Chính là nhân cách.Johann Wolfgang von Goethe
Nhà giáo dục nữ Thụy Điển, trong Thế kỷ của trẻ em
Một nam học sinh đang học lớp 6 nhảy lầu tự tử ở Hà Nội: vì làm bài thi không tốt nên em D. đã nhảy từ tầng 22 xuống, như báo Thanh Niên đăng tin.
Một cái chết quá thương tâm và gây chấn động. Vào giờ phút cuối đời em, có lẽ em đã quá đơn độc, không một chỗ dựa tinh thần, và quá tuyệt vọng. Với sự “thất bại” nào đó, em tưởng rằng thế giới nhỏ bé của em đã hoàn toàn tan vỡ, và em không thể nào sống được nữa. Em không thể nào biết, rằng thế giới em là vô cùng rộng lớn. Làm sao em biết điều đó, khi quanh mình mọi cánh cửa dường như bị đóng lại, hoặc không có một chút ánh sáng của hy vọng từ đâu đó rọi vào?
Dư luận phản ứng gì? Chưa biết. Nhưng cái chết của em D. là tiếng báo động bi thảm. Báo động cho Bộ giáo dục với chương trình học của họ. Báo động đối với thái độ dạy con của các bậc cha mẹ, báo động đối với thầy cô, cũng như đối với dư luận xã hội về quan niệm đối với sự học. Tôi tin chắc rằng mỗi con người sinh ra đều có một tài năng bẩm sinh nào đó mà các em và nhà trường, bố mẹ cần phải khám phá và nuôi dưỡng. Và các em rất xứng đáng để sống với tất cả nhân phẩm, và sự kính trọng của xã hội.
Như tôi có trình bày trước đây quan điểm giáo dục của nhà giáo dục Sir Ken Robinson, các em cần tìm được Element – Nguyên bản – của mình để yêu công việc mình làm, sáng tạo và thành công ở đó. Chỉ ở đó con người mới thật sự là mình, mới thấy hạnh phúc. Thông minh có nhiều loại rất phong phú không thể gộp chung hay so sánh với nhau. Hãy nghe Mozart diễn tả một cách rất ý thức những cái “bất tài” của ông, và cái tài duy nhất mà trời phú cho ông:
Cha thân yêu nhất của con, — Con không thể viết một cách thi vị, bởi vì con không phải là nhà thơ. Con không thể tạo ra những cụm từ mỹ thuật tinh tế để tạo nên ánh sáng và bóng tối, bởi vì con không phải là họa sỹ; con cũng không thể diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của con bằng cử chỉ hay dấu hiệu, bởi vì con không phải là vũ công; nhưng con có thể làm những điều đó bằng âm điệu, vì con là một nhạc sĩ.
(Xem Lá thư cuối cùng của W. A. Mozart gửi cha)
Vâng, mỗi người có thể “bất tài” về nhiều thứ, nhưng lại có tài ở một lãnh vực nào đó mà họ đã mang theo khi sinh ra. Đừng so sánh. Con người là một tác phẩm unique của tạo hóa. Quan điểm giáo dục tìm được Nguyên bản này được Robinson trình bày trong quyển sách Trường học sáng tạo mà anh Andy Nguyễn Mạnh Cường đã xuất bản trong năm 2021:
(Xem Một luồng gió mới của chuyển đổi giáo dục)
[Anh chị nên quảng bá cho quyển sách này. Tôi mới mua một số bản để tặng cho các bậc phụ huynh, cũng như tôi hay mua câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của chú bé Nils Holgersson có tính giáo dục cao. Có lần một bé sau vài tuần chạy đến tôi hỏi: Ông còn sách nữa không ông?]Quyển sách Trường học sáng tạo có tính khai sáng và rất hữu ích cho giáo dục để hiểu thêm tính chất độc đáo của mỗi con người, ai chẳng giống ai. Hơn nữa trẻ em cần nhiều tình thương gia đình như chỗ dựa tinh thần duy nhất và quan trọng nhất. Cho con tiền, đồ chơi, chưa chắc đã là thương yêu thật sự. Tôi thấy việc đọc truyện cho các em vào buổi tối trước khi các em ngủ là cách tốt nhất