Đằng sau Tủ sách, là miệt mài tâm huyết thầm lặng của một học giả uyên bác nay đã 75 tuổi. Ông vẫn tuyển chọn tác phẩm, đọc, hiệu đính và viết lời giới thiệu cho từng cuốn sách…
Có lẽ người ta biết đến học giả Đỗ Lai Thúy nhiều nhất với tư cách là một nhà phê bình văn học – văn hóa với nhiều chuyện luận nổi tiếng có giá trị học thuật cao và mang sự duyên dáng đến từ nghệ thuật của ngòi bút. Nhưng dường như ít ai biết đến một cống hiến âm thầm khác của ông, đó là chủ trương Tủ sách Văn hóa học, bao gồm gần 20 tác phẩm văn hóa học, dân tộc học, nhân học văn hóa và xã hội học kinh điển thế giới được tổ chức dịch, hiệu đính và giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam.
Tủ sách Văn hóa học, ban đầu, xuất phát từ một ý tưởng chợt đến của Đỗ Lai Thúy và học giả Đoàn Văn Chúc: “Cách đây ba mươi năm, một hôm tôi đến nhà Đoàn Văn Chúc chơi. Trong câu chuyện tôi có than phiền với ông, về tình trạng trong các ngành văn hóa không có tổ sư, cũng như không có kinh điển, thật không bằng nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Ông Chúc chợt đưa ra ý kiến: ‘Hay là mình với Thúy chọn một số sách kinh điển nhờ người dịch và xuất bản đi.’ ‘Nhưng lấy tiền đâu mà trả dịch giả?’ Ông cho biết: ‘Mình có cô bạn ở Sài Gòn đang muốn thuê mấy trăm mét đất nhà mình để xây khách sạn.’ Thế là tôi với ông lên ngay một danh sách những tác phẩm cần dịch.” – ĐLT.
Sự tất yếu và cần thiết của Tủ sách Văn hóa học, trước hết, đến từ hai điểm. Thứ nhất, có một thời chủ nghĩa duy vật lịch sử – duy vật biện chứng được coi là “chìa khóa vạn năng” mở khóa tất cả các ngành khoa học xã hội. Lý thuyết phương Tây bị coi là thứ gì đó nằm ngoài chủ lưu, thậm chí người ta còn sợ nó sẽ phá vỡ tính đúng đắn phổ quát của quan điểm Mác-xít. Thế nên mới có những câu chuyện phát hiện ra châu Mỹ lần thứ hai, lần thứ ba, trong khi trên thế giới họ đã tường tận hết rồi.
Thứ hai, bởi một lý do chủ quan cá nhân, do thời buổi đó cũng chưa phổ cập tri thức và có một nền tảng công nghệ thông tin như ngày nay, người ta ăn thua nhau ở tư liệu. Bởi vậy, những ai có khả năng ngoại ngữ, đọc được sách nước ngoài, thường hay “giấu sách,” “thủ sách” của văn khố thư viện làm của riêng, để chiếm cho mình thế thượng phong khi tranh biện với người khác. Thế nên, khởi sự và tổ chức Tủ sách Văn hóa học, một trong những tủ sách đầu tiên chủ trương dịch thuật các tác phẩm kinh điển nước ngoài về nghiên cứu văn hóa, là một hành xử cống hiến, của Đỗ Lai Thúy, đối với giới trí thức học thuật Việt Nam.
Cũng giống hành trình phát triển từ dân tộc ký đến dân tộc học, rồi đến nhân học văn hóa, có thể chia Tủ sách Văn hóa học thành bốn làn sóng. Làn sóng thứ nhất, là giới thiệu các nhà nhân học ghế bành (hay nhân học bàn giấy), với tên tuổi lớn là hai nhà nhân học văn hóa – xã hội Anh James Frazer,[1] và Edward Burnett Tylor.[2]
Phương pháp của Tylor và Frazer phần lớn nghiên cứu so sánh tôn giáo và thần thoại, dựa trên các dữ liệu thứ cấp là các tư liệu văn học dân gian, ghi chép du khảo hay nhật ký của những nhà du lịch, những kẻ phiêu lưu, những nhà truyền đạo và các tác phẩm dân tộc chí đương thời. Thậm chí các ông còn chưa bao giờ điền dã thực địa tại địa phương hay tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu. Điểm chung của họ với các nhà nhân học lúc bấy giờ là tìm cách áp dụng triệt để lý thuyết tiến hóa luận của Charles Darwin trong tự nhiên và Lewis H. Morgan trong xã hội, vốn là xu thế chung của toàn bộ khoa học thế kỷ XIX, tới mọi khía cạnh nghiên cứu về con người.
