Nằm trong một khu biệt thự nghỉ dưỡng thuộc thành phố Nha Trang, căn biệt thự này có vị trí rất đắc địa: tựa lưng vào núi và sở hữu một tầm nhìn tuyệt đẹp ra biển. Những người thiết kế nhận ra ưu điểm này ngay ở lần đầu tiên đi khảo sát hiện trạng và ý tưởng thiết kế đã hình thành dựa trên chính ấn tượng ban đầu ấy: tối ưu hóa tầm nhìn.
Một đặc điểm nữa là khu biệt thự này vốn đã được xây thô nhưng còn khá vắng, chưa có nhiều công trình đi vào hoàn thiện. Giải pháp thiết kế sẽ phải giữ được sự hài hòa giữa công trình với các căn nhà khác, nhưng nội thất vẫn thể hiện đẳng cấp của một không gian nghỉ dưỡng. Chính điều này sẽ tạo bất ngờ cho khách đến đây, bởi có một sự khác biệt lớn giữa ấn tượng bên ngoài và những gì ở không gian bên trong. Để đạt được mục tiêu đề ra, mọi giải pháp về vật liệu và tổ chức không gian được cân nhắc rất kỹ. Cùng với việc giữ lại mảng bề mặt bê tông thô sẵn có, đá tự nhiên được chọn làm vật liệu kiến trúc mặt tiền, vừa giữ sự hài hòa của riêng căn biệt thự này với tổng thể của toàn khu, vừa chuẩn bị trạng thái tâm lý để… bất ngờ khi bước vào không gian bên trong, vốn rất tiết chế về chi tiết, vật liệu và màu sắc nhưng đảm bảo về tính sang trọng và đẳng cấp.
- Xem thêm: 180 SAMUI và giá trị của tầm nhìn
Căn biệt thự có khuôn viên khoảng 250m² bao gồm cả sân vườn và hồ bơi, quy mô một trệt, một lầu với toàn bộ tầng trệt là không gian sinh hoạt chung, ba phòng ngủ trên lầu. Điều dễ nhận thấy là tất cả mọi không gian đều hướng tầm nhìn ra cảnh quan bên ngoài. Mọi cột góc, vách ngăn hướng biển đều được xóa bỏ hoặc sử dụng kính để giữ trọn vẹn hướng nhìn ra biển khơi. Đồ đạc nội thất và ngoại thất nhằm tạo ra tiện nghi sử dụng, rất cao cấp nhưng vẫn giữ vai trò khiêm tốn xét trong tương quan với giá trị của thiên nhiên ngoài kia. Góc thư giãn ngoài trời cũng hạ thấp xuống để không cản trở tầm nhìn từ bên trong, và khi ngồi ở đó, chỉ thấy mênh mông bát ngát biển trong tầm mắt.
- Xem thêm: Nghỉ dưỡng cận kề biển khơi
Các khối chức năng như bếp, phòng ăn, sinh hoạt chung ở tầng trệt đều được bố trí lùi sâu vào bên trong để tôn lên yếu tố thiên nhiên bên ngoài. Cầu thang tròn là trục giao thông kết nối không gian sinh hoạt ở tầng dưới với các phòng ngủ trên lầu được xử lý để có một tỷ lệ đẹp và như một điểm nhấn của kiến trúc nội thất – đây cũng là cách mà các kiến trúc sư MM++ hay vận dụng trong thiết kế của họ.
Ở tầng trên, ba phòng ngủ được khai thác linh hoạt nhờ các vách ngăn di động, tùy vào nhu cầu sử dụng của các cá nhân và gia đình mà các khối ngủ sẽ được “đóng” hoặc “mở” để không gian có sự tương tác và giao lưu nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp để mở rộng tối đa tầm nhìn. Gỗ là vật liệu chủ đạo đem lại vẻ ấm cúng và sang trọng, đồng thời được xử lý theo cách riêng: chỉ là một lớp dầu chuyên dụng, giữ nguyên được màu sắc và chất cảm của gỗ. Những người thiết kế cho biết sau này chỉ cần xử lý lại bằng cách thêm một lớp dầu mới, thời gian xử lý nhanh, không ảnh hưởng đến hoạt động sống đang diễn ra và màu của gỗ ngày thêm đẹp hơn. Một khối ngủ trên lầu được thiết kế khá đặc biệt, có thể trượt ra ngoài nhờ hệ thống cơ điện để có cảm giác ngủ dưới một bầu trời đầy trăng sao.
- Xem thêm: Biệt thự trên đồi
Thường thì các thiết kế đơn giản nhưng đạt đến hiệu quả về công năng và thẩm mỹ luôn tạo ra một ấn tượng mạnh. Ở khu biệt thự nghỉ dưỡng này, ấn tượng đó là sự tiết chế về chi tiết, hình khối đơn giản, vật liệu đồng nhất, nội thất chú trọng công năng. Sự tiết chế ấy đã góp phần tạo nên hiệu quả và mang tính định hướng rất rõ: không để người ta bị chi phối bởi các điều vụn vặt mà tập trung vào một thứ lớn nhất: thiên nhiên bên ngoài và tầm nhìn giá trị.
_______
Thiết kế: KTS Michael Charruault và KTS Phạm Thị Mỹ An
MM++ Architects – Mimya
Địa chỉ: Tầng 3, 58 Phan Bội Châu, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38226248
Website: www.mmarchitects.net/
_______
– Ảnh Hiroyuki Oki