Quyển artbook “Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, ký ức rực rỡ” do Công ty sách Phương Nam xuất bản vừa ra mắt công chúng tháng 3.2022. Bạn đọc bị thu hút ngay với bìa sách như bức tranh sơn mài cẩn ốc trắng ngà nổi bật trên nền màu đỏ rượu vang, dải hoa văn nằm ngang mang phong cách cổ điển tạo nét sang trọng cho quyển sách.
Artbook có nhiều tranh vẽ theo phong cách toàn cảnh panorama. Họa sĩ giàu trí tưởng tượng bằng thủ pháp đồng hiện cho người xem thấy khách sạn Continental nằm sát công viên Quách Thị Trang trên nóc cao có bức tượng Trần Nguyên Hãn thả chim bồ câu, nhìn xa xa thấy được cột cờ trên nóc tòa Đô chính, kề bên là Bưu điện Sài Gòn. Hoặc người xem thấy nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi nằm vuông góc với vũ trường Maxim’s ở số 17 đường Tự Do và nhìn xa chút thấy hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.
Chính những bức tranh toàn cảnh đã tạo nên khổ sách rất lạ với chiều ngang 42,5 cm gấp đôi chiều cao (20 cm). Sách bìa các tông cứng bọc nylon, toàn bộ 272 trang in màu trên giấy láng nên nặng tới 2,3 kg. Với khổ sách đặc biệt này, tác giả “làm khó” bạn đọc. Bạn đọc phải đọc với tâm thế như ở thư viện, sách đặt trên bàn rộng, ngồi thẳng lưng.
Tác giả artbook là họa sĩ trẻ Lâm Nguyễn Kha Liêm đang làm công việc sáng tạo – artwork cho một công ty quảng cáo ở Sài Gòn và nhà văn Phạm Công Luận, tác giả bộ sách 5 tập Sài Gòn – chuyện đời của phố.
Đồng tác giả Phạm Công Luận cho biết: “Hồi tháng 4 năm ngoái (2021), tôi nhận lời hẹn gặp họa sĩ trẻ Lâm Nguyễn Kha Liêm tại quán cà phê phong cách Sài Gòn xưa trên đường Trần Huy Liệu. Hôm đó, Liêm mở máy vi tính cho tôi xem công trình mà bạn đang theo đuổi từ năm 2017. Đó là những bức tranh vẽ theo phong cách digital art, vẽ trên máy tính hình ảnh về Sài Gòn, từ các dinh thự cổ, nhà hát, xóm chợ, đến đình chùa miếu mạo trải dài từ Bà Chiểu vô Chợ Lớn. Độc đáo nhất là bộ tranh kiếng tuồng tích Trung Hoa vẽ trên các xe mì người Hoa được tái hiện sống động. Sau đó, Liêm mời tôi viết lời cho từng bức tranh.
Dù đang bận một dự án khác nhưng vì thích tranh của Liêm; quý mến sự chuyên tâm và say mê của bạn với thành phố này mà tôi đã nhận lời, như thể hiện một sự đồng cảm. Cho nên suốt mấy tháng giãn cách năm ngoái, tôi biên tập nội dung sách, giúp Liêm bớt ra một số tranh, đề nghị vẽ thêm một số tranh nữa cho câu chuyện liền mạch, nội dung phong phú. Tư liệu về Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn tôi có nhiều nhưng khi bắt tay vào mới thấy khối lượng công việc không hề nhỏ và phải tra cứu mất rất nhiều thời giờ. Rất may, cuối cùng bản thảo cũng đã thành hình, mong là nếu có sai sót thì nhỏ thôi”.
Qua giới thiệu của anh Phạm Công Luận, tôi đã kết nối với họa sĩ Kha Liêm. Trò chuyện với Liêm được biết gia đình anh đã mấy đời sinh sống ở đất Gia Định, nay là Bình Thạnh. Liêm đọc nhiều sách viết về mảnh đất nơi mình chào đời. Liêm rất yêu Sài Gòn, đã quan sát thành phố này từng ngày, ở những thời khắc khác nhau, sáng tối, nắng mưa. Tình yêu đó còn đến từ ký ức của ông bà, cha mẹ truyền cho Liêm qua những chuyện kể thuở ấu thơ. Từ lâu, Liêm mong muốn được thể hiện những cảm nhận của mình về cảnh vật, cư dân thành phố qua từng bức tranh vẽ theo phong cách riêng. Đến nay, Liêm đã thỏa ước nguyện, hoàn thành bộ tranh. Chỉ có điều đáng tiếc, mẹ Liêm không kịp xem quyển artbook – bà mới mất vài tháng trước!