để biểu lộ tình thương, sự quan tâm, chăm sóc, và tạo cho các em phát triển óc tưởng tượng và giàu lòng nhân ái. Các em sẽ đi vào giấc ngủ với những hình ảnh đẹp của truyện, và tình thương yêu của bố mẹ. Ngày này qua ngày kia, năm này qua năm kia, việc đọc truyện sẽ tạo nên sợi dây gắn bó tình cảm vô hình bền chặt giữ con em và bố mẹ. Đó đồng thời cũng là một cách giáo dục để các em yêu đọc sách sau này. Chính tình thương là chỗ dựa cho trẻ em khi chúng “gặp nạn” trên đường đời. Chúng sẽ quay về mái nhà thân yêu, ở đó, chúng biết, bố mẹ là người thương yêu, hiểu biết và khoan dung, chấp nhận đối với chúng. Ngược lại, chúng sẽ cảm thấy mình không có chỗ dựa nào cả. Trong lúc cảm thấy bơ vơ, tuyệt vọng thì những ý tưởng liều lĩnh như một giải pháp có thể hiện ra. Hoặc chúng đi những con đường phiêu lưu nguy hiểm ngoài tầm với của bố mẹ. Bố mẹ đã không dang tay cho chúng từ những ngày bé thơ, thì bây giờ khó mà với tới chúng. Đặt kỳ vọng quá cao cho chúng là có thể treo lưỡi gươm damocles lên đầu các em. Hãy để các em phát triển tự nhiên, tạo điều kiện để các em tiếp xúc với nhiều thứ để đánh thức con đường đúng của chúng. Tình yêu phải đến tự nhiên, không thể bắt ép. Rất nhiều người chỉ tìm được con đường đúng của mình sau khủng hoảng tuổi 40 (middle life crisis).
Bố mẹ dễ xem thường con cái, nghĩ rằng chúng là trẻ con chẳng biết gì, không đáng được quan tâm sâu sắc. Họ đã rất sai lầm. Chúng có thể chưa hiểu những điều cao siêu, nhưng chúng hiểu bằng con tim, bằng cảm nhận từ những gì chúng nhận ở xung quanh. Thái độ xem thường trẻ em xuất phát từ sự lười biếng, ích kỷ, và nông cạn của cha mẹ. Chỉ mua cho chúng đồ chơi, iPad, là đủ, họ nghĩ vậy. Đó là sai lầm nguy hiểm. Một ngày nào đó bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi thấy tại sao con mình lại đi theo những con đường khác lạ. Thế giới của người lớn có những nét “hoang dã” đối với thế giới trẻ em. Một điều tôi thường thấy chẳng hạn: Các bà mẹ đưa con đến hồ bơi xong ngồi bấm máy điện thoại miết, không hề có một sự chú ý nào đến con mình, dù nó có thầy dạy bơi hay không có, họ chẳng có tí gì là quan tâm. Đáng lẽ mẹ cũng phải nhảy xuống bơi mới phải – để làm gương và khuyến khích và chơi với các cháu. Hai thế giới quả rất khác nhau.
Ép học theo cái bố mẹ thích là một sai lầm nghiêm trọng, và đối với người Việt Nam lại càng nghiêm trọng hơn khi quan niệm về ngành học rất đơn điệu, cả trăm năm vẫn không thay đổi, quanh quẩn chỉ có vài nghề kiếm tiền nhiều và được xã hội trọng vọng, như bác sĩ, dược sĩ. Quan niệm này có nhiều hệ lụy. Có những đứa con bóp bụng học cho xong bác sĩ để bố mẹ vừa lòng, rồi khi đỗ đạt, chúng mang tấm bằng về nộp cho bố mẹ, và nói, con đã làm xong “bổn phận”, và giờ con muốn được tự do đi con đường của con! Những chuyện này là có thật.
Để mượn ý của nhà thơ trẻ Mỹ Amanda Gorman, hãy hạ nhưng tiêu chuẩn, kỳ vọng quá cao không căn cứ có thể tác dụng ngược như những vũ khí nguy hiểm, để ôm lấy con mình như con mình và con người. Chúng sinh ra yếu đuối và vô minh, cần được che chở, thương yêu, giáo dục và khai sáng. Con người, theo Kant, cần phải được đối xử như cứu cánh thiêng liêng, không phải là phương tiện để phục vụ tiếng tăm của bố mẹ, hay cho cái gì khác.
