Jean Paul Roca, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Âu chuyên đầu tư vào các dự án, là một người đàn ông lịch lãm và giản dị. Cha của anh là người Pháp, mẹ là người Việt, năm 13 tuổi anh theo gia đình sang định cư ở quê nội. Chuyến công tác tại Bình Dương cách đây hai năm không ngờ đã giữ chân người con của thành phố biển Nha Trang năm nào. Những ngày cuối năm, dù bộn bề công việc, nhưng anh vẫn thu xếp cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân tình và cởi mở. Dẫu đã biết trước nhưng người đối thoại vẫn không khỏi xúc động khi nghe anh nói say sưa bằng tiếng Việt, ngôn ngữ đã “ngủ quên” trong suốt 38 năm xa xứ.
____
Cơn gió nào đưa anh sang Việt Nam?
Đầu năm 2004, Công ty Gift Venture nhờ tôi thương lượng mua lại GTM, một doanh nghiệp của Pháp ở Bình Dương, chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Hợp đồng mua bán kết thúc, lãnh đạo Gift Venture tiếp tục mời tôi thay họ điều hành công ty này. Thú thực, trước chuyến đi định mệnh này, tôi chưa hề có ý nghĩ một ngày nào đó sẽ quay trở lại mảnh đất đã sinh ra mình. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, nhìn Sài Gòn qua ô kính, tim tôi như bị bóp nghẹt (đặt tay lên ngực) và một nỗi xúc động mãnh liệt trào lên mà nhất thời tôi không thể lý giải được. Sau này, tôi hiểu đó là sự thiêng liêng của hai chữ quê hương. Không phải “sang” mà là tôi “về lại” Việt Nam và sẽ không đi đâu nữa.
____
Phải chăng đó là lý do giữ anh ở lại?
Đúng. Thời kỳ đầu thành lập Việt Âu, tôi còn chưa biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào (cười), mặc dù Việt Nam được đánh giá là một thị trường đang phát triển khá ổn định. Cũng có ý kiến cho rằng những người gặp sóng gió ở châu Âu thường tìm về Việt Nam như một bến đậu tạm thời. Nhưng tôi nghĩ ngược lại. Nếu các doanh nhân nước ngoài kinh doanh tốt ở Việt Nam thì có thể thành công ở các nước phát triển. Vả lại, nếu tôi thất bại ở châu Âu, có lẽ tôi sẽ không dám về quê hương đầu tư. Ở đâu cũng có mặt “hay” và “chưa hay”. Một người bạn thân từng nói với tôi rằng làm việc ở đất nước này, anh ấy không bao giờ sợ chết đói. Người Việt Nam luôn sẵn sàng san sẻ một chén cơm mỗi khi anh ấy gõ cửa.
Một người bạn thân từng nói với tôi rằng làm việc ở đất nước này, anh ấy không bao giờ sợ chết đói. Người Việt Nam luôn sẵn sàng san sẻ một chén cơm mỗi khi anh ấy gõ cửa.
____
Xa Việt Nam 38 năm nhưng anh nói tiếng Việt vẫn còn rất trôi chảy…
Hồi còn là một cậu bé sáu tuổi, ngày nào tôi cũng đọc sách báo cho mẹ nghe. Tôi đặc biệt thích môn lịch sử. Tôi ngưỡng mộ Vua Quang Trung và Napoleon, tự hào khi dân tộc mình ba lần đánh bại quân Mông Cổ từng gieo rắc kinh hoàng trên khắp châu Âu. Nhưng những năm tháng ở nước ngoài tôi hầu như không sử dụng tiếng Việt. Những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, gặp gỡ nhiều người, tôi luôn cố gắng trò chuyện bằng tiếng Việt. Mang trong mình hai dòng máu Pháp – Việt, lúc xuống tàu theo gia đình sang Paris, phần Pháp trong tôi tiếp tục lớn lên trong khi phần Việt chìm vào giấc ngủ quên. Chỉ đến khi về lại Việt Nam, phần Việt trong tôi mới thực sự trỗi dậy.
____
Mạn phép tò mò một chút, anh đang đọc những sách gì?
Tôi đang đọc hồi ký của các vị tướng. Chiến tranh đã khép lại lâu rồi. Tôi không quan tâm đến vấn đề chính trị nhưng tôi muốn xem cách họ giải quyết cùng một vấn đề.
____
Nhưng trong thời gian 22 tháng mà có thể “đọc thông viết thạo”, không phải ai cũng làm được?