Bạn đọc artbook Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, ký ức rực rỡ được dạo quanh ngắm di sản kiến trúc của thành phố: dinh Độc lập, dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TP.HCM), Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố… Đến viếng các cơ sở tâm linh: lăng Ông, đền Bà Ấn Mariammam, chùa Khmer Chantarangsay, thánh đường Jamia Al Musulman. Bạn tùy chọn phương tiện để di chuyển, xe thổ mộ, xe đạp, xích lô đạp, xích lô máy, xe gắn máy hiệu Honda, Vespa.
Khi màn đêm buông xuống, bạn tìm đến phòng trà ca nhạc Anh Vũ, Đêm Màu Hồng, Baccara để nghe tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hoàng Oanh… và đặc biệt gặp gỡ quái kiệt Trần Văn Trạch. Hoặc bạn vén bức màn nhung sân khấu xem các tuồng cải lương của đoàn Phước Cương, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Thanh Minh – Thanh Nga; xem các vở kịch của Kim Cương, Túy Hồng, bước vào thế giới điện ảnh cùng các tài tử Kiều Chinh, La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng.
Các sinh hoạt âm nhạc, sân khấu, điện ảnh Sài Gòn được họa sĩ thể hiện với phong cách lập thể màu sắc rực rỡ, có lẽ xuất phát từ sự quý mến hai họa sĩ tiền bối là Tạ Tỵ và Duy Liêm. Chân dung các nghệ sĩ có lúc được vẽ nét trắng đen gợi nhớ kỹ thuật chụp chân dung của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu.
Các tác giả đã dành hẳn một phần riêng để giới thiệu sinh hoạt của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, nhà thờ Cha Tam, chùa Cây Mai, chợ Bình Tây, các hội quán người Hoa, rạp hát Quảng, hát Tiều và xe mì với kiếng vẽ tranh tuyệt đẹp.
Bạn đọc đã/là cư dân Sài Gòn, bắt gặp tranh vẽ về địa điểm, nơi chốn mình từng ghé qua thì hẳn những ký ức sớm ùa về, bồi hồi nhớ những người mình đã gặp ngày ấy. Tôi nhớ dịp Tết hơn nửa thế kỷ trước được cùng bố mẹ đến thắp hương ở lăng Ông. Cả nhà vào xem lễ chưa được bao lâu thì phát hiện lạc mất tôi, lúc đó độ sáu – bảy tuổi, mọi người cuống cuồng đi tìm, đến khi tìm được thì mỏi mệt chẳng ai tha thiết gì nữa, về nhà luôn.
Thời tiểu học, mỗi sáng đến trường Trần Quý Cáp (nay là Trường tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3) tôi đều đi ngang biệt thự nằm ngay góc Trần Quý Cáp – Bà Huyện Thanh Quan, lúc đó là Trường trung học Tân Văn. Rồi thế cục thay đổi, biệt thự được sử dụng với nhiều công năng khác nhau. Gần đây thấy có nhiều chuyên gia nước ngoài đến trùng tu, phục dựng lại nguyên bản, đọc artbook tôi mới biết đó là Villa Le Voile đã có từ năm 1930. Hơn mười năm trước, anh lớn từ phương xa về, đãi mấy em ăn sáng ở khách sạn Continental, nơi năm 1969 anh đãi tiệc cưới. Tôi vẫn nhớ tiệc hôm ấy, bố tôi mặc bộ veston bước lên bục cảm ơn mọi người, tôi cũng cố trèo lên để được đứng cạnh bố.
Chuyến du hành Sài Gòn ngược thời gian hơn nửa thế kỷ gợi lại ký ức riêng của mỗi người, có thể mờ nhạt, có thể sâu đậm nhưng ký ức ấy làm rực rỡ tâm hồn ta thêm một lần nữa.