Kiệt rón rén mở cánh cổng sắt có cái bản lề luôn biết cách báo cho chủ biết nhà có người vào bằng tiếng kêu “két…ét…ét” kéo dài. Chú chó chạy ra thấy Kiệt thì sủa nhẹ vài tiếng rồi rên khe khẽ trong miệng vẫy đuôi mừng. Có tiếng quát lớn:
– Đứa nào ra ngoài xem có ai vào nào. Mới sáng ra đã tới ám.
Bà Hân nói vậy cũng bởi bà biết chỉ có Kiệt mới tự mở cổng vào, lại lúc sáng sớm, chứ hàng xóm láng giềng, có gì người ta gọi cổng rồi. Bà con xóm giềng cũng ngại sang nhà bà lắm. Gia đình bà mới chuyển về quê được vài năm khi bố Kiệt nghỉ hưu, mang theo cả lối sống kênh kiệu, kiêu kỳ nơi thành thị khiến mọi người ít muốn giao tiếp.
– Con chào bố mẹ. Em chào các chị.
Kiệt vòng tay lễ phép chào bố và mẹ cả và ba bà chị gái con mẹ cả với bố. Bà Hân với tay lấy cái ống nhổ, nhổ miếng nước nhai trầu vào đó, rồi đứng ra hiên nhà, nhìn Kiệt nói mát:
– Hôm nay anh rảnh rỗi nhỉ, có thời gian sang thăm bố cơ đấy.
– Nay chủ nhật, con được nghỉ mẹ ạ.
– Vậy thì mày đi băm ít bèo kia, rồi trộn cám cho đàn gà ăn nhé.
Chị gái thứ hai nhanh nhảu chen vào với giọng hí hửng. Bố Kiệt kéo xong điếu thuốc lào rồi nói với ra:
– Vào ăn sáng luôn rồi làm cũng được.
– Con không thấy đói. Bố mẹ và các chị cứ ăn đi ạ.
Bà Hân quay vào trong nhà, nguýt dài:
– Ăn mày còn làm phách. Không ăn càng còn.
Kiệt ngồi băm bèo ngoài cầu ao, bụng réo lên bởi mùi phở thơm bay ra. Trong nhà, mọi người cười nói vui vẻ. Kiệt nghĩ thương mẹ mình đang nằm ốm ở nhà, sáng húp bát cháo trắng lõng bõng nước. Mẹ không biết Kiệt sang đây, đời mẹ cơ cực nhưng không muốn Kiệt bị người ta coi thường, ghẻ lạnh. Nhưng biết sao được, Kiệt chuẩn bị thi rồi, không đi làm được nhiều, thiếu tiền ăn, thiếu cả tiền thuốc men cho mẹ. Nó thương mẹ lắm, tính nghỉ học đi làm, sang năm sẽ ôn thi sau nhưng mẹ không chịu. Hôm trước, mẹ nắm tay Kiệt, nước mắt ngắn dài:
– Con thương mẹ, cố gắng học hành, thi cử đỗ đạt. Đời mẹ dù có khổ cực đến mấy cũng chịu được, chỉ mong con không bị người ta coi thường.
- Xem thêm: Gió qua thềm
Kiệt biết, “người ta” mà mẹ nói là ai. Là bố, mẹ cả và các chị. Mẹ mang thân làm lẽ, bị hắt hủi, ghẻ lạnh. Ngay cả khi có Kiệt ra đời, mẹ càng bị ghét bỏ vì bố chỉ cần Kiệt, không cần mẹ. Nó biết điều đó từ khi còn là một thằng bé con chưa đầy mười tuổi. Giờ Kiệt đã mười bảy, bố chưa một lần quan tâm đến hai mẹ con. Dù cuộc sống của bố đủ đầy. Bố từng nói: “Các con tôi, tôi cho học đến bao giờ không học được nữa thì thôi”. Còn Kiệt thì sao? Cũng là con bố, vậy mà ông để Kiệt bươn chải giữa cuộc đời với người mẹ đau yếu từ lúc sinh con. Các con của bố cũng chưa một lần gọi mẹ Kiệt là mẹ, chỉ gọi là “bà ấy” mà thôi. Vậy mà họ luôn bắt bẻ Kiệt phải thế này, thế kia. Nhiều khi Kiệt cũng thấy bất công cho mẹ, muốn đấu tranh nhưng mẹ lại can: “Thôi con. Một điều nhịn, chín điều lành. Mẹ chỉ cần con cố gắng học hành, sau này có được công việc đàng hoàng cho đỡ vất vả. Đừng để phải mưa nắng cày cuốc như mẹ. Đừng để ai nói ra nói vào là mẹ không biết dạy con, cũng đừng để ai coi thường. Thế là đủ rồi. Còn mẹ, sao cũng được”.
– Chắc lại sang định xin xỏ, nhờ vả gì đây. Chứ thằng cứng đầu đó, đời nào nó chịu…
– Có thể mẹ nó sai sang. Để xem bà ta đóng vai hiền thục được bao lâu.
Những tiếng nói chuyện, tiếng cười ranh mãnh trên nhà dội ra ngoài cầu ao cắt đứt dòng suy nghĩ của Kiệt. Họ nhắc đến mẹ con nó, nhưng dường như không thèm quan tâm đến sự có mặt của nó. Họ có thể nói nó nhưng không được xúc phạm đến mẹ nó. Đã định đứng lên bỏ về, nhưng nghĩ đến mẹ ốm nằm nhà, hai ngày nay chưa mua được thuốc, nó đành ngồi xuống, bặm môi băm mớ bèo còn dang dở. Bỗng nó thấy sống mũi cay cay, rồi đưa tay gạt vội giọt nước mắt đang lăn nhanh trên má.
– Xong chưa! Sao mày lề mề quá vậy? Bọn gà đói đang kêu ầm ĩ lên kia kìa.
Kiệt vội hốt bèo vào chậu, trộn cám gọi cho gà ăn. Xong đâu đấy, nó rửa tay chân lên nhà gặp bố. Giọng mẹ cả kéo dài:
– Hôm nay anh sang, chắc chẳng phải tự nhiên sang chơi đâu nhỉ?
– Con…
Kiệt ngập ngừng, không biết bắt đầu ra sao. Ông bố không nhìn Kiệt, gắt gỏng:
– Có chuyện gì thì nói nhanh đi, tôi còn đi có việc. Không rỗi hơi đâu mà ngồi nghe anh lôi thôi dài dòng.
– Thưa bố, thưa mẹ. Mẹ con ốm mấy hôm nay…
Chưa đợi Kiệt nói hết câu cả nhà họ đã quay ra nguýt nó. Rồi mỗi người mỗi giọng, xỉa xói vào nó:
– Này, tôi nói cho anh biết nhá. Mẹ anh ốm, mặc xác nhà anh. Sao phải nói cho chúng tôi – mẹ cả ngồi tựa lưng ra tràng kỷ, một tay cầm cái quạt, một tay với lấy cốc nước trà, giọng tức tối.
– Ái chà, bao nhiêu năm nay, mẹ con anh đâu có cần tôi. Nói thật, giờ tôi cũng nghỉ hưu rồi. Lương hưu chẳng được là bao, chỉ đủ lo cho vợ con tôi thôi.
Nghe bố nói, cổ họng Kiệt nghẹn đắng. Vợ con tôi. Vậy Kiệt là gì? Mẹ Kiệt là gì? Chẳng phải bố cũng đã từng cưới hỏi mẹ về đó sao? Mẹ cam chịu làm lẽ đã là thiệt thòi. Vậy mà…
– Hóa ra nó sang đây định bòn của cơ đấy. Có giỏi thì tự làm mà ăn. Này bọn tao về đây còn phải làm nữa là, có đâu mà cho mẹ con mày.
– Về nói với bà ấy, không nuôi được thì ngày xưa đừng đẻ.
– Mày thương mẹ mày lắm mà, nghỉ học đi. Đi làm mà nuôi bà ấy. Mày có thi đỗ đại học cũng không có tiền mà học đâu.
Mấy chị gái thi nhau nói Kiệt, tai nó ù đi. Nó đứng dậy, chào bố mẹ rồi đi nhanh ra ngoài cổng. Nó dặn mình phải kìm lại, không được khóc, không thể để cho họ coi thường mình. Bao đối xử cay nghiệt, lạnh nhạt, hắt hủi của gia đình này đối với mẹ con nó từ trước đến nay, nó đã cố gắng cho qua giờ lại trỗi dậy. Thì ra, nó có muốn coi đó là gia đình của mình thì họ cũng không bao giờ coi nó là ruột thịt. Nó chỉ là khúc ruột thừa mà họ đã muốn cắt bỏ từ lâu. Mẹ cả và các chị gái ghét nó vì nó là đích tôn của dòng họ, bố hắt hủi nó vì nó không chịu rời mẹ theo ông.
