Payoneer đã chính thức công bố báo cáo thường niên “Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trong hành trình vươn ra toàn cầu” tại Việt Nam. Báo cáo do Payoneer phối hợp với Oxford Economics thực hiện, khảo sát gần 3.800 doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có hơn 250 doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp SMB Việt Nam đang tích cực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), để vượt qua khó khăn và mở rộng quy mô kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Ông Vũ Ái Việt, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Payoneer, nhận định: “Các doanh nghiệp SMB tại Việt Nam đang thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo để thích ứng với toàn cầu hóa. Từ việc ứng dụng AI đến cải tiến quy trình quản lý, họ đang từng bước gia tăng khả năng cạnh tranh và hòa nhịp với xu thế phát triển toàn cầu.”
Điểm nổi bật từ báo cáo tại Việt Nam:
- Tiếp cận khách hàng mới và sáng tạo: 64% doanh nghiệp ưu tiên mở rộng mạng lưới khách hàng quốc tế, trong khi 62% tập trung vào đổi mới sáng tạo.
- Ứng dụng AI và công nghệ số: 26% doanh nghiệp sử dụng AI để cải thiện dịch vụ khách hàng, nhưng vẫn còn hạn chế trong các lĩnh vực như quản lý hàng tồn kho (15%) và sáng tạo nội dung (19%).
- Số hóa vượt thách thức: 58% SMB nhận định số hóa giúp giảm thiểu các rào cản khi thâm nhập thị trường quốc tế, trong khi 77% đánh giá tốc độ thay đổi công nghệ là động lực chính để đổi mới kinh doanh.
Đóng góp cho kinh tế địa phương: Bên cạnh việc mở rộng quốc tế, các doanh nghiệp SMB Việt Nam tiếp tục cam kết hỗ trợ cộng đồng trong nước. 65% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, đồng thời 82% kỳ vọng vào sự cải thiện của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. 69% chủ doanh nghiệp xem SMB là nguồn thu nhập chính của gia đình, thể hiện vai trò quan trọng của họ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Báo cáo cũng ghi nhận Hoa Kỳ, Trung Quốc và Úc là những thị trường hàng đầu mà doanh nghiệp Việt Nam gửi và nhận thanh toán nhiều nhất. Với sự đa dạng hóa khách hàng và nhà cung cấp, SMB Việt Nam đang dần chứng minh khả năng thích nghi và phát triển ổn định trong bối cảnh toàn cầu hóa.