10 năm sau Bảo tàng Louvre, những người hâm mộ cây cọ thần kỳ của tổ sư Andrea Mantegna (1431-1506) có thể thưởng thức những đại danh tác của ông tại Turin. Một họa sĩ lừng danh của thời Phục hưng luôn gây ra tranh cãi giữa các nhà phê bình nghệ thuật cho đến tận ngày hôm nay…
Thoạt nhìn, những tác phẩm của Andrea Mantegna luôn tỏa ra một sức hút rất đặc biệt. Chẳng hạn một bức tranh mà tất cả những ai không có diễm phúc đến Turin luôn có thể thưởng thức nó tại Bảo tàng Louvre: danh tác Thánh Sébastien (1478-1480). Một tác phẩm kinh điển thời Phục hưng mà không ai dám mô tả một cách màu mè giả tạo để làm hài lòng tác giả. Đáng kinh ngạc là bức tranh nổi tiếng nhất của Andrea Mantegnalại được cất giữ trong một ngôi nhà thờ nhỏ ở Aigueperse, vùng Avergne, cách rất xa nước Ý suốt nhiều thế kỷ.
Ánh sáng lạnh lẽo, quang cảnh núi đồi, lâu đài đổ nát giống như mới vừa trải qua một thảm họa môi trường. Người bị xử tử là một sĩ quan La Mã có thân hình lực sĩ bị trói chặt vào một cây cột đá đổ nát, vươn vãi dưới chân những mảnh tượng vỡ, bị hàng loạt những mũi tên bắn trượt qua da, khiến người ta phải rợn tóc gáy, Bên dưới, góc phải bức tranh là khuôn mặt hai cung thủ còn lộ rõ nét hận thù trên khuôn mặt.
Mặc dù cảnh tượng hành hình rất sống động, các nhân vật có vẻ như bị đông cứng trong đá, với một sự mơ hồ kỳ lạ. Một cảm giác như toàn bộ bức tranh được khắc trên đá. Người ta còn tìm thấy lớp da như thế trên khuôn mặt những tên đao phủ của bức Ecce Homo, được vẽ sau đó vào năm 1.500, đặt tại Bảo tành Jacquemart-André hay bức Chúa Kitô chết tại Milan khoảng năm 1480.
Nhiều nhà phê bình chú ý đến nét vẽ hết sức oái oăm không ai bắt chước được của Andrea Mantegna, vừa hoài nghi, vừa hấp dẫn. Thậm chí, một số khác còn nói đến… khuyết điểm lớn trong nghệ thuật hội họa của ông, một người vốn có 60 năm trong nghề, với những tác phẩm có nhiều góc độ khác nhau! Hoạt động ở miền Bắc nước Ý, trong khi Florence và Venise thu hút mọi nghệ sĩ, ông đi từ quê hương Padoue đến Vérone, chuyên vẽ những bức tranh thờ tại San Zeno, rồi đến Mantoue làm “thợ vẽ” cho ông hoàng Gonzague đến cuối đời. Có một thời gian ngắn, Andrea Mantegna làm việc cho Đức Giáo hoàng tại Rome, nhưng không thành công.
Một cuộc đời kỳ lạ của đứa trẻ nhà nghèo chuyên đi chăn dê. Ông lấy con gái một họa sĩ lừng danh tại Venise là Jacopo Bellini (1396-1470) và là anh rể của danh họa Giovanni Bellini.
Năm 10 tuổi, Andrea Mantegna làm công cho xưởng vẽ của Francesco Squarcione, một họa sĩ không nổi tiếng lắm, và cuối cùng được nhận làm con nuôi. Tại Padoue, đây là một nơi sản xuất đồ giả cổ La Mã: đổ khuôn các phù điêu, tượng cổ, huy chương, và tiền đồng… Theo Giorgio Vasari trong quyển Cuộc đời các nghệ sĩ, từ đó Andrea Mantegna đã có ý tưởng “hóa đá” những bức tranh của mình! Sử gia nghệ thuật Bernard Berenson còn nói rõ hơn: “Lăn lóc giữa những bức tượng cổ, một đứa trẻ có tài năng thiên phú đã trở thành một người cuồng say đồ cổ”.