Cơn mưa đầu mùa bất ngờ đổ xuống, nó chẳng buồn trú, cứ đi nhanh ra phía cổng. Ra khỏi cổng rồi Kiệt còn nghe thấy tiếng chị cả nói vọng ra lảnh lót trong tiếng mưa: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Sau đó là trận cười giòn của những bà chị cùng cha khác mẹ của nó. Nó đi thật nhanh trên con ngõ về nhà, đi như trốn chạy và trong thâm tâm, Kiệt thề với lòng sẽ không bao giờ đặt chân đến ngôi nhà đó nữa. Trước mặt nó, làn nước mưa trắng xóa, chan cùng nước mắt, nhạt nhòa.
***
Kiệt đang miên man trong dòng kí ức chợt giật mình bởi tiếng húng hắng của bà Hoa. Mấy hôm nay trở trời, mưa nắng thất thường, bệnh cũ tái phát, bà lại đau nhức, rồi lên cơn ho hen. Kiệt vội đỡ mẹ ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, kê cái gối cho mẹ dựa lưng, vồn vã hỏi:
– Sao mẹ không ở trong đó nằm nghỉ, ra ngoài này ngồi chi cho mệt?
– Nằm mãi cũng ê ẩm cả người con ạ. Ra ngồi chờ mẹ con thằng Tí nó về. Nhà mà vắng nó, ắng ỏi quá.
– Vâng. Trẻ con bi bô suốt ngày, lại vui mẹ nhỉ!
– Con có điều gì phải không? Mẹ thấy con không được thoải mái, sắc mặt không được tốt.
- Xem thêm: Nhà của mẹ
Kiệt ngập ngừng một lúc. Có nên nói cho mẹ biết không? Từ khi hai mẹ con anh rời quê – nơi toàn buồn đau tủi nhục để đến đây lập nghiệp cũng đã hơn mười năm. Chừng ấy thời gian, mẹ con Kiệt chưa bao giờ nhắc lại nơi ấy nữa. Bởi mỗi khi nhớ đến chỉ thấy thêm buồn, thêm hận.
– Đừng giấu mẹ, có phải chuyện ở quê không? Lúc con nghe điện thoại, mẹ cũng nghe loáng thoáng. Là chuyện gì vậy con?
– Thím Bảy bên hàng xóm điện cho con kể các con gái của ông ấy giờ thảm lắm. Hai người làm ăn không đâu vào đâu, nợ nần chồng chất, phải dắt díu nhau bỏ xứ đi trốn, giờ không ai biết đi đâu. Còn một người vừa bị tai nạn rất nặng, đang nằm viện cấp cứu, mà thiếu máu truyền, do thuộc nhóm máu hiếm. Ông bà ấy giờ già yếu, không lo được gì cả, suy sụp trông thấy mẹ ạ.
Bà Hoa nghe xong, mắt nhìn xa xăm. Kiệt không biết mẹ đang nghĩ gì nữa, chỉ thấy bà nén tiếng thở dài. Kiệt cũng không dám kể gì thêm, sợ mẹ buồn. Chợt bà quay sang nhìn Kiệt, nắm lấy tay con nhỏ nhẹ nói:
– Kiệt này. Con giờ cũng đã đủ chín chắn để quyết định mọi việc rồi. Mẹ không can dự nhiều vào chuyện của con nữa. Nhưng có một điều, mẹ muốn nói với con là chuyện gì đã qua cứ để nó qua đi, ôm mãi trong lòng sẽ như đeo tảng đá bên mình, lúc nào cũng nặng nề, mệt mỏi lắm. Con thấy không, khó khăn mấy rồi mẹ con mình cũng vẫn vượt qua, giờ con cũng thành đạt. Còn ông ấy, dù sao cũng là cha của con. Chúng nó vẫn là chị của con, vẫn chung một dòng máu con ạ. Người ta nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, anh chị em chín bỏ làm mười.
Bà Hoa nói rồi từ từ đứng dậy, chầm chậm bước ra sân. Kiệt thở phào, vội bước theo mẹ. Anh biết ý mẹ, anh cũng đã từng muốn một lần trở lại nơi ấy, bởi trong lòng anh, bên cạnh nỗi hận, sự giận dỗi cũng vẫn còn những khao khát tình cảm ruột thịt. Nửa muốn đi, nửa không, đôi lúc vì sợ mẹ buồn nhưng phần nhiều cũng vì trái tim anh luôn bị những cay nghiệt của quá khứ bủa vây, trói buộc. Hôm nay, nghe mẹ nói, anh cảm thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trong lòng. Cơn mưa đầu mùa vừa dứt. Gió lại nhè nhẹ lùa vào khoảnh sân nhỏ trước nhà. Ánh nắng cuối ngày soi hai chiếc bóng đổ dài đang tựa vào nhau yên bình. Trong đầu Kiệt vẩn vơ hình ảnh đoàn tàu đang lăn bánh. Thôi thì dù sao máu cũng chảy chung dòng!