Mắt cười đong đẩy, giọng Sài Gòn đãi dài không lẫn vào đâu được, nghệ sĩ Bảo Quốc “chết tên” với những vai hài “dê”, hài độc như Thầy Đề của Nghêu sò ốc hến, Trương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, xã trưởng trong Thị Mầu… Chỉ cần anh xuất hiện, mắt chữ O, miệng chữ A, là khán giả đã cười nghiêng ngả. Lối diễn hài đầy ngẫu hứng, hoạt bát, và “thiết lập đội hình” thật đa dạng của anh đã tạo nên dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả về phong cách hài Nam bộ.
Bảo Quốc không chỉ có biệt tài diễn hài, anh còn lấy nước mắt của khán giả rất ngoạn mục khi chuyển từ hài sang bi chỉ trong tích tắc… Cuộc đời lắm thăng trầm, đầy biến cố của một gia đình nghệ sĩ nòi – cha là nghệ sĩ Năm Nghĩa, người sáng lập đoàn cải lương Thanh Minh, mẹ là bà bầu Thơ, và chị gái là nghệ sĩ tài danh Thanh Nga – đã khiến cho anh ngay từ nhỏ đã muốn bứt phá tìm một con đường riêng, với tính khí bất thường, tưng tửng. Nhưng cái nghề chọc cười thiên hạ đã chọn anh như một định mệnh, để rồi trải qua bao cơ cực mới sống trọn được với nghề.
Vậy mà ngoài đời, anh là một người hoàn toàn khác, chừng mực, nghiêm túc, chỉnh chu với cả gia đình và công việc kinh doanh. Tại Nhà hàng Bảo Quốc Sài Gòn, cha con, chồng vợ quây quần ấm áp cùng lo chuyện làm ăn, ai cũng tươi rói, thấy rõ là công việc kinh doanh đang thuận lợi và gia đình hòa thuận. Cơn mưa chiều vừa dứt, thành phố lên đèn, ngồi bên cửa kính tại nhà hàng ngắm Sài Gòn thật đẹp. Anh bồi hồi khi nhắc lại bao kỷ niệm xa xưa…
____
Từ nhỏ sống trong cái nôi nghệ thuật, nhưng anh lại không hề nghĩ có một ngày sẽ phải lên sân khấu?
Cuộc đời tôi có những bước chuyển bất ngờ mà chính mình không hề định trước. Ngay từ nhỏ, ba tôi đã muốn các con nối nghiệp cha. Khi ông sáng lập đoàn Thanh Minh năm 1959, chị Thanh Nga đã bắt đầu diễn. Hàng ngày ba tôi tập diễn, tập ca cho tôi, nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ, ham chơi, tính tình lại hiếu động, nghịch ngợm, nên ông cũng chẳng ép. Tình cờ một lần cậu bé trạc 10 tuổi như tôi trong vở Người vợ không bao giờ cưới bị bệnh đột xuất, tôi bất đắc dĩ phải đóng thế vai.
Tôi còn nhớ lúc ấy ba tôi đứng trong cánh gà vừa xem vừa lo ngay ngáy, không ngờ tôi diễn ngọt xớt. Ngay đêm đó ba tôi ngã bệnh nặng rồi qua đời… Nỗi mất mát quá lớn đã để lại một dấu ấn mạnh trong tôi, tôi bắt đầu biết suy nghĩ, từ từ thấm và yêu cái nghề của cha, và hiểu rằng đây là nghiệp tổ của gia đình, phải làm sao phấn đấu để đạt được điều cha tôi mơ ước. Từ đó đeo theo nghề luôn. Một điều rất thú vị, chị Thanh Nga là người đầu tiên nhận Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958, một giải rất giá trị dành cho nghệ sĩ cải lương, còn tôi lại là người cuối cùng “khóa sổ” giải thưởng này năm 1967.
Đối với tôi, nghề diễn là tình yêu, là trách nhiệm, phải yêu mới thấy hứng thú, say mê.
____
Có ngoại hình đẹp và ăn nói duyên dáng, anh bắt đầu nghề diễn với những vai kép đẹp, kép chánh, cơ duyên nào đã khiến anh chuyển qua hài như thể… trời sinh?