Năm 17 tuổi, mối quan hệ giữa Andrea Mantegna và ông bố nuôi căng thẳng do ông qua lại thân thiết với gia tộc Bellini. Chú bé được lưu ý với tác phẩm đầu đời: bức tranh sau bàn thờ của nhà thờ Thánh Sophie tại Padoue và kế tiếp là bức tranh trang trí cho nhà thờ của gia tộc Ovetari tại Eremitani. Tất cả đã bị máy bay oanh tạc phá hủy trong Thế chiến thứ hai năm 1944.
Vasari quả quyết Andrea Mantegna bị ám ảnh những bức tượng cổ: “Với ông, những bức tượng có vẻ như hoàn hảo hơn và cho thấy rõ hơn những cơ bắp, tĩnh mạch, dây thần kinh được da thịt bao phủ. […] Quan điểm này được thể hiện trong tất cả các tác phẩm của ông, tạo ra nét sắc sảo, gần giống với tượng đá hơn là da thịt sống”.
Trong thực tế, một ảnh hưởng khác tác động lên Andrea Mantegna trong những năm sống ở Padoue. Sử gia nghệ thuật người Ý Roberto Longhi nhận xét khi phân tích: “Thế giới đá và đá cẩm thạch của Mantegna”. Năm 1443, tại thành phố xuất hiện một người tên Florentin Donatello làm một cuộc cách mạng lớn trong điêu khắc suốt hàng chục năm. Sự mềm dẻo trong nghệ thuật cũng như cách phối trí trong các phù điêu bậc thầy của bàn thờ tại Santo đã làm cho các họa sĩ trẻ mê mẩn.
Có lẽ Andrea Mantegna đã học được những bài học về ảo thuật từ đó, làm cho người cùng thời kinh ngạc với nghệ thuật thu hình đến khó tin, chải chuốt nhân vật và cảnh quan từ dưới lên trên (di sotto in su) như trong căn phòng kỳ diệu của vợ chồng tại dinh Công tước Mantoue (1465-1475), trong đó cả gia đình Gonzague đều có mặt, trước cảnh quan của một thành phố Rome ảo.
- Xem thêm: Những kiệt tác mỹ thuật của Michelangelo
Thời kỳ này, Andrea Mantegna trở thành một họa sĩ giàu có của triều đình, bộc lộ một tài năng vô song, với nghệ thuật gây ảo giác hoàn hảo, dẫn đến việc quen biêt với gia tộc Bellini.
Kiệt tác lúc đó là những bức tranh mang tên Chiến thắng của César (1486-1492) trong đó có 9 bức bị hư hại nặng còn được cất giữ trong bộ sưu tập của Hoàng gia Anh, thực sự là một cơn lốc hình ảnh thổi một trận gió mới kỳ lạ ảnh hưởng sâu đậm lên danh họa Rubens sau này.
Trong danh sách triển lãm của Bảo tàng Louvre (2008-2009), Dominique Thiébault kèm theo một giải thích rõ ràng một khía cạnh gần giống như “hóa thạch” của các bức tranh. Đó là một “bí kíp tối mật” của thời cổ đại: màu trứng. Sử dụng tròng đỏ trứng pha màu vẽ sẽ tạo ra một lớp protein làm mờ bề mặt bức tranh, tạo cảm giác trải qua nhiều năm tháng và giả như chạm khắc trên mặt đá! Trứng, “bí kíp” chỉ đơn giản có thế! Nó tạo cho bức tranh một cảm giác như đã trải qua hàng nhiều thế kỷ. Berenson còn đi đến mức xem đó là đồ cổ dị giáo, với rất ítKitô giáo trong đó! Rồi ông viết tiếp: “Vì thế, mê tín dị giáo làm cản trở mọi hoạt động của Andrea Mantegna. Ông bị ngăn cản trên mỗi bước phát triển tài năng, khiến cho nó bị lệch lạc nghiêm trọng”. Thiên tài bị lệch lạc? Có chắc chắn không?