Hệ thống giáo dục ngày càng chất trên vai trẻ em gánh nặng. Chỉ vị sự cạnh tranh bất tận của: chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường, nhân danh tiến bộ, phồn vinh, vân vân và vân vân. Con người chỉ còn là những công cụ, cái máy. Trẻ em đâu thấy đó là cuộc chiến của chúng? Giáo dục chỉ nhồi nhét kiến thức, càng hiện đại, càng nhiều càng tốt, như lớp 6 mà đã học lý thuyết tập hợp của trường phái Bourbaki. Giáo dục chưa bao giờ dạy học sinh đối phó với những lúc khủng hoảng. Trong suốt bậc trung học như thế, và trên đại học hai năm đầu như giáo dục khai phóng của Mỹ. Học sinh phải tự bơi, tự tìm cái phao cứu hộ cho mình, nếu chúng biết cách làm và may mắn thì tìm thấy. Nhưng những cái ngu dại trong xã hội quá nhiều, được truyền bá theo lợi ích của các ngành truyền thông, báo chí, nhà sản xuất, và mạng xã hội gây ảnh hưởng lên bao tâm hồn còn non trẻ, tàn phá chúng. Xã hội Mỹ xem tiến bộ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng đầy dẫy bệnh xã hội ở tuổi trẻ, nó chỉ dành cho những superman, những đứa trẻ sinh ra đã được định hướng về con đường mình rõ ràng, và mạnh mẽ, hơn là cho những đứa còn phải mò mẫm đi tìm. Nếu tâm lý của các em đó đủ mạnh, thì các em có thể thành công. Nhưng các ems au này sẽ thành gì thì chưa biết. Còn các em với tâm hồn nhạy cảm, gọi là “yếu đuối” thì có thể sẽ gặp khó khăn. Chưa nói đến các em bị autism-asperger. Xã hội hiện đại mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức và nguy nan cho tuổi trẻ mà thường bố mẹ không hiểu, và cũng không tìm hiểu.
Bao giờ thế giới thật thanh bình theo đúng nghĩa củ nó, con người mới được sống tự do để theo đuổi con đường như mình mong muốn, và con người mới thật là người. Con người sinh ra trong tự do, nhưng kết thúc trong xiềng xích, như J. J. Rousseau nói.
Làm người trong thế giới hiện nay không hẳn dễ. Nếu có ai linh cảm thế giới trước mặt không phải là thế giới được thiết kế cho mình, thì đâu là con đường “trở về nhà”, như nhà thơ Đức Joseph Eichendorff từng tự hỏi, đâu là điểm khởi đầu của nó để bước vào? Thế kỷ 19 mà ông đã tuyệt vọng. Văn minh vật chất cao thành núi, làm cho con người có nguy cơ bị chôn vùi trong đó, như nhà vật lý Mỹ I.I. Rabi giải Nobel nhận xét. Con người cần phải “ngoi lên” cao hơn núi vật chất đó để tồn tại, để thở được không khí trong lành và nhìn thế giới xa hơn, nhân bản hơn. Con người bị sa vào lối sống “to have”, hơn là “to be” như nhà tâm lý học Erich Fromm viết. Ở Mỹ, do nguy cơ lớn, nên có một dòng sách giúp con người tự cứu rỗi chính mình. Nhưng để tìm được sự cứu rỗi, con người cần có văn hóa đọc. Điều này quay trở lại câu chuyện đọc truyện cho con ngủ ở trên, giúp chúng có năng lực tự giúp tìm ra thế giới chính mình, và con đường ra khỏi khủng hoảng, bằng tự học. Thế giới sách có tính khai sáng, có chứa nhiều loại “tia cực tím” mà chỉ nhìn bằng ánh sáng của đời thường không thể thấy, như tôi có lần trình bày trong bài viết về Hiện tượng Do Thái – Một lý giải. Sách sẽ cho ta vô cùng nhiều năng lượng để sống và đối phó các bất trắc nếu ta biết khám phá chúng. Đọc sách để thấy có những cái vĩ đại so với những cái tầm thường đang làm khổ con người, những cái ở góc độ khác hiện ra chỉ là những cái tầm thường chẳng còn tác động lên chúng ta nữa. Khi chúng ta chưa lớn, thì thấy những cái tầm thường là quá to lớn lấn át chúng ta. Nhưng khi chúng ta đã lớn lên, thì chúng chỉ còn là những cái nhỏ bé. Đó là “nguyên lý tương đối” trong cuộc sống. Các bạn trẻ hãy chăm sóc để các bạn lớn lên. Các bạn hãy tìm tòi con đường riêng của các bạn. Các bạn sẽ ngoi lên khỏi cái núi của những cái tầm thường trước mặt.
Chúng ta cần một cuộc khai sáng giáo dục. Ai trong lịch sử VN có thể được gọi là nhà giáo dục khai sáng? Tôi hy vọng có những người trẻ thấy thôi thúc đi vào nghiên cứu lãnh vực này. Xã hội VN cần nhiều khai sáng giáo dục.
– Nguyễn Xuân Xanh, ngày 30. 12. 2021