Không giống như hình dung của nhiều người trong lần gặp gỡ đầu tiên, Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Phát trông rất giản dị. Không phòng làm việc riêng, anh dành cho mình một góc nhỏ bên cạnh những nhân viên tại trụ sở chính của công ty.
Dù đã hẹn trước nhưng buổi trò chuyện của chúng tôi vẫn liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại hoặc những cuộc trao đổi ngắn với các cộng sự mỗi khi có một mẻ gốm vừa dỡ khỏi lò. Chưa ở đâu chúng tôi thấy tất cả nhân viên đều có thể gặp giám đốc mà không cần báo trước như vậy. Không rượu bia, không thuốc lá, cà phê, thậm chí trà cũng không, người đàn ông ngoại ngũ tuần này miễn nhiễm với mọi chất kích thích. Nhưng qua những lời tâm sự của anh, chúng tôi chợt nhận ra rằng, gốm đã choán hết tâm trí anh, đâu còn thời gian dành cho những thú vui bù khú khác…
____
Nghe nói anh đã có một thời thơ ấu vất vả?
Ba tôi qua đời khi tôi mới bốn tuổi. Ở trường Việt tôi ráng học đến lớp Ba, trường Hoa tôi theo được hai năm nhưng cuối cùng cũng đành bỏ ngang. Năm 15 tuổi, ba nuôi của tôi nằm viện. Gần một năm trời ông vật lộn với bệnh tật cũng là khoảng thời gian tôi túc trực trong nhà thương. Những đồng bạc cuối cùng lần lượt đội nón ra đi, rồi ba tôi cũng mất. Chưa hết, tai họa liên tiếp ập xuống.
Má tôi bị phỏng chân. Cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968 đã thiêu rụi nơi trú mưa trú nắng. Nợ nần bủa vây… Ngoài nỗi lo cơm áo là mối đe dọa thường trực của binh lửa chiến tranh bởi vùng quê ông ở Tân Khánh thời ấy là vùng “xôi đậu”. Vừa “mần” ăn, vừa phải nghe ngóng để sẵn sàng chạy loạn bất kỳ lúc nào. Nhắc chuyện cũ không phải “ôn nghèo kể khổ” nhưng tôi rất thấm thía cái giá của sự túng quẫn…
____
Năm 1978, thời kỳ kinh tế đất nước khó khăn nhất, đáng ra phải sát cánh bên nhau thì anh lại đột ngột quyết định tách ra khỏi Công ty Minh Long. Có phải vì anh muốn thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của người anh trai, anh Lý Ngọc Minh, chủ thương hiệu sứ cao cấp Minh Long I…
Thực ra Công ty Minh Long lúc đó có ba người là anh em tôi và anh Long, bạn thân của anh Minh. Mỗi người một sở trường và đương nhiên, có một niềm đam mê riêng. Anh trai tôi theo đuổi ngành sứ mỹ nghệ cao cấp, anh Long chọn sứ kỹ thuật, còn tôi mê đồ bán sứ gia dụng, đó là gốm. Tuy vậy, đó chưa phải là nguyên do cốt lõi. Điều chính yếu là tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng. Nói một cách hình tượng, khi cái cây ươm đã cứng cáp, muốn tiếp tục phát triển thì không gì hơn là phải mang ra khỏi chậu. Hay cũng giống như khi con cá đã lớn thì tự khắc sẽ rời khỏi ao hồ, tìm đường ra biển lớn, dẫu biết rằng phía trước là dông bão…
____
Hai anh em anh vẫn thường xuyên hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp?
Không hề, mặc dù chúng tôi yêu thương nhau. Bởi lẽ hai ngành này nhìn bề ngoài tưởng giống nhau nhưng thực tế khác nhau lắm. Sứ thường nung bằng lửa hoàn nguyên, nhiệt độ tối thiểu là 1.300 độ C, khiến màu bay hết, chỉ còn màu trắng thôi rồi sau đó mới dán bông đề can lên. Còn gốm, hay còn gọi là đồ bán sứ, nhiệt độ nung thấp hơn, khoảng 1.200 độ C, cho phép giữ lại màu sắc. Thứ hai, sứ trong hơn nên ánh sáng rọi qua được, còn gốm thì không. Đó chỉ là hai trong số những sự khác biệt cơ bản nhất.
