Bởi gỗ cứng truyền thống đang dần cạn kiệt, gỗ mềm đạt chứng nhận bền vững mở ra một lựa chọn lý tưởng cho ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt. Những loại gỗ được “dưỡng sinh” từ rừng Canada hiện diện ngày càng nhiều ở các không gian sống, mang đến câu chuyện về tư duy quản lý và khai thác khoa học, những điều tác động đến việc gìn giữ rừng, đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm gỗ…
Sự lựa chọn bền vững
Dù ở thời đại nào, các sản phẩm làm từ gỗ luôn được ưa chuộng, có chỗ đứng riêng và chưa từng có dấu hiệu “lung lay”. Nhưng gỗ không phải là tài nguyên vô tận, thời gian tái tạo cũng rất dài, lên đến hàng chục, hàng trăm năm, cộng thêm chính sách bảo vệ rừng nguyên sinh trước thực trạng biến đổi khí hậu của hầu hết các quốc gia trên thế giới khác nhau…Thực tế cho thấy, nguồn gỗ, đặc biệt là gỗ cứng đang trở nên cực kỳ khan hiếm.
Do vậy, các nhà sản xuất đồ gỗ trên toàn cầu đang dần chuyển hướng sang sử dụng gỗ mềm – loại gỗ có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, đi kèm với các chứng nhận quản lý rừng bền vững. Thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ với nhận thức về việc bảo vệ thiên nhiên, cũng dần chuyển hướng sang các sản phẩm làm từ gỗ mềm.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2022 là 42,02%. Theo số liệu được công bố bởi Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ vào năm 2020, rừng nguyên sinh ở Việt Nam còn nguyên chỉ có 0,25%. Dù Việt Nam đứng thứ bảy trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ năm thế giới, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn gỗ cứng luôn dai dẳng, nhất nguồn cung các sản phẩm gỗ có chứng chỉ bền vững nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.
Gồ mềm lên ngôi
Khoảng 80% gỗ được ứng dụng hiện nay là gỗ mềm, dùng để sản xuất cửa sổ, cửa ra vào, đồ nội thất, ván sợi mật độ trung bình (MDF), giấy…
Gỗ mềm có đặc tính là tốc độ phát triển nhanh hơn so với gỗ cứng, giá thành cạnh tranh, dễ cưa xẻ tạo hình, giảm thiểu mài mòn máy móc trong quá trình thao tác, dễ ăn keo, dễ thấm màu sơn hoặc màu nước… Chỉ có một điều thường khiến khách hàng phân vân nhất khi sử dụng gỗ mềm làm đồ nội thất là liệu độ bền chắc và cứng cáp của nó có kém hơn so với gỗ cứng? Vì lý do này, trong sản xuất truyền thống, gỗ cứng thường được dùng cho các loại đồ gỗ sang trọng, có tính thẩm mỹ cao, nhiều hoa văn chạm khắc phức tạp cũng như yêu cầu tuổi thọ cao.
Tuy nhiên, gỗ mềm từ Canada lại loại bỏ được các nhược điểm trên, hơn thế, còn cho thấy nhiều ưu điểm sáng giá. Điều này xuất phát từ việc họ có chính sách quản lý rừng rất khoa học để đảm bảo được cả về sản lượng lẫn chất lượng, tính thẩm mỹ khi áp dụng các dòng sản phẩm vào sản xuất nội thất cùng đời sống.
Từ những cánh rừng bền vững của Canada, các chủng loại gỗ phổ biến ra đời với nhiều tên gọi quyến rũ như Độc cần bờ Tây (Western Hemlock), Tuyết tùng đỏ (Western Red Cedar), Bách vàng (Yellow Cedar), Linh sam Douglas (Douglas-Fir), Vân sam – Thông – Linh Sam (Spruce-Pine-Fir). Tất cả những chủng loại này đều có nguồn gốc từ Canada, đặc biệt là từ vùng ven biển B.C., ngoại trừ Vân sam – Thông – Linh sam. Như đã đề cập, các loại gỗ trên có thời gian sinh trưởng bằng cả một đời người. Ông Peter Bradfield – Cố vấn Kỹ thuật cấp cao của Canadian Wood (một tổ chức chính phủ trực thuộc tỉnh bang British Columbia – tỉnh bang Viễn Tây của Canada) chia sẻ, gỗ mềm từ Canada cũng xuất xứ từ các rừng tái tạo nhưng là rừng trồng lâu năm, lên tới 60 – 70 năm, vì vậy thớ gỗ mịn chắc, liền lạc. Điểm đặc biệt của gỗ Canada là sự đa dạng về chủng loại, đáp ứng được mọi yêu cầu từ đồ nội thất cao cấp đến các mặt hàng phổ thông, xây dựng, pallet đến những mặt hàng có yêu cầu về độ cứng, độ bền cao.
