Một trong những “khai quốc công thần của tập đoàn FPT” góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành gia công phần mềm (outsourcing) Việt Nam, Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Công ty phần mềm FPT (Fsoft). Đây là công ty Việt Nam đầu tiên trong số khoảng 200 công ty trên toàn thế giới nhận chứng chỉ CMM (Capability Maturity Model) về chất lượng sản xuất phần mềm do Viện công nghiệp phần mềm thế giới trao. Trong một buổi chiều cuối năm tất bật công việc, anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị tại văn phòng làm việc của anh.
____
Anh từng nhận xét rằng: công nghệ phần mềm Việt Nam như đứa trẻ đang chập chững đi. Theo đánh giá thì hiện nay so với các ngành khác, ngành công nghiệp phần mềm đã được ưu đãi về thuế, đất đai sản xuất… Vậy cần điều kiện gì nữa để đứa bé lớn hơn?
Quả là Chính phủ khá ưu ái về thuế, giá thuê đất cho công nghiệp phần mềm… nhưng đứa bé vẫn chưa lớn được. Kinh nghiệm Ấn Độ cho thấy những ưu đãi thuế của Nhà nước không phải là quan trọng nhất.
Trước hết là phải xem có cơ hội không? Theo tôi là có. Hiện tại sự cạnh tranh ác liệt trong các sản phẩm công nghệ của châu Á đã đặt các nước phát triển trước sức ép giảm giá, họ phải thuê gia công mới có hy vọng giảm giá thành. Thêm vào đó là sự phát triển vượt bậc của Internet, người ta có thể trao đổi tài liệu, thảo luận các thiết kế, thử nghiệm các sản phẩm hoàn toàn thông qua mạng. Nếu trước đây Ấn Độ phải cử chuyên gia sang nước khác làm việc, thì nay Internet cho phép thực hiện được điều đó mà không cần phải di chuyển. Đấy là hai điều kiện cực kỳ thuận lợi để công nghiệp phần mềm có thể phát triển được.
Nhà nước có thể đóng vai trò chất xúc tác với việc quảng bá cho thế giới là Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội đó, trên các diễn đàn quốc tế. Nhà nước cũng rất nên có chế độ bắt buộc học ngoại ngữ với sinh viên công nghệ thông tin (CNTT), đòi hỏi cả thi đầu vào và thi đầu ra, lấy thước đo tiến bộ để đánh giá. Ngoài tiếng Anh, làm với nước nào phải học thêm tiếng nước đấy. Ví dụ, người Pháp, người Nhật lại không thích dùng tiếng Anh.
Còn lại là việc của doanh nghiệp. Liệu các doanh nghiệp có đủ quyết tâm và năng lực để “ăn miếng bánh” này không? Hiện tại thì chưa rõ lắm, nhưng xu hướng là khả quan.
____
Nhưng lợi thế trước mắt của Việt Nam so với đối thủ khác là giá thành rẻ hơn?
(Cười) Đó là lợi thế không thể chối cãi và là lý do chính để đối tác chuyển sang làm việc với Việt Nam, nhưng đừng quên làm sao để họ ở lại lâu dài với chúng ta. Ngoài ra Ấn Độ, Trung Quốc đang bị các nước phát triển coi như đối thủ (có thể một ngày đẹp trời nào đó chúng ta cũng “được” coi như vậy), ta lại có thêm chút lợi thế nữa. Với 3 nước là Nhật Bản, Mỹ và Pháp, chúng ta lại có thêm lợi thế nho nhỏ về lịch sử và văn hóa do cùng chia sẻ một quá khứ – cái này trời cho. Có thể nói về công nghệ thông tin Việt Nam đã có thiên thời, địa lợi rồi, chỉ còn thiếu một chút yếu tố con người.
____
Bốn năm trước, FPT đặt văn phòng tại thung lũng Silicon nhưng do không thành công nên mới chuyển hướng sang thị trường Nhật?
Thời điểm năm 2000 rất khác với hiện nay. Trước ngưỡng cửa khủng hoảng CNTT mà mình không biết, sắp bão lại còn mang thóc ra phơi, vì vẫn tư duy kiểu “suy bụng ta ra bụng người”, mặc kệ tình hình thế giới. Lại còn thiếu cả kinh nghiệm nữa. Mỹ và Nhật đều yêu cầu chất lượng như nhau, nhưng Mỹ thường yêu cầu phải có ngay, còn Nhật cho chúng ta thời gian để tiến bộ. Họ có thể chấp nhận mình chưa biết miễn mình thể hiện được thái độ cầu thị và khả năng học hỏi. Ít kinh nghiệm như mình, tôi nghĩ trước mắt làm việc với thị trường Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn. Chúng tôi sẽ quay lại thị trường Mỹ, nhưng cũng sẽ chú trọng tới thị trường ngách rất hay như Pháp vì quan hệ gần gũi về văn hóa.
