Đối với nhiều người hiện nay, nhất là tại Nhật Bản và một số nước đa đảo, có núi lửa hoạt động, hiện tượng địa chấn, động đất là một điều rất bình thường, thậm chí có thể biết trước và phòng chống do người ta hiểu được nguyên nhân, tính chất và mức độ của nó.
Về đại thể, động đất là một sự rung chuyển mặt đất do sự đứt gãy của vỏ trái đất hoặc là sự phun trào của núi lửa, đẩy magma lên trên bề mặt và thỉnh thoảng là các vụ thiên thạch va vào hành tinh hay thử hạt nhân dưới lòng đại dương. Tùy ở gần hay ở xa tâm địa chấn mà mọi người sẽ cảm nhận được đất rung chuyển mạnh hay nhẹ cũng như tác hại của nó đối với cảnh quan, công trình như thế nào. Vì có những trận động đất rất nhỏ, không gây tiếng động gì, thường diễn ra mỗi ngày hàng chục nghìn lần. Song cũng có những trận động đất rất lớn với sức tàn phá lên tới hàng nghìn km2.
Để tính toán mức độ thiệt hại đồng thời dự báo động đất, vào năm 1935, thế giới đã áp dụng thước đo địa chấn của nhà khoa học Charles Richter, theo đó nếu chỉ số dưới 2,0 độ Richter thì trận động đất ấy cực nhỏ, chưa thấy bằng mắt thường, từ 2,0 đến 2,9 là không đáng kể, chỉ hơi rung động một chút, từ 3,0 đến 3,9 là động đất nhỏ cần lưu ý, từ 4,0 đến 4,9 có thể làm rơi vỡ đồ vật, từ 5,0 đến 5,9 nhà đất có thể sụt lún, từ 6,0 trở lên là một sự hủy diệt nghiêm trọng và nếu chạm đích 10+ thì sẽ xóa sạch mọi sự sống .
Về cơ bản, lý do để động đất là vậy, song ở thời cổ đại và nhiều dân tộc ít người đương thời, động đất là một hiện tượng siêu nhiên chỉ có thể giải thích bằng thần thánh hoặc những loài vật khổng lồ ngoài vũ trụ gây ra. Trong đó thường thấy nhất là trái đất nằm ở trên đầu hay người của một vị thần mà bị lắc lư. Tại Ấn Độ, người Hindu xưa vốn tin rằng vũ trụ này được tạo nên bởi thần Vishnu. Bằng nhiều cánh tay, thần đã nhào nặn nên trái đất, mặt trời, mặt trăng và riêng trái đất được thần đặt ngay trước ngực nên mỗi lần ngài trở mình hay cựa quậy khi ngủ lại làm cho nó chao đảo, xao động. Những lúc có công việc, thần đều cho con rắn thần bảy đầu Adi Sesha trông giữ trái đất, và con vật này cũng đội trái đất trên đầu, và mỗi lúc mỏi mệt, nó sẽ tung hứng trái đất như một quả bóng từ chỗ này đến chỗ kia trên 7 cái đầu đồ sộ của mình.
Do sống ở biển nên người Nhật Bản xưa liên hệ mọi thứ với biển, đặc biệt họ tin rằng động đất là do một con cá trê – Namazu dưới đáy biển, hay lớp bùn lầy của trái đất quẫy mạnh, khiến nhà cửa xiêu đổ, và vì tần suất địa chấn quá nhiều nên hàng năm họ luôn có lễ đánh đòn con cá hoặc làm những cái bình nhốt nó. Họ cũng thờ thần Kashima, giống thần núi, thần biển để trấn áp con vật, mà thường là lấy một tảng đá lớn đè đầu nó xuống. Chưa hết, họ cũng quan niệm cá mái chèo là sứ giả của long cung, và mỗi lần xuất hiện ở bờ biển báo tin thì với hình dạng như một con rắn đại, nó cũng làm triều cường, đất đai bị sụt lún kinh khủng.
Người Hy Lạp xưa lại tin rằng mỗi lúc biển động, đất rung là do thần Biển Poseidon cầm cây đinh ba khuấy động đại dương và tạo ra những vực thẳm, vòi rồng cuốn bay tất cả mọi thứ. Những vùng đất ven biển đều bị thần nuốt chửng.
Chuyện cổ Na Uy thường kể rằng vì phạm lỗi sát hại thần ánh sáng và sắc đẹp nên thần Loki bị cha phạt, xích trong một hang động và để một con rắn nhả độc lên người. Thương chồng, phu nhân Sigyn luôn đứng cạnh ông, lấy bát đỡ số nọc rắn chảy xuống, song mỗi lần bát đầy hoặc bà không đỡ kịp thì nó lại rơi vào người Loki làm ông giật nảy, gây ra những cơn động địa.
- Xem thêm: Siêu núi lửa và mối đe dọa tận thế
Với các dân tộc ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, địa chấn thực ra là cuộc giằng co, chống trả giữa một con cá voi và một con chim sấm sét (chim báo bão). Con chim cố gắng săn được con cá, trong khi con cá thì lấy hết sức mình để chạy thoát.
