Trong 20 năm qua, tế bào gốc trưởng thành mở ra một chân trời mới cho y khoa nhân loại, đem lại nhiều phấn khích cũng như ngờ vực trong y giới. Liệu đây có phải là một liệu pháp đầy hứa hẹn hay chỉ là hão huyền? Câu trả lời đang chờ đợi chúng ta trong tương lai.
Tế bào gốc là gì?
Khi thụ thai, trứng và tinh trùng sẽ thụ tinh để tạo thành hợp tử. Khi đó, tế bào gốc phôi đầu tiên đã được hình thành. Hợp tử sẽ phát triển, các tế bào phân chia để thành phôi rồi thai. Các tế bào gốc đầu tiên (gọi là tế bào gốc phôi) khi nhận được những tín hiệu thích hợp sẽ tự biến thành những tế bào khác nhau với những chức năng khác nhau (gọi là biệt hóa).
Khi đứa trẻ ra đời, một số tế bào gốc vẫn còn tồn tại ở những nơi khác nhau trong cơ thể gọi là tế bào gốc trưởng thành. Những tế bào gốc này có nhiệm vụ đi khắp cơ thể thay thế các tế bào già hay chết đi.
Như vậy, tế bào gốc có thể chia làm hai loại: tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành. Tuy cả hai loại đều có tính chất chung là chưa biệt hóa, có thể chuyển thành các tế bào khác nhau (như xương, mỡ, mạch máu, cơ…), nhưng tế bào gốc phôi thì có khả năng này mạnh hơn tế bào gốc trưởng thành.
Trong việc ứng dụng tế bào gốc vào y khoa thì việc sử dụng tế bào gốc phôi gây rất nhiều tranh cãi về đạo đức, tôn giáo… Lý do là muốn có tế bào gốc để nghiên cứu thì phải phá hủy phôi (thường là những phôi không sử dụng trong các trường hợp thụ tinh nhân tạo). Việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành ít gây tranh cãi hơn.
Tế bào gốc trưởng thành (TBGTT) có ở khắp mọi nơi trong cơ thể. Tuy nhiên nhiều nhất là ở ba nơi: tủy xương, máu ngoại vi, và mỡ ở vùng bụng. Trong đó, vùng bụng quanh rốn là nơi có nhiều TBGTT nhất. Vì vậy, trong thực hành người ta thường hút mỡ ở vùng bụng rồi tách TBGTT ra. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lấy được TBGTT ở mỡ vùng bụng gấp cả ngàn lần so với lấy ở tủy xương.
Vì sao cần kích hoạt TBGTT sau khi lấy ra?
TBGTT sau khi lấy ra khỏi mỡ nằm ở trạng thái ngủ. Nếu sử dụng thì ít hiệu quả. Vì vậy, ta cần kích hoạt chúng. Các thí nghiệm cho thấy nếu tiêm TBGTT đã kích hoạt vào cơ thể thì chúng sẽ đi đến những nơi bị tổn thương của cơ thể để sửa chữa, còn TBGTT chưa được kích hoạt thì không có khả năng này.
Để kích hoạt TBGTT, người ta dùng huyết tương giàu tiểu cầu (platelet rich plasma – PRP) và ánh sáng đèn LED. PRP là phần máu đã được loại bỏ hết hồng cầu bằng cách quay ly tâm và cho Calcium vào.
TBGTT đã được kích hoạt có thể dùng làm gì?
TBGTT đã được kích hoạt sẽ được truyền vào cơ thể (vào máu). Đặc tính của mô đang bị bệnh tật là chúng tiết ra những chất chemokines để thu hút TBGTT đã được kích hoạt đến để sửa chữa. Khi các tế bào này đến đâu, chúng sẽ biệt hóa thành tế bào mỡ, mạch máu, cơ… ở đó rồi quyện vào tạo thành mô mới thay thế cho các tế bào đã hư hỏng. Chúng còn tiết ra các yếu tố tăng trưởng và làm tăng sinh mạch máu tại chỗ để phát triển.
Khi chúng ta mới sinh ra, các TBGTT có số lượng nhiều và chất lượng cao. Do phải đưa ra sử dụng liên tục trong quá trình phát triển của cơ thể, số lượng các tế bào này giảm xuống dần và rõ rệt nhất là khi chúng ta từ 40 tuổi trở lên. Không chỉ vậy, chất lượng của chúng cũng giảm xuống cùng với sự lão hóa của cơ thể.
Vì vậy, khi các TBGTT đã được kích hoạt được đưa trở lại vào cơ thể, cơ thể chúng ta được bổ sung một lượng đáng kể nguồn TBGTT mới trẻ trung. Bên cạnh đó, nếu lấy tế bào gốc ra rồi trữ trong ngân hàng tế bào gốc, các tế bào này sẽ không già đi nữa mà dừng lại ở độ tuổi khi lấy ra. Sau này nếu cần có thể được kích hoạt và đưa vào cơ thể để sử dụng.
Các ứng dụng của TBGTT
Dựa vào các đặc tính của TBGTT như đã nêu, các nhà khoa học đã thử áp dụng TBGTT vào việc chữa bệnh và thẩm mỹ.
- Chống lão hóa: TBGTT được đưa vào máu và thay thế các tế bào cơ thể đã lão hóa. Trên lâm sàng biểu hiện là trẻ hơn, tóc đen lại…
- Tiểu đường: một số nghiên cứu cho thấy TBGTT có thể làm giảm đường huyết, giảm lượng insulin cần dùng.
- Bệnh khớp: TBGTT tiêm vào khớp để chống lại tình trạng thoái hóa khớp.
- Dị ứng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xơ gan, bệnh Alzheimer, bệnh tự kỷ, liệt do tổn thương tủy sống…
- Thẩm mỹ: TBGTT được dùng trên mặt để làm trẻ hóa da mặt. TBGTT được trộn với mỡ để bơm vào ngực để tăng kích thước nhũ hoa, thay thế cho việc đặt túi. TBGTT còn được dùng để chữa bệnh hói đầu.
Một số vấn đề bàn cãi
Tuy đã có những nghiên cứu cho thấy hiệu quả của TBGTT như trên, việc sử dụng TBGTT trong y khoa vẫn còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Những e ngại khi dùng TBGTT được đặt ra là:
- Liệu TBGTT sau khi được kích hoạt đưa vào cơ thể có phát triển ngoài sự kiểm soát để trở thành ung thư không?
- Về lâu dài, dùng TBGTT có thể gây nên những tác dụng ngoại ý khác không?
- TBGTT có thực sự hiệu quả hơn các phương pháp điều trị cổ điển khi dùng trên một số lớn bệnh nhân không?
Để trả lời cho thấu đáo những câu hỏi này thì cần phải có những nghiên cứu lớn, trên nhiều bệnh nhân, trong thời gian lâu dài.
Vì vậy, trên thế giới hiện nay đã có những nước cho phép sử dụng TBGTT trên người (như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, một số nước châu Âu như Ý, Hy Lạp…) nhưng cũng còn nhiều nước chưa cho phép sử dụng. Tại Hoa Kỳ, FDA vẫn chưa chấp thuận cho sử dụng TBGTT nên tại các trung tâm tế bào gốc ở Mỹ người bệnh phải ký giấy xác nhận đã hiểu và được thông báo về điều này trước khi được áp dụng trên cơ thể của mình.