Mặt khác, họ coi nền văn hóa Tây Âu nói riêng hay của người da trắng nói chung là đỉnh cao trong thang bậc văn minh, còn các bộ tộc, bộ lạc, những nhóm người thiểu số ở Bắc Mỹ, châu Phi, và châu Á nằm ở những giai đoạn thấp hơn của sự phát triển. Các tác phẩm của Frazer hay Tylor, tuy trải qua thời gian không còn có giá trị chuẩn tắc như khi vừa mới xuất hiện, nhưng giá trị tư liệu tham khảo của chúng với tư cách là một bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy vẫn còn trường tồn cho tới ngày nay. Dịch giả Ngô Bình Lâm là một người cộng tác vô cùng tích cực và hiệu quả trong giai đoạn này, vốn là một người dịch văn học, nên những cuốn sách được ông chuyển ngữ mang lại một văn phong uyển chuyển hấp dẫn bạn đọc.
Đan xen với làn sóng thứ nhất là làn sóng thứ hai với các tác phẩm chuyển ngữ từ tiếng Nga. Bản thân Đỗ Lai Thúy xuất phát điểm là một người học tiếng Nga, và được đi Nga, nên những lý thuyết đầu tiên ông được tiếp xúc là tiếng Nga. Một yếu tố khách quan nữa, là nhiều khi để biết được tri thức từ khối Âu – Mỹ hay Pháp, phải đi qua giáo trình tiếng Nga, do sự đóng cửa về mặt tư tưởng của thời trước.
Cuốn sách dịch đầu tiên của Tủ sách Văn hóa học, và, với tư cách là một giáo trình mang tính hệ thống cao, là Văn hóa học, những xu hướng nhân học văn hóa do A. A. Belik chủ biên.[3] Cùng với cuốn Văn hóa học: Những bài giảng của Radughin, đây là một học liệu có giá trị giúp bạn đọc có thể nắm bắt được những dòng chủ lưu chính trong nghiên cứu văn hóa trên thế giới, từ đó truy nguyên đến những tác giả và tác phẩm cần thiết phục vụ hướng nghiên cứu mà mình quan tâm.
Một công trình đồ sộ khác có ảnh hưởng không nhỏ đến nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian của Việt Nam, Tuyển tập V.Propp hai tập gồm bốn chuyên luận Hình thái học truyện cổ tích, Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ, Những lễ hội nông nghiệp Nga, Folklore và thực tại cũng đã được tổ chức dịch.[4]
Làn sóng thứ ba, những tác phẩm dịch đến từ khối học giả Pháp, cập bờ nhờ đóng góp rất lớn của dịch giả – nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc. Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy và cung cấp khảo liệu cho sinh viên, ông đã cần mẫn chọn lọc, dịch từ tiếng Pháp, và hệ thống lại trước tác của các học giả ưu tú của Pháp như Jean Duvignaud,[5] Gaston Bouthoul,[6] René Alleau, Claude Lévi-Strauss, Jean Baudrillard, Jean Cazeneuve[7]…
Bên cạnh đó, dịch giả Ngô Bình Lâm đóng góp hai công trình dân tộc học Pháp của thế kỷ XX có ý nghĩa lớn không chỉ ở thế giới, mà còn ở Việt Nam của Lucian Lévy-Bruhl[8] và Marcel Mauss.[9] Xét cho cùng, dân tộc học Pháp có sự cận biên về quan điểm nghiên cứu và rất gần gũi với dân tộc học Việt Nam, bởi lẽ, những nhà dân tộc học Pháp có ảnh hưởng rất lớn tới những người đặt nền móng cho ngành dân tộc học ở nước ta, với Nguyễn Văn Huyên và Từ Chi là một minh chứng điển hình.
Gần đây hơn, Tủ sách Văn hóa học lại có sự chuyển dịch về phương hướng hải lưu. Bắc Mỹ là xứ sở của những người khổng lồ trong nhân học, cũng là nơi góp phần bước ngoặt nâng bước dân tộc học trở thành nhân học, và cho đến tận ngày nay vẫn là một trong những cái nôi đào tạo nhân học trên thế giới. Thế nhưng, gương mặt và tên tuổi các nhà nhân học Mỹ tại Việt Nam lại tương đối ít được biết đến, do khối lượng công trình được dịch chưa nhiều. Trước đây, Tủ sách Văn hóa học mới chỉ giới thiệu một công trình của Robert Lowie.[10] Vì vậy, Tủ sách Văn hóa học đã tiến hành làn sóng thứ tư, giới thiệu các tác giả và tác phẩm nhân học Mỹ tiêu biểu tới đông đảo bạn đọc Việt Nam.
Đầu tiên phải nhắc đến “ông tổ của nhân học Mỹ,” Franz Boas, với chuyên luận Tư duy nguyên thủy (The Mind of the Primitive Man, 1911).[11] Cùng với một nhà nhân học nổi tiếng người Anh khác, Bronislaw Malinowski (với công trình Tình dục và ức chế ở xã hội man dã/Sex and Repression in Savage Society, 1927),[12] đại diện cho những nhà nhân học thực địa, đề ra phương pháp quan sát tham dự, và nó nhanh chóng trở thành phương pháp cơ bản của các nhà nghiên cứu nhân học cho tới tận ngày nay.