Lại một lần bị “bắt cóc” đóng thế anh Thanh Việt, danh hài nổi tiếng thời đó trong vở Con ma nhà họ Hứa. Hôm ấy anh Việt cũng ngã bệnh, chị Thanh Nga bèn nói tôi qua thế vai này, tôi giãy nảy “em biết gì mà diễn hài”, chị cương quyết: “Chị thấy em có khả năng hài, cứ mạnh dạn diễn đi”. Không ngờ màn hài đóng chung với chị Hồng Nga hôm đó quá thành công, khán giả cười ngất.
Thực ra ngay từ nhỏ tôi đã có máu hài, nổi tiếng trong trường là người nói nhiều, với những màn quậy phá trời thần đất lở. Cũng nhờ sự cương quyết của chị Thanh Nga mà khi chuyển qua hài, tôi đã phát huy hết sở trường của mình và không ngừng chịu khó tìm tòi. Lối hài của tôi không quá suồng sã, bừa bãi, mà coi trọng lời thoại, cài đặt tình huống, kết hợp hình thể đúng lúc, đúng chỗ để bật lên tiếng cười. Vai tâm đắc nhất chính là tên Việt gian phản quốc Trương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, tôi không nhấn sâu cái ác, cái độc, mà biến hắn thành một trò hề.
Hay vai Y xì ke trong Bóng tối và ánh sáng, để diễn được vai này, tôi đã rình coi các con nghiện chích choác ra sao, rồi khi ra miền Trung, miền Bắc, tôi phải học cả phương ngữ của từng vùng để thay đổi ngôn phong cho phù hợp. Với vai phụ chỉ xuất hiện 15 phút, lời thoại chưa đầy một trang giấy này tôi đã nhận được HCV tại Liên hoan sân khấu năm 1979. Với mỗi nhân vật, tôi luôn rút ra những nét cơ bản về tính cách, để có thể diễn sao cho khán giả nhớ.
Trong cánh gà là Bảo Quốc, nhưng khi bước ra sân khấu tự nhiên tôi nhập vai như người ta nhập đồng vậy, điều đó cần đến trực cảm nhạy bén, đo được tâm lý khán giả… Đối với tôiâ, nghề diễn là tình yêu, là trách nhiệm, phải yêu mới thấy hứng thú, say mê, như mê đá banh vậy. Mỗi tối không ra sân khấu là thấy nhớ, muốn bệnh luôn. Cuộc đời sung sướng nhất là làm được điều mình thích.
____
Khi kết hợp giữa nghệ thuật và kinh doanh cho Nhà hàng Maxim, anh có đắn đo nhiều không?
Hoàn toàn là đột xuất, trước đó tôi không hề nghĩ có ngày mình lại chuyển qua kinh doanh. Trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới của tôi ở Nhà hàng Maxim, ban tổ chức mời tôi về lo sân khấu ở đó, tôi đùa: “Thôi, nếu giao hết nhà hàng thì tôi làm, chứ giao sân khấu không, lại thêm ý kiến ra ý kiến vào rất khó quyết”. Ai ngờ hôm sau họ đồng ý.
Tôi hết hồn về nói với bà xã, cô ấy động viên: “Mình là người lớn nói phải giữ lời, không biết gì về nhà hàng cũng phải làm, chừng nào “chịu không nổi” thì thôi”. Tôi gầy dựng một sân khấu hoàn toàn mới mang đậm màu sắc truyền thống cho Maxim nhờ kinh nghiệm học được trong chuyến đi Indonesia, và đã thu hút rất đông du khách. Làm dâu trăm họ, điều quan trọng nhất phải làm sao cho khách đến rồi trở lại. Là nghệ sĩ, nếu có được một công việc kinh doanh tốt sẽ giúp mình toàn tâm toàn ý khi đứng trên sàn diễn.
____
Thành phố đang nở rộ “công nghệ cưới” với đủ mọi hình thức, làm thế nào để có thể cạnh tranh? Đã từng vấp phải bài toán về giá thuê mặt bằng từ Maxim, anh có hoang phí không khi chỉ tập trung kinh doanh tiệc cưới?