____
Anh đã bắt đầu như thế nào sau khi tách khỏi Minh Long?
(Cười). Phần của tôi là hai cây vàng và 11 miệng lò từ phần đất hương hỏa ông bà để lại. Nói thật, biết khả năng của mình không lanh lẹ như anh Minh nên tôi cố gắng lấy sự cần cù bù lại. Sau năm năm (1983), số vốn ban đầu đã tăng gấp mười lần. Hai chục cây vàng hồi đó lớn lắm. Tôi dồn tất cả, mua mảnh đất 5.000m2 và bây giờ là 45.000m2 nơi chúng ta đang ngồi trò chuyện với nhau, thành lập Công ty Cường Phát, lấy tên hai người con trai ghép lại.
Khi đó, Cường Phát còn là một bãi rừng chồi bị bom đạn cày xới tan hoang. Thời điểm đó trước Đổi mới chừng hai năm nên khá nhạy cảm, nhiều người ngừng sản xuất nhằm gom tiền chờ thời cơ hoặc nếu có cũng chỉ sản xuất cầm chừng. Thêm nữa là tâm lý nặng nề do nghi ngại quốc hữu hóa hay làn sóng “đấu” tư sản của một thời chưa xa. Mọi lời bàn ra tán vào cho đến góp ý chân tình, tôi đều để tâm lắng nghe. Và tôi đã quyết định ra đi lập nghiệp mà không sợ nhà nước quốc doanh.
Tôi tự cân đo đong đếm hóa chất và tập phối màu. Nhưng thiệt tình, thời kỳ đầu đến với gốm là vì thêm được miếng cơm, manh áo, đỡ đần cho mẹ của tôi. Dần dần, tôi bén duyên với gốm lúc nào chẳng hay.
____
Ngày xưa, khi đến với gốm, có bao giờ anh tưởng tượng mình sẽ là chủ một cơ ngơi như thế này không?
Không, mặc dù tôi thích gốm từ thuở bé. Trong suốt những năm tháng ấu thơ, chiếc cân tiểu ly chuyên dụng là người bạn thân duy nhất. Tôi tự cân đo đong đếm hóa chất và tập phối màu. Nhưng thiệt tình, thời kỳ đầu đến với gốm là vì thêm được miếng cơm, manh áo, đỡ đần cho mẹ của tôi. Dần dần, tôi bén duyên với gốm lúc nào chẳng hay. Gốm với tôi không dừng lại ở mức độ thú tiêu khiển mà trở thành một nhu cầu nội tại. Nhìn những chiếc chén đá, chén con cua… – mẫu mã đơn giản mà cha ông để lại, hai anh em tôi quyết tâm phải làm ra những sản phẩm đẹp hơn. Hành trình của gốm tuyệt diệu và cũng đầy bí ẩn. Có lẽ trên đời này, chỉ mỗi đất sét, thứ nguyên liệu thô sơ bỗng trở nên có giá trị vô cùng sau khi tạo hình và nung trong lửa bỏng.
____
Để trở thành một thợ gốm giỏi có khó không, thưa anh?
Khó. Mười người theo nghề gốm may ra mới có một người thành công. Không yêu, không say mê thì không theo nghề này được. Cùng một công thức nhưng mỗi đợt nguyên liệu nhập về đều cần có sự điều chỉnh phù hợp. Men dày hay mỏng, cốt lớn hoặc nhỏ, nhiệt độ cao thấp… và vô số những yếu tố tưởng như rất nhỏ nhặt. Mặc dầu mỗi công đoạn tôi đều có những trưởng bộ phận nhưng thực lòng tôi khó an lòng nếu phó thác tất cả cho anh em. Hai năm trở lại nay, tuổi tác khiến tôi làm biếng chứ trước kia, tối nào tôi cũng phải đi rảo kiểm tra nhà xưởng một vòng rồi mới yên tâm đi ngủ. Không phải là tôi không tin người khác nhưng nghề này đầy bất trắc. Người Đài Loan có một câu nói như thế này: “Muốn hại ai, hãy rủ người đó làm gốm”.
____
Dường như thời của anh, người làm gốm dễ thành công hơn so với bây giờ?
