Xóm tôi là con hẻm cùng, có độ chừng hai mươi nóc nhà, gần như là khu cán bộ nho nhỏ, bởi đa số nhà ai cũng có người đi làm cơ quan Nhà nước, chỉ một vài hộ của những người dân địa phương ở đây lâu đời, họ có vốn nên không sang bán đất, nhà.
Cách nhà tôi vài căn là nhà của bác Bảy Ngân hàng. Bác tên thật là Tâm nhưng bà con chòm xóm quen gọi thứ của bác và tên cơ quan bác làm việc. Tôi cũng quen miệng theo mấy đứa nhỏ gọi bác Bảy, thật ra tuổi của bác không lớn hơn tôi bao nhiêu. Bác là giám đốc ngân hàng, về hưu khoảng 6 năm thì tôi cũng hết tuổi lao động. Nhà bác có cái sân tráng xi măng, kê các chậu kiểng bonsai rất đẹp, thu hút tôi và những người hàng xóm lớn tuổi vào buổi sáng hay ghé nhà bác.
Chúng tôi uống cà phê, trà nói chuyện thời sự trong và ngoài nước. Sau đó, ngồi ủng hộ hai vận động viên cờ tướng không chuyên đấu với nhau. Là người rất say mê môn cờ tướng nên bác cho thợ hồ làm một bàn cờ cố định bằng đá mài. Sau khi bác Bảy mất, gia đình chỉ còn bác Bảy gái và cô con gái út. Bác Bảy gái mua mấy cái phin pha cà phê, vài cái bình trà, một tủ thuốc lá nhỏ. Không mở hẳn quán, bác bán theo kiểu gia đình với mục đích chính là để mở cửa cho các người bạn đồng niên với bác trai hoặc nhỏ hơn ít tuổi, họ có chỗ sinh hoạt câu lạc bộ mini “Thời sự và cờ tướng”. Câu lạc bộ sinh hoạt liên tục, các hội viên đều có mặt thường xuyên. Rồi tôi có dịp rời xóm đi xa một thời gian, ngày tôi về qua nhà hỏi thăm bác Bảy gái.
Khi tôi đến, thấy bác đang lom khom quét sân, những chậu Bonsai không còn dáng đẹp như xưa, cành lá chen nhau um tùm. Bác giờ trông già hơn rất nhiều với mái tóc bạc trắng. Gặp tôi, bác mừng vui cười móm sọm, tay cầm cái nùi giẻ lau chiếc ghế. Sau đó, bước vào nhà pha cho tôi một phin cà phê. Cũng cùng thời gian của những năm qua, giờ ngồi đây,tôi cảm thấy nó rộng và trống vắng quá. Cái bàn cờ tướng bụi bám vào những đường rảnh kẻ ô. Bác Bảy ngồi chiếc ghế cạnh bên,có lẽ thấu hiểu tâm tư nỗi lòng tôi. Không đợi hỏi chuyện, bác đã nói:
– Giờ xóm mình vắng buồn lắm
Ngưng giọng, chỉ ngón tay về phía bàn cờ, bác nói tiếp:
– Cũng lâu rồi, bàn cờ này lạnh tanh, không có ai ngồi đấu nữa.
Tôi bùi ngùi hỏi
– Vì sao vậy bác?
Bác Bảy kéo vạt áo lên lau mắt, nghẹn ngào:
– Thì cũng như ông nhà tôi, thời gian cậu xa, những người bạn cùng thời trong xóm mình, họ lần lượt ra đi. Nhà nào cũng còn lũ con, cháu. Bọn chúng đi làm, đi học đâu có thời gian mà đấu cờ. Nhưng hình như tôi thấy chúng cũng không thích. Giống như nhỏ út tôi, đi làm về tắm, ăn xong là vô phòng ôm riết cái điện thoại. Hai tai nó lúc nào cũng bít chịt cặp tai nghe, thật bực mình và buồn lắm cậu ơi! Có việc gì cần, như khi nhân viên các công ty tới nhà thu tiền điện, nước, wifi, gọi hay nói chuyện với nó trần ai lai khổ lắm!
