Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Vậy chế độ dinh dưỡng cần tuân thủ như thế nào để có sức đề kháng và miễn dịch khỏe mạnh?
Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng), để tăng cường sức đề kháng và miễn dịch, cần đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
Cũng theo bác sỹ Tiến, các vitamin và khoáng chất có trong các thức ăn có vai trò rất quan trọng trong tăng đề kháng và miễn dịch. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần đảm bảo có đủ các nhóm vitamin và khoáng chất.
Vitamin A: Có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn ở trẻ em mà nguyên nhân do thiếu vitamin A rất cao. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng biện pháp bổ sung vitamin A có thể làm giảm 23% tử vong ở trẻ em. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng – miễn dịch tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Thiếu vitamin A các biểu mô quá sản, sừng hoá, các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. VitaminA có nhiều trong gấc, rau ngót, rau dền cơm, gan gà, gan lợn, gan bò, lòng đỏ trứng gà, cá hồi, cà rốt…
Vitamin E: Vitamin E giúp tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn.
Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên: Đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Vitamin C: Vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhậy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể.
- Xem thêm: Cách đơn giản nhằm tăng sức đề kháng
Vitamin C có trong khẩu phần ăn được cung cấp từ các loại trái cây và rau củ: Rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tời, hành hoa, …trong các loại quả, đặc biệt là quả có múi như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh…
Vitamin D: Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.
Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.
Vitamin nhóm B: Trong các vitamin nhóm B, vai trò các folat và pyridoxin đáng chú ý hơn cả. Thiếu folat làm chậm sự tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Các vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan. Vì vậy nên ăn nhiều gạo sát dối, gạo lứt, sữa hạt…
Rất nhiều chất khoáng và vi khoáng tham gia vào miễn dịch, trong đó vai trò của sắt, kẽm được nghiên cứu nhiều hơn cả.
Sắt: Sắt cần thiết cho tổng hợp AND, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Ngoài ra sắt còn tham gia vào nhiều enzym can thiệp vào quá trình phân giải bên trong tế bào. Thiếu sắt, nhiễm khuẩn tăng.
Sắt gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng…
Kẽm: Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành. Các thức ăn giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu…