Mê kiến trúc, họa sĩ Hoài Hương là một cái tên được nhiều người biết đến trong giới thiết kế nội ngoại thất cao cấp. Khá nhiều những resort, khách sạn lớn, nhỏ khắp trong Nam ngoài Bắc in đậm dấu ấn của người đàn ông hào hoa vừa bước sang ngưỡng tuổi tri thiên mệnh này.
Từng lập công ty rồi giải thể chỉ vì những lý do rất đơn giản như anh bộc bạch là “muốn làm những gì mình thích” hay anh không chịu được những ràng buộc lắt nhắt của thủ tục giấy tờ rườm rà, khó bắt tay vào một công trình. Dù quá sức bận bịu với những bản vẽ còn dở dang nhưng anh vẫn gắng thu xếp để dành cho chúng tôi trọn một buổi sáng cuối tuần tại nhà riêng. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra thân tình và cởi mở như chính ngôi nhà của anh luôn ngập tràn ánh sáng.
____
Anh đã khởi nghiệp như thế nào?
Cách nay năm năm, một đồng nghiệp của bạn đã từng hỏi tôi câu này. Hồi sinh viên tôi đã bắt đầu “tí toáy” thiết kế. Nhưng tôi nghĩ rằng “đì zai” (thiết kế) chẳng phải là một điều gì quá cao xa, ngược lại nó gắn liền với cuộc sống thường nhật. Ví dụ như khi đi học, chúng ta sắp xếp một cái góc học tập sao cho thích mắt hay việc một bà nội trợ tổ chức gian bếp sao cho gọn gàng, tất cả những công việc đó vô tình đã chạm vào “đì zai” mà chúng ta không biết đó thôi. Nếu có thêm ý thức, con người ta sẽ trở thành những “đì zai” chuyên nghiệp.
____
Có vẻ như anh quá lạc quan. Anh nghĩ thế nào về khái niệm tài năng và tài hoa?
Tài hoa là thứ trời cho. Nhưng từ tài hoa để đi đến tài năng là cả một chặng đường dài, đòi hỏi sự trui rèn, khổ luyện liên tục. Trong một biển những người tài hoa may ra mới có một người tài năng. Đương nhiên, cần có thêm một chút may mắn nữa. Thế nhưng, đó là sự may mắn của người khổng lồ. Nếu không phải Newton mà là một bác nông dân thì dù cả vườn táo có trút xuống chúng ta cũng không có Định luật Vạn vật hấp dẫn.
____
Anh là một người khá khó tính, chỉ nhận những công trình khi khách hàng có cùng ý thích với mình. “Cùng ý thích” ở đây nghĩa là…
Cái đẹp trong kiến trúc có nhiều trường phái khác nhau. Ngày xưa bản ngã chưa chín, tôi đuổi theo những cái đẹp không phải là mình. Cái đẹp mà không có sự tự hào thì chỉ là đi theo người ta. Tôi tự hỏi tại sao phải làm như vậy trong khi có quyền chọn cho riêng mình một con đường. Năm 1997, tôi làm một cuộc triển lãm tranh sơn dầu lấy tên là Trở về ở Sài Gòn. Trở về mang ý nghĩa là quay về với mảnh đất mình sống, trở về với bạn bè, với hội họa và với phong cách mà mình lựa chọn, hồn Việt Nam đậm nét hơi thở của dân tộc mình. Nhưng dần dần tôi nhận ra nếu áp dụng thuần Việt xưa thì sẽ rất rối rắm, không phù hợp với công năng sử dụng mới. Đời sống công nghiệp đòi hỏi sự đơn giản, khúc chiết. May mắn là cũng có những khách hàng đồng cảm với tôi.
Xã hội càng phát triển, con người càng giàu có, càng mạnh thì càng có xu hướng quay trở lại với cội nguồn.
____
Nhưng nếu đến một lúc nào đó, khách hàng không chịu phong cách Hoài Hương nữa, anh sẽ…
Đó là sự tất yếu. Nghệ thuật giống như một đồ thị lên xuống theo hình sin. Hiện tại cả thế giới đang chứng kiến sự lên ngôi của châu Á. Người phương Tây đổ xô về khám phá phương Đông huyền bí. Một phần vì châu Á đang mạnh lên. Mặt khác, tôi nghĩ xã hội càng phát triển, con người càng giàu có, càng mạnh thì càng có xu hướng quay trở lại với cội nguồn. Âu cũng là một cách để lấy lại sự thăng bằng. Gần 20 năm trước, Nhật Bản từng sử dụng hình ảnh một quả cầu khổng lồ không tì vết và một cây viết nhỏ chằng chịt những vi mạch điện tử. Biểu tượng ghê gớm như vậy nhưng cuối cùng họ cũng rũ bỏ tất cả những com-plê, cà vạt để khoác lên mình chiếc kimônô truyền thống và ngồi thiền. Tôi tin xu hướng này còn kéo dài ít nhất là vài thập niên nữa (cười).
____
Không những thế, dư luận đồn đãi Hoài Hương luôn đưa ra những mức giá… ngạo nghễ?
Đắt mà rẻ. Thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng những sản phẩm của chúng tôi không bao giờ đụng hàng. Tại sao phải mở xưởng, nuôi 60 con người trong khi tôi hoàn toàn có thể phác mẫu rồi mang đi đặt các cơ sở. Lý do rất đơn giản là những mẫu của mình sẽ bị nhân bản, nhan nhản thị trường ngay lập tức. Khi đó ai cần những mẫu thiết kế của Hoài Hương nữa. Tự bảo vệ mình nhưng cũng chính là bảo vệ sự độc đáo cho khách hàng.
____
Anh quan niệm thế nào về hội họa?
Sự khác biệt. Chưa cần biết có hay hay không nhưng phải khác người. Hãy thử tưởng tượng cái bàn chúng ta đang ngồi trải đầy những hạt lúa bằng vàng thật. Rất quý, nhưng rõ ràng không hiếm. Nhưng nếu thảy vô đó vài hạt bắp, tự nhiên sẽ “cộm” lên.
____
Được biết thị trường rất chuộng đồ giả cổ mang thương hiệu Hoài Hương. Tuy nhiên, phải chăng những người chơi đồ giả cổ là những người không đủ khả năng tài chính để chơi đồ cổ?
Đúng, nhưng một phần nào đó thôi. Đồ cổ có giá trị về mặt thời gian. Mặt khác, dường như nhiều người đánh đồng giữa hai khái niệm “đồ giả cổ” và đồ dởm. Điều đó không đúng. Đồ giả cổ là “tạo” giả, nghĩa là người chơi xác lập mối tương quan giữa quá khứ và hiện tại. Đồ giả cổ đến với người chơi bằng giá trị thẩm mỹ chứ không phải là khía cạnh thời gian.
Không phải chúng ta không có những công trình đẹp nhưng số lượng còn hạn chế, chỉ như một vài người lính nghiêm trang chứ chưa thành một tiểu đoàn.
____
Là một chuyên gia thiết kế nội thất đắt sô, có công trình nào mà anh cảm thấy chưa hài lòng?
Với tôi, sự hài lòng chỉ đến trong khoảnh khắc, còn trong một trường đoạn thì không. Sướng nhất là lúc mình đang thực hiện một công việc mà mình thích nhưng khi hoàn tất thì những ý tưởng khác ập đến, còn… sướng hơn. Bằng không, anh sẽ tụt lại, không lớn được. Có một nhà văn từng nói rằng tác phẩm ưng ý nhất là tác phẩm mà ông ấy sắp viết ra.
____
Đã bao giờ anh gặp thất bại chưa?
Công trình liên doanh Casino Đồ Sơn ở Hải Phòng là một bài học lớn. Bốn phương án đưa ra được chọn một và tôi cùng các cộng sự đã làm ròng rã trong hai năm rưỡi. Hợp đồng kết thúc, phía Hồng kông thanh toán ngay 70% còn bên Việt Nam phải bốn năm sau mới lấy được. Giai đoạn đó đồng Việt Nam mất giá so với đồng USD, nên hạch toán tổng thể cuối cùng tôi lỗ nặng. Hệ lụy là phải bán đi căn nhà ở Lý Tự Trọng, nơi ngày xưa mẹ tôi từng bán xôi chè. Cú vấp đó khiến tôi “thức ngộ”, biết lùi lại và chờ đợi, trời cho mình đến đâu làm tới đó.
____
Tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, anh thấy họ nhận xét thế nào về kiến trúc Việt Nam?
Tôi đã từng dò hỏi một nhân viên của hãng đấu giá Sotherby’s rằng “ở Đông Nam Á, bà thích kiến trúc nào nhất” và thật đáng buồn bà ấy trả lời rằng bị ấn tượng bởi kiến trúc Indonesia. Đến Bali, cổng nhà của hòn đảo mà 80% dân số theo đạo Hindu này khiến bà ấy thực sự bị ấn tượng. To hay nhỏ tùy thuộc vào mức độ giàu nghèo của chủ nhân nhưng những cánh cổng trong những ngôi nhà của họ đều nhất quán một phong cách. Kiến trúc không quá đặc biệt, thậm chí khá đơn giản nhưng sự cộng hưởng của những điều giản dị đó tạo nên một không gian văn hóa ngồn ngộn, hấp dẫn khách du lịch. Người dân Bali vô cùng có ý thức chăm sóc cho khối tài sản mà họ đang nắm giữ. Rõ ràng, văn hóa đẻ ra tiền. Việt Nam có nhiều cảnh đẹp nhưng tiếc là chưa trở thành hệ thống, giống như những đốm lửa lóe sáng lên rồi tàn lụi.
____
Anh nhận xét gì về kiến trúc của thành phố mà chúng ta đang sống?
Là đô thị năng động và mang đậm bản sắc của văn hóa phương Nam, nên bên cạnh những cao ốc hiện đại cũng rất cần những công trình văn hóa quy mô, những quảng trường hay các công viên cây xanh. Không phải chúng ta không có những công trình đẹp nhưng số lượng còn hạn chế, chỉ như một vài người lính nghiêm trang chứ chưa thành một tiểu đoàn. Tôi “ngại” nhất là vấn đề quy hoạch tổng thể. Việc tận dụng triệt để mặt bằng sẽ lấy đi không gian thở của người dân thành phố. Hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng là một câu hỏi không dễ trả lời.
____
Anh thấy sao khi người phương Tây đang dổ về khám phá phương Đông huyền bí…
Khuynh hướng của người phương Tây trong quá trình tìm tòi theo “trục tung”, chinh phục những gì kỳ vĩ. Ví như leo lên những đỉnh núi cao hay ném một tảng đá lớn xuống mặt nước để tạo ra những cột nước khổng lồ. Còn người phương Đông có xu hướng dàn trải theo bề rộng, chính vì sự dàn trải nên khi họ đi tới cũng là lúc họ trở về. Khi chúng ta đi ra biển, đặt tầm mắt ngang mặt nước, cảm giác yên ổn nhưng chỉ khẽ xoay người một chút là cả mặt nước khổng lồ nghiêng đi. Hiện tại, sự “ghê gớm” của phương Đông hấp dẫn cả thế giới chứ không riêng người phương Tây.
____
Anh có nhận xét gì về hiện tượng các họa sĩ trẻ đua nhau thực hiện các cuộc nghệ thuật trình diễn…
Trong sáng tạo, đặc biệt là hội họa không có trẻ và già. Trẻ ở đây là tuổi trẻ. Tôi nghĩ họ là những người có tâm huyết. Họ đứng trước những ngã ba, vấn đề là họ chọn con đường nào. Cũng ví như leo lên một cái cây đại thụ, rậm rạp, có rất nhiều cành, mỗi cành có rất nhiều nhánh. Nhiều khi chúng ta đi tới đỉnh một cái nhánh lớn và lầm tưởng rằng đó là ngọn của cái cây lớn. Nghệ thuật ví như một cái hình chóp, càng lên cao càng ít đất, nghiệt ngã vô cùng.
Trở lại với câu hỏi, nghệ thuật trình diễn không phải là một khái niệm mới. Hãy xem đó như một phương tiện để đi đến cái đẹp.
____
Dường như những người trong nghề hiếm khi khen nhau?
Không hoàn toàn như vậy. Người ta chỉ không thừa nhận tài năng chừng nào khi trong lòng còn đầy “trắc ẩn”, đố kỵ. Cũng như những người mới học võ thì thường dễ “manh động” (cười). Tôi thích cụm từ “thần thông quảng đại” trong Tây Du Ký. Đạt đến ngưỡng “cảnh giới thượng thừa” rồi, con người ta sẽ quảng đại, sẽ nghiêng mình trước cái Đẹp. Tôi thích tranh của Matitz, một ông già nhưng vẽ như trẻ thơ, trẻ thơ đến mức nếu như bức họa của ông nếu quăng ra ngoài đường có lẽ sẽ chẳng ai thèm lượm. Nhưng nếu có chữ ký của Matitz, “mớ giấy lộn” ấy có giá hàng triệu USD. Họa sĩ Việt Nam đương đại tôi thích tranh của Thanh Bình. Những nhà sưu tập nước ngoài “khát” tranh của Bình, mê mẩn cái cõi riêng của Bình. Mặc dù, đề tài và bút pháp không mới, nhưng cách Bình thể hiện không lẫn đi đâu được. Người thứ hai là Hoàng Tường, tôi thích tranh của anh ấy bởi sự khỏe khoắn.
____
Thực tế cho thấy một số người khi tranh bắt đầu bán được thì tranh thủ vẽ thật nhiều để kiếm tiền?
Nói thế chưa thật sự công bằng. Thực ra cũng có những thời điểm người nghệ sĩ lao động rất khỏe. Cảm hứng ập đến, vọt trào trên đầu cọ. Nhưng tình trạng họa sĩ chạy theo đơn hàng là có thật. Không phải số lượng mà sự “dày dặn” của tác phẩm mới là yếu tố quyết định. Nghệ thuật là phải đẹp. Chắc chắn ông trời không bao giờ đãi những người dễ dãi. Cứ rượt theo nhu cầu của thị trường sớm hay muộn cũng trở thành thợ vẽ hoặc cao hơn nữa là tự sát. Người ta cứ sợ văn hóa sẽ mất đi nhưng tôi không ủng hộ quan điểm này. Văn hóa gắn liền với sự tồn tại của loài người. Nhưng những sản phẩm dễ dãi sẽ làm chậm quá trình đi đến tinh hoa văn hóa. Nhẩm một bài toán kinh tế, nếu năm trước vẽ 50 bức, bán hết; năm nay, vẽ 100 bức, bán hết. Năm sau thay vì vẽ 200 bức tại sao không rút lại, chỉ vẽ 50 bức thậm chí 25 bức. Khách hàng sẽ tự “làm giá” chứ không phải họa sĩ.
____
Anh nghĩ thế nào về tình trạng tranh chép…
Tôi cũng là nạn nhân của nạn chép tranh nhưng không buồn. Ngược lại, tôi còn mừng. Có thể hôm nay người ta mua tranh chép nhưng ngày mai biết đâu người ta sẽ mua tranh gốc. Đó là một hình thức để “phổ cập văn hóa”.
____
Nhiều khi người ta tổ chức đấu giá một chiếc sim điện thoại thay vì những sản phẩm văn hóa, một bức họa đẹp chẳng hạn?
Buồn. Cơ quan truyền thông cũng có một phần trách nhiệm nhưng cái gốc của vấn đề là do dân trí của mình còn thấp. Thêm nữa, giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Ở các nước phát triển, hội họa và âm nhạc là hai môn học tự chọn kéo dài từ bậc tiểu học đến đại học. Người ta dạy những môn nghệ thuật không phải mong muốn sẽ sản sinh ra những họa sĩ hay nhạc sĩ, mà là trang bị cho những công dân tương lai một phông văn hóa cần thiết, đủ khả năng cảm nhận nghệ thuật. Chính những con người này khi lớn lên sẽ là đội ngũ kế tiếp gìn giữ và duy trì thị trường văn hóa.
____
Có một thực tế là khá nhiều tác phẩm lớn của những danh họa Việt Nam đã lặng lẽ chảy ra nước ngoài, nhập vào những bộ sưu tập cá nhân…
Đấy là sự thất thoát quá lớn. Nguyên do cũng bởi nỗi lo cơm áo của một thời chưa xa. Vài chục ngàn USD cho “một vuông vải” ngày đó là sự đổi đời. Mươi năm trở lại đây những họa sĩ nổi tiếng mới sống được bằng cọ. Gần đây các bảo tàng trong nước đã bắt đầu có ý thức lưu giữ tranh của họa sĩ đương đại. Nói đi nhưng cũng phải nói lại. Ngay cả các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới nhà nước cũng vẫn phải bù chi.
____
Anh có ý định cho các con nối nghiệp cha…
Tôi không áp đặt mà hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của các con. Cậu con trai lớn 17 tuổi, mê máy tính, còn cô con gái thứ hai thích thiết kế thời trang. Nói thế không có nghĩa là bỏ mặc các con. Lứa tuổi này cần sự định hướng và gần gũi. Một lần tôi thấy con trai tôi nghe một đĩa nhạc với ca từ rất… sướt mướt. Hai cha con ngồi nói chuyện với nhau một buổi. Sau bữa đó, đĩa nhạc tự nhiên biến mất.
Nghệ thuật ví như một cái hình chóp, càng lên cao càng ít đất, nghiệt ngã vô cùng.
____
Anh thích người ta gọi mình là họa sĩ hay một chuyên gia thiết kế?
Thiết kế là nghề còn hội họa là nghiệp. Cũng nhờ nghề mà tôi giữ lại được những bức ưng ý để chơi. Tôi may mắn hơn khá nhiều đồng nghiệp vì không bao giờ chịu áp lực của đồng tiền trong sáng tạo. Nhưng suy cho cùng, hội họa hay kiến trúc đều chung một con đường đi tới cái đẹp. Trong công việc kiến trúc, hội họa là một trợ thủ đắc lực.
____
Người ta thường nói những tác phẩm thường dễ thăng hoa khi người nghệ sĩ cô đơn…
Chữ cô đơn nên được hiểu theo nghĩa bóng, chứ không phải là không có gia đình. Trong những chuyến công tác xa, tôi luôn ở một mình. Đôi khi chỉ là để nhìn lại mình. Tôi trân trọng sự cô đơn nhưng tôi không cô độc. Tôi và mấy người bạn thân đang dựng một làng họa sĩ ở bên quận 2, diện tích khoảng 5.000 m2. Ở đó sẽ có gallery, có phòng tranh, có những họa sĩ đến sống và làm nghề ở đó. Tôi muốn có một nơi yên tĩnh để anh em thoải mái làm nghề.
____
Bận rộn như vậy thời giờ đâu anh dành cho hội họa? Có khi nào anh cảm thấy bế tắc trước khung vẽ…
Tôi thường vẽ khi đêm xuống. Hội họa giờ đây cũng tựa như một thú tiêu khiển, tôi dự định đầu năm tới sẽ làm một cuộc triển lãm. Thành thực, nghề kiến trúc nuôi sống được gia đình nên tôi chỉ cầm cọ khi ý tưởng và tâm, sinh lý sung mãn. Khi đã “chín” thì những điều giản dị quanh mình đều có thể đưa vào tranh được.
Một câu hỏi hơi riêng tư, người ta thường nói “tài” tỷ lệ thuận với “tật”. Còn anh…
____
Tôi chỉ có thể trả lời là… cũng có (Cười thật hào sảng).