Chia tay bác, tôi bước ra cánh cửa cổng mà nghe lòng mình buồn cho cảnh đời của bác cũng như cho mình, hình như hai tai còn nghe lời bác nói: “Xóm không có người cao tuổi”. Đúng như lời bác nói, giờ mỗi sáng không còn nghe tiếng gọi nhau và những bước chân đi bộ thể dục hay râm ran những câu chuyện thời sự cùng âm thanh nhịp gõ quân cờ chiếu tướng. Xóm không có người cao tuổi. Khu phố già nua.
Lớp trẻ bây giờ đều như thế cả, không giống như thời của chúng tôi. Từ tuổi thơ đến tuổi vào đời đều khác xưa rất nhiều. Trẻ nhỏ bây giờ sung sướng hơn tuổi thơ lớp người chúng tôi, cụ thể hơn là của mấy anh em tôi rất nhiều. Khoa học, công nghệ phát triển, từ hàng hóa tiêu dùng, đến công cụ truyền thông, giải trí, phim, ảnh, đồ chơi trẻ em… Ở các shop, đồ chơi trẻ em bày bán đủ các thứ, hình dáng, màu sắc đẹp, hệ thống tự động, thật đa dạng.
Tùy theo lứa tuổi và túi tiền tha hồ lựa chọn. Không như bọn tôi, tước từng chiếc lá dừa, thắt từng cái chong chóng hay xếp bằng giấy tập cũ, hoặc xếp ghe, thúng, chim, đầu lân… Ngoài xếp đồ chơi bằng giấy còn có đồ chơi bằng tre, trúc, đất nặn. Hay vào dịp Tết Trung thu, chế chiếc xe đẩy bằng hộp lon sữa bò, ở dưới đáy hộp đục nhiều lỗ nhỏ, đặt nằm ngang ruột ống chỉ bằng gỗ để làm bánh xe, bên trong thắp cây đèn cầy nhỏ.
Khi đẩy, ống chỉ lăn tạo cho hộp lon sữa bò bên trên xoay vòng, theo những lỗ nhỏ ánh sáng đèn cầy bung ra như pháo hoa rất đẹp. Thời đó làm gì có TV hay điện thoại cầm tay như bây giờ, để trẻ nhỏ có thể gọi cho cha mẹ, bạn bè hay chát với nhau hoặc xem phim hoạt hình, chơi game. Tụi tui dùng hai chiếc lon sữa bò khui bung hai đầu, một đầu căn giấy như mặt trống, dùng sợi chỉ dài cột chặt một que bằng sóng lá dừa, đâm vào lớp giấy, xoay ngang để giữ sợi chỉ.
Mỗi đứa cầm một cái,úp miệng vào đít lon bên không dán giấy nói, đứa bên kia đặt vào tai nghe. Còn muốn xem phim, đâu có rạp chỉ có xe phim lưu động. Người ta đặt một cái thùng sắt, bốn vách hông có những ô vuông, bên trong có hai lỗ tròn như hình ống dòm, phía trên có chiếc máy chạy chiếu phim loại bản nhỏ. Mấy đứa tôi phải dành tiền cha mẹ cho ăn quà vặt vài ngày để xem. Trả tiền trước cho chủ xe như mua vé ở rạp, đứng khom người, chu cái mông lên, hai mắt đặt vào hai lỗ nhỏ say sưa theo dõi. Thường là phim Sạc-lô, Bạch tuyết bảy chú lùn.
Còn xà bông gội đầu, tôi nhớ mẹ tôi nói: gội xà bông thơm hiệu Cô Ba là sang lắm nghe các con. Bây giờ, ngoài thị trường thì kính thưa các loại xà bông thơm: Việt Nam, nước ngoài, dầu gội, dầu xả đủ hiệu, đủ mùi hương. Bên cạnh những thứ phục vụ cho tóc, thân thể còn có nước hoa đủ các hiệu. Trẻ nhỏ bây giờ, bước vào nhà tắm, tiện tay với lên kệ tha hồ chọn dầu gội, xả. Mấy đứa trẻ ở quê chơi nghịch, móc sình chọi nhau hay cút bắt trốn trong lùm, bụi cây, rồi nhảy ùm xuống sông bơi, lăn hụp gội đầu, có xài xà bông, dầu gội gì.
