạo là gì? Điều gì xảy ra trong quá trình này? Phân tâm học cung cấp cho chúng ta những kiến giải nhất định về cách thức xảy ra của quá trình này, cũng như hiệu quả của nó đối với chủ thể sáng tạo và công chúng tiếp nhận thụ hưởng.
Theo Freud, quá trình sáng tạo là một giải pháp thay thế cho chứng loạn thần kinh, là một cơ chế bảo vệ chống lại chứng loạn thần kinh, dẫn đến việc sản xuất ra một nguồn giải trí và niềm vui được xã hội chấp nhận cho công chúng. Vì nghệ sĩ có khả năng biến những tưởng tượng của mình thành những sáng tạo nghệ thuật thay vì thành những triệu chứng tâm bệnh.
Vô thức đóng một vai trò quan trọng trong thực hành sáng tạo. Có nghĩa là, hành động sáng tạo được thực hiện bởi xung năng ham muốn, năng lượng của id/cái ấy, và bởi một cơ chế bảo vệ được coi là có lợi nhất – thăng hoa (bởi vậy, Freud đề xuất mô hình ẩn ức → dồn nén → thăng hoa). Bản thân nghệ thuật có thể được coi là một cơ chế tự vệ. Đối với nghệ sĩ, việc sáng tạo nghệ thuật có thể là sự thỏa mãn mong ước hoặc sự thỏa mãn tưởng tượng của những ước muốn bị nguyên tắc hiện thực phủ nhận hoặc bị cấm bởi các quy tắc đạo đức.
Tương tự như trò chơi của một đứa trẻ, trí tưởng tượng của người nghệ sĩ uốn nắn thế giới bên ngoài theo mong muốn của mình, tạo ra một thế giới tưởng tượng nơi họ có thể thực hiện những mong muốn vô thức của mình”
Do đó, nghệ thuật cũng là một phương tiện để biểu đạt và đối phó với những áp lực tinh thần khác nhau. Người nghệ sĩ có thể biến tưởng tượng của mình – một sự thay thế cho sự thỏa mãn – bằng cách thăng hoa, thành một hình thức nghệ thuật được xã hội chấp nhận, trong khi những người khác có thể thưởng thức.
Nghệ thuật được xem như một con đường liên kết giữa tưởng tượng và hiện thực, giúp người nghệ sĩ giữ được liên hệ với thực tế. Freud so sánh tưởng tượng của các nghệ sĩ với tưởng tượng của trẻ em: Tương tự như trò chơi của một đứa trẻ, trí tưởng tượng của người nghệ sĩ uốn nắn thế giới bên ngoài theo mong muốn của mình, tạo ra một thế giới tưởng tượng nơi họ có thể thực hiện những mong muốn vô thức của mình.
Những nẻo đường thực hành sáng tạo
Phân tâm học và thực hành sáng tạo được soạn giả Đỗ Lai Thúy kết cấu thành hai phần. Phần thứ nhất là Lý thuyết phê bình phân tâm, bắt đầu bằng bài viết khái lược về Freud và thuyết phân tâm của cố học giả Nguyễn Khắc Viện. Là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em (N-T) năm 1989, học giả Nguyễn Khắc Viện đã nghiên cứu sâu và trình bày những khái niệm cơ bản của phân tâm học Freud, nhằm phục vụ ứng dụng nghiên cứu những rối nhiễu tâm lý ở trẻ em.
Kế tiếp là ba tiểu luận, một của của Jean Bellemin-Noël và hai của Gaston Bachelard được Đỗ Lai Thúy dịch từ tiếng Pháp. Tiểu luận của Bellemin-Noël được trích từ công trình nổi tiếng Psychanalyse et littérature (Phân tâm học và văn học, 1978) cho thấy vận động thay đổi của “sự đọc” kể từ khi có phân tâm học. Đọc không còn đơn thuần là đọc văn bản, mà là đọc cái vô thức, để thấy tác phẩm văn học còn hiện hữu những mưu mẹo của ngôn ngữ và trò chơi chữ.
Chất văn bay bổng của Gaston Bachelard là sự dẫn dụ người đọc bước vào “đường vào thi pháp mộng mơ” và “nước và những giấc mơ.” Không ngoa khi Bachelard mệnh danh là đại diện của một lối phê bình mới – phê bình của trí tưởng tượng. Theo Bachelard, cái vô thức bắt nguồn từ những trạng thái vật chất như nước, lửa, không khí, đất… nên người ta gọi phê bình của ông là phê bình phân tâm học vật chất. Ông cho rằng, những tiếp xúc ban đầu của con người với thế giới vật chất có vai trò cực kì quan trọng và để lại lâu dài trong thế giới vô thức của con người.
Từ Bachelard, cũng mang đến một phát hiện kỳ thú của cuốn sách, đó là một nghiên cứu về Bachelard suýt bị lãng quên của tác giả Nguyễn Châu. Không ai biết danh tính Nguyễn Châu là ai, chỉ biết đây là một luận văn cao học được bảo vệ ở Viện Đại học Huế trước 1975. Một công trình mẫu mực nghiên cứu trí tưởng tượng và ảnh tượng (imagination) trong lý thuyết văn chương Bachelard, giàu có những ví dụ văn học Việt. Qua hai tiểu luận dịch trước đó của Bachelard được Đỗ Lai Thúy trình bày, người đọc sẽ thấy nhà phân tâm học Pháp là một tác giả viết hay nhưng khó đọc, song qua nghiên cứu của Nguyễn Châu, sẽ thấy rõ hơn những cái hay của Bachelard, đương nhiên theo một cách khái quát và dễ hiểu hơn.
Phần thứ hai của Phân tâm học và thực hành sáng tạo mang tên Thực hành sáng tạo. Thực hành sáng tạo ở đây mang ý nghĩa kép. Nó vừa là khám phá giải mã thực hành sáng tạo của những tác giả văn học nổi tiếng xưa và nay từ góc nhìn phân tâm, đồng thời vừa là thực hành sáng tạo của chính bản thân Đỗ Lai Thúy (thực chất đều là phê bình). Các bài viết đã được ông đăng rải rác đâu đó trên sách báo, nay được hệ thống lại và bổ sung, chỉnh sửa. Cuối cùng, chính Đỗ Lai Thúy lại trở thành đối tượng được phân tâm qua ngòi bút của Nguyễn Mạnh Tiến.
Kể từ khi học thuyết Freud đến Việt Nam vào những năm 30 thế kỷ trước và để lại dấu ấn ở phê bình văn học đến nay là cả một chặng đường dài. Và trong những thành công nhất định mà phân tâm học đạt được ở Việt Nam, thì Đỗ Lai Thúy cùng bộ sách Phân tâm học và … cũng là một dấu mốc.
- Xem thêm: Đỗ Lai Thúy và Tủ sách Văn hóa học