____
Khi nào FPT sẽ quay lại thị trường Mỹ? Trong thời gian vài năm tới hay xa hơn nữa?
Chúng tôi vẫn đang làm với Mỹ, nhưng đúng là chưa có nhiều ưu thế trên thị trường này. Hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường chính vì đã được nhiều người biết đến, tuy phải vượt được rào cản ngôn ngữ. Thị trường nữa rất hứa hẹn là Đông Nam Á. Trước đây mình hơi tự ti, nhưng đây là sân chơi bình đẳng. Chúng tôi đã triển khai thành công nhiều dự án cho Việt Nam, vậy tại sao lại không làm với Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… chấp nhận cạnh tranh về trình độ công nghệ và tổ chức thay vì giá rẻ. Xâm nhập thị trường Đông Nam Á sẽ logic hơn và theo đúng trào lưu khuyến khích các quan hệ Intra – ASEAN. Nếu thành công sẽ lấy Đông Nam Á làm bàn đạp vào Mỹ vì các văn phòng châu Á của các hãng lớn của Mỹ thường đặt tại đây
Kinh tế thị trường, không ai bắt được ai. Nhưng trong ngành gia công, đi đông, quy mô lớn thì dễ chiếm ưu thế hơn.
____
Có ý kiến cho rằng, vì lãnh đạo FPT nắm vai trò lớn trong hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, nên chỉ hô hào phát động phong trào “Đông du”, nhưng lại không nhận được sự hưởng ứng của công ty phần mềm khác, nhất là phía Nam, anh nghĩ sao?
Chúng tôi như con ong thôi, thấy có “hoa thơm” chỗ nào thì kêu gọi mọi người cùng làm. Chỉ riêng một công ty như Hitachi đã đủ việc cho hàng chục công ty chúng ta. Trong khi đó Nhật Bản còn hàng ngàn những “đại gia” như vậy nữa. Có lẽ doanh nghiệp khác không thấy ngon, nên họ tìm kiếm thị trường khác. Kinh tế thị trường, không ai bắt được ai. Nhưng trong ngành gia công, đi đông, quy mô lớn thì dễ chiếm ưu thế hơn.
Còn nói về khó, khi đi ra nước ngoài, chúng ta thường thiếu thông tin và kém hiểu biết về công nghệ. Khách hàng cũng chẳng bất ngờ về điều này. Bù lại, chúng ta thường học được cái mới rất nhanh. Thiếu nhất là không biết tiếng cũng như phong tục của họ. Không biết tiếng thì xin gặp cũng chẳng được, ai dám cho việc.
____
Cách đây chừng 5 năm, Việt Nam đưa ra kế hoạch tới năm 2005 đạt chừng 500 triệu USD, nhưng tới năm 2004, tổng doanh thu mới đạt chừng 160 triệu USD? Các nhà làm phần mềm Việt Nam ảo tưởng quá chăng?
Ảo tưởng là căn bệnh cố hữu của chúng ta. Nhưng cũng có những lý do khách quan. Mà mấu chốt nhất là sai thời điểm. Bởi thời điểm 1996 – 2000 là cực kỳ thuận lợi cho CNTT do hai yếu tố: Sự hấp dẫn của Internet mới mẻ và sự kiện Y2K. Cả thế giới cuồng lên vì thiếu nhân lực. Nhưng chúng ta không biết. Ấn Độ “bứt” lên được chính là tại thời điểm này. Ta lại phát động phong trào ngay sau khoảng thời gian đó khi bùng nổ vụ “vỡ hụi Internet” tại Mỹ mà ảnh hưởng còn tận đến bây giờ.
Nhưng không sao, dù sao chúng ta cũng đã khởi động được. Thời cơ qua rồi thời cơ sẽ lại đến, hy vọng là ta sẽ không bỏ qua lần này.
____
Anh thường được đánh giá là hài hước nhất. Do tính cách của anh hay do môi trường làm việc căng thẳng nên cần như vậy?
