Trong những năm gần đây, hiện tượng người Việt Nam xuất cảnh, định cư ở nước ngoài có chiều hướng tăng lên, nhất là trong tầng lớp có nhiều tiền.
Chắc nhiều người còn nhớ, vào năm 2017, thông tin từ báo cáo công bố của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên Địa ốc Mỹ (NAR) cho thấy trong 5 năm liền (kể từ 2017 trở về trước) Việt Nam đứng trong danh sách 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới.
Báo cáo này cũng cho biết, trong năm 2017, nhiều người Việt đã bỏ ra 3 tỷ USD (tương đương gần 70.000 tỷ đồng) để mua nhà ở Mỹ. Dòng người Việt Nam ra nước ngoài làm ăn, định cư sau năm 2017 không giảm, kể cả bằng cách đi bất hợp pháp, đầy rủi ro (Sự kiện 39 người Việt bị chết trong container, trên hành trình nhập cảnh trái phép vào Anh quốc cuối năm 2019 là một dẫn chứng đau lòng).
Bên cạnh dòng người đi xuất cảnh bất hợp pháp, hàng năm Việt Nam có hàng trăm ngàn người đi xuất khẩu lao động, đi du học, chữa bệnh, đầu tư… ở nhiều nơi trên thế giới.
Gần nửa thế kỷ qua, đất nước phát triển và thay đổi hoàn toàn diện mạo, mở rộng cửa hội nhập, làm ăn với thế giới bên ngoài. Trong xu thế toàn cầu hóa, hiện tượng di cư, tìm kiếm môi trường sống, làm việc của công dân cần được nhìn nhận, phân tích, đánh giá ở nhiều góc nhìn khác nhau.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Ngân hàng Thế giới, cho dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng kiều hối năm 2020 của Việt Nam có giảm, ước đạt khoảng 15,7 tỉ USD, vẫn thuộc top 10 nước nhận kiều hối. Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỉ USD, tăng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỉ USD. Kiều hối gửi về nước hàng năm là một nguồn lực đáng kể cho quốc gia.
- Xem thêm: Hòa bình không còn ở ‘thì tương lai’
Đã đành là đầu tư ra nước ngoài làm ăn, sinh sống, du học, chữa bệnh là nguyện vọng chính đáng của công dân, và những gì họ gửi về cho thân nhân cũng là một nguồn lực cho đất nước. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: đất nước đã hòa bình, thống nhất và phát triển, nhưng vì sao nhiều người Việt Nam, nhất là những người rất giàu có vẫn tìm cách di cư ra nước ngoài?
Kỷ niệm 46 năm ngày hòa bình thống nhất đất nước (30.4.1975 – 2021), Người Đô Thị mong muốn thảo luận chủ đề này ở góc nhìn bao quát về hiện trạng đất nước, để từ đó có cái nhìn sâu hơn về tình yêu Tổ quốc đi liền với niềm tin và cơ hội mưu sinh ngay trên đất nước mình.
Chúng tôi quan niệm rằng, để quê hương thực sự là mái nhà chung, không chỉ trong tâm thức mà còn phải là một nơi “đất lành chim đậu”. Xã hội trong thời bình cần có một môi trường làm ăn hấp dẫn, người dân được thụ hưởng một nền giáo dục, y tế tiên tiến, môi trường sống an lành, và trên hết là một thể chế hướng đến sự công bằng phát triển cho từng cá nhân và mọi tầng lớp công dân…
Những ý kiến trong Bàn tròn này của các chuyên gia nhiều lĩnh vực (kinh tế, chính trị, pháp luật, giáo dục, văn hóa…) và giới doanh nhân: Phạm Chi Lan, Vũ Ngọc Hoàng, Trương Trọng Nghĩa, Giáp Văn Dương, Nguyễn Tiến Lập, Vũ Duy Thức… Các chuyên gia chỉ ra những thành quả phát triển sau gần nửa thế kỷ và những tồn tại, những kỳ vọng hướng đến một quốc gia cường thịnh.
- Xem thêm: Lan tỏa ước mơ hòa bình với quá khứ