Franz Boas còn là một nhà cách mạng trong nhân học, khi lập thuyết tương đối luận văn hóa chống lại quan niệm cao – thấp của tiến hóa luận văn hóa và định kiến phân biệt chủng tộc trong văn hóa.
Một trong những học trò ưu tú của ông, Ruth Benedict, vốn được bạn đọc Việt Nam biết đến qua chuyên luận Hoa cúc và gươm (The Chrysanthemum and the Sword, 1946), tái ngộ bằng một chuyên luận mang tính hệ thống về các kiểu loại văn hóa điển hình.[13] Cùng với đó, là tác phẩm nhân học thuộc hàng bestseller và được đọc nhiều nhất thế kỷ trước, đồng thời còn là tác phẩm, có thể nói là đầu tiên, nghiên cứu về nữ giới, mang tên Tuổi trưởng thành ở Samoa (Coming of Age in Samoa, 1928) của nữ học giả tiên phong Margaret Mead.[14]
Tủ sách Văn hóa học, ra đời trước Tủ sách Tinh hoa trứ danh của NXB Tri thức 7 năm và nhiều tủ sách thời thượng hiện giờ ngót nghét gần 20 năm, không hề có một quỹ tài trợ ổn định và không có chính danh. Nhưng, Tủ sách đã có đóng góp không nhỏ cho giới khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam với những tác phẩm “gối đầu giường” dành cho những nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên chuyên ngành dân tộc học và văn hóa học. Đằng sau Tủ sách, là miệt mài tâm huyết thầm lặng của một học giả uyên bác nay đã 75 tuổi. Ông vẫn tuyển chọn tác phẩm, đọc, hiệu đính và viết lời giới thiệu cho từng cuốn sách. Và sẽ còn rất nhiều dịch phẩm khác đang chờ đợi phía trước.
________
[1] Tủ sách Văn hóa học đã giới thiệu hai công trình của J. Frazer gồm: Huyền thoại về nguồn gốc của lửa (Ngô Bình Lâm dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Nxb Văn hóa Dân tộc, 2001; tái bản, Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, 2017, Hà Nội; Cành vàng (Ngô Bình Lâm dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Văn hóa – Thông tin, 2007; tái bản 2019, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[2] E.B. Tylor, Văn hóa nguyên thủy (Huyền Giang dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Nxb Văn hóa Dân tộc, 2001; tái bản 2019, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[3] A. A. Belik, Văn hóa học – những xu hướng nhân học văn hóa (Đỗ Lai Thúy, Hoàng Vinh, Huyền Giang dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Nxb Văn hóa Dân tộc, 1999.
[4] V. Propp, Tuyển tập V.Propp (Phan Ngọc, Chu Xuân Diên, Đỗ Lai Thúy, Trần Phương Phương, Nguyễn Kim Loan,… dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003, 2005.
[5] J. Duvignaud, Những tiếng nói đã mất (Đoàn Văn Chúc dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, 2011.
[6] G. Bouthoul (2011), Những cấu trúc xã hội học (Đoàn Văn Chúc dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, Hà Nội.
[7] René Alleau, Claude Lévi-Strauss, Jean Baudrillard, Jean Cazeneuve, Những mảnh ghép văn hóa (Đoàn Văn Chúc dịch, Mai Anh Tuấn giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Hội nhà văn, 2016.
[8] L. Lévy – Bruhl, Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng của người nguyên thủy (Ngô Bình Lâm dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, 2008; tái bản 2019, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
[9] M. Mauss, Khảo về quà tặng (Ngô Bình Lâm và Phùng Kiên dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, 2011.
[10] R. Lowie, Luận về xã hội học nguyên thủy (Vũ Xuân Ba và Ngô Bình Lâm dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001; tái bản đổi tên là Không gian văn hóa nguyên thủy (Nhìn theo lý thuyết chức năng) (Thêm lời giới thiệu của Đỗ Lai Thúy), Nxb Tri thức, 2008, Hà Nội.
[11] Franz Boas, Tư duy nguyên thủy (Phạm Minh Quân dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, Hà Nội, 2021.
[12] Bronislaw Malinowski, Tình dục và ức chế ở xã hội man dã (Phạm Minh Quân dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.
[13] Ruth Benedict, Các mô thức văn hóa (Phạm Minh Quân dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Nxb Tri thức, 2018.
[14] Margaret Mead, Tuổi trưởng thành ở Samoa (Phạm Minh Quân dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), Song Thuy Bookstore và Nxb Thế giới, Hà Nội, 2021.