Theo đó, từ uốn cong, tạo hình đến lắp ráp theo yêu cầu, ứng dụng trong nhà, ngoài trời, các hạng mục liên quan đến nội thất, đều dễ dàng thực hiện được. Gỗ rất dễ ghép mặt, dán cạnh và/hoặc ghép thanh.
Sự chuẩn mực về kích thước và cấp độ, chất lượng cùng sự đồng nhất, khiến những khách hàng khó tính nhất cũng bị thuyết phục. Tất nhiên, vẻ đẹp đa dạng và khác biệt của 5 loại gỗ mềm trên là không thể thiếu, và kết quả là thỏa mãn được sự đa dạng nhu cầu sản xuất cũng như sự đón nhận từ thị trường tiêu thụ.
“Dù là gỗ mềm nhưng Tuyết tùng đỏ và Bách vàng có thể thay thế nhiều loại gỗ cứng để chế tác các sản phẩm gỗ cao cấp, chạm khắc tinh xảo – một trong những thế mạnh khẳng định thương hiệu của đồ gỗ Việt trên thị trường quốc tế”, ông Peter Bradfield nói thêm.
Đặc biệt hơn, vật liệu gỗ từ bang British Columbia, Canada có xuất xứ từ các khu rừng hợp pháp, có chứng nhận quản lý bền vững. Với ít hơn 1% trữ lượng rừng thương mại được khai thác mỗi năm, điều này đưa đến kết quả không có nạn phá rừng trong 30 năm qua tại Canada. Mỗi năm, B.C. trồng lại 200 triệu cây như một phần cam kết của mình. Trong tổng diện tích rừng đạt chứng nhận bền vững trên toàn thế giới, Canada chiếm tỷ lệ cao nhất với 35%. Các nhà cung cấp gỗ Canada cung cấp các sản phẩm đã được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng (FSC) và Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng (PEFC), điều này có thể giúp các nhà sản xuất đồ gỗ Việt đáp ứng được yêu cầu của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp.
Như vậy, gỗ mềm từ Canada với những đặc tính tốt, đa dạng về công dụng, và xuất phát từ nguồn hợp pháp đang và sẽ cung cấp thêm lựa chọn cho các nhà sản xuất đồ gỗ, giúp tăng sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.
Chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada”
Để quảng bá cho các loại gỗ mềm từ những khu rừng đạt chứng nhận bền vững tại British Columbia, Canadian Wood Việt Nam (chi nhánh tại Việt Nam của Canadian Wood) đã và đang thực hiện chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada”. Chương trình này cung cấp số lượng nhỏ các chủng loại gỗ mềm Canada cho các cuộc thử nghiệm sản phẩm, giúp các nhà sản xuất Việt Nam làm quen với tính chất và ứng dụng của gỗ mềm Canada.
“Trong chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada”, chúng tôi làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để giúp họ hiểu rõ hơn về thiết kế, màu sắc và tổng thể sản phẩm mà họ đang sản xuất. Sau đó, chúng tôi sẽ giúp đội ngũ sản xuất của họ hiểu rõ các yếu tố kỹ thuật khi sử dụng gỗ mềm Canada như một lựa chọn thay thế có giá cả phải chăng so với các loại gỗ khác mà họ có thể đang sử dụng. Chúng tôi thậm chí có thể hướng dẫn họ trong việc tạo ra sản phẩm thử nghiệm để so sánh trực tiếp với các loại gỗ khác. Tất cả các hoạt động, bao gồm việc cung cấp mẫu thử và hướng dẫn đều được Canadian Wood Việt Nam thực hiện miễn phí”, bà Hannah Tran Giám đốc Phát triển kinh doanh của Canadian Wood Việt Nam cho biết.
Thông qua chiến dịch này, trong vòng 5 năm qua, Canadian Wood Việt Nam đã kết nối với gần 1.000 nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam và nhận được phản hồi rất tích cực, số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng, nhất là từ các nhà sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Điều này cho thấy các sản phẩm sản xuất từ gỗ mềm Canada vừa mãn nhãn về thẩm mỹ, vừa bền bỉ về chất lượng đang được thị trường quốc tế ưa chuộng, xứng đáng trở thành một trong những sự lựa chọn đáng lưu tâm của các nhà sản xuất gỗ Việt.
Canadian Wood hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, không trực tiếp cung cấp, bán gỗ mà là cầu nối cung cấp thông tin, hướng dẫn, quảng bá về các chủng loại gỗ mềm của tỉnh bang British Columbia; cũng như kết nối các nhà sản xuất, thiết kế, bán sỉ/lẻ đồ gỗ, nội thất tại Việt Nam với các đơn vị cung cấp gỗ mềm tại British Columbia, Canada.