Mỗi thời mỗi khác. Xưa, không có sự hỗ trợ của công nghệ, chẳng hạn như nung bằng củi, nên làm được một sản phẩm mới người nghệ nhân tốn rất nhiều tâm sức và thời gian. Nay, nung lò gas nên kiểm soát được nhiệt độ trong lò, nhưng thị trường cạnh tranh nghiệt ngã hơn. Có thể là suy nghĩ chủ quan nhưng tôi có cảm giác vì lẽ đó mà người xưa rất trọng nghề. Nghề gốm lạ lắm. Khi kinh tế khủng hoảng, tuột dốc không phanh vẫn có những chủ lò gốm thành công. Ngược lại, trường hợp cầu vượt cung, chuyện những chủ lò gốm thất bại vẫn không hiếm.
____
Anh có chạnh lòng khi nhiều ý kiến cho rằng gốm là nghề của những người lao động chân tay hoặc tương lai của nghề này rất mờ mịt, khó giàu…
Đó cũng là lý do khiến phần lớn những bạn trẻ chỉ dừng ở mức thợ, chứ hiếm khi được gọi là nghệ nhân. Nhiều người nói nghề gốm cũng giống như nghề chụp hình, ai mua máy ảnh về cũng có thể chụp được hình nhưng giữa mênh mông hàng vạn người chụp hình mới lọc ra được một nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, theo tôi, nhìn nhận như vậy là phiến diện và một chiều. Gốm là nghệ thuật tạo hình, đòi hỏi người thợ phải liên tục trau giồi, học hỏi, mà nghề này, kinh nghiệm là yếu tố quyết định. Tôi nghĩ nghề nào cũng quý, cũng xứng đáng được tôn trọng, miễn là làm ăn chân chính. Đấy là phần trả lời cho ý thứ nhất.
Còn vế thứ hai, tôi không đồng ý. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cha ông ta vẫn dạy thế. Khó giàu chứ không phải là không thể. Ví dụ một người lựa tảng đất sét thiệt tốt, thiệt mịn, mày mò thử nghiệm liên tục để làm ra một sản phẩm tuyệt đẹp. Và dù bán với giá thiệt cao nhưng lợi nhuận thu được chắc chắn sẽ không làm anh ta trở nên giàu có. Làm kinh tế là phải sản xuất hàng loạt, đồng thời vẫn đảm bảo tất cả sản phẩm làm ra chất lượng đều phải như nhau. Khách hàng rất tinh tường và đòi hỏi ngày càng cao. Thứ hai là tốc độ. Cùng một khối lượng công việc, người ta làm ba ngày thì mình cố gắng làm một ngày. Để cạnh tranh, ngoài chất lượng, thời gian cũng là một yếu tố quyết định thành công. Muốn giàu, công việc ba ngày làm trong vòng một ngày. Ngược lại, công việc một ngày làm trong ba ngày, ắt sẽ nghèo.
Làm kinh tế là phải sản xuất hàng loạt, đồng thời vẫn đảm bảo tất cả sản phẩm làm ra chất lượng đều phải như nhau. Khách hàng rất tinh tường và đòi hỏi ngày càng cao.
____
Thực tế cho thấy khá nhiều doanh nghiệp gốm trên cả nước đang vật lộn để tồn tại nhưng có vẻ như với anh, con đường kinh doanh khá hanh thông…
Kiếm được bao nhiêu tiền, tôi đầu tư hết cho sự nghiệp. Tiền của tôi không nằm trong tài khoản ngân hàng, không phải là nhà cao, xe đẹp. Tiền của tôi là máy móc, nhà xưởng, là hệ thống nhà kho. Tiền trong tay tôi không được phép ngủ yên. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng Trung Quốc tràn sang, thị trường nội địa của chúng tôi bị thu hẹp thấy rõ. Nhân chuyến đi triển lãm ở Đài Loan, thấy người ta nung lò gas cho chất men mịn hơn, đẹp hơn, tỷ lệ hư hao ít hơn, tôi quyết định phải thay đổi công nghệ. Năm 1995, tôi nhập thử chiếc lò gas đầu tiên. Chất lượng sản phẩm tăng trong khi tỷ lệ hư hao giảm thiểu. Tiếp đến, tôi sang Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây xứ gốm lâu đời và nổi tiếng nhất Trung Quốc mua một loạt máy móc như máy sàng rung, máy ép chân không, máy hút từ tính… cũng như hàng loạt thiết bị tạo hình. Tính đến cuối năm 1996, tất cả lò nung bằng củi được thay thế hoàn toàn bằng lò gas trong đó có ba lò liên hoàn.