Cuối tuần, mẹ được nghỉ dạy học, gom mấy anh em tôi đứng xếp hàng, bà tắm, lấy bàn chải chà mấy ngón chân, sau đó dùng xà bông thơm hiệu Cô Ba gội đầu cho từng đứa. Vì vậy, em gái tôi có chí trên đầu, có lẽ nó chơi dơ, tắm sông hay vào lớp học ngồi cạnh mấy đứa bạn, chí bò sang. Mẹ ra chợ huyện tìm mua một cây lược dày, những chiếc răng lược xếp khít với nhau. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi cũng hiểu được nỗi niềm buồn của mẹ.
Thường những ngày cha đi xa, cuối tuần mẹ hay ngồi trên bộ ván, tay cầm chiếc áo, hay quần vá lại những chỗ bị rách. Không thì ngồi dùng lược dày chải tóc, bắt chí cho mấy đứa em gái. Mẹ không nói, nhưng nhìn dáng mẹ ngồi và ánh mắt, tôi biết bà đang giấu nỗi lo lắng, trông chờ tin cha. Bây giờ, số trẻ em hay người lớn, tóc có chí rất ít, thậm chí không có. Sau khi ba tôi qua đời, mẹ luôn buồn nhớ, nhưng mất đi niềm vui lẫn lo lắng khi ngồi chờ trông tin cha.
Bà không còn những chiếc áo rách của ba để ngồi vá, còn mấy đứa em gái tôi đã lớn khôn, chúng biết giữ vệ sinh cho tóc. Mãi đến khi chúng trưởng thành thì việc gội đầu có đầy đủ xà bông, dầu gội hơn xưa, nên mẹ cũng không còn được dịp ngồi chải tóc, bắt chí cho chúng. Bà ngồi thui thủi với mái tóc hoa lau, buồn nhớ. Cái nhớ của nỗi niềm buồn góa phụ.
Trong khi trẻ nhỏ ngày nay ra đường hay đến trường, vào lớp học áo quần ủi thẳng nếp, thơm tho, mái tóc cũng thơm. Có thể nói gần như nhà nào cũng có cái bàn ủi điện, đâu như thời bọn tôi, mẹ mua cái bàn ủi con gà bằng gan hay thau cũng đã là sang lắm rồi. Cho than vào nhúm lửa hay tận dụng than lửa trong lò khi chắc nước cơm xong gắp bớt ra ngoài. Tôi có thói quen, hay xếp chiếc áo sơ mi trắng cụt tay, đặt dưới chiếc gối nằm ngủ nhằm sáng ra có chút phẳng phiu để mặc đi học. Thói quen đó theo tôi đến khi trưởng thành; lập gia đình, tôi vẫn xếp quần áo cho dưới gối nằm để thay mặc trong nhà. Trừ khi đi làm việc hay dự đám tiệc thì vợ tôi ủi cho những bộ quần áo khác riêng dành cho đến công sở hay tiệc tùng.
Thỉnh thoảng, tôi đến nhà một vài người bạn chơi, tình cờ gặp lại cây lược dày thời thơ ấu. Lòng tôi ngùi buồn thương nhớ mẹ, thèm khát hình ảnh gia đình đầm ấm hạnh phúc của những năm tháng sống dưới quê. Nhớ các đứa em gái giờ đã trưởng thành, lập gia đình, có đứa theo ở bên chồng, có đứa đang sống tha hương nơi đất khách. Nghe thèm nhớ âm thanh nhịp thớt bằm vang đều trong bếp khi trưa tan học về, cùng hương thơm khói củi, rau mồng tơi, mướp, hăng hắc của nước mắm kho cá gần cháy khét hòa huyện tẩm trong mái tóc mẹ khi bà ôm tôi vào lòng.