Cảm ơn bạn. Sau một giấc ngủ dài, “phần Việt” trong tôi tỉnh giấc và “háu đói” khủng khiếp. Những ngày đầu tiên xuống phố, mọi người thường nói với tôi bằng tiếng Anh nhưng tôi cố gắng trả lời bằng tiếng Việt. Tôi rất ngạc nhiên khi biết một số người từng sống một thời gian ở nước ngoài khi về nước bỗng trở nên “hờ hững” với tiếng mẹ đẻ. Tôi thì không muốn mọi người xem mình như một người ngoại quốc nói tiếng Việt. Tôi muốn sống trên đất nước này chứ không chỉ là sự tồn tại. Một người bạn lớn khuyên tôi nên dành thời gian đọc thêm sách báo. Thời gian đầu với tôi không hề dễ dàng. Cầm tờ báo chưa đầy 5 phút là mặt mày xây xẩm. Một thời gian sau, tôi được người ta gọi là Việt kiều. Còn giờ đây, tôi có thể đối thoại thoải mái với tất cả mọi người. Tôi rất hãnh diện đọc được sự ngạc nhiên của nhiều người khi nhìn thấy tên tôi trên tấm danh thiếp. Tôi biết họ bất ngờ khi thấy tôi mang một cái tên rặt Pháp. Cái hố “ngoại quốc” giữa tôi và các bạn càng ngày càng thu hẹp dần và đó là niềm tự hào của tôi.
Lần đầu tiên trở lại Nha Trang, tôi hồn nhiên khóc nức nở như một đứa trẻ. Nước mắt của sự đoàn tụ mặc sức tuôn rơi dù không còn ai nhận ra thằng Paul ngày xưa nữa.
____
Anh dùng khá nhiều phương ngữ và “tiếng lóng” trong khi trò chuyện…
Tôi có cả một bộ sưu tập.
____
Năm 1966, khi xuống tàu theo gia đình qua Pháp, cậu bé Paul đã mang theo những gì?
Ký ức. Tôi sinh ra ở Đà Lạt nhưng tuổi thơ của tôi gắn bó với Nha Trang. Biển, cát, gió lộng, đám bạn đen nhẻm chạy chân trần và những chiếc xe đẩy bán sữa đậu nành là những hình ảnh theo tôi qua Paris. Những bãi biển nổi tiếng trên thế giới tôi đã đi qua đều không thể so sánh được với Nha Trang của tôi thời thơ ấu. Lần đầu tiên trở lại Nha Trang, tôi hồn nhiên khóc nức nở như một đứa trẻ. Nước mắt của sự đoàn tụ mặc sức tuôn rơi dù không còn ai nhận ra thằng Paul ngày xưa nữa. Cảnh cũng đã thay đổi quá nhiều. Bãi cát ngày xưa tôi thường chơi đá ống lon cùng những người bạn giờ bị một khách sạn nuốt gọn ghẽ. Nha Trang giống như một chiếc bánh kem mà thực khách “mạnh ai nấy xơi”, buồn lắm.
____
Xin được chia sẻ cùng anh. Được biết phần lớn nhân viên của Việt Âu đều là người Việt, hẳn anh đã gặp không ít trở ngại khi chuyển sang một môi trường làm việc hoàn toàn mới?
Mọi vấn đề đều có hai mặt. Cung cách của người Việt Nam ngược hẳn so với người châu Âu. Họ không đủ tự tin để tự chịu trách nhiệm trước công việc. Lại thêm chủ nghĩa cá nhân, ham muốn chứng tỏ năng lực của mình, lấn át tinh thần đồng đội, ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả chung. Nhưng “tiên trách kỷ”, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp. Tôi nghĩ không nên quy tất cả thất bại lên nhân viên bởi lẽ chính bản thân người quản lý đã chủ động mời họ về làm việc. Càng ngày tôi càng biết cách làm việc với các cộng sự của mình. Tất cả các giám đốc điều hành của Việt Âu đều là người Việt Nam trong khi người nước ngoài chỉ giữ vai trò cố vấn. Tôi đang đào tạo họ trở thành những người đủ năng lực quản lý người nước ngoài. Hiện tại, những người nước ngoài trong công ty của tôi cũng đang học cách làm việc dưới quyền của người Việt Nam. Tối nay tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ mà khách mời là tất cả nhân viên của Việt Âu. Nhờ họ, tôi đã được Việt Nam hóa.