Tôi thích câu tiếng Anh “Take easy”. Tôi cho rằng, hãy để mọi chuyện đơn giản, đừng làm trầm trọng hóa thì dễ làm hơn. Nhất là ở vị trí lãnh đạo, càng cần sự lạc quan. Dân mình có thể chưa đánh giá cao tính cách dí dỏm, nên đặc biệt khi xuất hiện trước công chúng thường trịnh trọng thái quá, mất hay. Từ bé đã bị ép như vậy, sau lớn lên khó sửa. Trong bạn bè tôi, ai cười nhiều là thành công, ông nào mặt mày khó đăm đăm thì có vấn đề. Mình là lãnh đạo thì cứ cười, nhân viên mới nghĩ là công việc đều ngon, mọi việc đều tốt cả mới yên tâm (cười).
____
Phải chăng điều đó qua quá trình tiếp xúc anh nghiệm ra?
Sự lạc quan, đả kích, chế giễu, châm biếm vốn là bản tính của giới trí thức. Có thể coi là hình thức giảm stress. Chẳng hạn, người học toán nhiều, làm khoa học cơ bản thì hay viết văn, làm thơ, châm biếm nhau cho nhẹ đầu. Do tôi học chuyên toán từ bé, sau theo nghiên cứu toán, có thể tôi rơi vào môi trường mà sự bông phèng được ủng hộ, thậm chí còn được hoan hô nhiệt liệt, thì phát triển tiếp, chứ rơi vào môi trường khác có lẽ cũng tắt ngóm.
____
Nhưng trước nhân viên, lãnh đạo thường hài hước có làm giảm cái uy không? Và có sợ nhân viên “nhờn” không?
Trước khi làm việc với đối tác người Anh, tôi cũng tưởng họ nghiêm túc, phớt Ăng lê lắm, nhưng sau mới biết bên đó nếu bị chê: “mày không có khiếu hài hước” là một câu chê trách khá nặng. Tôi dự hội nghị ở London, nghe hai ứng cử viên vào chức thủ tướng Anh tranh luận, mà họ cứ kể chuyện cười suốt. Tính hài hước trong kinh doanh giúp rất nhiều để tỉnh táo nhìn nhận vấn đề, giúp cho không khí trong đàm phán kinh doanh bớt sự căng thẳng. Nếu không dễ dẫn tới quyết định bất lợi cho cả hai bên, hai bên đều thiệt.
Trong công việc kinh doanh của chúng tôi, nếu không được khách hàng coi như những người bạn nhỏ, những người anh em thì chúng tôi đã không thể nào vượt qua được những khó khăn chồng chất về ngoại ngữ, về trình độ.
____
Còn bạn bè và đồng nghiệp? Có khi nào họ là những nguồn cảm hứng lớn trong hoạt động kinh doanh của anh không?
Không biết câu nói “giàu vì bạn, sang vì vợ” đúng đến đâu, nhưng chắc chắn không có bạn thì có lẽ bây giờ tôi vẫn phải lang thang đất khách để kiếm sống. Chính là những người bạn đã giúp tôi khi mới chân ướt chân ráo về nước với nỗi ám ảnh sợ đói, tự tin hơn vào bản thân để tham gia thành lập FPT. Tôi không có nhiều cơ hội hợp tác cùng với các bạn từ thuở học sinh sinh viên, nhưng bù lại tôi may mắn khi có thể coi tất cả đồng nghiệp như những người bạn. Trong công việc kinh doanh của chúng tôi, nếu không được khách hàng coi như những người bạn nhỏ, những người anh em thì chúng tôi đã không thể nào vượt qua được những khó khăn chồng chất về ngoại ngữ, về trình độ.
____
Như anh nói, sự lạc quan sẽ giúp giảm stress trong công việc. Vậy còn sở thích khác thì sao?
