Bạn sẽ đến đích nếu chọn đúng con đường đi, và trong câu chuyện phát triển nông nghiệp của Việt Nam cũng tương tự vậy. Đó là thông điệp cốt lõi của cuốn sách vừa được Tiến sĩ Lê Đăng Lăng và Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông cùng một số nhà khoa học phát hành – “Hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.
Quyển sách được viết dưới dạng tài liệu khoa học về cách thức phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương. Một quyển sách cần thiết cho nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý và những ai quan tâm nghiên cứu về nông nghiệp.Quyển sách cũng cần thiết cho nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nội dung cuốn sách trình bày cách thức hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương. Với cách trình bày dễ hiểu, phần đầu cuốn sách mô tả thành tựu trong nghiên cứu và thực tiễn phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại một số quốc gia như Israel, Nhật Bản, Ấn Độ,.. và Việt Nam. Phần này cũng trình bày sự ảnh hưởng của môi trường vĩ mô và những chủ trương, chính sách liên quan.
Phần thứ hai sử dụng nhiều biểu đồ phân tích thực trạng nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam cũng như thái độ, kỳ vọng của nông dân đối với vấn đề này; cuối phần hai là những dự báo về thị trường tiêu thụ một số nông sản chủ lực.Đây có lẽ cũng là một điểm mới trong tư duy hoạch định phát triển nông nghiệp.
Phần thứ ba là tình huống vận dụng cụ thể, đây là chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của một địa phương do chính nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất. Phần này, các tác giả đã trình bày cơ sở hoạch định, mục tiêu phát triển và nội dung chiến lược, bao gồm các chiến lược về phát triển nông sản, định giá, bán hàng, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền nông dân, phát triển vùng, khu và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nhân lực và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ khí vào nông nghiệp.
Lời kết của cuốn sách cũng chính là những đúc kết quan trọng nhất mà Tiến sĩ Lê Đăng Lăng, một chuyên gia Marketing với trên 20 năm làm việc và tư vấn chiến lược kinh doanh cho nhiều công ty và Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông, một chuyên gia về phát triển nông nghiệp nông thôn muốn gửi đến bạn đọc, đó là muốn phát triển nền nông nghiệp của địa phương theo hướng ứng dụng công nghệ cao cần thực hiện đồng thời 05 giải pháp chính sau:
- Thứ nhất, làm rõ khái niệm nông nghiệp công nghệ cao và truyền thông phổ biến khái niệm này.
- Thứ hai, hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho riêng địa phương trước, sau đó mới xác định giải pháp công nghệvận dụng; đồng thời cần xây dựng chính sách kết 04 nhà, bao gồm Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà đầu tư và Nhà nông.
- Thứ ba, truyền thông định hướng và hướng dẫn nông dân tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chính, còn doanh nghiệp nông nghiệp là lực lượng tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
- Thứ tư, đẩy mạnh quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, xem là giải pháp chính cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; riêng việc thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao là một trong nhiều lựa chọn, chưa thể là lực lượng chính để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
- Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng cũng như phát triển nguồn nhân lực cho 03 ngành công nghệ chủ lực, gồm công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa; ngoài ra, một số ứng dụng trong công nghệ thông tin dựa vào sự phát triển của công nghệ số cũng nên được nghiên cứu, vận dụng.
- Xem thêm: Hướng dẫn triển khai Lean Six Sigma – công cụ giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí
_______
Tác giả: Tiến sĩ Lê Đăng Lăng, Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông và Cộng sự
Kích thước: 16 x 24 cm
Nhà xuất bản: NXB Kinh tế TP.HCM
Thể loại: Sách chuyên khảo
Số trang: 400
Hình thức: Bìa mềm