Cũng về biển, nhưng người Trung Hoa xưa ví von cái biển ấy như một vũ trụ mênh mông. Ở đó, có một con rùa nằm trên một con rắn, trên mai nó lại gánh 4 con voi và trên lưng voi đội một chiếc đĩa, chính là hành tinh của chúng ta. Trong khi chao lượn qua những dải thiên hà, rồi lúc lắc khi ăn, chúng lại khiến trái đất chòng chành, nghiêng ngả.
Ở Tây Phi, người xưa cũng có một câu chuyện lãng mạn về một đôi vợ chồng, người đỡ mặt đất, một kẻ bưng bầu trời. Trái đất cũng là một đĩa dẹt nằm trên đầu một nam thần, và hai vợ chồng khi âu yếm luôn làm cả đất trời rung chuyển.
Vì gắn liền với bò, cá và chim, tượng trưng cho đất, nước và không khí nên thế giới của nhiều bộ tộc Đông Phi nằm ở ngay trên sừng, lưng và cánh của 3 loài vật này, và những lúc chúng mất thăng bằng, trái đất sẽ bị chao đảo.
Với người Mozambique xưa, trái đất lại là một nữ thần xinh đẹp, song cũng giống người, bà rất hay bị ốm, cảm lạnh, hắt hơi, sổ mũi làm mặt đất run bần bật.
Sở dĩ có động đất, theo các dân tộc du mục ở Kamchatka – Siberia, một nhóm người chuyên đi lại bằng xe chó kéo, là do cái xe của thần Tuli bị xóc nặng. Trên xe này, ngày nào thần cũng chở địa cầu rong ruổi một vòng từ Đông sang Tây, từ sáng tới tối, song thỉnh thoảng vì ngứa ngáy đàn chó kéo lại chạy loạn xạ hoặc giật cụt, khiến trái đất long xòng xọc.
Trái với chó làm động đất, con ếch cõng địa đầu trong thần tích Mông Cổ lại gây trấn động nhờ nhảy tưng tưng, khiến trái đất bị lăn từ trên đầu xuống đôi vai và chân của nó liên tục.
Dân tộc El Diablo của Mexico lại cho rằng có một lũ quỷ phải chịu trách nhiệm về những trận địa chấn. Sống dưới lòng đất, muốn ngoi lên không được, nên thỉnh thoảng chúng lại đào bới, giậm chân, làm mặt đất rung chuyển.
Theo truyện cổ New Zealand, đất mẹ khi mang thai thần Ru đã phải chịu những cơn đau bụng vật vã bởi vì ấu thần này rất nghịch ngợm, không bao giờ chịu nằm yên trong bụng mẹ và chốc chốc lại thúc, đòi ra.
Ruaumoko cũng là một thần đất, núi lửa, mùa màng trong thần thoại Maori. Ông chính là con út của cha trời Rangi và mẹ đất Papa. Một lần Rangi và Papa bị các con tách ra khỏi nhau. Đau khổ vì xa vợ, Rangi khóc lóc, làm nước mưa ngập ngụa khắp nơi, và để chấm dứt chuyện đó, các con đã quay mặt mẹ đất xuống dưới, cho hai người không thể thấy nỗi buồn của nhau. Ruaumoko lúc ấy đang ở trên ngực mẹ nên ông cũng được kéo theo và lớn khôn nhờ dòng sữa lẫn hơi ấm từ mẹ, ý chỉ những ngọn núi lửa và thường gây ra các trận phun trào mắc ma cùng động đất.
Để cân bằng sự sống, thần Negendei của Fiji đã đứng ở thế trồng cây chuối, và quan sát mọi thứ phát triển từ dưới lên. Song nhằm nhìn được vạn vật xung quanh, thỉnh thoảng, thần lại xoay đầu và làm mọi thứ lao theo.
Ở Hawaii, nhiều người tin rằng Kane-lulu-moku là thần gây ra động đất. Ngoài Kane còn có Pele, nữ thần núi lửa rất hay giận dỗi, làm núi lửa phun trào.
Người Samoa cũng có một thần núi lửa tên là Mafuie gây địa trấn, chỉ đến khi chàng trai Maui đánh bại ông và mang lửa đến cho người thì núi lửa mới tắt, yên ắng.
Các bộ tộc ở New Guinea cho đến giờ vẫn tin, nguyên nhân động đất là do thần Marruni, một vị thần nửa người nửa rắn di chuyển làm trời đất đảo điên.
Với những người Aztec sống ở thung lũng Mexico, động đất luôn xảy ra khi thần núi Tepeyollotl đi săn và dưới hình dạng một con báo nhảy vào cắn xé mặt trời, ngoài gây địa trấn còn tạo ra hiện tượng nhật thực.
Cũng là nhảy song là nhảy múa với điếu thuốc trong tay, thần Kisin, một vị thần của người Maya, có dạng một bộ xương lại làm cho đất đai rung chuyển, sụt lún vô kể dưới đôi bàn chân vĩ đại của ông. Vì trong đôi mắt của người Maya, động đất chính là một điệu múa đáng sợ của tự nhiên và điều này rất gần gũi với thần thoại Ấn Độ, khi mà mọi thứ trong thế giới này đều là kết quả của một điệu múa hồn nhiên do ba vị thần sáng tạo, hủy diệt và cân bằng sự sống Hindu.