Thêm nữa, đôi khi tôi có cảm giác người nước ngoài lạc quan về tương lai Việt Nam nhiều hơn những đồng nghiệp trong nước. Một quốc gia 82 triệu người với hơn phân nửa dân số sinh sau 1975, tốc độ tăng trưởng cao là thuận lợi rất lớn trong phát triển doanh nghiệp.
____
Còn các doanh nhân Việt Nam hiện nay, anh thấy sao?
Để đưa ra một nhận xét đầy đủ, tôi cần có thêm thời gian. Trong phạm vi các công ty gia đình, phải thừa nhận các đồng nghiệp Việt Nam luôn làm việc hết mình và rất giỏi. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi tính cục bộ nên họ gặp nhiều khó khăn khi hợp tác, nhất là lúc có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Không thể tăng vốn thông qua hình thức cổ phần hóa trong khi chưa linh hoạt và thuần thục trong việc lập dự án để mời gọi các nhà đầu tư chính là những vướng mắc cản trở loại hình doanh nghiệp lớn phát triển. Ngay cả những con người bình thường cũng vậy. Trên đường phố không khi nào vắng bóng những con người đang làm việc. Buổi sáng thức dậy, người Việt lên kế hoạch sẽ làm những gì cho mình, gia đình mình, ngược hẳn với tính cách người châu Âu luôn đòi hỏi quyền lợi từ nhà nước trước.
____
Tết Nguyên đán anh sẽ không về nhà, chắc mẹ anh sẽ buồn lắm…
Ngược lại, mẹ tôi rất vui và ủng hộ khi biết tôi dự định sẽ về quê ngoại ở Huế ăn Tết. Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên gọi điện tâm sự với mẹ. Chính bà là sợi dây vô hình, ràng buộc và níu giữ với quê hương mà lần trở về này tôi mới nhận ra. Chuyến đi Huế là một cơ hội để tôi được đắm mình trong không khí Tết, tìm lại những hình ảnh thời bé thơ qua những trò chơi dân gian của lứa tuổi đồng ấu. Quê hương của tôi là ở đây, nhà của tôi là ở đây, tôi còn có thể đi đâu được nữa? Mặt khác, tôi muốn các con tôi có một cái nhìn trực quan về đất nước này, nơi cha của chúng đã sinh ra. Tôn trọng sự lựa chọn của con cái nhưng trong thâm tâm, tôi mong muốn các con cũng sẽ cùng tôi gắn bó với mảnh đất này. Cũng mừng là các cháu tỏ ra rất thích thú.
____
Những ngày Tết Việt Nam ở Pháp như thế nào, thưa anh?
Tết Việt ở xứ người giản dị. Ngày cuối năm, mẹ tôi làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Cả gia đình quây quần bên nhau chờ đón thời khắc giao thừa. Sau những lời chúc an lành, mẹ tôi lì xì cho tất cả mọi người. Bà vẫn giữ nếp cũ, chỉ những người thân thiết mới đến “xông đất” trong ngày đầu năm. Ba ngày Tết là khoảng thời gian hiếm hoi để tất cả mọi người đến thăm hỏi nhau, ôn lại những kỷ niệm về nơi “chôn nhau cắt rốn” và cùng hướng về quê nhà sau một năm mải mê với cơm áo gạo tiền. Dù giàu hay nghèo, bà con đều cố gắng mua cho được một cành đào để chưng ba ngày Tết. Ở quận 13, nơi tập trung đông người Việt, bà con tổ chức múa lân, gói bánh chưng, bánh tét. Tình yêu tổ quốc vẫn mãi là một mạch ngầm vĩnh cửu, lặng lẽ và bền bỉ chảy trong lòng những người con xa xứ.
____
Tên gọi công ty Việt Âu hẳn cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa…
Vế thứ nhất, tôi muốn khẳng định đó là một công ty Việt Nam. Còn vế thứ hai xuất phát từ ý tưởng ban đầu là làm cầu nối, tập trung mời gọi các nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam làm ăn. Tuy nhiên, sau gần hai năm làm việc tại đây, quan niệm của tôi đã phần nào thay đổi. Tất cả các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam đều là đối tượng khách hàng của Việt Âu. Tôi vừa cho sửa sang một văn phòng tại Singapore và dự định sẽ khai trương vào ngày đầu tiên của tháng Giêng. Không đơn thuần là một chi nhánh của Việt Âu, văn phòng này sẽ hoạt động như một showroom quảng bá những hình ảnh về đất nước mình. Nhiệm vụ chính của văn phòng này là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài.