Điều quan tâm nhất của tôi là ăn uống phải ngon, việc tổ chức giới thiệu cô dâu chú rể phải vui, trang trọng, ngắn gọn, không quá nặng về biểu diễn. Tôi rất coi trọng văn hóa trong tiệc cưới, không chủ trương nghi lễ quá rườm rà làm phiền thực khách, để khách chờ lâu, bởi tất cả đều là khách quý. Đổi mới nhưng phải giữ được vẻ đẹp truyền thống của người Á Đông, tạo bầu không khí ấm áp như một gia đình. Vừa đạo diễn, vừa trực tiếp làm MC, khi mọi người thấy mình, tự dưng không khí gần gũi, hưng phấn liền.
Người Việt Nam mình thường ít có thói quen đến đúng giờ, phải chú ý tới chi tiết này để điều chỉnh cách phục vụ sao cho kịp thời. Thực sự vợ tôi và hai con là lực lượng chủ lực, con gái lớn Hồng Loan coi sân khấu, vợ tôi quản lý chung, còn con gái thứ hai lo tiếp phẩm. Cũng nhờ đối xử với nhân viên có tình, coi nhân viên như anh em một nhà chứ không phải là chủ – tớ, nên khi tôi chuyển qua Nhà hàng Bảo Quốc Sài Gòn này, chín người bếp từ Maxim cũng theo qua hết.
Tôi chủ trương làm việc vừa sức, để còn thời gian thưởng thức cuộc sống, nên chỉ tập trung kinh doanh tiệc. Những ngày không có tiệc anh em nghỉ để dưỡng sức. Rất mừng là có những đôi vợ chồng sau tiệc cưới khi có con đầu lòng lại trở lại làm tiệc thôi nôi. Có gia đình ba, bốn con đều chọn nhà hàng tôi tổ chức tiệc cưới. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đến đặt tiệc cưới đã tâm sự với tôi: “Tụi con muốn được chú chúc phúc, muốn được hưởng hạnh phúc như vợ chồng chú”. Đó là những lời động viên đáng quý vô cùng.
Tôi chủ trương làm việc vừa sức, để còn thời gian thưởng thức cuộc sống.
____
Cuộc đời anh dường như được nhờ phụ nữ?
(Cười hạnh phúc) Được nhờ tới 5 người phụ nữ lận! Hồi nhỏ là mẹ, lớn lên là chị, sau này là vợ và hai con gái, bởi vậy ngày 8-3 là cực lắm! Nhưng phải nhờ ngày đó mới có dịp bày tỏ lòng tri ân đối với phụ nữ. Khi ba tôi mất, mẹ tôi mới ba chín tuổi, còn rất thanh xuân, nhưng bà đã sống hết lòng vì chín đứa con thơ và cai quản sự nghiệp của chồng một cách suôn sẻ. Rất lạ là dù quản lý nghệ sĩ phức tạp, nhưng khi làm việc với mẹ tôi, người nào cũng tập tuồng đúng giờ.
Sức làm việc của mẹ tôi thật phi thường. Bà có biệt tài trong việc quy tụ diễn viên và chọn vai thích hợp. Đoàn Thanh Minh lúc đó có dàn diễn viên rất hùng hậu, từ Hữu Phước, Thành Được, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Hoàng Giang… với những vở diễn tới giờ vẫn ăn khách như Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển… Tôi đã học được từ mẹ tấm lòng chung thủy, bản lĩnh cương cường, tự tin, sự bình tĩnh khi phải đối đầu với khó khăn, nhận lãnh một công việc quá nặng nề và đột xuất…
____
Chị Thanh Nga mất vào đúng thời điểm rực rỡ nhất của sự nghiệp, hình ảnh một Thái hậu Dương Vân Nga uy nghi rạng rỡ như một thánh nữ đã khiến cho khán giả cả nước tiếc nhớ vô cùng, gia đình anh đã trải qua những ngày tháng hụt hẫng khó khăn?
Chị mất năm 1978, thì đến năm 1980 má tôi hiến đoàn cải lương Thanh Minh cho Nhà nước. Mất một người con, một nghệ sĩ sân khấu lớn, mẹ tôi quá đau buồn, sức khỏe yếu hẳn đi. Trước khi chị mất, tóc má vẫn còn đen, vậy mà từ từ bạc trắng hết, nhưng trong đám tang chị Hai mẹ tôi không hề khóc, chịu đựng nỗi đau để tập trung lo cho chị được chu toàn. Với riêng tôi đó là một hụt hẫng lớn, vì chị vừa là người thân, là thầy, là bạn diễn, chỉ dạy cho tôi rất nhiều. Ngay cả đoàn hát cũng choáng váng không biết có hoạt động tiếp được không. Rất mừng là khán giả càng thương, càng ủng hộ, từ từ mình đứng vững lại được.