Lý giải những kiệt tác của Andrea Mantegna
Khóc than Chúa Kitô chết
Quá mong manh, nó không di chuyển ra khỏi Milan nữa. Không quan trọng! Làm sao viết về Andrea Mantegna mà không thể nói đến kiệt tác theo phong cách tả thực, sân khấu và giả đá độc đáo của ông? Một bức tranh mà danh họa đã cất giữ tại nhà cho đến khi ông qua đời, và sau đó được hai đứa con trai hoàn thành giai đoạn cuối cùng.
Nhà tiên tri, ông và bà
Bức tranh đáng kinh ngạc ngày nay vẫn còn được lưu trữ tại Bảo tàng Cincinatti (Hoa Kỳ), được vẽ bằng trứng pha bột vàng tạo ra cảm giác như giả đồng. Mặc dù xuất xứ vẫn còn mơ hồ, bức tranh do nhiều mảnh ghép lại. Nó có thể được dùng để trang trí phòng trưng bày của Isabelle d’Ester, nữ hầu tước Mantoue, một nhà văn hóa, thời trang trứ danh thời Phục hưng. Bà đặt hàng Andrea Mantegna qua nhà quý tộc Gonzague, thị trưởng thành phố Mantoue.
Thánh Sebastien
Ông đã từng vẽ nhiều bức tranh về đề tài vị thánh tử đạo này, nhưng đây là bức nổi tiếng nhất. Ngoài nghệ thuật giả đá bậc thầy, Andrea Mantegna còn tạo cho nó một chiều sâu (gần giống như 3D ngày nay) đến mức khó tin.
Thánh gia và thánh Jean-Baptiste
Chúa Kitô hay hoàng đế La Mã lúc còn bé? Cả hai, như thường thấy nơi tác phẩm của Andrea Mantegna. Tổng hợp nền văn hóa Kitô giáo và đam mê cổ sử vô điều kiện lúc nào cũng là một điều phức tạp khó giải quyết.
Mars, Venus và thi đàn
Nữ thần sắc đẹp Venus đứng trên đỉnh một tảng đá ngước nhìn đắm đuối thần Chiến tranh đẹp trai Mars, chủ trì thi đàn. Theo Ernst Gombrich, ở đây không có hình ảnh ngoại tình nào cả, mà là sự kết hợp giữa Chiến tranh và Đồng thuận để sinh ra Hài hòa, được các Nàng Thơ nhảy múa ca tụng hết lời. Bức tranh này là một phần trong các tác phẩm được Isabelle d’Ester đặt hàng Andrea Mantegna.
Ecce Homo (Đây là con người)
Khi tra tấn Chúa Kitô nhừ tử, không còn hình hài nữa, tổng trấn La Mã Philate đưa ngài ra trước công chúng, nói lớn: “Đây là con người” để hy vọng công chúng tha mạng ngài. Nhưng do các tư tế Do Thái giật dây, dân chúng vẫn mang ngài đi xử tử. Bức tranh này thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Jacquemart-André tại Paris. Trung thành với nghệ thuật làm mờ cố hữu của mình, Jacquemart-André còn tạo ra nét khắc khổ đến mức siêu đẵng. Hai tên lính kè Chúa Kitô thể hiện nét biếm họa xuất thần của ông. Theo nhà phê bình nghệ thuật Giovanni Agosti, đó là chứng cớ trung thành của một họa sĩ già với lý tưởng nghiêm khắc và tả chân mà ông theo đuổi suốt cuộc đời.
Nóc trần nhà
Trong suốt 9 năm, Mangneta hoàn thành một công trình khổng lồ là trang trí toàn bộ vách tường và trần nhà của căn phòng mang tên Vợ chồng trong tòa lâu đài Saint-George của Bá tước Mantoue. Một chứng cớ khác về tài năng kỳ lạ của ông.