Doanh nghiệp đang có nhiều nhân tài nhưng dường như họ vẫn chưa phát huy được hết khả năng sáng tạo và làm việc hiệu quả như kỳ vọng của các nhà quản lý.
Theo Les McKeown, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Predictable Success, một tổ chức tư vấn tăng trưởng vượt bậc cho các doanh nghiệp với hơn 40 năm kinh nghiệm, tác giả của cuốn Predictable Success: Getting Your Organization on the Growth Track – and Keeping It There (tạm dịch: Đưa tổ chức phát triển theo đúng quỹ đạo), nguyên nhân của tình trạng này thường nằm ở chính các nhà lãnh đạo doanh nghiệp…
Khi đã tuyển dụng được nhân tài, các nhà lãnh đạo thường có tâm lý cho rằng nhân tài sẽ tự “bơi” được và tạo ra một môi trường mà họ khó có khả năng làm việc với hiệu quả cao nhất. Để khắc phục tình trạng trên, McKeown khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên thay đổi môi trường làm việc theo ba hướng sau đây.
- Xem thêm: Biết nhận ra giá trị của nhân viên
Giao thêm việc quan trọng cho nhân viên
Nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên không đạt được thành tích tốt nhất trong công việc là do họ chưa được giao việc đủ mức. McKeown ví điều này cũng giống như việc giam nhân tài vào một căn phòng tối và quẳng chìa khóa đi mất.
Khi nhà lãnh đạo tự cho rằng “không ai có thể làm việc này tốt hơn tôi”, hoặc khi nhà lãnh đạo can thiệp quá nhiều vào những việc nhỏ nhặt nhất của tổ chức, muốn thể hiện với mọi người mình là người giỏi nhất (ngay cả ở những việc không phải sở trường của mình) thì cũng đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo nói với nhân viên rằng “tôi không đủ tin tưởng anh để giao phó cho anh những việc quan trọng”. Điều này chắc chắn sẽ làm thui chột sức phấn đấu và việc phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của nhân viên.
McKeown khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên tự hỏi lần sau cùng mình giao phó những công việc thật sự quan trọng cho nhân viên là khi nào. Nếu việc ấy đã xảy ra cách đây hơn sáu tháng (hoặc thậm chí nhà lãnh đạo không nhớ mình đã từng làm việc ấy hay chưa) thì vấn đề nhân viên làm việc không hiệu quả nằm ở nhà lãnh đạo chứ không phải ở nhân viên.
Thường xuyên động viên, khuyến khích nhân viên
Các nhà lãnh đạo không nên có tư tưởng chờ đợi cho đến khi nhân tài tự tỏa sáng trong một thời khắc nào. Thực tế cho thấy hầu hết các nhà lãnh đạo thường bị “kẹt” trong những công việc lặp đi lặp lại như gặp gỡ các đối tác, những chuyến công tác, những cuộc họp hành, đánh giá nhân sự… (cũng bởi vì họ cảm thấy yên tâm hơn khi đã làm chủ những việc này), từ đó quên đi việc dành thời gian để hỏi thăm, động viên và khuyến khích nhân viên.
McKeown khuyên để khai thác hết những khả năng tiềm ẩn của nhân viên, nhà lãnh đạo phải thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nhân viên nhằm lắng nghe từ họ và phát hiện ra những ý tưởng đột phát, những đề xuất sáng tạo.
- Xem thêm: Mở cửa cơ hội cho nhân viên
Làm việc cùng người trợ lý
Nếu nhà lãnh đạo thiếu thông tin và mất phương hướng, các nhân viên chắc chắn cũng sẽ mất phương hướng. Nhưng như đã nói ở trên, nếu quá ôm đồm với những công việc lặp đi lặp lại ở hiện tại, nhà lãnh đạo sẽ có khả năng vướng vào chiếc bẫy này.
Vì vậy, McKeown khuyên nhà lãnh đạo nên tìm một người trợ lý tin cậy để thường xuyên cập nhật thông tin về những việc đang diễn ra xung quanh và giải quyết bớt những công việc đơn giản cho mình. Rất có thể, sau khi đã giao phó bớt công việc cho nhân viên, sếp cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tỏa sáng ở một tầm cao mới và đưa doanh nghiệp đạt đến một vị thế mới trên thương trường.