____
Trong cuộc đời, có bao giờ anh phải làm khán giả cười mà trong lòng đau như cắt?
Tôi nhớ rất rõ hai lần, một lần Hồng Loan mới năm tuổi bị sốt xuất huyết thập tử nhất sanh, mặt mày bầm đen đang cấp cứu trong bệnh viện, vậy mà mình phải chọc cười, cứ vừa bước vô cánh gà là chắp tay cầu xin trời phật cho con qua khỏi, lòng dạ rối bời. Vừa dứt màn diễn bên ngoài khán giả cười rần rần, mình nửa khóc nửa mếu chạy tức tốc vô bệnh viện. Lần thứ hai là sau ngày chị Nga mất, lần đầu tiên đoàn diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga do Kim Hương thay vai chị, tôi vừa “Muôn tâu thái hậu” là nghẹn lời ứa nước mắt không sao nói được. Phải mất một phút sau tôi mới trấn tĩnh để làm trò tiếp cho khán giả cười…
____
Vậy theo anh, đâu là phẩm chất quan trọng nhất của một danh hài?
Phải rất lạc quan, trong sáng, mới khiến cho người khác cười. Cuộc đời đã quá mệt nhọc, con người cần tiếng cười để giải tỏa và yêu đời trở lại, chính vì thế mà người nghệ sĩ càng phải cố gắng để tiếng cười của mình có ý nghĩa, mang lại những dư vị đẹp. Đừng đánh mất lòng tin của khán giả. Tiếng cười cũng chính là “bí quyết” để mang lại thành công cho tôi trong kinh doanh. Tôi chỉ mong được góp với nhân gian một nụ cười mãi thanh xuân.
____
Nghệ sĩ cải lương thành phố mình có truyền thống đẹp là rất tích cực tham gia công tác từ thiện, mà anh là một trong thành phần cốt cán?
Tôi muốn trực tiếp trao tận tay những món quà tình nghĩa cho đồng bào. Chúng tôi thường đi rất thầm lặng, đột xuất, có khi lội lóp ngóp giữa vùng nước mênh mông, đứng trên ghe mà nhìn thấy người dân gò lưng chèo thuyền đến, thương đứt ruột. Vừa phát quà, vừa hát phục vụ đồng bào trên những chiếc thuyền đơn sơ, nhìn họ cười thoải mái hồn nhiên mà mình muốn khóc. Lúc ấy mới cảm thấy cái nghề của mình đáng quý vô cùng, vì nó an ủi được con người trong cả những hoàn cảnh cơ cực nhất.
____
Là người rất đào hoa, được nhiều phụ nữ mê, nhưng anh lại cực kỳ chung thủy, để giữ được mái ấm gia đình như thế với anh có khó không?
Vợ tôi chính là mối tình đầu của tôi. Hồi đó tôi mới 19 tuổi, vợ tôi 17, mối tình của chúng tôi cũng trải qua bao thăng trầm. Cô ấy là nữ sinh trường Gia Long, xinh đẹp, học giỏi, con nhà gia giáo. Gia đình vợ tôi phản đối vì không muốn con gái yêu một anh kép hát. Phải chinh phục bằng mọi cách mới cưới được cô ấy. Không thích sống bám vào gia đình, hai vợ chồng tự lập từ hai bàn tay trắng.
Suốt bao năm chung sống dù khó khăn đến đâu cô ấy cũng luôn âm thầm nâng đỡ tôi, nuôi dạy con cái nên người và rất yêu nghề của chồng. Chính sự đồng tâm đó đã giúp chúng tôi vượt qua mọi dông bão. Trong quãng đời đi hát, đúng là có nhiều chị em hâm mộ tôi, qua thư có, tỏ tình trực tiếp có, nhưng ăn thua là ở mình. Tôi biết có thể họ thương và cảm phục nhân vật của tôi hơn là một Bảo Quốc ngoài đời. Mình cũng là người chứ có phải gỗ đá gì đâu mà không rung động trước cái đẹp, nhưng bản chất của tôi là quý trọng gia đình, ý thức rõ trách nhiệm với khán giả, trách nhiệm người cha… nên đã vượt qua được hết mọi thử thách.
Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái về đạo đức và tình yêu thương. Tôi hãnh diện vì mình đã vượt qua mọi thách đố để có được một gia đình như thế này. Giây phút hạnh phúc nhất là những bữa cơm gia đình, những ngày nghỉ cùng đi chơi xa với nhau. Du lịch cũng giúp mình mở mang rất nhiều về kinh doanh nhà hàng.
Cuộc đời đã quá mệt nhọc, con người cần tiếng cười để giải tỏa và yêu đời trở lại.
____
Nổi tiếng là một gia đình mê bóng đá, đội tuyển Việt Nam đi thi đấu ở nước nào là vợ chồng con cái anh cũng đều theo cổ vũ, động viên…
Tôi mê đá bóng từ nhỏ, những giờ học không quan trọng là trốn ngay ra ngoài đá bóng. Từng giữ chân tiền đạo trong đội bóng của trường thi đấu khắp nơi, giờ tôi vẫn đi đá banh hàng ngày, nhưng phải xuống chân tiền vệ! Vì mê bóng đá mà tâm trạng cũng vui buồn theo thành tích của đội tuyển. Có dịp đi cổ vũ cho đội tuyển ở nước ngoài, khi Quốc ca của mình trỗi lên, mới thấm thía thế nào là “màu cờ sắc áo”.
Cầu thủ mình rất cần sự cổ vũ của khán giả, tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải “kích hoạt” lòng tự hào dân tộc của khán giả Việt Nam trong các trận đấu này, nhất là khách du lịch Việt Nam, và thế là huy động cả nhà cùng đi, rồi rủ thêm bạn bè nghệ sĩ nữa. Trong trận đấu ở Chiangmai, SEA Games 18 năm 1995, rất mừng khi thấy trên sân có hơn 20 ngàn người cầm cờ đỏ sao vàng hò hét vang trời cổ vũ đội nhà. Lần đó đội tuyển Việt Nam đã giành Huy chương bạc. Ngoài sức khỏe, bóng đá giúp tôi thư giãn sau những căng thẳng. Coi một trận đấu hay sướng lắm.
____
Được đồng nghiệp và lớp nghệ sĩ đàn em kính trọng bởi cái tình và đạo đức nghề nghiệp, anh nghĩ sao khi một số nghệ sĩ trẻ chạy theo đồng tiền mà làm rẻ rúng tiếng cười, rẻ rúng cái nghiệp của mình?
Trên sân khấu, lúc nào tôi cũng làm bàn đạp, nâng đỡ, tạo đất diễn cho các em trẻ. Có lẽ nhờ thế được các em thương. Con người không thể sống nếu không có tiền, đồng tiền rất đáng quý khi đó thực sự là mồ hôi, sức lực, trí óc của mình. Nếu đồng tiền có được quá dễ dãi thì không còn quý nữa. Tôi mong muốn thế hệ sau mình hãy gắn kết với nhau, yêu thương giúp đỡ nhau để cùng phục vụ khán giả tốt hơn, đừng quá nôn nóng cho thành công của riêng mình, như thế sẽ dễ gãy đổ.
____
Nếu có một ao ước, anh sẽ ước gì?
Tôi có quá nhiều ao ước, nhưng mong muốn nhất là làm sao cho điện ảnh Việt Nam cất cánh. Từng là nhà sản xuất, rất đam mê đóng phim, nhìn điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc mà thấy sốt ruột quá. Chỉ có điện ảnh mới có thể quảng bá sâu rộng nhất vẻ đẹp văn hóa, xã hội, lịch sử, con người Việt Nam. Nhưng suốt mấy chục năm qua, điện ảnh Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới…
Một loạt hãng phim tư nhân ra đời nhưng lực lượng cũng chỉ quẩn quanh có bấy nhiêu người, đó chỉ là đầu tư về lượng. Nhà nước phải có chính sách dài hạn về chiến lược cho điện ảnh, bảo hộ điện ảnh trong nước, hoàn thiện luật điện ảnh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng phim trường, giúp cho sản xuất và phát hành phim trong nước, có như vậy mới mong thay đổi về chất.
____
Cuộc đời anh có những bước ngoặt rất kỳ lạ, anh có tin vào tâm linh?
Tôi tin rằng mình sống với mọi người thế nào, sẽ được đáp đền như thế.