____
Còn đầu tư rủi ro, một trong những hoạt động kinh doanh của Việt Âu…
Thực ra, bản chất của đầu tư chính là rủi ro và hai khái niệm này luôn đi liền với nhau. Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam chưa có nhiều quỹ đầu tư trong khi nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn. Doanh nghiệp hợp tác với các quỹ đầu tư cũng có nghĩa là cả hai đã “ngồi chung một xuồng”, lời cùng chia, lỗ cùng chịu. Ngoài việc nguồn vốn tăng lên, doanh nghiệp còn nhận được sự cố vấn đắc lực của quỹ đầu tư. Thế nhưng, các quỹ đầu tư hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận một cách xác đáng, thậm chí có những chủ doanh nghiệp lo ngại rằng hợp tác chính là sự chia sẻ quyền lực. Nhưng thử lật ngược vấn đề, tại sao các quỹ đầu tư lại quyết định chọn doanh nghiệp A mà không phải là doanh nghiệp B. Nếu nghĩ rằng các quỹ đầu tư đến đơn thuần chỉ vì doanh nghiệp A đó đang làm ăn có lãi là quan niệm một chiều. Quan điểm của phần lớn các nhà đầu tư mạo hiểm không dừng lại ở phạm vi một dự án mà là tương lai của người chủ doanh nghiệp.
____
Nhưng có một thực tế là các chủ doanh nghiệp chưa “mặn mà” lắm với các công ty tư vấn đầu tư?
(Trầm ngâm) Theo tôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, các công ty tư vấn đầu tư giữ vai trò khá thầm lặng. Thành công, doanh nghiệp được cả. Thất bại, trách nhiệm cùng chia. Nguyên nhân thứ hai tương đối chủ quan. Phần lớn chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đánh giá đúng hiệu quả mà các công ty tư vấn mang lại. Thậm chí, có một số người còn nghi ngại các công ty tư vấn “không làm mà hưởng”. Chúng tôi không bao biện cho mình nhưng cần một cơ hội để chứng minh. Hiện tại, chúng tôi đang tư vấn miễn phí cho một dự án trên Đà Lạt, nơi tôi đã sinh ra.
Tôn trọng sự lựa chọn của con cái nhưng trong thâm tâm, tôi mong muốn các con cũng sẽ cùng tôi gắn bó với mảnh đất này. Cũng mừng là các cháu tỏ ra rất thích thú.
____
Có vẻ như anh chưa tập trung đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh?
Không hẳn vậy. Việt Âu có hai mảng, một chuyên về nhượng quyền thương mại và đang thực hiện bốn dự án trong lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đó cũng phù hợp với xu hướng chuyển dịch kinh tế trong tương lai gần. Mảng còn lại, chúng tôi giữ vai trò cố vấn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu tại Đồng Nai và Bình Dương. Đây là hai khu công nghiệp trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nên nhu cầu về vốn khá lớn. Chúng tôi đã và đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong thời gian tới.
____
Là một doanh nhân Việt kiều, anh đánh giá thế nào về vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều tại Thành phố Hồ Chí Minh?
Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều là một cầu nối hữu hiệu. Họ đã và đang hỗ trợ chúng tôi ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên. Tôi đặc biệt biết ơn anh Phan Thành (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều – PV), người đã “vạch đường chỉ lối” và ủng hộ tôi. Không dừng lại ở mức độ một đồng nghiệp, anh cư xử với tôi như một người anh.
____
Năm cũ sắp hết. Theo truyền thống, người Việt thường làm một cuộc tổng kết và hy vọng những điều tốt lành sẽ đến cùng mùa Xuân mới, còn anh?
Tôi và các cộng sự hài lòng với những gì Việt Âu đã làm được trong năm qua và mong mỏi mọi chuyện vẫn tiếp tục tốt đẹp trong năm tới. Một vài người bạn của tôi ở nước ngoài đã trao đổi với tôi về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Những người đi trước đã nâng đỡ tôi, bây giờ là lúc tôi chia sẻ với những người đến sau.
Ngoài ra, chính sách dành cho Việt kiều ngày càng thông thoáng. Chuyện Việt kiều năm nay về quê ăn Tết nhiều hơn là một trong những bằng chứng xác thực nhất về chủ trương của Chính phủ.
____
Anh nghĩ đến việc chung quá nhiều thì phải…
Tôi đang ở đây. Đó là một phước hạnh. Vậy còn chưa đủ hay sao?
____
Xin cảm ơn và chúc anh có một cái tết thật nồng ấm!