____
Sử dụng lò đốt ga, giá nhiên liệu tăng cao tác động thế nào đến công việc kinh doanh của anh…
(Ngưng một lúc lâu) Hàng vẫn chạy đều đều nhưng giá gas lỏng quá cao, thú thực là chúng tôi không có lãi. Chưa bao giờ chi phí đầu vào đội lên cao đến như vậy, cố gắng hạn chế tối đa hư hao để không lỗ đã là may mắn. Cũng có người khuyên tôi nên tạm ngừng sản xuất một xưởng, cho thuê mặt bằng, chờ thời. Nhưng tôi không thể làm được. Uy tín của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Cuộc sống của hàng trăm công nhân và kèm theo đó là hàng trăm gia đình sẽ ra sao nếu họ không có việc làm. Tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Hết cơn bĩ cực rồi sẽ tới hồi thái lai thôi.
____
Là một doanh nghiệp xuất khẩu 90% sản phẩm từ nhiều năm nay, anh thấy người nước ngoài đánh giá thế nào về nghành gốm Việt Nam?
Chúng ta có lợi thế là chi phí lao động rẻ. Yếu tố này kết hợp với thế mạnh chấm màu thủ công của Bình Dương được khách hàng ưa chuộng. Nhưng thực tế, đồ gốm gia dụng xuất khẩu của Cường Phát mới chỉ tập trung vào phân khúc thị trường thu nhập trung bình. Còn hàng thực sự cao cấp, chúng tôi không thể cạnh tranh được với sản phẩm của Đức hay Nhật Bản…
____
Tại sao anh không cố gắng nâng chất lượng sản phẩm của mình hơn nữa, “lực bất tòng tâm” chăng?
Bạn hẳn đã ít nhất một lần trong đời chứng kiến các vận động viên thi chạy nước rút. Người về nhất được tung hô, còn người về nhì thì không mặc dù anh ta chỉ cán đích chậm hơn nửa bước chân. Sự chênh lệch nửa bước chân ấy là cả một quá trình dài miệt mài tập luyện. Nghề gốm cũng vậy. Ở đây không có khái niệm “một chín, một mười”, nghiệt ngã lắm.
____
Nhiều người lo ngại rằng khi thế hệ các anh trăm tuổi, nghề gốm cũng theo đó mà lụi tàn…
Thực tế cho thấy nhiều chủ lò phải làm hoài mà không khá được. Nguyên do là khi hàng bán chạy, đa số họ không có thói quen tái đầu tư hoặc nghiên cứu những mặt hàng mới mà bình thường họ không đủ tiền để đầu tư. Họ lo sắm sửa những cái mà bình thường họ thiếu thốn. Ví dụ, chủ lò nhỏ thì sắm sửa quần áo, xe honda, làm đám giỗ thật lớn cho nở mặt nở mày, còn chủ lò lớn hơn một chút thì cất nhà mới, mua xe hơi để bù những ngày tháng gian khổ.
Nhưng gặp khi làm ăn không có lãi, họ tiếp tục thâm vốn. Cái vòng luẩn quẩn ấy lặp đi lặp lại. Thêm vào đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Đời sống được cải thiện, đòi hỏi của khách hàng ngày càng cao. Hàng kém chất lượng bán rẻ cũng không ai mua. Tuy nhiên, trở lại với câu hỏi, tôi tin tưởng nghề này sẽ không lụi tàn. Những gì tinh túy nhất vẫn sẽ sống, và sống rất khỏe. Còn những gì không phù hợp sẽ bị đào thải. Mà mẫu số chung này đâu phải chỉ dành riêng cho gốm.