Tôi thường hay quan tâm đến mục này khi tuyển dụng. Ai cũng ghi là thích nghe nhạc, thể thao, xem phim, du lịch… nhưng theo tôi đó chưa phải là sở thích, vì những thứ đó ai chẳng thích.. Hobby phải chi tiết hơn, kỹ lưỡng hơn, ví dụ như thích nghe nhạc gì, loại phim gì, du lịch ở đâu? Tôi nghiệm ra ai đã giỏi lĩnh vực này thì dễ có khả năng xuất sắc ở lĩnh vực khác. Ví dụ nếu gặp ứng viên nào có sở thích leo núi, lại đã từng chinh phục Chomolungma hoặc ít ra thì cũng phải Phanxipăng tôi nhận ngay. Nhấn mạnh tới sở thích cá nhân rất quan trọng trong việc đánh giá năng lực con người, nhưng đáng tiếc là ở đây chúng ta có khoảng cách khá xa so với thế giới. Điều đó thể hiện chúng ta nghèo hoặc không có sở thích hoặc sở thích hơi bị… linh tinh. Theo tôi, trẻ con thích gì thì cứ tạo điều kiện cho chúng làm, kể cả nghịch đất miễn là nó nghịch thật giỏi. Thời trẻ, chúng tôi rất thiệt thòi, như tôi thích nghiên cứu thiên văn nhưng do không có điều kiện nên chỉ đọc sách vở, ngắm “trăng sao” suông. Bây giờ có điều kiện vật chất khá hơn thì thời gian lại quá thiếu, bởi vậy nếu có điều kiện nên theo đuổi sở thích từ sớm. Sở thích của cá nhân còn thể hiện trình độ phát triển của xã hội. Xã hội ít người có sở thích sâu là xã hội chậm phát triển.
____
Thế hobby của anh là gì? Và anh đã thể hiện cái sở thích đó như thế nào?
Hiện nay, quan tâm lớn nhất của tôi là lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, chắc chắn sẽ là thế kỷ đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc. Tôi muốn tìm hiểu vì sao dân tộc đã làm được những điều thần kỳ khiến thế giới phải kính phục và tại sao cũng dân tộc đấy lại liên tiếp bỏ qua những cơ hội vươn ra thế giới, để chỉ vùng lên khi bị dồn đến chân tường vào thập niên cuối cùng. Tôi muốn hiểu kỹ hơn hoàn cảnh đã đẩy nước ta vào những mối quan hệ vô cùng đặc biệt với 4 trong 5 cường quốc thuộc Hội đồng Bảo an LHQ. Tôi muốn hiểu vì sao Phan Bội Châu lại phát động phong trào Đông du và cuối cùng lại cam chịu thất bại. Tôi muốn hiểu vì sao Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ cộng sản duy nhất được LHQ tôn vinh như một danh nhân văn hóa. Nếu còn thời gian tôi muốn hiểu vì sao khi Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng, không ai có thể hát cho Bác nghe một câu hò Huế hay một điệu ví dặm, muốn hiểu vì sao những “chúa đảo” khét tiếng ở Côn Đảo lại xây mộ cho chị Võ Thị Sáu, vì sao Phạm Duy lại ra đi để hôm nay có “Ngày trở về”…
____
Tức là phải chuyên nghiệp trong cách chơi, sở thích?
Đương nhiên. Chơi là tiêu tiền mà như Bill Gates nói: tiêu tiền còn khó hơn kiếm tiền nhiều lần. Hàng năm, FPT tổ chức vô khối các hoạt động vui chơi tốn kém, rất khuyến khích mọi người đã làm là phải cẩn thận. Ngay trong cuộc chơi, anh cũng có thể phát hiện được nhân tố, ý tưởng mới. Chẳng hạn, một nhân viên biết tổ chức trận bóng đá tốt thì sẽ có tố chất quản trị dự án.
____
Nghe nói, anh không khoái mấy sở thích thời thượng của giới doanh nhân như: chơi tenis, golf?
Tôi chưa chơi cho nên chưa chia sẻ được với mấy môn này (cười). Hơn nữa, khi mình có tuổi, thì việc chơi một môn thể thao nào đó không hẳn chỉ do ý thích mà còn do nhu cầu của cơ thể. Để khỏe mạnh không nhất thiết phải chạy huỳnh huỵch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tôi có ông thầy bảo cứ đi bộ là thuận tiện nhất, vừa đảm bảo sức khỏe để làm việc vừa không tốn kém.
____
Anh vẫn đi làm bằng xe buýt?
Cũng còn tùy lúc. Nếu mưa thì đi taxi cho chắc chắn. Còn khi không có hẹn, tôi đi bộ từ nhà đến công ty chừng 2km, vừa đi vừa suy nghĩ, nhìn ngắm. Đi xe buýt cũng chả phải là việc gì lạ lẫm, tất cả những người đi học nước ngoài trừ ở Mỹ đều đã quá quen
____
Nhưng ở Việt Nam, việc giám đốc một công ty lớn đi làm bằng xe buýt lại bị cho là khác biệt hoặc cố tình tạo ra sự dị biệt?
Không, tôi cho rằng người đi làm bằng xe buýt cũng là chuyện bình thường thật. Xe buýt của mình bây giờ cũng sạch sẽ hơn trước.