____
Nghe nói các con anh đều đi du học ở nước ngoài…
Đấy cũng là cách tôi chia tài sản cho các con. Tiền nhiều đến đâu, tiêu cũng hết. Chỉ có tri thức là xài hoài không hết. Đời tôi thất học. Tôi dứt khoát không để các con của mình phải nếm trải cảm giác đói khát chữ nghĩa. Với lại, tôi không có cơ hội học hành bằng người thì các con sẽ học thay cho mình vậy.
____
Đến giờ này, anh đã có truyền nhân chưa?
Huy Cường, con trai lớn của tôi sẽ thay tôi giữ lửa cho Cường Phát. Tôi mừng là cháu cũng mê gốm, ham thích tìm tòi sự biến ảo của men và không ngại khó, ngại khổ, không sợ lấm lem bùn đất.
____
Sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của một người đàn bà, còn anh?
“Muốn thành công, đôi lúc phải tàn nhẫn với chính mình”, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân. Không có khái niệm Chủ nhật hay ngày lễ, tôi ăn ngủ cùng với gốm. Nhiều lúc nhìn người ta đưa vợ con đi đây đi đó, tôi cũng áy náy, thấy vợ con mình thiệt thòi. May phước, vợ tôi lại là người ủng hộ tôi nhiều nhất, dù cô ấy rất ít nói. Lặng lẽ, cô ấy chăm sóc các con để tôi không bị chi phối hay vướng bận bởi những việc nhỏ nhặt. Giờ đây, dẫu cuộc sống đã dễ thở hơn nhưng cô ấy vẫn giữ nguyên nếp cũ, không quên những năm tháng cơ hàn. Tôi biết ơn vợ tôi. Cả cuộc đời cô ấy hy sinh cho sự nghiệp của chồng.
____
Anh rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại?
Mãn nguyện thì chưa nhưng hài lòng thì có. Tôi cũng đã ngoài năm mươi rồi. Đời người hữu hạn, mà sáng tạo thì vô cùng. Vậy nên, phải biết dừng lại. Tôi đã có kế hoạch “nghỉ hưu”, nhường lại sân chơi cho lớp trẻ. Những gì mình đã làm được cũng ví như cái bản lề, còn cánh cửa xấu đẹp ra sao là trách nhiệm của các con.
Tài năng của người nghệ nhân tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Khách hàng là những giám khảo công tâm nhất.
____
Nghỉ hưu rồi, anh sẽ làm gì?
Vào phòng thí nghiệm và đi du lịch. Tôi muốn đi hết những xứ gốm danh tiếng trên thế giới. Tôi học và ứng dụng được rất nhiều từ những chuyến đi. Tôi biết bạn đang ngờ vực vì thông thường, bí quyết là vấn đề sống còn, cha truyền con nối. Nhưng khi đã thành nghề, chỉ cần tham quan nhà xưởng sản xuất gốm, chúng tôi biết họ đã làm như thế nào.
____
Anh quan niệm thế nào về sự bất hạnh, đặc biệt là dưới góc độ của một nghệ nhân?
Tôi muốn nói đến hạnh phúc, khái niệm đối lập của sự bất hạnh. Hạnh phúc là khi nhìn thấy… mình còn may mắn hơn người khác. Nói rõ hơn là soi mình vào những số phận kém may mắn hơn. Gặp một người tật nguyền, tôi biết ơn ba mẹ tôi đã sinh ra tôi lành lặn. Chứng kiến một người lang thang cơ nhỡ, tôi nghĩ đến mái nhà của mình… Không quá xa vời và trừu tượng, hạnh phúc với tôi rất cụ thể. Đừng trông lên, hãy ghé xuống những số phận bất hạnh, sẽ tìm thấy hạnh phúc. Từ khía cạnh nghề nghiệp, tôi nghĩ hạnh phúc lớn nhất là sản phẩm của mình bán được. Tài năng của người nghệ nhân tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Khách hàng là những giám khảo công tâm nhất. Đồng thời, một sản phẩm dù được xưng tụng đến đâu chăng nữa nếu không phục vụ con người cũng chỉ là đất sét mà thôi.
____
Anh “đời” quá. Anh có đọc sách không?
Có. Tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng của ông Nguyễn Hiến Lê. Tôi cũng thích hai cuốn Thuật tư tưởng và Thuật yêu thương của tác giả Nguyễn Duy Cần.
____
Xin cảm ơn anh!